Kỳ 19 (tt & hết)

29 Tháng Chín, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Các cô dâu trong nhóm trình diễn văn nghệ ở Cung Gyeongbok

Nguyễn Hồng-Anh

***

Đại Hàn là một trong những quốc gia ở Á Châu có nhiều cô dâu Việt Nam, có lẽ chỉ sau Đài Loan. Theo thống kê của Việt Nan hiện có khoảng 85,000 người Việt đang sống ở Nam Hàn trong đó có khoảng 33,000 cô dâu.

Phần lớn những cuộc hôn nhân giữa đàn ông Hàn và phụ nữ Việt qua trung gian của những người, văn phòng, công ty môi giới và có lúc những cuộc tuyển chọn. Tập tục xem mắt thời xưa nay có lúc đã trở thành việc xem người khỏa thân để coi có lành lặn không. Báo chí đã tường thuật những vụ này, thậm chí còn chụp hình đưa lên mạng những cuộc trình diễn thoát y tập thể của các cô dâu tương lai cho các chú rể đôi lúc đã già nua ngắm.

Những sự việc như vậy đã khiến dư luận trong và ngoài nước bất bình. Họ phê phán chính quyền đã làm ngơ trước việc phụ nữ bị như một món đồ vật. Nhiều người đã sống nhờ dịch vụ môi giới hôn nhân loại này, có trường hợp cô dâu Việt Nam sau một thời gian sống ở Nam Hàn, trở về cố hương làm nghề trung gian, mỗi vụ thành công được chú rể tương lai trả công vài trăm đô la.

Cô dâu: nghe, thấy và gặp

Nhà nước Việt Nam trong những dịp công khai, khi đề cao quan hệ thương mại và văn hóa giữa hai nước thường cho rằng những cặp vợ chồng Việt-Hàn “đã có cuộc sống hạnh phúc ở Hàn quốc”.

Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Đã có những vụ cô dâu Việt bị hành hạ chịu không nổi, bỏ trốn để rồi bị rơi từ lầu cao của chung cư chết như trường hợp của cô Lê Kim Đồng (tức Trần Thị Thu An, tên do đài truyền hình MBC đặt) vào ngày 25.4.2007.

Hoặc trường hợp cô Huỳnh Mai 21 tuổi ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang bị chồng đánh gãy 18 cái xương sườn đến chết và sự việc này đã được đài truyền hình KBS loan tin vào ngày 9.8.2007 khiến người Đại Hàn cũng phẫn nộ.

Hay là cô Trần Thanh Lan, 22 tuổi người vùng Cái Răng, Cần Thơ chỉ một tháng khi về nhà chồng đã chọn đúng chiều 30 Tết (6.2.2008) nhảy lầu tự tử. Đó là vài trường hợp đã được báo chí khắp nơi tường thuật.

Những cô dâu này cũng giống đa số các cô dâu khác muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn ở vùng quê, nuôi giấc mộng đổi đời với những ông chồng Đại Hàn để có thể giúp gia đình, bản thân nhưng đã có kết cục bi thảm. Nhiều câu chuyện thương tâm, tàn bạo đã được kể nhưng còn biết bao  chuyện chẳng ai hay và chẳng bao giờ được tiết lộ?

Lấy một người chồng mà mình không hề biết, đến sống ở một đất nước xa lạ, không hiểu văn hóa và ngôn ngữ của họ, không biết nơi xin giúp đỡ hay cầu cứu khi cần, quả là một ác mộng.

Tại thành phố Seoul, trong buổi nói chuyện với ông Lý Hy Uyên, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường và là hội trưởng Dòng Họ Lý Hoa Sơn, tôi có đề cập đến vấn đề cô dâu Việt Nam bị hành hạ, ngược đãi và hỏi ông và những người trong dòng họ Lý ở  Nam Hàn đã làm được những gì thì ông Lý Hy Uyên nói ông đã cố gắng trong khả năng để có tiếng nói với các tổ chức xã hội, phúc lợi.

Ông Lý Hy Uyên còn cho biết tòa đại sứ Việt Nam có lo chuyện đó nhưng khi nghe như vậy, tôi không còn hỏi thêm nữa. Bởi ngay ở trong nước họ đã không lo hay chưa lo đủ cho dân (như hiện tượng mua bán cô dâu đang diễn ra) thì khi qua xứ người hơi công đâu mà tòa đại sứ để ý tới.

