Kỳ 10

15 Tháng Bảy, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn

Nguyễn Hồng-Anh

***

Nửa ngày thứ nhất ở Seoul, chúng tôi đã đi tham quan khu phố đa văn Itaewon. Bạn sẽ hỏi tôi sau đó đi thăm cái gì?

Cái gì đó phải là cái làm cho tôi biết tới nhiều nhất trước khi đến Seoul, tức là biểu tượng của thành phố đó. Như  tháp Eiffel của Paris, Tượng Nữ Thần Tự Do của Nữu Ước, Tử Cấm Thành của Bắc Kinh hay Nhà Hát Con Sò ở Sydney.

Tôi hầu như không biết gì về các di tích lịch sử của Nam Hàn cho đến tháng 2 năm 2008 khi Namdaemun (nam đại môn hay đại nam môn, tức cổng lớn ở phía nam) bị một ông già 69 tuổi đốt vì bất mãn với chính quyền. Vụ này xảy ra khoảng nửa tháng trước khi Tổng thống Roh Moo Hyun mãn nhiệm (điềm xấu chăng? 15 tháng sau, ông cựu Tổng thống Roh nhảy xuống núi tự tử).

Chính quyền và các cơ quan chữa lửa đã bị chỉ trích vì chậm trễ và kém hữu hiệu trong việc dập tắt ngọn lửa kéo dài trong 5 tiếng đồng hồ đã tàn phá hầu như toàn bộ một di tích lịch sử lâu đời nhất của nước Đại Hàn được xây dựng cách đây hơn 600 năm dưới thời vua Thái Tổ của triều đại Triều Tiên (Teajo of Joseon).

Nhiều người Đại Hàn sửng sốt, khóc như cha mẹ họ chết khi nghe và thấy Namdaemun bị cháy. Họ tức giận vì cơ quan chữa lửa làm việc tắc trách, tưởng dập tắt được ngọn lửa vào buổi chiều nhưng không ngờ lửa còn úng bên trong, đến khuya bùng phát dữ dội khiến mấy trăm nhân viên cứu hỏa chẳng làm gì được. Viên chức coi sóc di sản văn hóa ở Nam Hàn nhận trách nhiệm và xin từ chức.

Phải tới Namdaemun  để xem bây giờ cái cổng này ra sao! Bởi vậy, qua buổi sáng hôm sau, chúng tôi tự  mò mẫm lên di tích lịch sử này để tham quan, và cũng đi bằng phương tiện xe điện Subway.

Ấn tượng đầu tiên về người Đại Hàn

Nhìn bản đồ, tôi chỉ biết rằng cổng Namdaemun Gate hay chợ Namdaemun Market gì đó nằm giữa ga Seoul Station và ga City Hall Station.  Một phụ nữ trẻ và đẹp –dù chưa bằng các diễn viên trong “phim tập Hàn Quốc”– nói được tiếng Anh thấy vợ chồng chúng tôi loay hoay trước máy bán vé tự động bèn tới giúp.

Khác với những lần trước mua vé đi trong thành phố chỉ 1,000 won, lần này lên tới 1,500 won. Cô gái giải thích nhưng tôi không hiểu.

Cô bảo chúng tôi lên tới trạm Seoul thì lấy xe đường số 4, tới trạm số 425  còn có tên là Hoehyeon nhảy xuống, vì  Namdaemum Market nằm trong khu vực trạm này. (Xin ghi ra một thí dụ về các trạm xe Subway như  trạm 425: số 4 là Line 4,  25 là trạm số 25. Mỗi trạm ngoài cái tên, còn có số như trạm 425, rồi 424, 422 nếu bạn đi dần lên hướng bắc).

Tôi còn cẩn thận xin cô gái ghi tên trạm Hoehyeon lên trên miếng giấy để có gì tôi còn nhờ người đi đường giúp. Cô đọc cho tôi một lần cái tên Hoehyeon này nhưng sau đó tôi không cách nào đọc lại được vì cái tên hơi dài dễ tới 5  âm và khó đọc nên chỉ còn biết cầm tờ giấy đưa cho người ta xem khi nhờ vả.

