Kỳ 9

08 Tháng Bảy, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Gặp lần thứ hai trên con đường dọc Sông Hán ở khu Yeouido: Nguyễn Hồng Anh và ông Shon Suho (trái), ký giả của tờ The Kukmin Daily, người Hàn đầu tiên chỉ đường và giúp tác giả mua vé xe điện đi Itaewon

Nguyễn Hồng-Anh

***

Chúng tôi tới thành phố Seoul vào chiều Chủ Nhật 3.5.2009. Đây là lần thứ hai chúng tôi  ghé phi trường  Incheon International Airport vì cách đấy 5 ngày, chúng tôi đã đáp máy bay từ Melbourne xuống đây ngủ lại một đêm đợi chuyến máy bay sáng hôm sau qua Đài Bắc.

Đi Đài Loan hay Hoa Kỳ bằng máy bay của hãng Korean Airlines, bạn sẽ phải ghé qua phi trường Incheon để đổi máy bay hay ngủ qua đêm chờ chuyến bay ngày sau. Cho nên du lịch Nam Hàn trong vài ngày mà chúng tôi tới phi trường Incheon hai lần là vậy.

Chọn khu phố nào khi thuê khách sạn?

Chúng tôi muốn ở khách sạn trong khu Itaewon, khu phố được xem là dành cho người Tây phương, cho khách du lịch, nhưng đặt chỗ online phải ít nhất 3 ngày trước. Bởi một ngày trước khi rời Đài Bắc chúng tôi mới book khách sạn, nên phải chọn bất cứ một nơi nào để có chỗ trọ ngay khi tới, hơn là xách va-li đi vòng vòng ở nơi xa lạ, phần lớn người trên đường phố không nói tiếng Anh.

Chúng tôi chọn khách sạn The Lexington Hotel ở khu Yeouido, một khách sạn được xếp hạng từ 3 đến 4 sao có danh xưng là “The Business Hotel”, tiền phòng giường đôi $157 Úc kim một đêm.

Mặt tiền khách sạn  xây theo kiến trúc cổ điển tây phương, bên trong vẫn còn giữ khung cảnh của những khách sạn cổ kính. Tầng trệt có nhà hàng và khu lobby với cây đàn dương cầm điện chơi tự động do cựu Tổng thống Toàn Đẩu Hoán để lại. Ở tầng hai có 3 nhà hàng chuyên biệt gồm Tàu, Nhật và Mỹ; lầu 14 có phòng họp, phòng hội nghị để khách dùng khi cần.

Khu phố Yeouido nằm trên một hòn đảo lớn sát bờ phía nam sông Hangang (theo tự điển mở Wikipedia, gọi là Hán Giang hay Sông Hán chứ không phải Sông Hàn), được coi là một Manhattan của Nữu Ước bởi nơi đây có thị trường chứng khoán, có trụ sở những đài truyền hình lớn của Nam Hàn như đài truyền hình quốc gia KBS hay đài truyền hình MBC.

Cũng trong khu phố Yeouido có cao ốc 63 Building màu vàng là cao ốc cao nhất ở thủ đô Nam Hàn và đáng nói hơn cả trụ sở Quốc hội cũng nằm tại đây. Nhưng nói cho cùng, đối với du khách như chúng tôi, khu phố Yeouido không lý tưởng bởi đây là khu hành chánh và thương mại chứ không phải là khu mua sắm và vui chơi.

Quốc hội Nam Hàn, chụp trên đường từ phi trường vào thành phố

Khu phố Yeouido cách trung tâm thành phố (downtown/ City Hall) chừng năm, sáu cây số đường chim bay. Đi taxi lên trung tâm phố mất từ 20 đến 30 phút và đi metro mất từ 45 phút đến một giờ.

Trong khi vé xe điện chỉ 1,000 won tiền taxi có thể  từ 8,000 đến 13,000 won tùy bị kẹt xe hay không (một Úc kim ăn khoảng 900 won).

Khu phố Itaewon nổi tiếng dành cho du khách Tây phương nằm ở phía bắc sông Hán, cách Yeouido chừng ba, bốn cấy số. Đường từ  Itaewon lên phố (lấy City Hall làm chuẩn) dài khoảng hai, ba cây số do đó bạn có thể đi bộ tới trung tâm phố được.