Trong buổi xem văn nghệ trong chương trình Multicultural Festival dịp nghỉ lễ Children’s Day (Tết Nhi Đồng) ở cung điện Gyongbokgung(*), chúng tôi đã được dịp nghe một cô dâu Việt Nam lên sân khấu trình diễn bằng tiếng Đại Hàn. Cùng đi với họ có bạn bè, con cái. Nhìn những cô gái Việt trong chiếc áo dài của nhóm trình diễn khuôn mặt lo lắng, tôi không hiểu tâm trạng họ ra sao.

Cạnh đó có một nhóm phụ nữ Việt khác đang đứng xem, nhà tôi tới hỏi thăm và trò chuyện. Tôi cũng góp lời. Các cô rất vui mừng khi gặp đồng hương ở xứ lạ. Các cô ở nơi xa, hôm nay nhân ngày nghỉ lễ hội phụ nữ tổ chức đưa một nhóm khoảng 40 người lên thủ đô Seoul du ngoạn, tham quan trong số này có cả các cô dâu người Phi Luật Tân.

Nhà tôi và đứa bé con của một cô dâu Việt gốc Giồng Riềng, Kiên Giang ở Seoul

Chúng tôi nói chuyện với ba cô dâu tuổi từ 22 đến 24, quê ở Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; người qua Nam Hàn được 6 tháng, kẻ tới gần 2 năm. Trong ba cô này, có một cô mặt mày rất tươi, trông hạnh phúc thật sự. Cô cho biết hiện chỉ ở nhà trông con và học tiếng Đại Hàn.

Trong khi chúng tôi nói chuyện hai ông chồng của các cô tuổi từ 33 đến 34 ngồi trên bậc thềm chẳng nói năng gì, trông hiền như hai cục đất. Một cô chỉ vào chồng cao ráo và trắng trẻo đang ngồi chống tay vào cằm và nói ông chồng rất ít nói. Tôi nghĩ họ ít nói cũng phải vì vợ chồng bất đồng ngôn ngữ, thì nói gì đây. Ông chồng của cô vừa bị tai nạn lao động và đang hưởng trợ cấp.

Trong lúc nói chuyện, cô dâu Việt giới thiệu chúng tôi với ông chồng và một cô giáo người Đại Hàn rằng cô đang gặp lại đồng hương từ Úc.

Cô giáo người Đại Hàn (giữa), nhà tôi (thứ hai từ bên phải) và các cô dâu Việt Nam tại Seoul

Các cô nói cuộc sống của các cô hạnh phúc, gia đình nhà chồng tử tế nhưng các cô nhớ nhà. Theo các cô, không như Việt Nam, ở đây nhà nào sống nhà đó, các cô chỉ gặp nhau trong những dịp học tiếng Hàn hay đi du ngoạn do hội phụ nữ tổ chức.

Tôi hỏi các cô có nghe những vụ cô dâu Việt bị hành hạ, đối xử tàn tệ không thì các cô cho biết tùy hoàn cảnh từng cá nhân, như có người bị chồng đánh đập, bị anh em và cha của chồng hiếp nên đẻ con chẳng biết con của ai và cũng chẳng biết ai để cầu cứu. Các cô nói những cô dâu sống ở vùng xa thủ đô như thành phố Busan thường có cuộc sống khổ cực hơn và những vụ hãm hiếp như thế xảy ra ở vùng quê.

Tôi chỉ đọc báo nói về cô dâu Việt ở Đại Hàn nhưng hôm nay mới thấy và nghe. Nhìn hai nhóm phụ nữ Việt ở xứ người, vì hoàn cảnh phải sống tha hương với thân phận của cô dâu, lòng tôi bùi ngùi và cảm thương cho họ, mong họ có cuộc sống sớm ổn định, nếu không được chồng và nhà chồng yêu thương thì cũng không đến nỗi bị xử tệ hay tàn bạo như những câu chuyện thường được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông.

Tôn giáo

Cũng như ở Việt Nam, Phật giáo được truyền qua bán đảo Triều Tiên từ Trung Quốc rất sớm, từ cuối thế kỷ thứ 4 và bắt đầu thịnh hành vào khoảng thế kỷ thứ 7 dưới triều đại Tân La (Silla) và cực thịnh dưới triều đại Cao Ly (Goryeo).

Khi Lý Thành Quế lên ngôi và lập nên triều đại Triều Tiên (Chosun), nhà Lý chủ trương tôn sùng Nho giáo và bài Phật giáo nên Phật giáo không còn mạnh như ngày trước.

