Kỳ 16

02 Tháng Chín, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Cổng chào mừng Ngày hội Myeong-dong Toàn cầu lần thứ 43 ở thành phố Seoul

Nguyễn Hồng-Anh

***

Seoul có nhiều nơi để tham quan thưởng ngoạn, đã đành. Nhưng Seoul cũng là nơi lý tưởng để mua sắm.

Xem “phim tập Hàn quốc” thấy các diễn viên ăn bận rất “chic”, đúng điệu, bạn và tôi không thể không bị lôi cuốn tới những khu phố thời trang của người Đại Hàn bởi

họ có hình dáng, kích thước giống người Việt Nam, nên lại càng dễ mua sắm, chọn lựa.

Vào khoảng thời gian này năm  ngoái, trong chuyến du lịch Bắc Mỹ đến những thành phố  New York, Washington, Boston  và Montreal, con cái và cả chúng tôi đã không bỏ lỡ cơ hội đi xem và mua sắm cho bõ một chuyến đi xa. Hai nơi mà chúng tôi bị cám dỗ mua sắm nhiều nhất là New York và Washington bởi xem ra rất rẻ. Chúng tôi đã “đi ba về bảy”, vali nào cũng đầy ắp bởi vì hãng máy bay (Qantas) cho mỗi người được mang 2 vali và mỗi vali nặng tới 32 ký lô.

Máy bay Korean Airlines chỉ cho phép mỗi hành khách được mang theo một vali và chỉ tối đa 20 ký mà thôi, do đó chúng tôi phải tính tới phẩm hơn lượng trong việc mua sắm.

Từ Shinsegae tới Migliore

Sau khi đi một vòng trong chợ Namdaemun (Nam Đại Môn) mà chúng tôi thấy có phần giống Chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chúng tôi trở ra ngoài đường lớn và thấy một cao ốc đề chữ Shinsegae mà trước đó một cặp thanh niên Đại Hàn dẫn đường tới Namdaemun cho chúng tôi biết là một tòa nhà mua sắm cao cấp.  Chúng tôi lên xem cho biết.

Nằm trong khu phố Chungmuro, cửa hàng bách hóa Shinsegae mà theo tiếng Hàn có nghĩa Tân Thế Giới (New World) là một department store lâu đời nhất ở Seoul. Building chính là một tòa nhà thấp,  được khai trương từ năm 1930 và nay là nơi bán hàng cao cấp. Nội thất trình bày quá sang trọng nhưng trông lạnh lẽo bởi vì chẳng thấy khách hàng ngoài nhân viên bán hàng ăn mặc lịch sự. Nơi đây những túi xách giá chừng $4,000 Úc kim. Một cái áo của phụ nữ trông chẳng có gì ghê gớm nhưng giá đề $1,500 đô. Chắc đấy là những đồ hiệu hàng đầu trên thế giới.

Chúng tôi chỉ đi dòm (window shopping) cho biết và sau đó qua building cao hơn mà tôi nghĩ cũng thuộc Shinsegae là nơi bán những đồ trung bình, có đông khách mua sắm. Ở lầu 11 có khu ăn uống gọi là Food Garden với terrace rộng rãi nằm doi ra ngoài trời có cây cảnh và chỗ giải trí cho trẻ con.

Người Đại Hàn có vẻ chuộng cây xanh. Trong thành phố có nhiều công viên, đường phố có nhiều hàng cây, ở khu ăn uống trên lầu cao cũng tạo không gian xanh nữa.

Rời Shinsegae, đi bộ chừng mười phút lên hướng bắc, bạn sẽ gặp khu phố Myeong-dong (dong= neighbourhood), một khu phố được xem là có đông người đến mua sắm và ngắm đông nhất tại Seoul. Myeong-dong được xem là “phố thời trang” với vô số cửa hàng áo quần, dày dép và đồ mỹ phẩm.  Myeong-dong thuộc quận Jung-gu (gu = district).

Trong khu phố, có những đường dành cho người đi bộ, rộng hơn đường hẻm ở chợ Namdaemun và hiện đại hơn. Chúng tôi tình cờ  tới khu phố Myeong-dong hai lần khi lang thang ngắm cảnh và tìm mua DVD và poster mới nhất của các “ca sĩ Hàn quốc” mà một đứa con nhờ ba mẹ mua dùm.

