Melbourne: Thêm 3000 người bị cô lập sau khi 10 postcodes (gồm 36 ngoại ô) bị đóng cửa

06 Tháng Bảy, 2020 | Tin nước Úc
Bốn trong những cao ốc bị ảnh hưởng nằm cạnh nhau ở ngoại ô Flemington, phía sau là đường chân trời TP Melbourne. Hình: ABC News

Trong khi các tiểu bang ở Úc chuẩn bị mở cửa kinh tế, giảm bớt cấm đoán, mở biên giới vì ca nhiễm virus Vũ Hán  không còn hay tương đối ít thì các ca nhiễm ở tiểu bang Victoria gia tăng đáng ngại. 

Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm tăng hàng chục, gần đến khoảng 70 người mỗi ngày khiến Thủ hiến Daniel Andrews quyết định đóng cửa 10 postcodes bao gồm 36 ngoại ô với dân số khoảng 300,000 người kể từ Thứ Năm tuần qua, kéo dài trong 4 tuần lễ.

Bị lockdown thì dân cư các vùng này không được ra khỏi nhà trừ 4 trường hợp: Đi làm hay đi học, đi chợ hay mua thuốc men, tập thể dục và  chăm sóc người khác. Người nào gian lận thay đổi địa chỉ (giả tạo) với mục đích qua mặt lệnh cấm, sẽ bị phạt rất nặng. Những người ở các vùng khác cũng không được phép vào 10 postcodes bị cách ly.

Nhưng đến cuối tuần qua, số người bị mắc dịch đã lên tới 108 người hôm Thứ Bảy (trong đó có 13 ca ở ngoại ô North Melbourne và 14 ca ở ngoại ô Flemington) và thêm 74 người hôm Chủ Nhật  nên vào chiều Thứ Bảy Thủ hiến Andrews thông báo phong tỏa toàn bộ 9 cao ốc chung cư của chính phủ ở North Melbourne và Flemington. 

Không một ai trong số khoảng 3,000 người trong các cao ốc này được phép ra khỏi nhà của họ dù với bất cứ lý do gì. 

Ông Andrews nói việc phong tỏa không phải để trừng phạt mà là để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của cư dân, bởi nếu không làm,  thì sau 12 postcodes đã bị phong tỏa, sẽ có nhiều postcodes khác bị phong tỏa, và có thể phải phong tỏa toàn bộ tiểu bang Victoria.

Victoria là nơi có khoảng 6 triệu rưỡi dân, nền kinh tế lớn thứ hai của nước Úc và chiếm một phần tư nền kinh tế của cả nước, hiện sống nhờ di dân và sinh viên du học mà nạn dịch Vũ Hán đang làm thất điên bát đảo qua đại dịch Vũ Hán đang bùng phát đợt hai với hậu quả chưa lường được.

Ngoại ô Flemington sát nách trung tâm thành phố Melbourne là nơi có nhiều người Việt sinh sống kể từ ngày tị nạn. Nhiều người Việt sống ở các chung cư chính phủ sau mấy thập niên đã dời ra bên ngoài hay tới  các ngoại ô khác. 9 chung cư hiện đang bị cô lập hoàn toàn có cư dân đa số là di dân và tị nạn từ các nước ở Phi Châu.

Cảnh sát đến số 120 Flemington Road ngay sau khi có lệnh phong tỏa. Hình: Ian Royall/ Herald Sun

Nhiều người không biết là lệnh phong tỏa đã được loan báo từ Thứ Bảy và chỉ biết khi đi ngang qua các chung cư thấy có quá nhiều xe cảnh sát và sau đó nghe tin tức vào chiều Chủ Nhật.

Nhưng cư dân ở 9 chung cư này đã nhận được nhắn SMS của cơ quan y tế tiểu bang yêu cầu phải ở trong nhà liên tục trong 5 ngày để nhân viên y tế để gõ cửa từng căn hộ bắt buộc phải thử nghiệm virus Vũ Hán, tuy nhiên sự cô lập có thể kéo dài đến 2 tuần lễ. 