Từ giữa thế kỷ 20, Thiên chúa giáo bắt đầu phát triển mạnh và có ảnh hưởng lên xã hội và chính trị của đất nước này. Theo tự điển mở  wikipedia, một cuộc thống kê của Nam Hàn vào năm 2003 cho thấy có 46% người nói họ không theo tôn giáo nào trong khi đó 27.3% nói theo Thiên chúa giáo và 25.5% theo Phật giáo.

Như thế, ở Nam Hàn Thiên chúa giáo có nhiều tín đồ nhất trong đó đạo Tin lành đông gần gấp 4 lần đạo Công giáo. Tổng thống Lee Myung-bak hiện nay của Nam Hàn là một tín đồ Tin lành.

Nhà thờ Tin lành Full Gospel Church ở Yeouido, chụp từ khách sạn The Lexington

Yeouido Full Gospel Church là giáo phái Tin lành đông tín đồ nhất ở Nam Hàn với 780,000 tín hữu. Nhà thờ của giáo phái này nằm đối diện với khách sạn The Lexington nên trong những ngày ở Seoul chúng tôi đã chứng kiến lễ lạc và sinh hoạt của tín đồ phái Full Gospel Church. Họ rất sùng đạo và ra vẻ giàu có.

Khổng giáo chiếm không tới 1% dân số nhưng cũng như Việt Nam, các giá trị của đạo Khổng vẫn ảnh hưởng trên cuộc sống hàng ngày của người dân Đại Hàn.

Dân số của Nam Hàn khoảng 49 triệu người. Thủ đô Seoul có gần 11 triệu dân. Các thành phố lớn khác gồm Busan, Incheon, Daegu, Daejeon, Gwangju và Ulsan.

Vài chuyện buồn cười

Trong những lần đi du lịch, chúng tôi thường ở khách sạn 3 sao nghĩa là chọn sự trung bình, hợp túi tiền. Mà cho dù có nhiều tiền tôi cũng không chủ trương ở khách sạn đắt tiền 5 sao vì phí phạm vô ích, bởi mình chỉ trở về ngủ vào buổi tối mà thôi.

Chúng tôi đã có lần thử ở khách sạn 5 sao như Wentworth ở Sydney nhờ dịp được hưởng giá đặc biệt khuyến mại dành cho hội viên: ở 3 đêm được miễn phí một đêm và hai đêm còn lại hình như chỉ trả một nửa giá. Wentworth là khách sạn mà cựu Thủ tướng John Howard trong các dịp tuyển cử thường dùng làm nơi xuất hiện với những người ủng hộ sau khi cuộc kiểm phiếu bầu cử trong ngày có kết quả.

Đấy là lần đầu tiên chúng tôi ở một khách sạn nhiều sao nhưng chẳng thấy thích thú nếu không muốn nói là không thoải mái, vì nó sang quá, kiểu cách quá, không thích hợp với lối sống của mình.

Qua thông tin và đặt phòng trên internet, tôi được biết khách sạn The Lexington trong khu phố Yeouido là loại 3 sao rưỡi. Nhưng khi xuống xe bus và đứng trước khách sạn, tôi không ngờ nó đẹp và cổ kính đến như thế, vì vậy tưởng rằng đây là khách sạn loại sang và mình book nhầm.

Tuy nhiên, khi vào bên trong phòng thì mới thấy rằng tiền nào của nấy. Giá $142 Úc kim một ngày thì không thể đòi hỏi gì hơn. Nhưng so với khách sạn 3 sao Holiday Inn ở Đài Bắc giá $112 Úc kim, nội thất phòng ốc của The Lexington thua xa, có lẽ vì khách sạn The Lexington hơi xưa và cũ.

Người ta thường nói cái ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Ngày mới đến, gặp trời hơi nóng mà trong phòng không có máy lạnh, chúng tôi hỏi nhân viên thì họ cho biết chỉ khi nào trời nóng họ mới mở. Tôi hỏi bây giờ muốn mát thì chỉ việc mở cửa sổ ra, họ gật đầu. Lại gặp tín đồ đạo xanh, dân giảm khí thải, bảo vệ môi sinh!

