Kỳ 6

17 Tháng Sáu, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Thiếu an toàn: đi bộ từ khách sạn Holiday Inn tới “Thủ đô tàu hũ” trên đường Beishen Road, Shenkeng

Nguyễn Hồng-Anh

***

Ngụ tại khách sạn Holiday Inn, coi như chúng tôi đang ở khu Shenkeng thuộc Quận Đài Bắc (Taipei County). Ngày đầu tiên đến Đài Loan, người anh họ đã mời chúng tôi đi ăn sáng tại một chợ gần đấy, chừng dăm ba phút lái xe. Trên đường đi, anh chỉ cho chúng tôi trường Đại học Kỹ thuật Tungnan nằm bên trái nơi mà anh đã theo học vài năm.  Đến gần chợ, có một tiệm treo bảng hiệu song ngữ với giòng chữ “Quán Ăn Việt Nam”. Nhưng chúng tôi vào trong chợ để thưởng thức hương vị và khung cảnh đặc thù của địa phương này, của người Tàu Đài Loan.

Từ “Thủ đô tàu hũ”…

Người anh họ hỏi chúng tôi muốn ăn gì, nhưng lúc này đã hơn 10 giờ –sáng cũng không hẳn sáng mà ăn trưa cũng chưa tới giờ–   nên tôi đề nghị kêu gì cũng được. Và chúng tôi đã được ăn bữa cơm với thịt ngỗng luộc chưa chín tới, măng xào và tàu hũ.

Người anh giới thiệu đây là khu trung tâm của thị trấn Shenkeng, được anh dịch là Thâm Cốc hay Hang Sâu. Nơi đây ngày xưa là khu hầm mỏ và ngày nay nổi tiếng là khu buôn bán với nhiều cửa tiệm bán tàu hũ. Trong ngày đầu tiên đặt chân xuống Đài Bắc và lên tháp Taipei 101 vọng cảnh quan sát thành phố, chúng tôi biết khách sạn chúng tôi nằm trong khu vực đông nam của thành phố, giữa rừng núi (bởi vậy tối hôm đó bị lạc đường, sâu trong rừng).

Vì vậy, tôi nói với nhà tôi phải tới đấy, đi sâu vào trong làng mạc gần núi để xem sinh hoạt của người dân ở đây.

Tôi nhớ câu nói của một ông thầy hồi còn trung học rằng vào nhà ai mà muốn đánh giá chủ nhân trước hết hãy quan sát (sự sạch sẽ của) cái cầu tiêu, nên khi tới tham quan con rồng Á Châu của thập niên 1980, ngoài những nét kiêu sa của lâu đài thời quân chủ, những tòa nhà nguy nga, cao tận mây xanh (tháp Taipei 101), những con đường phồn hoa đô hội, tôi còn muốn đi vào làng xã, các hang cùng ngõ hẻm để xem cuộc sống của người dân đen như  thế nào.

Một ngày trước khi rời Đài Bắc, chúng tôi dành trọn ngày đi lang thang, gặp đâu tới đó không định trước, nhưng trước hết chúng tôi đi tham quan  khu Shankeng bằng cách đi bộ.

Khách sạn Holiday Inn nằm trên đường Beishen Road. Chúng tôi rẽ phải đi bộ dọc con đường hai chiều khá hẹp chỉ có hai làn (lane), và mỗi bên có thêm một làn cho xe đậu, nhưng có nơi nhà cửa phố xá lấn ra đường, không còn chỗ cho xe đậu.

Bạn thử tưởng tượng những hương lộ các thị trấn, tỉnh lẻ ở Việt Nam. Chỉ khác nhà cửa hai bên đường Beishen là những khu phố nhiều lầu, từ hai đến bốn năm tầng nhưng rất cũ như những con đường nhỏ trong Chợ Lớn năm xưa.

Vì nhà cửa lấn ra đường, nhiều đoạn không còn chỗ cho vỉa hè hay đường mái hiên, bạn phải xuống đường dành cho xe hơi chạy, như bạn đang phải đi bộ trên cầu xa lộ! Mà xe hơi ở những đoạn đường này chạy khá nhanh. Ngày hôm trước đã có tai nạn, nên đi bộ “ngắm cảnh” khu phố cổ này, chúng tôi có lúc thót tim vì xe chạy quá sát khách bộ hành.