Cả hai lần đi qua khu phố thời trang này, chúng tôi hầu như phải chen chân để đi bởi quá đông người. Nghe nói mỗi ngày có từ 1.5 đến 2 triệu lượt người tới khu phố Myeong-dong mà phần lớn dạo xem hơn là mua sắm. Họ đa số là những thanh niên nam nữ, hẹn hò vui chơi ăn uống khiến khu phố này luôn bừng lên sức sống và cũng là nơi thu hút du khách ngoại quốc, bởi phố nằm giữa chợ Namdaemun Market và bùng binh Seoul Plaza, City Hall.

Lần thứ hai đi từ đường lớn vào khu phố, chúng tôi thấy trên cổng chào có tấm bảng lớn ghi giòng chữ bằng tiếng Anh “43rd Global Myeong-dong Festival”. Thì ra khu phố này đã có truyền thống tổ chức hội hè mang tính quốc tế gần nửa thế kỷ.

Myeong-dong đã bị ảnh hưởng của Tây phương du nhập vào sau Chiến tranh Triều Tiên và trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật với những câu lạc bộ, phòng trà ca nhạc sản xuất những mầm non văn nghệ –dân tộc cổ truyền hay thời trang nhạc trẻ—nổi tiếng sau này.  Ở nơi đây có nhiều quán cà phê, các nhà hàng nhỏ dọc lối đi, nên về đêm không khí lại vui tươi nhộn nhịp hơn nữa.

Vì là khu thời trang nên nghe nói trong khu phố này có đến 200 thợ may và cửa hàng quần áo, và có chừng 100 cửa hàng bán dày dép. Thật vậy, tại một nơi chúng tôi thấy dày dép bày la liệt, tràn ra ngoài đường, trên lối đi, tầng cấp vào các cửa tiệm.

Cũng trong khu phố này có trên một tá những cửa hàng bách hóa lớn như Migliore là nơi bán nhiều mặt hàng  phẩm chất tốt với giá phải chăng, và có thể mặc cả nữa. Và đó chính là lý do khiến khu phố ăn nên làm ra, thu hút phần lớn khách mua sắm của thủ đô Nam Hàn.

Tôi đã kể cho bạn nghe khi vừa đặt chân đến Seoul chúng tôi đã đi thăm khu phố được mệnh danh là đa văn Itaewon gần bờ sông Hán.  Iteawon được du khách ngoại quốc biết và ưa chuộng vì  nơi này bị ảnh hưởng của Tây phương rất mạnh do quân đội Mỹ đóng gần đó. Vì vậy Iteawon còn đồng nghĩa với khu ăn chơi, sa đọa.

Sinh hoạt trước khu cửa hàng bách hóa Migliore ở phố Myeong-dong

Nhưng Myeong-dong là khu phố của thời trang, nơi gặp gỡ của giới trẻ Đại Hàn, là nơi vui chơi về đêm, là biểu tượng sức sống của một thành phố có trên 600 năm văn hiến và hiện đại bậc nhất ở Á Châu.

Vì vậy người ta nói rằng tới Seoul mà chưa tới khu phố Myeong-dong thì coi như chưa tới thủ đô Nam Hàn.

Và một điều tôi muốn nói với bạn nữa qua kinh nghiệm chuyến du lịch này: thuê khách sạn ở khu phố Myeong-dong là thuận tiện nhất, chứ không xa như đảo Yeouido mà chúng tôi ở trọ.  Myeong-dong có những nhà trọ rất rẻ và khách sạn nhiều sao.

Chúng tôi cuốn hút vào giòng người trên những con đường nhỏ của các dãy phố vui nhộn nhân dịp khu phố tổ chức liên hoan quốc tế Myeong-dong lần thứ 43.

Bạn cũng nên biết rằng, tại Myeong-dong có nhiều cơ sở tài chánh, thương mại, ngân hàng lớn và có Myeong-dong Cathedral là nhà thờ Chánh tòa Công giáo xưa nhất nước Đại Hàn. Khu nhà thờ chánh tòa cũng là nơi người biểu tình thường tụ họp khi họ phản đối chính phủ.

