Du lịch Đại Hàn (Kỳ 12) – Tôi gặp Lý Hi Uyên, hậu duệ Hoàng tử Lý Long Tường tại Seoul năm 2009

29 Tháng Bảy, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Buổi nói chuyện tại khách sạn The Lexington, thành phố Seoul: từ trái, Nguyễn Hồng Anh, Lý Hi Uyên và Bùi Khánh Đoan

Nguyễn Hồng-Anh

***

Trong mấy bài vừa qua, chúng tôi đã nói sơ về lịch sử của Đại Hàn, đã mời bạn cùng đi xem một số di sản văn hóa của đất nước này. Tuần này chúng tôi kể cho bạn nghe cuộc gặp gỡ với một hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, là một trong những chủ đích chuyến Hàn-du vừa qua của chúng tôi.

Trong một bài viết thời TiVi Tuần-san còn ra Giai Phẩm Xuân hàng năm, một cộng tác viên của bổn báo có viết đại khái… chuyện kể rằng… ngày xưa… xưa lắm… có người Việt Nam lưu lạc qua tận xứ Cao Ly và định cư ở đó… rồi họ sinh con đẻ cháu, có người làm quan lớn trong triều, và hình như có người làm đến chức… tổng thống.

Vốn là thuyền nhân của hậu bán thế kỷ 20, câu chuyện có tính cách huyền thoại này cứ ám ảnh người viết mãi cho đến khi báo chí ở Việt Nam chính thức loan báo những công trình nghiên cứu xác nhận rằng cách đây hơn 7 thế kỷ, đã có người Việt Nam qua Cao Ly và lập nên dòng họ gọi là Lý Hoa Sơn. Người đó là Hoàng tử Lý Long Tường.

Và sau đó là những bài phóng sự các chuyến sang Việt Nam thăm miếu tổ nhà Lý ở Bắc Ninh, mở cơ sở làm ăn của một vài con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn từ Nam Hàn.

Tìm gặp người chưa bao giờ biết tên  biết mặt

Tưởng cần nói rõ để khỏi ngộ nhận, chúng tôi đi du lịch và định luôn tiện tìm gặp các hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường để hỏi thăm, chuyện trò với tư cách họ là những người cùng (có ít nhiều) gốc Việt tộc, chụp hình để làm cho bài bút ký đường xa được hấp dẫn hơn là chỉ căn cứ vào tài liệu trong sách vở báo chí mà viết.

Tuyệt nhiên chúng tôi không làm công việc nghiên cứu, truy tìm của một nhà chuyên môn. Việc này đã có nhiều người làm, và cũng nhờ đó mà chúng tôi chỉ việc lấy tên hay địa chỉ của một vài người trong tộc họ Lý để khi qua Đại Hàn, sẽ xin gặp họ.

Tôi có đọc vài bản tin hay bài phỏng vấn những con cháu của Hoàng tử Lý Long Tường đã qua Việt Nam như Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Hoàng tử Lý Long Tường (giòng họ Lý Hoa Sơn) hoặc Lý Châng Kil  hậu duệ đời 31 của Hoàng tử  Lý Dương Côn (giòng họ Lý Tinh Thiện).

Chuyến về thăm quê tổ của ông Lý Xương Căn tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh vào năm 1994 được báo chí ở Việt Nam viết nhiều nhất vì ông là người đầu tiên thực hiện “sứ mệnh của tổ tiên”.

Theo báo Tuổi Trẻ, sau đó ông Lý Xương Căn đã mang cả gia đình gồm vợ là bà Kim Min Sun sang sinh sống ở Hà Nội từ năm 1999 đến nay. Cả ba người con của ông cũng theo cha mẹ qua học ở Việt Nam: con gái lớn Lee You Jin, 18 tuổi; con trai Lee Huyk Chan và cậu con út mang cái tên hoàn toàn Việt Nam là Lý Việt Quốc.

Riêng cậu con thứ hiện đang học ở trường Liễu Giai, Hà Nội, với tiếng Việt thông thạo đã nói: “Bố tôi đã dạy cho tôi về tình yêu quê hương và gốc gác tổ tiên. Tôi yêu và tự hào về cả hai quê hương Hàn Quốc và Việt Nam”.

Ông Lý Xương Căn còn mời cha ông là Lý Khánh Huân sang Việt Nam sống nốt tuổi già còn lại ở quê hương của tổ tiên.

Nhưng chừng đó thông tin với cái tên Lý Xương Căn bằng tiếng Việt và cái tên nửa Việt nửa Hàn được La-mã-hóa  như  Lý Châng Kil thì liệu làm sao tìm ra hai người này hay thân nhân của họ trong số khoảng 11 triệu người Hàn ở thủ đô Seoul?