Hôm nay là ngày Thứ Bảy, xe cộ nhộn nhịp, người đi lại tấp nập. Nhiều xe bus chở du khách dừng ở một số tiệm ăn dọc bên đường. Không đọc được chữ Hoa, chẳng nói được tiếng Tàu, nên chúng tôi chẳng biết những quán đó là gì, chỉ đoán có thể là quán du khách dừng ăn trưa.

Chúng tôi vào con hẻm của khu chợ mà người anh họ đã đưa đi ngày trước, nhưng hôm nay phải chen chúc, nhích từng bước một để xem thiên hạ mua bán. Ở đây mọi chữ viết đều là tiếng Tàu, lên mạng xem mới biết đó là con đường được gọi bằng tiếng Anh là Shenkeng Old Street.

Xưa cũ là phải. Con đường rất hẹp, ngang chừng vài mét, dài khoảng hai ba trăm mét, hai bên là quán xá.

Nổi bật và đáng chú ý nhất là những cửa hàng bán đậu hũ (tofu, tàu hũ) với những nồi nước sôi cực lớn chưng trước cửa tiệm để lôi cuốn khách. Sau này tôi mới biết con đường này còn có tên là Shenkeng Tofu Street.

Shenkeng Tofu Street với giòng người chen chúc cạnh những nồi đậu hũ

Ngoài tàu hũ là món ăn quốc hồn quốc túy của người Tàu, còn có những cửa tiệm thịt gà luộc, vịt luộc treo tòn ten màu vàng óng giữa trời nắng, những miếng thịt đã được chặt nhỏ vẫn nằm trên thớt, người mua kẻ bán, tiếng rao hàng trông như ngày hội. Hội gì đây? Tôi cũng không biết vì đây là ngày 2.5.2009. Người ta nói thị trấn Shenkeng nổi tiếng về món tàu hũ vì ở đây có đủ thức ăn, sản phẩm được làm từ tàu hũ và do đó thị trấn Shenkeng được gọi là Thủ đô Tàu hũ của Đài Loan,  thu hút du khách trong nước, thậm chí ở hải ngoại.

Thấy trời nóng, đông người, lại không hảo món đậu hũ, tôi nói với nhà tôi chớ vào ở các quán dọc con hẻm đông người này, đi sâu vào trong núi xem có chỗ nào thơ mộng, mát mẻ hơn để ăn trưa.

Chúng tôi lần vào con đường làng của người dân địa phương, thấy một tòa nhà có đề chữ Anh “Shenkeng Township Public Health Center”. Qua khỏi nơi này, bạn sẽ gặp cây cầu xi măng hai chiều vừa đủ để xe chạy và lề đường cho người đi bộ. Cây cầu này có thể xây cả trăm năm trước, bắc ngang con sông nhỏ chạy dọc thung lũng. Như thế, con đường Beishen Road và nhà cửa trong khu vực này nằm dọc con sông này và hai bên đều là núi.

Khá thơ mộng: một cây cầu dẫn vào làng Shenkeng trong đó có nhà hàng, quán ăn

Vào sâu chừng một cây số, chúng tôi thấy có những nhà hàng và quán ăn có vườn rộng, có kê bàn ăn rải rác dưới mái hiên hay trong sân. Khách là những chàng thanh niên, những ông xồn xồn hay những gia đình trẻ. Người Tàu ở Chợ Lớn, Bắc Kinh, Hồng Kông, Tân Gia Ba hay ở Đài Bắc, ở  đâu tôi cũng thấy giống nhau một điểm: bận rộn với ăn và hưởng cái khoái của sự ăn uống.

Những bảng hiệu bằng giấy, những biểu ngữ màu mè treo trước cổng và giá tiền viết bằng số chẳng giúp chúng tôi hiểu được ở đây bán thức ăn gì, nhưng văn hóa ẩm thực không đòi hỏi phải rành một ngôn ngữ nào: cứ nhìn và chỉ. Khung cảnh thiên nhiên của rừng núi chung quanh làm chúng tôi chọn nơi này để dừng chân, vào một cái quán trông bình dân sau khi đã đi một đoạn đường.

Chúng tôi chọn một cái bàn ở mái hiên vì trời nắng.  Bàn được khoét chừa một lỗ hổng hình chữ nhật để người ta bỏ cái lò barbecue vào sau khi đã đốt than đá. Như vậy là chúng tôi được ăn đồ nướng do sức nóng của than hơn là của lửa bếp gas, bảo đảm sẽ ngon hơn.