Tới gần Seoul Station, tôi gợi chuyện với một cô gái trông có vẻ thân thiện, hỏi đường. Cô bảo nhảy xuống lấy xe đi Hoehyeon. Nhưng khi ra cửa để đổi xe, nhét vé vào máy, cửa không mở. Một người Đại Hàn thấy vậy bấm nút emergency và cửa mở. Ông ta chỉ chúng tôi tới quầy bán vé gần đó.

Shinsegae: một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở thủ đô Đại Hàn, gần Namdaemun

Tôi đưa vé cho người bán vé, cầm tờ giấy có ghi chữ Hoehyeon và nói tôi muốn tới trạm đó nhưng ông bán vé lấy cái vé và đưa cho tôi 500 won.

Tôi không chịu nhận tiền, đòi lại cái vé, nhưng ông ta cầm cái vé dấu sau lưng và chỉ tôi ra hướng có hai chữ tiếng Anh  “Way Out”.

Bây giờ tôi mới hiểu việc mua vé 1,500 won là để phòng trường hợp mình đi xa quá quãng đường ấn định 1,000 won thì sẽ không gặp trở ngại khi đi ra cổng của trạm. Nếu đi chưa tới giá tiền đã mua, sẽ được trả lại như trường hợp của chúng tôi lúc này.

Thấy thiên hạ chung quanh nhìn hai bên nói hai thứ ngôn ngữ khác nhau và hầu như không hiểu ý nhau, tôi đành cầm 500 won mới được thối lại và nói với nhà tôi hoặc tiếp tục mua một cái vé mới 1,000 won hoặc đi bộ tới Namdaemun Market vì chỉ còn một trạm xe, cao tay lắm mất chừng 15 đến 20 phút đi bộ, lại được dịp ngắm thành phố. Nhưng khi ra bên ngoài, tôi không biết sẽ đi hướng nào, vì nếu đi lộn hướng thì sẽ mất thời gian và mệt.

Thấy một thanh niên ngoài 20 tuổi mang kiếng cận thị đi với một cô gái, tôi chận họ và hỏi đường tới Namdaemun. Anh thanh niên chỉ cho tôi chiếc xe bus, nhưng tôi nói tôi không biết mua vé như thế nào, vả lại muốn đi bộ để xem thắng cảnh vì tôi là du khách và rất muốn vừa đi vừa ngắm cảnh đẹp của đất nước này.

Nghe vậy, anh ta bảo hãy cùng đi bộ với anh tới đó. Trò chuyện dọc đường, thấy cặp thanh niên này trắng trẻo, cao ráo và hiếu khách, tôi nói chúng tôi thường xem “phim tập Hàn Quốc” và thấy hai anh chị cũng đẹp như các tài tử trong phim vậy. Cô gái tỏ ra bẽn lẽn nhưng tôi không biết cô có hiểu không vì cô không nói chuyện trong khi anh thanh niên cười, nói anh không nghĩ vậy.

Tôi hỏi có phải anh đang còn đi học không nhưng anh bảo đang làm việc part time. Chúng tôi đi qua những cơ sở lớn như  tháp Shinsegae là một department store nổi tiếng của thành phố mà sau đó chúng tôi có lên xem để coi trung tâm bách hóa này đẹp như thế nào.

Đến khu vực sầm uất với bảng hiệu ngộp mắt, anh thanh niên bảo chúng tôi đấy là cái chợ mà chúng tôi muốn đến. Tôi đã thấy hai chữ Namdaemun Market, chúng tôi chia tay. Tôi không biết cặp thanh niên này tiện đường cùng đi với chúng tôi hay thật sự họ đã bỏ công chỉ đường. Vì thế, qua ngày thứ hai và được chỉ đường tận tình như thế, tôi thật sự yêu thích đất nước này, nghĩ rằng những ngày du lịch ở đây sẽ lý thú như  ở Nhật Bản cách đây hai năm.