Tôi biết cách dễ nhất để có thể tiếp xúc với con cháu họ Lý ở Đại Hàn là liên lạc và nhờ tòa đại sứ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở  Seoul. Nhưng đó là chuyện không thể xảy ra được. Mà có thì cũng “mất vui” nếu qua sự trung gian hay có sự hiện diện của họ. Chắc bạn đã hiểu tôi muốn nói gì rồi?

Bởi vậy, tôi phải liên lạc với đứa con của một người bạn học cũ hiện đang du học ở Seoul để hỏi có biết ai là con cháu của hoàng tử Lý Long Tường không. Nhưng cháu này cũng chẳng biết gì và sau khi hỏi bạn bè người Đại Hàn, cho tôi biết rằng họ có lên ineternet và thấy có tên một người tự nhận là con cháu của hoàng tử Lý Long Tường, đang làm ăn ở Việt Nam. Địa chỉ mạng:  www.silkroad-foundation.org.

Lên mạng, tôi được biết tên của ông này là Sang Joong Ly, sinh năm 1958, một kỹ sư về năng lượng và là người sáng lập công ty Golden Bridge. Công ty của ông mở chi nhánh ở các nước Trung Á và đặc biệt ở Việt Nam nơi ông nhận là quê hương của tổ tiên ông, Prince Lee Long Twen (hay Lee Yong-Sang). Như vậy tên Hoàng tử Lý Long Tường được người Đại Hàn viết là Lee Long Twen theo cách phát âm của Việt ngữ  hay Lee Yong-Sang theo ký âm chữ Pinyin.

Sau đó, tôi lướt mạng vài vòng để xem có tìm được thông tin gì khác về ông Sang Yoon Ly không và bắt gặp bài viết trên báo Tuổi Trẻ của Trung Nghĩa với tựa “Đi tìm giòng họ Lý ở Hàn Quốc”.

Theo báo Tuổi Trẻ, người chủ công ty Golden Bridge có số vốn $300 triệu Mỹ kim tên là Lý Tường Tuấn. Công ty này có 10 công ty con bao gồm công ty cho vay tiền, điều hành quỹ đầu tư, chứng khoán v.v…

Tháng 9 năm 2006  ông Lý Tường Tuấn mở chi nhánh Golden Bridge ở Hà Nội với vốn ban đầu là $1 triệu Mỹ kim. Hình chụp cho thấy ông Lý Tường Tuấn đang được Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp khi sang Việt Nam xúc tiến đầu tư.

Phóng viên Trung Nghĩa của Tuổi Trẻ khi tiếp xúc với ông Lý Tường Tuấn trên căn apartment của ông ở thủ đô Seoul chụp hình ông Tuấn đang nhìn ra cửa sổ với chú thích “Từ cửa sổ này của căn hộ tại Seoul, ông Lý Tường Tuấn thường nhìn về phương Nam để mỗi ngày có thêm tình yêu xứ sở”.

Ông Lý Tường Tuấn tâm sự với phóng viên Trung Nghĩa: “Hồi nhỏ cha tôi vẫn luôn luôn nói với tôi ‘tổ tiên của con là người Việt Nam’. Lúc nhỏ tôi chưa tin điều này. Nhưng giờ đây tôi có thể tự hào: tôi là người Việt Nam”.

Báo Tuổi Trẻ không ghi tên bằng chữ  Pinyin của ông Lý Tường Tuấn nhưng do so sánh hình, tôi tin chắc ông Lý Tường Tuấn chính là Sang Joong Lee, mặc dầu hai âm của hai tên nghe chẳng giống nhau bao nhiêu.

Ông Lý Tường Tuấn nói với báo Tuổi Trẻ: “Xin đừng gọi tôi là người nước ngoài nữa, tôi là người Việt Nam mà. Cũng đừng gọi tôi là ông Lý, hãy gọi tôi là ông Tuấn theo cách gọi của người Việt”. Ông cho biết tuổi thơ của ông thiếu thông tin về Việt Nam do đó ông không muốn con ông bị thiếu thốn như vậy.

Doanh gia có hai giòng máu Hàn-Việt nói ông hiện có bốn đứa con đầu đang du học ở Anh, Mỹ và Trung Hoa. Ông  thuyết phục đứa con út Lee Roo Lee 9 tuổi sau khi học hết cấp hai ở Đại Hàn, sẽ qua học ở Việt Nam để  “về với đất tổ và nguồn cội của mình” và cậu bé vui vẻ đồng ý.