Sau đó, tôi xuống hỏi khách sạn có đường dây internet không và khi được trả lời có, tôi lại hỏi có miễn phí không, thì bị cô tiếp viên xinh đẹp như “diễn viên phim tập Hàn quốc” trả lời… “There is nothing free”. Nghe vậy tôi tá hỏa tam tinh không phải vì sợ phải trả số tiền chẳng đáng bao nhiêu đối với công việc làm báo của mình (khoảng $18 Úc kim một ngày), nhưng vì cách trả lời của cô ta.

Bởi trước đó, ở bên Đài Bắc, xài internet không dây và khi hỏi có phải trả lệ phí không, thì được trả lời không. Trước đó nữa, ở khách sạn Winners Tourist Hotel gần phi trường Incheon của Seoul, tôi cũng đã xài internet miễn phí.

Bởi vậy, thay vì hỏi “tôi sẽ phải trả bao nhiêu cho mỗi lần/ngày xài internet”, lại nói “xài internet có miễn phí không” để rồi cô tiếp viên trả lời một câu rất mất lòng… “Không có cái gì là miễn phí cả”.

Bạn thử tưởng tượng ngày đầu mới tới khách sạn mà bị trả lời một câu như vậy thì không thể nào có cảm tình với khách sạn được. Nhưng tôi nói với nhà tôi có thể vì họ không rành tiếng Anh nên mới ăn nói như vậy.

Ấn tượng đầu tiên đó – “There is nothing free”– đã ám ảnh và làm cho chúng tôi trong hai ngày đầu không dám dùng khăn tắm của khách sạn, vì sợ cái khách sạn có tên kèm khẩu hiệu “The Lexington – The Business Hotel”  chém, chặt đẹp những cái nhỏ nhặt nhất mà tôi chưa bao giờ thấy một khách sạn nào làm.

Số là vào buổi tối khi trở về khách sạn, tôi thường mở computer ra đọc tin, viết tin nếu cần và luôn có lon bia bên cạnh. Uống bia thì thế nào cũng làm cho mắt lèm nhèm. Nhà tôi sau khi tắm xong, đọc tờ giấy của khách sạn ghi bằng tiếng Anh để trên bàn, nói khách sạn này cái gì cũng tính tiền, khăn tắm mà cũng tính mấy chục đô. Rồi nhà tôi trao cho tôi tờ giấy ghi giá tiền nước, bia, rượu, kẹo bánh,  hàng dưới thấy ghi thêm: dép mỗi đôi 10,000 won; khăn tắm 25,000 won; áo choàng tắm 20,000 won, bàn chải 5,000 won.

Đọc xong, tôi cũng nghĩ  khách sạn “The Business Hotel” tính tiền khăn tắm cho nên bảo nhà tôi giữ lại khăn tắm của nhà tôi để lát nữa tôi dùng. Nhà tôi hỏi còn hai đôi dép mình đã lỡ mang thì sao, tôi bảo: “Đành chịu”. Chấp nhận họ tính tiền dép slippers nhưng chớ xài thêm khăn tắm hay khăn mặt của họ.

Sáng hôm sau, do bận bịu nên quên xuống phòng tiếp tân để hỏi cho ra lẽ và vì thế, hai vợ chồng chúng tôi tiếp tục dùng chung một khăn tắm vì không muốn bị khách sạn chặt một cách phi lý.

Qua ngày thứ ba, thấy trong tờ giấy này có dấu đánh vào mục bàn chải 5,000 won nên chúng tôi nhất định phải xuống nói cho khách sạn biết là chúng tôi đã không dùng bàn chải của họ (Khách sạn ở Đài Bắc mỗi ngày đều cung cấp cho mỗi khách một cái bàn chải mới dù họ không dùng).

Tôi vẫn còn yên trí cái câu “there is nothing free” của cô tiếp viên ngày đầu nên tỏ vẻ bực mình khi than phiền chúng tôi đã không dùng bài chải đánh răng mà sao lại ghi trong này. Cô tiếp viên vui vẻ trả lời cô sẽ yêu cầu điều chỉnh lại nếu chúng tôi không dùng.

Bây giờ tôi mới hỏi rằng giá cả ghi trong tờ giấy này có nghĩa là mỗi ngày chúng tôi xài khăn tắm hay đi giày đều phải trả tiền hay sao, cô tiếp viên nói chỉ khi nào mua mới trả. Cô chỉ vào chữ purchase bị in sai chính tả. Cách viết không rõ ràng và viết sai đã làm chúng tôi hai ngày xài chỉ một cái khăn tắm dù bị ẩm ướt. Tôi bực tức nhưng cũng buồn cười về chuyện này.