Từ Namdaemun…

À a!  Định đi xem cổng, cái cổng bị cháy nhưng bây giờ lại được xem cái chợ: Namdaemun Market. Tôi có đọc đâu đó nói chợ Namdaemun rất lớn, nổi tiếng sinh hoạt 24 giờ trong ngày (lại một New York không bao giờ ngủ), đã có từ hàng chục năm hay hàng thế kỷ gì đó. Chúng tôi thức dậy trễ, mất thời gian kiếm đường nên đã gần hai giờ chiều mà chưa có gì trong bụng ngoài ly cà phê ở khách sạn. Thấy sinh hoạt ở chợ này giống chợ Bến Thành tại Sài Gòn ngày xưa, tôi bảo nhà tôi cứ đi thêm vài đoạn trong khu vực này kiếm gì ăn dọc đường kiểu du khách ba-lô, khỏi cần vào trong tiệm hay các nhà hàng.

Thế là chúng tôi đã ăn ở những quán vỉa hè như  từng thấy trong phim Đại Hàn. Trời nắng chang chang, tôi thấy có những ông, bà đứng cạnh những sạp bán thức ăn giữa rừng người chen chúc, vừa húp những tô mì vừa lấy giấy tissue treo trên mái sạp chùi mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Trời Seoul đang mùa xuân nhưng ban ngày trời nắng và khá nóng, buổi tối có vài đêm rất lạnh phải mang áo ấm.

Hai người chưa tới 5 đô: cảnh đứng ăn trên đường đi trong chợ Namdaemun

Tôi và nhà tôi hòa nhập với đám đông người địa phương, hưởng cái thú vừa đứng giữa đường vừa ăn những xâu thịt luộc hâm nóng trên nồi nước khói nghi ngút hay húp một tô mì Đại Hàn lần đầu tiên trên xứ  này. Bạn đoán thử tốn bao nhiêu? 4,000 won, chỉ hơn $4 Úc kim.

Namdaemun Market -nằm sát Namdaemun Gate-  tuy chiếm một diện tích lớn, vài block của khu phố, nhưng do xây từ lâu nên đường sá trong chợ rất hẹp, chỉ dành cho người đi bộ, thỉnh thoảng có vài con đường xe nhỏ vào được, nhưng chủ yếu xe chuyên chở của các cửa tiệm, sạp hàng.

Chợ này là chợ bán lẻ lớn nhất ở thành phố Seoul, là nơi thu hút du khách ngoại quốc, nhưng phần lớn khách hàng vẫn là người Đại Hàn.

Giống chợ Bến Thành hay chợ Tân Bình, Namdaemun Market chủ yếu bán áo quần với giá sỉ và những thứ khác như giày dép, dù, vớ, ví và những đồ lưu niệm. Những người ở các thành phố khác đến đây mua hàng và đem về bán ở các tỉnh lẻ. Các tiệm lớn ở ngoài mặt đường cái bán những đồ cao cấp như máy ảnh.

Một con đường tiêu biểu bên trong chợ Namdaemun

Namdaemun (Nam Đại Môn) trước đây có tên Sungnyemun là một cái cổng lịch sử nằm giữa lòng kinh đô Hanyang (Hán Thành). Ngày xưa, vài năm sau khi lên ngôi, vua Thái Tổ đã cho xây cung điện Gyeongbokgung ở phía bắc thành phố dựa lưng vào núi phía bắc đồng thời xây thành quách bọc kinh đô đến gần ngọn núi ở phía nam (Namsan) nơi hiện có tháp viễn thông Seoul Tower.

Theo các tài liệu, năm 1395, vua Thái Tổ cho xây một cái cổng ở phía nam của kinh đô và đặt tên Sùng Lễ Môn (Sungnyenmun), có nghĩa là nơi tổ chức lễ hội, nơi tiếp đón các quan khách ngoại quốc khi họ đến viếng kinh đô. Ngày nay, cổng này được biết với cái tên quen thuộc là Nam Đại Môn.