Cá nhân ông Lý Tường Tuấn hiện đang bận kinh doanh ở nhiều nơi nên chưa thể ở luôn tại Việt Nam nhưng sẽ dàn xếp để sang năm nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sẽ chính thức nhập cư để sống lâu dài ở Việt Nam “vì đó là khát khao lớn nhất của tôi trong quãng đời còn lại”.

Với chừng đó “thông tin” của một con người hãnh diện với quê hương của tổ tiên của ông ta, tôi tin nếu qua Đại Hàn và điện thoại cho ông, ông ta sẽ tiếp tôi. Mà không tiếp thì chẳng chết ai cả, bởi sẽ có không biết bao thứ để xem và hưởng ở một đất nước xa lạ mà mình chỉ ở lại trong 5 ngày.

Gặp Lý nào cũng được miễn là Lý Hoa Sơn

Ngày thứ hai ở Seoul, tôi điện thoại xin gặp ông Sang Joong Lee để có thời gian chuẩn bị cho cuộc hẹn. Người nghe điện thoại đàng kia là cô Young Kim, cho biết ông chủ đi xa, không có mặt ở Đại Hàn.

Tôi đi một màn giới thiệu nào là người Việt Nam ở Úc, nào là một nhà báo nhân dịp Hàn-du muốn gặp ông Sang Joong Lee để làm cuộc phỏng vấn nói về tâm tình và cuộc sống của con cháu Prince  Lee Yong-Sang (tôi phải tập phát âm tiếng Pinyin nhưng không biết có đúng không) để viết bài cho độc giả Việt Nam ở Úc. Tôi nghĩ rằng đây là một đề tài hấp dẫn đối với độc giả của báo tôi.

Tôi nói với cô Young Kim nếu không có ông Sang Joong Ly, xin cô giới thiệu với bất cứ ai trong dòng họ Hwasan Lee (Lý Hoa Sơn) bởi vì mục đích tôi qua đây là để phỏng vấn, chụp hình con cháu Hoàng tử Lee Yong-Sang mà không gặp được ai cả, thì cũng hơi buồn.

Tôi nói với cô tôi muốn tới thẳng văn phòng của công ty Golden Bridge vì tôi có địa chỉ, nhưng cô Young Kim nói để cô hỏi lại với công ty. Cô nói rất tiếc ông Sang Joong Ly  không có mặt ở đây. Tôi đề nghị gặp vợ ông nhưng cô Kim nói tôi cứ viết lá thư gởi cho cô (nói lý do).

Rủi cho tôi, gởi email mà thư không đến có lẽ do máy computer trục trặc mà tôi không biết cách điều chỉnh nên đến hai ngày sau, qua nhiều lần gởi, email mới tới cô và ngay khi nhận được email cô điện thoại hứa giúp.  Nhưng vấn đề làm sao tôi và hậu duệ của hoàng tử Lee Yong-Sang  có thể hiểu nhau, bởi vì không phải ai ai cũng nói được tiếng Anh. Tôi cũng biết đó là vấn đề, nhưng cho rằng không quá quan trọng.

Cuối cùng cô Kim cho tôi điện thoại của ông Ly Hi Yeon, hội trưởng dòng họ Lý Hoa Sơn, một người hiện rảnh rỗi và nói được tiếng Anh tuy không nhiều lắm.

Bởi vậy, khi gọi cho ông Ly Hi Yeon, tôi nói thật chậm rãi, đàng kia ông Ly Hi Yeon cũng nói từ  từ và ông nói lát nữa ông sẽ trả lời giờ giấc gặp mặt.

Một lúc sau, một cô gái Việt Nam tên Bùi Khánh Đoan gọi cho tôi nói bác Lý nhờ cô làm thông ngôn Hàn ngữ, có được không. Còn gì hơn nữa, khi được một du học sinh từng giúp ông Lý Hi Uyên học tiếng Việt làm thông ngôn?  Chúng tôi hẹn gặp nhau vào 9 giờ rưỡi tối tại khách sạn The Lexington của chúng tôi vì ban ngày cô Khánh Đoan bận đi học và học về trễ.