Các nữ tiếp viên đưa cho chúng tôi tờ thực đơn bằng chữ Hoa trong khi chúng tôi nói tiếng Anh và họ nói tiếng Tàu. Chủ và khách thông hiểu nhau qua ánh mắt, nụ cười và những cái gật đầu. Phần lớn người Đài Loan ở trên phố còn không nói tiếng Anh thì mong gì người dân quê ở thị trấn Hang Sâu này.

Cô tiếp viên và có vẻ là cô chủ quán niềm nở và phục vụ chu đáo, giúp chúng tôi tận tình kể cả chỉ cách xếp những miếng giấy bạc cắt sẵn để làm thành những cái đĩa hình chữ nhật thay khay nướng. Do đó, xài xong hay muốn thay món nướng khác, cứ việc bẻ bốn góc là có ngay cái khay nướng mới để bỏ vào lò barbecue.

Cô chỉ vào tờ thực đơn, lấy máy tính bấm, khi thì những con số trên 200 Đài kim, khi thì trên 300 (1 Úc kim ăn khoảng 21 Đài kim), tôi cứ việc gật đầu OK  vì nghĩ một phần ăn khoảng $20 Úc kim cũng là dễ chịu với vô số thức ăn. Rồi cô chỉ cho chúng tôi những nơi lấy trái cây, thức tráng miệng, rau cỏ.

Tôi hiểu mang máng có thể đây là hình thức all you can it, một loại buffet nhưng rất có thể thức ăn thì giới hạn, bởi không thấy nằm trước mặt mà được họ đưa ra từ từ.

Lò lửa barbecue đã được đem lên bỏ vào lỗ trống giữa bàn. “Giờ thánh” đã bắt đầu.

Cô chủ đưa ra hai đĩa thịt heo thái mỏng, một đĩa cá nhỏ xem ra như cá kèo, một đĩa tôm, một đĩa cánh gà và đùi gà, một nồi xúp và một bịch bơ nhỏ để xịt vào thức ăn khi nướng… Sau đó lại tiếp tế thêm thịt gà, một con cá kình gói sẵn trong giấy bạc. Bạn có thể lấy bắp ngô, khoai lang để nướng…

Gầy nhưng lại là thầy ăn, ngồi hai tiếng đồng hồ cho đến bếp than tắt, chúng tôi đã dọn dẹp sạch sẽ thức ăn trên bàn.  Nhà tôi và cả tôi nói với nhau chưa bao giờ ăn một bữa ăn ngon như thế. Bạn ạ, cuộc đời sẽ mãi mãi thú vị nếu mỗi lần ăn lại cho rằng chưa bao giờ ngon như thế!

Đây có lẽ là lần đầu tiên mà chúng tôi ăn trưa nhiều, bởi ở nhà cũng như đi du lịch, chỉ có buổi tối chúng tôi mới ăn nhiều và dĩ nhiên (tôi) uống nhiều. Cuộc đời của con người có bao nhiêu năm, phải ăn cho sướng phải không bạn?

Bạn thử tưởng tượng một “đại yến” như thế tốn bao nhiêu? $690 Đài kim tính thêm hai ly bia thành $797, tức khoảng $38 đô la. Cho 2 người! Chẳng có nơi nào rẻ hơn, nhưng có lẽ nhờ đây là khu miệt vườn.

… Tới thành phố Đài Bắc

Lúc này đã 2 giờ rưỡi chiều. Giữa trời nắng mà ăn no lại uống bia, thường dễ buồn ngủ. Tôi dự tính đón xe về khách sạn ngủ một giấc rồi hãy lên phố. Nhưng khi xe chạy gần tới khách sạn, chúng tôi đổi ý vì nghĩ rằng nếu ngủ thì chiều tối mới dậy, mà sáng mai thì đã lên đường sang Nam Hàn, nên cứ ngồi trên chuyến xe bus 912 đến khi xe chạy tới trạm City Hall Station. Đi xe bus mất $15/người.

Chúng tôi nhìn trong bản đồ thấy trên tuyến đường xe metro đông tây có vài tên nghe quen thuộc hay nói lên cái gì đó như  Shandao Temple, Longshan Temple… Đi xa hơn nữa về phía đông nam có Lin Family Mansion and Garden một di tích lịch sử được hình thành từ cuối thế kỷ 19. Vé đi một đoạn như vậy từ $20 đến $30 Đài kim.

Trước hết, chúng tôi tới đền Longshan Temple. Tôi hoàn toàn không biết tiếng Tàu, lại không có người phiên dịch, nhưng nghe cái âm Longshan Temple thì nghĩ rằng đây là đền Long Thần, đền Thần Rồng. Đoán mò nhưng cũng gần đúng.