Cổng hai tầng này được làm bằng đá và gỗ, mái ngói cong như mái chùa, có hình dáng giống cổng vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hay Cổng Ngọ Môn ở cố đô Huế, quê nhà của người viết.

Công trình này được hoàn tất vào năm 1398. Năm 1447, Namdaemun được xây lại và trải qua mấy trăm năm đã được trùng tu nhiều lần do hỏa hoạn hay chiến tranh gây nên.

Thời gian Nhật chiếm đóng Triều Tiên, các bức tường thành quanh kinh đô được phá bỏ để có thể mở rộng đường xá, giao thông dễ dàng. Cổng phía tây (Seodaemon, Tây Đại Môn) cũng bị phá luôn, chỉ còn hai cổng phía nam và phía đông. Tôi có nghe còn có một cổng phía bắc gọi là Bukdaemun, nhưng không biết nằm ở đâu và hiện còn tồn tại hay không.

Sau vụ đốt: bà Vũ Thị Hà trước cổng “giả” Namdaemun (Nam Đại Môn)

Riêng Namdaemun Gate trong ngày chúng tôi đến xem chỉ còn là bãi đất trống. Di tích tồn tại trong 6 thế kỷ qua chỉ còn là một số đá vụn. Người ta dựng một bức tường cao, bọc quanh cái cổng cũ vốn như cái bùng binh của trục giao thông (thật ra xe chỉ chạy quanh khoảng ba mặt, còn một mặt chỉ đi bộ). Trên bức tường cao đó, người ta vẽ vài bức hình cái cổng cũ khiến từ xa, bạn có thể lầm tưởng đó là cổng thật. Nhưng sẽ không lạ khi bạn thấy trong hình chụp nào đó, chỉ ở một góc cạnh mà có tới hai cái cổng Namdaemun!

Trong khi nhà tôi đi vòng vòng trong chợ Namdaemun, tôi đi quanh cổng (giả) Namdaemun để quan sát. Nhờ vậy, tôi được xem những tấm hình phóng lớn cổng Namdaemun chụp vào các năm như:

– 1888: hình đen trắng, quanh cổng có những căn nhà gỗ lụp xụp mái tranh.

– 1905: sát cổng có những nhà mái ngói và một đường rầy xe lửa chạy ngay giữa lòng cổng.

– 1929: cổng được tu bổ trông khang trang, không còn nhà cửa nằm sát cổng, đường rầy xe lửa không còn, những sĩ quan Nhật đi lại trước cổng trên con đường lát gạch hay xây xi măng.

– Một số hình đen trắng của những năm sau đó cho thấy cổng Namdaemun được bảo trì đúng mức, được ngăn lại bởi một bức tường đá vòng tròn để bảo vệ di tích này.

Năm 1962, chính phủ đã liệt Namdaemun vào di sản văn hóa (National Treasure) đầu tiên của Nam Hàn.

Vậy mà chỉ vì một ông già nổi khùng mà một di tích văn hóa lâu đời nằm giữa lòng thủ đô trở thành bình địa.

Tân Tổng thống Lee Myung-bak khi vừa lên nhậm chức sau vụ đốt phá đã tuyên bố sẽ xây dựng lại cổng Namdaemun nhưng không phải lấy tiền từ công quỹ mà sẽ lập ủy ban vận động để quyên góp từ các tư nhân, dân chúng. Tổng thống Lee quan niệm đây là di sản của dân do đó cần sự đóng góp trực tiếp của dân, nhất là nhân dân thành phố Seoul.

Dự trù sẽ mất 3 năm mới xây xong với chi phí $14 triệu đô la. Khi chúng tôi tới xem, đang thấy công tác ủi và san bằng đất.  Cũng giống cung điện nổi tiếng Gyeongbokgung của triều đại Triều Tiên được xây vào năm 1395, từng bị cháy và được trùng tu lại, có thể còn đẹp hơn cung điện gốc thủa xưa mà chúng tôi đã có dịp viếng trong chuyến Hàn du này, tôi nghĩ Namdaemun sẽ tái sinh.