Thông báo của Bộ Y tế TB Victoria viết: “Quý vị sẽ bị cô lập thêm 10 ngày nữa kể từ Thời Gian Cấm Túc ban đầu nếu quý vị từ chối thử nghiệm COVID-19”.

Thủ hiến Andrews hôm Chủ Nhật cho biết các cư dân sẽ được cung cấp thực phẩm (như người ta thấy trên tivi xe chở những hộp đồ ăn được mang vào các chung cư) và những thuốc men cần thiết khác, ngay cả methadone là thuốc dùng cho người cai nghiện ma túy có đăng ký! Chó mèo cũng được cung cấp thực phẩm.

Thủ hiến Andrews cho biết chính phủ sẽ không thu tiền thuê nhà trong 2 tuần, trả $1,500 đô la cho những người đang đi làm, hỗ trợ $750 cho những gia đình gặp khó khăn.

Đã có 500 cảnh sát túc trực để thi hành lệnh cô lập này. Chính phủ Tiểu bang Andrews bị đảng Đối lập Tiểu bang chỉ trích vì đã từ chối Chính phủ Liên bang  hỗ trợ gởi binh sĩ tới Melbourne để duy trì trật tự an ninh, tiếp tay chống dịch bởi vì lực lượng cảnh sát Victoria  đã bị quá tải, không có đủ nhân lực.

Những cư dân ở các chung cư của chính phủ đa số thuộc dạng có lợi tức thấp. Họ sống trong những căn hộ với phòng ốc rất chập hẹp mà lại đông người. Đa số phòng không có cửa sổ chính thức (cửa kính ở các phòng chỉ được mở hé), đi chung một hành lang, cầu thang, xài chung một phòng giặt. Mà virus corona sống lâu trên mặt bằng, nhất lại gặp mùa đông lạnh và ẩm, cho nên nguy cơ lây lan trong một không gian hẹp và kín rất là đáng ngại.

Chính phủ ngăn chận bằng cách cô lập và bó buộc thử nghiệm là điều tốt, nhưng rất nhiều người phản đối. Thật là khó lòng làm vừa lòng mọi người!

Có những người đứng bên trong cửa sổ trưng bảng “Hãy giúp chúng tôi”. Có người coi việc cách ly kiểu này như bị giam tù, thiếu nhân đạo. 

Mặc dù chính phủ hứa mang đồ ăn tới, cho người gõ cửa thư nghiệm,  nhưng có người nói với báo chí họ đợi đến 18 tiếng kể từ khi có lệnh cấm túc nhưng chẳng thấy ai. Một người đàn ông 34 tuổi nói có hai đứa con sinh đôi và thêm ba đứa dưới 5 tuổi mà bị giam như thế thì làm sao nuôi ăn uống, mua sữa khi bị cấm không cho ra khỏi nhà.

Bộ trưởng Y tế Tự do Liên bang Greg Hunt và Quyền Y sĩ trưởng Paul Kelly đều ủng hộ biện pháp của Thủ hiến Andrews. 

Việc phong tỏa 9 cao ốc ở Mebourne được xem là biện pháp mạnh nhất thế giới chỉ sau trường hợp Thành phố Vũ Hán. Chắc chắn sẽ có nhiều phản ứng bất lợi cho ông Andrews, dù việc làm của ông là bảo vệ sức khỏe và mạng sống của người dân trong thời đại mắc dịch nguy hiểm phát sinh từ Vũ Hán.

Cũng nên biết ông Andrews là người ủng hộ và sắp ký hợp đồng Một Vành đai và Một Con đường với Trung Cộng, một chính sách bị dân chúng (đặc biệt người Úc gốc Việt) phản đối và cả đảng Lao động Liên bang của ông cũng phê bình.

Nguyễn Hồng-Anh ghi nhanh.

Melbourne 6.7.2020