Trước cổng đền Longshan Temple được coi là linh thiêng

Đi qua 7 trạm, nhảy xuống trạm Longshan Temple, cũng là nơi có ngôi đền nổi tiếng này.  Đền nằm giữa khu vực bờ sông và Dinh Tổng Thống, cách mỗi nơi chừng một cây số.

Đền được xây vào cuối thế kỷ 18 bởi các di dân từ Phúc Kiến. Trải qua chiến tranh và thiên tai, đền bị hư hại, cháy nhưng sau Đệ nhị Thế chiến được trùng tu lại, giữ nguyên những nét kiến trúc cổ kính cũ và được xem là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất, rộng lớn nhất, lộng lẫy nhất ở Đài Loan.

Cổng đền, các mái đền được gắn hình những con rồng bay lượn. Các cột nhà bằng đồng chạm hình con rồng cuộn chung quanh nên có lẽ vì thế mới gọi là đền thần rồng. Trần nhà bằng gỗ khắc đẽo tinh vi, những bức tranh sống động treo trên các bức tường.

Đền nằm ngay phố xá, chợ búa bên cạnh những tòa nhà cao tầng nhưng vẫn tạo cho đền một vẻ biệt lập với thế giới bên ngoài. Chúng tôi tham quan đền gặp lúc khách thập phương đến cúng viếng, đông đến độ phải nhích từng bước khi vào tiền điện, trong sân, đại điện và những điện nhỏ khác.

Tôi có cảm tưởng đây là Lăng Ông Lê Văn Duyệt vì hương khói ngập mọi nơi. Người ta cầu nguyện, khấn vái, thắp nhang, đốt giấy, xin xâm.

Người ngồi, người đứng, người quỳ. Kẻ cúi đầu, kẻ chấp tay. Hàng ngàn người. Họ đi tới, lui, sắp hàng để đến những khu vực khấn vái. Mọi người có vẻ thành tâm trừ chúng tôi và vài du khách tây phương đến đây để tham quan. Và trong đền, có những sạp bày đủ lễ vật, thức ăn. Người ta sắp hàng lấy và cúng vái, có vẻ không phải trả tiền nhưng sau đó có lẽ sẽ cúng dường.

Người Đài Loan khác với người Tàu ở Hoa Lục là họ thờ nhiều thần mặc dù Phật Giáo là chính. Người ta nói ở trong Đền Longshan có thờ Phật, Lão Tử và Thiên Hậu nhưng tôi thấy hình như có cả tượng của Quan Công. Bàn thờ nào, tượng nào cũng được khách hành hương đến cúng vái rất thành tâm. Họ là những cụ già, những người xồn xồn, những thanh niên nam nữ và cả những thiếu niên.

Từ Longshan Temple, nhìn vào bản đồ thấy gần đó có một địa điểm gọi là Huaxi Street Tourist Night Market. Chợ đêm dành cho du khách? Đúng là không hẹn mà đến, khỏi phải đi đâu xa. Chúng tôi đi bộ tà tà về con đường đông đúc người qua lại và hỏi những chàng thanh niên mặc áo đồng phục có vẻ là những bảo vệ trật tự, người gác đường. Chẳng ai hiểu Tourist Nigh Market là cái gì. Họ láo nháo đi tìm một người trong nhóm nói được tiếng Anh, và ông này gật đầu. Tôi đã tìm đúng đường. Thật vậy, vừa ngước lên thì thấy cái cổng chào với giòng chữ tiếng Anh thật to “Tourist Night Market”.

Có nhiều du khách ngoại quốc trong khu vực này. Chúng tôi đi dọc con đường này để xem những sinh hoạt hai bên đường. Nhưng không phải một đường, mà còn có một hai con đường song song và cắt chéo con đường này cũng bày biện hàng hóa, thức ăn ra giữa đường để bán.

Chúng tôi thấy một sân khấu với phông quảng cáo lớn hình các diễn viên trông như đào kép “Thanh Sang Lệ Thủy”.  Khán giả đem ghế nhựa ra ngồi kín cả một đoạn đường. Những sửa soạn trên sân khấu cho thấy gần đến giờ trình diễn.