Người Đại Hàn rất quý trọng các di tích văn hóa của họ. Họ có lòng và có tiền.  Vì vậy, đến thăm viếng thủ đô của người Đại Hàn, chúng ta có rất nhiều thứ để chiêm ngắm, chỉ sợ không có đủ thì giờ mà đi xem.

… đến Dongdaemun

Tác giả Nguyễn Hồng Anh trước cổng Dongdaemun (Đông Đại Môn)

Đến khi đặt chân tới Seoul, tôi mới biết ngoài Namdaemun, còn có Dongdaemun Gate và Dongdaemun Market.

Dongdaemun (Đông Đại Môn hay cổng phía đông) cách Namdaemun chừng 2.5 cây số đường chim bay, và dĩ nhiên nằm ở phía đông thành phố.

Phải tới  Đông Đại Môn cho đủ bộ! Nhưng chúng tôi đi trong một ngày khác.

Nhìn bản đồ thấy cổng phía đông nằm trong quận Jongno-gu,  từ khách sạn chúng tôi đi xe tuyến đường số 5 tới trạm Singil và đổi tuyến đường số 1 đi một lèo lên tận cổng Dongdaemun, mất khoảng 45 phút.

Bước ra khỏi ga xe điện là thấy lưng của cái cổng. Chúng tôi đến gần xem bản hướng dẫn và được biết cổng phía đông này được xây vào năm 1397, được trùng tu vào năm 1453 và kiến trúc đang có hiện nay được xây vào năm 1869.

Cũng từa tựa Namdaemun, Dongdaemun  là một tường đá cao, có cửa chính vòng cung. Trên tường đá cao này là đài quan sát bằng gỗ hai tầng, mái ngói. Cửa cổng khóa nên chúng tôi không có dịp lên quan sát, do đó chúng tôi băng qua đường để tham quan khu chợ được gọi là Dongdaemun Market.

Nhưng hoàn toàn khác biệt với chợ Namdaemun, chợ Dongdaemun là một khu phố tân thời với nhiều cao ốc, dưới hầm cũng có những khu bán đủ thứ.

Chúng tôi đi vài vòng ở nơi được gọi là lý tưởng cho du khách nhưng chẳng thấy gì hấp dẫn bởi các mặt hàng không quá sang như ở trung tâm phố mà cũng chẳng bình dân như khu chợ cũ Namdaemun. Do đó, tôi đề nghị với nhà tôi dùng buổi tham quan này đi bộ từ  Dongdaemun về trung tâm phố (City Hall Station) để ngắm phố xá.

Bạn có thể tưởng tượng giữa trời nắng đi bộ hàng cây số trên đường phố xa lạ để chỉ ngắm phố không mà thôi? Dù có lúc mệt lả vì nắng, vì mỏi chân, nhưng tham quan xứ lạ phải vậy thì mới hứng thú, như những du khách tây ba-lô. Đó là kinh nghiệm du lịch của tôi trong hai chục năm vừa qua.

Nghe kể vậy chắc bạn không còn dám đi ngắm cảnh với tôi nữa đâu! Nhưng bạn nên biết –nói nhỏ thôi nhé– tuổi tôi cũng đã gần sáu bó rồi đấy. Sau khoảng hai tiếng lội bộ và có lúc cũng chẳng biết mình đang ở nơi mô, nhà tôi đã bắt đầu thấm mệt, giống lần chúng tôi cuốc bộ giữa trưa dưới cái nóng 40 độ C từ  ga xe lửa cố đô Kyoto lên chùa Kiyomizu ở Nhật cách đây 2 năm.

Cho nên, chúng tôi phải kiếm một trạm Subway gần nhất để đón xe điện ngầm về khách sạn chuẩn bị cho cái hẹn tối nay với ông Lý Hi Uyên, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, một trong những mục tiêu của chuyến du lịch lần này của chúng tôi (còn tiếp).