Lỗi là do khách sạn viết không rõ (vì mấy ai tới ở khách sạn mà mua mấy cái khăn tắm xếp trong phòng tắm?), do chúng tôi đọc không kỹ và nhất là bị yên trí, có thành kiến.

Từ đây, tôi không còn thấy các nhân viên và khách sạn này “đáng ghét” như những ngày trước. Trái lại, ngày ra đi, chúng tôi lại có cảm tình, rất có cảm tình với họ. Câu chuyện như sau.

Ngày ở Đài Loan, cha Nguyễn Văn Phúc dẫn chúng tôi đi thăm đền thờ Khổng Tử ở  quận Đào Viên nơi có nhiều linh mục Việt Nam đang làm cha xứ. Đây là một ngôi đền khá lớn và đẹp. Bởi Đại Hàn vẫn còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo và có gần 1% dân số theo đạo này nên đền in nhiều sách vở, DVD và video để phát cho tín đồ và du khách.

Cha Nguyễn Văn Phúc đi ngang qua kệ sách lựa cho chúng tôi một chồng video, DVD nói mang về mà xem. Tôi nói tôi không biết một nửa chữ Tàu thì làm sao hiểu, cha bảo thì cứ lấy để xem hình hay dùng khi cần làm tài liệu cho báo.

Thế là chúng tôi mang về, nhưng khi vô va li,  thấy đã đầy mà hãng hàng không Korean Airlines đã từng bảo là chỉ cho mỗi vali nặng tối đa 20 ký lô, nên chúng tôi để lại các video, DVD trong phòng khách sạn, nghĩ để cho người khác lấy dùng hơn là đem dục thùng rác.

Khi xuống phòng tiếp tân lấy hai vali mà chúng tôi gởi từ sáng để ra phố mua sắm đợt chót, một anh nhân viên mang cho chúng tôi một túi xách rất đẹp có huy hiệu của khách sạn, nói đây là những đồ vật chúng tôi để quên hồi sáng khi check-out.

Nhìn các cuốn video và DVD, chúng tôi cám ơn họ và nhìn nhau cười vì thấy họ tốt và cẩn thận như thế mà mình dục bỏ. Lại phải tỏ ra mình có chút văn hóa nữa chứ vì đây là những sản phẩm tôn giáo và văn hóa.

Ngồi trong phòng lobby đợi một lát, cô tiếp viên bảo chúng tôi nên ra trạm xe ngoài đường để đợi vì xe mà chúng tôi nhờ họ book đi phi trường sắp tới. Tôi nói với nhà  tôi hãy làm bộ quên gói đồ này trên ghế, chỉ mang theo hai cái vali và xách tay mà thôi.

Ngồi ở tram xe chưa tới 5 phút, tôi thấy anh tiếp viên khách sạn đi tới hướng chúng tôi tay cầm một cái xách thì biết ngay là anh mang mấy cái video và DVD mà chúng tôi cố ý để lại trên ghế.

Chúng tôi nói với nhau đến nước này thì phải mang đi thôi, đợi tới phi trường có thùng rác hãy dục, chứ làm bộ để quên ở trạm xe không chừng khách sạn lại cho người đem gói đồ này tới tận phi trường cho chúng tôi.

Chúng tôi không ngờ họ tử tế đến như vậy. Và cuối cùng gói video và DVD đã theo chân chúng tôi về Melbourne vì chúng tôi không dám dục chúng ở phi trường Incheon.

Lý do? An ninh trong thời đại khủng bố.

Bài bút ký du lịch Đài Loan và Nam Hàn xin chấm dứt tại đây. Hẹn bạn đọc trong chuyến du lịch khác.

Nguyễn Hồng Anh, Melbourne 19.9.09

———————-

(*): Gyeongbokgung có khi được viết rời là Gyeongbok gung. Chữ gung có nghĩa là cung. Tôi đọc gung nhưng mấy người Đại Hàn đọc là cung. Người tây phương viết tiếng Đại Hàn theo ký tự La Mã nhưng nếu chúng ta đọc là gung thì không đúng. Như vậy người Đại Hàn phát âm chữ cung (điện) giống như người Việt Nam. Tiếng Anh viết Gyeongbok Palace, tiếng Việt viết chính xác là Cung Gyeongbok (Cung Cảnh Phúc) hay Gyeongbok gung (Cảnh Phúc Cung).