Trời cũng đã xế chiều. Tôi chưa có dịp ngắm con sông chảy ngang thành phố Đài Bắc nên khi biết rằng mình đang ở gần bờ sông, bèn bảo nhà tôi hãy đi ra bờ sông xem cảnh vật ra sao. Nhưng đi mấy trăm thước thì bắt đầu giống như đi vào các con hẻm ở Trương Minh Giảng hay Trương Minh Ký. Hẹp, ngoằn ngoèo và hơi tối, chỉ  đủ cho những chiếc xe gắn máy chạy.

Dù mê nhìn sông và đi bất cứ thành phố nào  cũng muốn ra sông ngắm cảnh, nhưng lần này tôi chịu thua và bảo nhà tôi trở lại vì trời đã tối, lại không chừng cảnh ở đây nếu không giống những con lạch ở Quận Ba thì cũng chỉ giống ở Nhà Bè?  Hướng này là hướng tây. Đoán mò vậy, chứ tôi chưa thấy thì chưa thể có lời bình.

Khi đứng trên tháp Taipei 101, với mắt trần tôi thấy có một vài đoạn sông lý tưởng để ngắm như ở phía bắc thành phố nơi có hai cây cầu có tên Maishuai 1st Bridge và Maishuai 2nd Bridge.

Trở lại khu chợ Tourist Night Market nhìn cảnh buôn bán về đêm, tôi thấy những sinh hoạt ở đây cũng giống thị trấn Shenkeng, chỉ có khác là con đường rộng hơn, dài hơn và có nhiều quán, sạp hơn vì đây là trung tâm phố. Nhưng ngoài thực phẩm, còn bán áo quần và đồ gia dụng. Một loại chợ trời về đêm.

Chúng tôi chỉ uống nước chứ chưa ăn được vì vẫn còn no với buổi ăn trưa vừa rồi. Đi lang thang xem người và cảnh vật, trong những sạp, xe đẩy giữa đường chúng tôi thấy có một chiếc xe nhỏ ghi những chữ Việt “Mì thịt, Hột vịt lộn” bên cạnh có hai phụ nữ.

Hỏi chuyện, được biết hai cô gái này có chồng người Đài Loan, đã qua đây được 10 năm. Một cô có đứa con nhỏ, còn cô kia cho biết chưa vào quốc tịch Đài Loan vì muốn giữ quốc tịch Việt Nam.

Hai cô ở quận kế cận, sang đây bán vào buổi tối. Khu chợ trời này hình thành đã được 10 năm. Ban ngày là con đường phố bình thường, ban tối đóng đường và đem đồ ra đường bán từ 6 giờ chiều đến 12 giờ hay 1 giờ khuya. Hai cô gái Việt Nam đã “làm chủ” khoảnh đất nho nhỏ giữa đường này, nếu không muốn buôn bán thì có thể sang lại cho người khác.

Hai cô cho biết sắp có tuồng Hồ Quảng, nhưng các cô không đi xem vì không hiểu tiếng Đài.

Trời đã tối, chúng tôi đón xe đi ngược về chỗ cũ là Taipei City Hall, nhưng đến trạm Shandao Temple lại nhảy xuống để coi cái đền này có gì lạ không,  có phải là Đền Thần Đạo như cái âm mà tôi đoán không. Nhưng lúc này đền đã đóng cửa.

Đứng ngoài nhìn vào cái đền to lớn cao bảy tám tầng nằm trên con đường chính của thủ đô Đài Loan, tôi nhận ra đây là một ngôi đền thờ Thần Đạo như chúng tôi đã có dịp tham quan ở Đông Kinh cách đây khoảng hai năm. Đài Loan đã bị Nhật đô hộ trong nửa thế kỷ và đây là di sản mà con cháu Thái Dương Thần Nữ để lại cho con cháu Khổng Tử.

Trời đã tối, không còn thể đi đâu được nữa. Chúng tôi đón xe trở về trạm Taipei City Hall, đi bộ tới khu tháp Taipei 101 để hòa mình với cuộc sống về đêm của người địa phương lần chót trước khi rời Đài Bắc vào sáng hôm sau.

Tác giả và một cô gái hóa trang trong khu phố Tháp Taipei 101

Trên đường đi bộ của khu phố có ca sĩ trình diễn (bán CD), các nghệ nhân đóng vai tượng đá đủ kiểu, diễn viên kịch câm. Lại có người phô diễn những con chó dễ thương và khôn làm trò cho người qua đường ngắm và sờ. Chúng tôi cũng không quên chụp hình trước con bò tượng trưng (của người Hoa) cho năm nay, năm mà người Việt gọi là Kỷ Sửu, năm con trâu. (Còn nữa)