Trong bản đồ Map of Seoul mà tôi xin ở văn phòng hướng dẫn du lịch tại Seoul, người ta sắp hạng 5 loại khách sạn như sau: Super Deluxe, Deluxe, 1st Class, 2nd Class và 3rd Class. Khách sạn The Lexington Hotel mà chúng tôi ngụ thuộc loại DeLuxe trong khi khách sạn Itaewon Hotel chúng tôi muốn thuê mà không được thuộc hạng 1st Class (tương đương 3 sao).

Như đã nói trong bài trước, Hán Thành (Hanseong hay Hanyang) là tên cũ của kinh đô Đại Hàn (Triều Tiên) trong khi tên Seoul là tên mới đặt sau này, một danh từ không có từ  Hán Việt tương đương.  Thủ đô của Đại Hàn có nhiều tên khác nhau trải qua các triều đại trong lịch sử. Seoul có gốc từ  Seorabeol, kinh đô của vương triều Silla (Tân La).

Seoul theo tiếng Hàn có nghĩa là thủ đô  nên để dễ gọi, tôi sẽ gọi thủ đô của Nam Hàn là Seoul (tôi nghe người bản xứ phát âm là Xâu).

Nhìn bản đồ của thành phố Seoul, bạn sẽ thấy có 4 khu phố nổi bật:

  1. Downtown nằm ở phía bắc sông Hán, là trung tâm phố nơi có City Hall, địa điểm tổ chức hội hè và cũng là nơi có những loại khách sạn 5 sao như Lotte, Seoul Plaza, Westin, Sofitel v.v… Downtown nói theo kiểu người Úc là CBD (Central Business District) hay theo người Việt Miệt Dưới là City (hay xi-tì).
  2. Itaewon nằm ở phía nam trung tâm phố, giữa downtown và sông Hán. Đây là khu nổi tiếng đối với du khách tây phương, có những loại khách sạn 3 sao như Itaewon Hotel, Hamilton Hotel và khách sạn 5 sao như Grand Hyatt.
  3. Yeouido là khu phố ở phía tây nam downtown bên kia sông Hán là nơi chúng tôi ngụ, có khách sạn 4 sao như The Lexington Hotel
  4. Yeongdong – Jamsil là khu phố ở phía đông nam downtown, cũng ở bờ nam sông Hán là nơi có những sân vận động lớn và cũng là nơi tổ chức Thế vận hội Seoul 1988 (Jamsil Olympic Stadium).

Ngày đầu tiên ở xứ củ sâm,  tìm hiểu khu phố đa văn Itaewon

Cũng như ở Nhật Bản và Đài Loan, chúng tôi không biết tiếng bản xứ đã đành, đọc các ngôn ngữ này được viết theo dạng La Mã cũng khổ bởi ngoài cái tên đa âm dính liền nhau rất khó nhớ, có lúc còn cộng thêm cái tên hành chánh ở đằng đuôi.

Cao ốc trường chứng khoán KYOBO nằm trên đại lộ có 10 lanes ở khu Yeouido. Từ đây, có thể thấy mái vòm của tòa nhà quốc hội

Ở Nam Hàn cũng rứa, bạn phải làm quen với những chữ cuối để biết đơn vị hành chánh nơi mình tham quan hay muốn tới, như Do (Province); Si (City); Gun (County), Gu (District); Eup (Town); Myeon (Township); Dong (Neighnourhood); Ri (Village).

Itaewon (đọc là i-tê-guông) là một khu (dong) nằm trong quận Yongsan-gu (quận Long Sơn) ở phía bắc Sông Hán (Hangang). Đây là khu vực nằm trên trái đồi, gần núi Namsan (Nam Sơn) nơi có tháp Seoul Tower nổi tiếng của thủ đô xây trên đỉnh núi, là một thắng cảnh thu hút khách du lịch vì  có thể được xem là nằm ngay trong lòng thành phố (downtown).

Quận Yongsan (hay Yongsan-gu) có dân số khoảng 250,000 người, được chia thành 20 khu (dong) trong đó khu Itaewon được biết nhiều nhất vì nơi đây được coi là khu vực đa văn nhất ở thủ đô Nam Hàn.

Nhiều sắc tộc sinh sống làm ăn ở khu Itaewon và vì thế các du khách ngoại quốc thường chọn nơi này để cư ngụ.  Nơi đây cũng thường thấy bóng dáng các quân nhân Hoa Kỳ  bởi vì  Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đóng tại quận Yongsan.