Con đường mang tên Myeong-dong Street dài 1 cây số chạy từ trạm xe điện Myeong-dong Subway Station tới cửa hàng bách hóa Lotte, gần bùng binh Seoul Plaza. Trọn ngày cuối cùng ở Seoul, chúng tôi đã đi xem và mua sắm từ sáng đến chiều tối mới trở lại khách sạn.

Từ Yeouido lên Lotto

Như đã kể với bạn, Yeouido là một khu phố (dong – Yeouido-dong) vừa là một hòn đảo lớn nằm ở cạnh bờ nam sông Hán. Với diện tích 8.4 cây số vuông, hòn đảo này là nơi sinh sống và làm việc của 40,000 người.

Đảo Yeouido, trung tâm tài chánh, chính trị và truyền thông: đường sá rộng, nhiều cây xanh và cao ốc, nhưng không phải là chỗ… mua sắm

Tại đây có trụ sở Quốc hội của Nam Hàn, trụ sở Thị trường Chứng khoán của Nam Hàn, trụ sở trung ương của những đại công ty như công ty điện tử LG, công ty truyền hình KBS và MBC, tòa nhà 63 Building cao nhất thành phố, nhà thờ tin lành Yoido Full Gospel Church nằm đối diện với khách sạn Lexington của chúng tôi ngụ, một giáo hội có trên  830,000 tín đồ được coi là cộng đoàn Thiên chúa giáo lớn nhất ở Đại Hàn.

Hàng ngày, nhìn thấy những thanh niên nam nữ, các nhân viên văn phòng ăn mặc lịch sự và hợp thời trang, chúng tôi nghĩ trong khu vực này sẽ có những tiệm bách hóa, cửa hàng thời trang hấp dẫn. Nhưng chúng tôi đi từ chỗ này qua chỗ khác trong khu phố đẹp đẽ, sạch sẽ, thoáng với những đại lộ rộng mênh mông và có nhiều cây xanh nhưng chẳng tìm được nơi nào mua sắm vừa ý.

Hỏi người đi đường department store lớn nhất của đảo Yeouido nằm đâu, cuối cùng chúng tôi đã được hai phụ nữ đi đường tốt bụng và thân thiện dẫn tới một tòa nhà khá lớn cách trụ sở Thị trường Chứng khoán vài trăm mét. Nhà tôi và tôi mỗi người chỉ sắm được một cái áo Jacket.

Các tiệm bán áo quần ở trong cao ốc này phần lớn là đồ do chủ tiệm may tại chỗ. Họ không đề giá và ra vẻ không nói thách. Khi họ cho giá, bạn có thể chỉ trả giá thấp chừng mười phần trăm là tối đa. Tôi có cảm tưởng những người Đại Hạn ở khu Yeouido không nói thách như người Hoa ở Hồng Kông hay Singapore. Cái áo jacket hàng Cashmire giá khoảng $300 Úc kim, tôi không biết là có rẻ không, nhưng tôi rất hài lòng vì hợp với kích thước của mình.

Chúng tôi nghĩ nếu mua sắm được một mớ trong khu này, sẽ mang về khách sạn cất rồi tiếp tục lên trung tâm Seoul mua thêm. Ra khỏi cửa hàng, thấy chúng tôi cầm bản đồ nói chuyện với nhau, một người đàn ông tới hỏi chúng tôi cần giúp gì không. Ông ta bảo khu Yeouido  không phải là chỗ mua sắm, nên lên phố là nơi có nhiều mặt hàng tốt, nhất là Lotte department store.

Chúng tôi nhìn bản đồ và thấy Lotte nằm gần bùng binh Seoul Plaza, có nghĩa là ngay trung tâm phố.