Hẹn từ sáng, có sự chuẩn bị, nhưng đến tối về cạnh khách sạn gặp một tiệm thịt nướng barbecue kiểu Đại Hàn nên tôi đã không cưỡng được thần ăn uống. Tôi vẫn luôn coi buổi ăn tối là “giờ thánh” của tôi. Thịt nướng kiểu Đại Hàn quá ngon lại đi với kim chi hơi mặn, nên tôi đã làm một chai bia lớn dù biết rằng sau đó phải làm phận sự nhà báo là phỏng vấn, ghi chép…

Chưa hết, khi gặp ông Ly Hi Yeon, ỉ có cô thông dịch viên Hàn ngữ thì chẳng còn gì phải lo, và trong lúc mọi người đều uống nước ngọt, tôi lại làm một chai bia nữa, với sự cổ vũ của hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường rằng cứ uống.  Và có lẽ nhờ vậy mà tôi thấy gần gũi, thoải mái với một người xa lạ, bất đồng ngôn ngữ. Bạn có đồng ý với tôi khi trò chuyện mà có bia rượu thì sẽ sảng khoái và thú vị hơn không nhỉ?

Thuyền nhân thế kỷ 20 gặp hậu duệ thuyền nhân thế kỷ 13

Hai người khách đến rất đúng giờ. Nhà hàng thưa thớt người nhưng chúng tôi chọn một góc sâu trong nhà hàng của khách sạn để trò chuyện cho thoải mái. Không khí thân mật. Cô Khánh Đoan vui vì gặp các đồng hương từ bên xứ Úc. Ông Ly Hi Yeon cũng vậy, có vẻ thích thú vì một nhà báo Việt Nam từ bên Úc qua Đại Hàn để xin gặp ông, con cháu Hoàng tử Lý Long Tường. Riêng chúng tôi, cũng hài lòng vì chương trình đã diễn ra như dự tính.

Tôi giới thiệu với ông chúng tôi là những thuyền nhân, tị nạn ở Úc đã gần 3 thập niên, tưởng rằng mình là những thuyền nhân đầu tiên nhưng không ngờ tổ tiên của ông đã là những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên, cách đây hơn 7 thế kỷ. Câu chuyện này tôi đã nghe qua trên báo chí vì vậy hôm nay xin được gặp ông để hỏi chuyện.

Ông Ly Hi Yeon gật đầu cười thích thú khi nghe tôi nói hai chữ boat people và ông móc trong túi cho tôi thấy cái email mà tôi đã gởi cho cô Young Kim sáng nay trong đó tôi nhắc đến hoàn cảnh của tổ tiên giòng họ Lý ở Đại Hàn và những người Việt ở Úc như chúng tôi, những thuyền nhân.

Chúng tôi trao cho nhau danh thiếp. Ông đưa cho tôi hai danh thiếp, một tiếng Việt và một tiếng Anh, cả hai đều có thêm tiếng Hàn.

Danh thiếp tiếng Việt ghi: Lý Hi Uyên, Hội trưởng Dòng Họ Lý Hoa Sơn Hàn Quốc, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ – Việt Nam;  Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Giao lưu Hàn Việt.

Ngày xửa ngày xưa có ông hoàng tử… ông Lý Hi Uyên đang say sưa kể chuyện cho chúng tôi nghe

Danh thiếp tiếng Anh cũng như vậy, nhưng Hội Hữu nghị Giao Lưu Hàn Việt được dịch là Korea Vietnam Friendship Association, viết tắt là KOVIFA. Tên của ông bằng chữ Anh là Hi Yeon Ly. Trước đó, tôi xin ông ghi tên ông lên giấy, ông viết Lee Hee Yun. Vậy, ngay tên của ông từ tiếng Hàn khi được viết ra bằng mẫu tự La Tinh cũng đã có hai cách viết khác nhau, và tên họ cũng vậy: Ly hoặc Lee. Nhưng tôi thấy đa số người Hàn gốc họ Lý của Việt Nam khi viết tên của họ sang mẫu tự La Mã, vẫn xài họ Lee hơn là họ Ly.

Như vậy, nếu ai đó cho bạn một trong hai tên của ông Lý Hi Uyên bằng chữ Pinyin như vừa nói mà nhờ một người Đại Hàn đi tìm dùm thì cũng không phải dễ!

Sau khi hỏi vài câu xã giao, tôi đề nghị với cô Khánh Đoan làm thông dịch bởi câu chuyện sẽ dễ dàng và dễ hiểu hơn nếu nói bằng tiếng Hàn và tiếng Việt, nhất là khi đề cập đến tên người và địa danh. Cô Khánh Đoan cho biết quê cô ở Đà Lạt, sang Đại Hàn học Cao học Quản trị Kinh Doanh, ngoài giờ học, có tới văn phòng của Hội Hữu nghị Hàn Việt giúp một số công việc trong đó có việc dạy tiếng Việt cho bác Lý Hi Uyên.

Ông Lý Hi Uyên nói sáng nay ông có nói chuyện với ông Lý Tường Tuấn (Ly Yong-Sang) đang ở Việt Nam và ông Lý Tường Tuấn có nhờ chuyển lời hỏi thăm đến chúng tôi.