Từ  phi trường Đào viên (Đài Bắc) tới Phi trường Incheon mất khoảng 2 tiếng rưỡi bay, chúng tôi đón xe bus (chứ không dùng taxi) và mất thêm khoảng một tiếng nữa thì tới khách sạn The Lexington ở khu Yeouido. Làm thủ tục lấy phòng, chúng tôi hỏi nhân viên phương tiện di chuyển để đi tham quan khu Itaewon ngay vì lúc này đã 5 giờ chiều rồi.

Các nhân viên của khách sạn có biệt danh là “The Business Hotel” này ra vẻ ngạc nhiên tại sao chúng tôi không kêu taxi mà hỏi phương tiện công cộng làm chi cho mất công. Tôi giải thích với họ chúng tôi chỉ là du khách nên muốn đi bằng phương tiện công cộng để khám phá thành phố.

Họ cho biết gần khách sạn có nhiều trạm xe bus nhưng dùng phương tiện này hơi khó cho người mới tới, còn trạm xe metro thì phải mất khoảng 15 phút đi bộ. Đứng trong khách sạn họ lấy tay chỉ ra ngoài đường bảo đi tới hướng đó, nhưng thật sự họ đã chẳng giúp ích gì cho chúng tôi và chúng tôi cũng không thể đòi hỏi gì hơn. Khách sạn cũng chẳng có bản đồ ngoài những quảng cáo các chuyến đi tour, các danh lam thắng cảnh.

Buôn bán lấn lề đường Itaewon-dong ở khu Itaewon

Tôi bảo nhà tôi cứ ra đường, rồi đi và mình có cái miệng thì đi đâu cũng tới, nếu người ta không hiểu thì làm dấu, bởi chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về hỏi đường và lần mò đường.

Như đã nói trong số báo trước, chúng tôi đã được một người đàn ông sau này mới biết là một nhà báo hướng dẫn tới Subway, giúp chúng tôi mua vé, đưa chúng tôi tới tận toa xe để bảo đảm không đi lộn tuyến đường. Vé đi trong nội thành thành chỉ 1000 won, chưa tới một Úc kim. Sau 10 cây số, mỗi chuyến đi dài thêm 5 cây số trả thêm 100 won.

Được thành lập từ năm 1974, hệ thống Subway ở thành phố Seoul (gọi là SMRT) với 8 tuyến đường là một trong những phương tiện di chuyển có đông người dùng nhất trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 8 triệu chuyến đi.

Để đáp ứng nhu cầu di chuyển trong thành phố và các vùng phụ cận, có 266 trạm xe với tuyến đường chằng chịt dài 287 cây số. 70% tuyến đường của loại di chuyển Rapid Transit này nằm dưới lòng đất. Một số trạm xe là kết quả của kiến thiết thời xưa, nhưng nhiều trạm rất hiện đại, có cửa kiếng an toàn  đóng lại, ngăn hành khách với đường rầy mỗi khi xe điện tới.

Các bảng hiệu chỉ đường ghi song ngữ Hàn và Anh.

Từ khách sạn The Lexington bạn có thể tới hai trạm xe Subway sau đây vì khoảng cách bằng nhau: Yeouinaru và  Yeouido. Cả hai trạm này nằm trên tuyến đường Line 5.

Itaewon về đêm: chủ quán ăn Ấn Độ mời khách qua đường vào ăn buffet

Chúng tôi thường dùng trạm Yeouinaru vì nó nằm sát bờ Sông Hán, đi bộ dọc bờ sông trong vòng 15 phút làm mình có cảm tưởng đoạn đường ngắn lại.

Lên phố tức lên hướng đông bắc, đi chừng 6 trạm là tới trung tâm phố. Dùng tuyến đường số 5, xe điện chạy dưới lòng đất Sông Hán.

Bạn đã có chút ý niệm về hệ thống Subway rồi chứ? Bây giờ mời bạn cùng chúng tôi lên đường qua khu phố đa văn Itaewon.

Lấy xe ở trạm Yeouinaru tuyến đường Line 5, bỏ trạm Mapo, tới trạm Gongdeok nhảy xuống để đổi xe khác. Lấy xe tuyến đường Line 6 chạy qua hướng đông, bỏ 3 trạm đến trạm thứ tư là Itaewon station thì nhảy xuống.