Các nhân viên cửa hàng Lotte (tòa nhà bên trái) trong một buổi sáng tới sở trước giờ mở cửa

Lotte được khai trương cách đây đúng 30 năm, là công ty cửa hàng bách hóa hàng đầu của Nam Hàn với 22 cửa hàng trên toàn quốc. Công ty Lotte của Nam Hàn cũng đã mở thêm các của hàng bách hóa của họ tại Trung Hoa và Nga. Có thể nói Lotte của Đại Hàn giống Daimaru của Nhật Bản, từng một thời có cửa hàng ở Melbourne dưới thời bà Thủ hiến Joan Kirner nhưng kéo dài được 10 năm thì Daimaru phải dẹp tiệm vì lỗ lã.

Bạn phải tới gần, rồi phải vào bên trong mới thấy cửa hàng Lotte lớn và đẹp như thế nào. Cửa hàng bách hóa Lotte có thể coi như một Myers ở thành phố Melbourne, là nơi mà các người mẫu hay nghệ sĩ nổi tiếng đến trình diễn hay gặp gỡ giới ái mộ.

Trong building có trên 10 tầng, nhiều lầu bán áo quần, dày dép, mỹ phẩm. Thời trang chiếm nhiều tầng, mặt bằng rất rộng, trình bày hiện đại, cho bạn cảm tưởng mỗi tầng là một khu chợ với nhiều gian hàng và lối đi. Có màn ảnh điện tử để khách bấm tìm vị trí các gian hàng và phòng vệ sinh.

Có thể nói ở Lotte, thời trang là chủ yếu với khoảng 120 hàng hiệu nổi tiếng của thế giới và nội địa. Cũng như ở các cửa hàng bách hóa ở thành phố Tokyo bên Nhật, nhân viên ở Lotte rất đông và hầu hết đều trẻ và đẹp, đặc biệt các nhân viên bán mỹ phẩm thì hầu hết đều có nước da trắng, khuôn mặt xinh xắn, hàm răng đều (khác với các cô gái Nhật).

Không phải do ảnh hưởng “phim tập Hàn quốc”, nhưng theo nhận xét chủ quan của tôi phụ nữ (trẻ) Nam Hàn, nói chung, ngày nay đẹp hơn Nhật Bản.

Chúng tôi đã mua được một số áo quần cho mình và cho con cái, khá ưng ý vì người Đại Hàn có vóc dáng giống người Việt Nam. Ở Lotte giá cả y phục từ $100 Úc kim đến $300 Úc kim một cái. Một cái áo chắn gió giá trung bình $150 Úc kim, đồ làm tại Đại Hàn đắt tiền hơn đồ nhập cảng từ các nước Á Châu khác.

Trừ trường hợp mua sắm ở phi trường,  đa số nhân viên bán hàng dù là ở cửa hàng cao cấp như  Lotte vẫn không nói được tiếng Anh. Đối với một số món hàng áo quần (chứ không phải mỹ phẩm hay rượu thuốc lá) trên một số tầng lầu, chúng tôi được các người bán hàng báo cho biết hãy giữ lại biên lai để được trả lại thuế duty free. Nhưng chúng tôi không biết phải làm thủ tục ra sao với những cái biên lai này, làm ở trong cửa hàng hay đợi ra ngoài phi trường. Bất đồng ngôn ngữ là sự bất tiện khiến chúng tôi đã không tìm cách lấy lại tiền duty free mà chính phủ dành cho du khách.

Ở cửa hàng bách hóa Lotte có một tầng lầu dành riêng cho việc ăn uống. Tôi không nhớ lầu mấy, chỉ biết trên cao. Ở đấy có đủ gian hàng ăn uống: nào nước trái cây, cà phê với bánh ngọt, thức ăn nhanh của Mỹ, và những nhà hàng Đại Hàn, Tàu, Tây phương, Nhật.

Tôi thấy những ông mặc nguyên bộ đồ còm-lê mang cà-vạt trước khi vào trong phòng ăn kiểu Nhật, cởi dày bỏ bên ngoài, và thật là bất tiện khi phải ngồi xếp bàn dưới sàn nhà.

Cũng trên tầng lầu này có những tiệm ăn với những bàn barbecue có lò nướng thịt bằng gas nằm chìm hay nổi giữa bàn. Phòng có máy lạnh mà ăn thịt nướng cũng thú phải không bạn? (Còn tiếp)