Ông Lý Hi Uyên cho biết năm nay 67 tuổi, có một con trai và hiện đang nghỉ hưu. Trước đây ông làm việc cho công ty Hyundai trong 30 năm, giữ chức giám đốc chi nhánh trong khi đương kim Tổng thống Lee Myung-bak thời đó là một big boss của ông.

Ông Lý Hi Uyên sinh tại Hoàng Hải (nay thuộc Bắc Hàn) nơi ngày xưa Hoàng tử Lý Long Tường đến định cư. Năm 1946  ông di cư xuống phía nam. Ông cho biết từ nhỏ đã được dạy bảo tổ tiên là người Việt Nam. Nhưng ông chỉ bắt đầu  đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2001 và sau đó, mỗi năm đều qua đó vài lần, nhất là vào ngày 15 tháng 3 Âm Lịch khi có Lễ Hội Đền Đô ở làng Đình Bảng.

Ông cho biết trong dịp kỷ niệm Thăng Long 1000 tuổi vào năm tới, ông sẽ qua Hà Nội dự lễ.

Tôi nói với ông ngày trước khoảng năm 1958, tổng thống đầu tiên của Nam Hàn là Lý Thừa Vãn sang công du Việt Nam Cộng Hòa có nói với báo chí tổ tiên ông là người Việt, nhưng chuyện đó đã chẳng được báo chí khai thác hay chính quyền Việt Nam để ý. Ông Lý Hi Uyên nói đây là lần đầu tiên ông được nghe về chuyện này.

Tôi cũng hỏi ông có biết rằng trước khi hoàng tử  Lý Long Tường sang Cao Ly, khoảng 70 năm trước đó, cũng đã có một hoàng tử  triều Lý đến và lập nên một chi họ khác là Lý Tinh Thiện không, ông Lý Hi Uyên nói ông có biết chuyện này do Giáo sư Phan Huy Lê (một nhà sử học ở Việt Nam) đề cập.  Ông nói mới trong năm nay, lần đầu tiên ông đưa những người thuộc dòng Lý Tinh Thiện về thăm Việt Nam như các ông Lý Châng Kil vừa nói ở trên.

Thế là giòng họ Lý của Hoàng tử  Lý Dương Côn “đi sớm về muộn” so với dòng họ của Hoàng tử Lý Long Tường.

Câu chuyện dòng họ Lý Hoa Sơn gốc Việt ở Đại Hàn đã được đài truyền hình KBS của xứ này thực hiện qua một cuốn phim tài liệu mà ông Lý Hi Uyên có tham dự. Ông chỉ tiếc rằng vì đất nước vẫn còn chia đôi nên đoàn làm phim đã không qua bên Hoàng Hải để lấy thêm tư liệu từ những con cháu của Hoàng tử Lý Long Tường ở Bắc Hàn, quay hình ảnh nơi tổ tiên ông đến định cư, núi Hoa Sơn, Hàng Thụ Môn…

Nghe nói người Hàn gốc Việt con cháu triều Lý ở Đại Hàn (bắc và nam) phỏng chừng 3,000 đến 4,000 người, phần lớn vẫn còn ở Bắc Hàn, nhưng những người ở Nam Hàn thì thành công về mặt kinh doanh. Trường hợp làm quan to như cố Tổng thống Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) vẫn còn là một giả thuyết.

Qua cô thông ngôn Khánh Đoan, ông Lý Hi Uyên đã say sưa kể chuyện về Hoàng tử Lý Long Tường.  Ra vẻ ông rất hãnh diện khi nói về tổ tiên mình, nhất là chiến công đánh bại quân Mông Cổ. Tôi có cảm tưởng ông thuộc lịch sử triều đại nhà Lý hơn cả tôi, nhớ tên 9 vị vua của triều Lý  từ Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đến Lý Chiêu Hoàng. Ông nói rất vui khi có người quan tâm về dòng dõi họ Lý gốc Việt ở Đại Hàn và cho biết chưa bao giờ ông giải thích về tiểu sử của tổ tiên ông lâu như vậy. Bởi chúng tôi chịu lắng nghe.

Đôi  mắt mơ màng, Lý Hi Uyên –một người có khuôn mặt người Đại Hàn nhưng trái tim đầy ắp niềm hãnh diện của một giòng họ đã dựng nên kinh đô Thăng Long ngàn năm văn vật– chìm đắm trong quá khứ  với câu chuyện xảy ra đã 783 năm mà như mới hôm qua… (còn tiếp)