Ra khỏi trạm xe là bạn thấy ngay khung cảnh tấp nập của một khu phố đa văn trên con đường Itaewon-dong nằm trước mặt. Trên con đường này chúng tôi bắt gặp khách sạn 3 sao Hamilton Hotel mà tôi từng muốn thuê nhưng ghi danh Online người ta đòi book trước 3 ngày.

Lúc này cũng đã khoảng hơn 6 giờ chiều, chúng tôi vội vàng đi quan sát thật nhanh đoạn đường này trước khi trời tối hẳn để biết Itaewon là cái chi chi, vì nghĩ rằng sẽ không có dịp trở lại khu này trong những ngày tới.

Vừa đi quan sát phố xá, chúng tôi vừa so sánh khu phố này với khu phố mà chúng tôi đang trọ. Yoeuido đường sá rộng rãi, thoáng, có nhiều công viên, là một thành phố tân thời nơi có trụ sở quốc hội, thị trường chứng khoán, các cơ sở truyền thông lớn, là khu mậu dịch thương mại, nơi hội họp quốc tế, nhưng cũng vì vậy mà xem “hơi buồn” cho du khách.

Trong khi đó, dù chỉ đi trên con đường đối diện với trạm xe Subway ở Itaewon và vài con đường nhỏ, những con hẻm trong khu phố này, tôi thấy đây đúng là nơi thích hợp đối với khách du lịch.

Con đường không lớn, hai bên toàn là các tiệm bán áo quần, vải vóc, dày dép, đĩa nhạc và nhà hàng của nhiều sắc dân. Rất nhiều chủ tiệm trên đường phố này là người Ấn Độ. Nhiều mặt hàng được trưng ra lề đường dành cho khách bộ hành. Tôi được nghe ở Iteawon là nơi mua sắm lý tưởng đối với du khách nhưng vì thấy sự xô bồ và mặt hàng ở đây chẳng có gì hấp dẫn chúng tôi dành buổi tối đầu tiên ở Seoul để chỉ đi ngắm.

Chúng tôi vào một vài con hẻm và nhận thấy nhà cửa được xây trên đồi cao.  Đằng sau những cao ốc trên con đường chính là những căn nhà lẹp xẹp giống các khu bình dân ở Sài Gòn hay nói đúng hơn, như trên những con đường dốc Phan Đình Phùng, dốc Hàm Nghi hay Hoàng Diệu của Đà Lạt trước năm 1975.

Khu phố Itaewon khác xa khu phố Yeouido một trời một vực. Tôi nghe nói Itaewon nổi tiếng là khu phố ăn chơi nhất ở thủ đô Nam Hàn, là nơi có những thú vui cho người lớn (adult entertainment), là nơi người đồng tính sống tự do, không bị đối xử bất bình đẳng hay bị khinh rẻ như ở các thành phố Á Châu khác.

Chỉ nghe vậy bạn đủ biết Itaewon là cái chi chi. Với người Mỹ, Itaewon còn được gọi là “Little America in Seoul”. Bạn nên biết hiện vẫn còn hàng chục ngàn chú GI đóng quân ở Nam Hàn, kể từ chiến tranh Triều Tiên  chấm dứt vào năm 1953.

Chúng tôi đi xem một ngôi chùa nằm trên đồi cao của con đường Itaewon-dong và sau đó tìm quán ăn vì cũng đã tối rồi.

Cũng giống nhiều khu phố khác, nhân viên nhà hàng đứng ngoài cửa mời khách. Qua một con hẻm, chúng tôi chọn một nhà hàng Ấn Độ ăn theo lối all you can eat với giá 16,500 won một người.

Thấy con cừu quay hấp dẫn, tôi cắt mấy miếng nhưng chẳng ăn được. Cuối cùng trong vô số món ăn của nhà hàng Ấn Độ này, chúng tôi chỉ ăn được món thịt bò và gà cà-ri. Ngày đầu tiên trên xứ kim-chi mà lại ăn cà-ri! (Còn tiếp).

————-

Đính chính: trong bài trước, có 2 chữ bị đánh máy sai, xin đọc Taekondo là Taekwondo và Itaiwon là Itaewon. Cám ơn.