Hy Lạp: xứ sở của đền đài và bãi biển (kỳ 2)

06 Tháng Tám, 2010 | Hy Lạp
Chúng tôi đã thoáng thấy ngọn đồi Acropolis nổi tiếng trong lịch sử của Hy Lạp khi xe bus tới gần trung tâm thành phố Athens

Nguyễn Hồng-Anh

***

Hy Lạp là một trong những đất nước có nhiều chuyện thần thoại. Thần thánh quá nhiều đọc nhức đầu. Du khách chỉ cần biết tên vài vị thần dễ nhớ như  thần ông Zeus, Apollo hay thần bà Aphrodite (Venus, thần vệ nữ), Athena– bà thần bảo hộ của thành phố mang tên bà, tức thành phố Athens.

Huyền sử cũng không thiếu với những thiên hùng ca như trận chiến thành Troy, một thành phố hiện nằm ở phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Trận chiến này đã là đề tài cho nhiều cuốn phim mà cuốn mới nhất do Brad Pitt đóng năm 2004.

Hy Lạp là nơi sinh những triết gia lớn như Socrates, Plato, Aristotle ảnh hưởng sâu rộng nền triết học Tây phương trong hơn hai ngàn năm qua.

Cũng chính nơi này đã hình thành những kỳ công về kiến trúc còn lưu lại đến ngày nay như đền Parthenon, là một trong những kỳ quan cổ đại của thế giới.

Khi đế quốc La mã sụp đổ ở phía tây, nền văn minh Thiên Chúa giáo vẫn còn tồn tại ở phía đông với đế quốc Byzantine, trung tâm quyền lực đặt ở Constantinople, tức Istanbul ngày nay. Cũng chính vì vậy mà dù Istanbul thuộc chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thượng phụ Giáo chủ của Chính Thống giáo Hy Lạp không ở Athens mà vẫn cứ sống tại Istanbul theo truyền thống của gần hai ngàn năm trước.

Thời đại hoàng kim của các vì vua như Leonidas của thành Sparta đã qua. Đất nước rộng lớn của Alexandre Đại Đế trải rộng đến Ấn Độ nay chỉ còn là  một phần đất nước nhỏ rộng khoảng 132,000 cây số vuông, bắc giáp Albania, Macedonia, Bảo Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ. Bên kia bờ biển phía tây là Ý Đại Lợi và biển phía đông là Thổ Nhĩ Kỳ với những tuyến đường biển chạy tới hai nước này.

Vừa từ phi trường đến Athens bằng xe bus: Tác giả dừng ở quảng trường Syntagma Square để chờ người qua đường hỏi chỗ mua vé metro về khách sạn

Sau khoảng bốn trăm năm bị đế quốc Ottoman đô hộ, Hy Lạp đã giành được độc lập vào năm 1821 và nay còn làm chủ nhiều hòn đảo trong Biển Aegean rải rác từ Istanbul ở phía bắc xuống tận các đảo Rhodes và Crete ở phía nam.

Với khoảng 3 ngàn hòn đảo lớn nhỏ, đất nước này sở hữu những tài nguyên quý báu cho ngành du lịch. Du khách là những người mang lại nguồn lợi chính yếu cho một quốc gia bây giờ chỉ còn là một nước nhỏ trong khối Liên Âu.

Bởi vậy, du lịch Hy Lạp không những để tham quan những di tích của hàng ngàn năm trước hiện diện ở khắp mọi nẻo đường của thành phố Athens và các thành phố kế cận mà còn là dịp để ngắm cảnh đẹp của những hòn đảo nằm trong vùng biển Địa Trung Hải nổi tiếng có bầu trời trong xanh và nước ấm áp.

Cứ mỗi độ hè về, du khách ở các nước Tây Âu đổ dồn đến đây để nghỉ mát. Thời gian lý tưởng là từ tháng 5 đến tháng 9. Tháng 7 trời nóng và cũng là lúc mà các địa điểm du lịch  trở nên náo nhiệt, tràn ngập du khách.

Người Úc gốc Hy Lạp cũng thường trở về thăm gia đình hay nghỉ mát vào thời điểm này. Tôi và nhà tôi đã chọn đúng thời gian được coi là thích hợp nhất để rời Melbourne giá lạnh tới đất nước của những chuyện thần thoại, xem các kỳ tích kiến trúc và tắm biển ở những hòn đảo thơ mộng xa đất liền hàng giờ đi tàu.

 

Mua vé và đặt khách sạn

Mỗi tuần có vài chuyến bay của hãng Singapore Airlines và Thai Airlines từ Melbourne đi Athens. Máy bay Singapore Airlines sẽ ngừng ở Singapore và máy bay Thai Airlines sẽ ngừng ở Bangkok. Chuyến bay Melbourne- Bangkok dài khoảng gần 9 tiếng đồng hồ và từ Bangkok đến Athens mất khoảng 11 tiếng. Cộng với chờ đợi ở trạm quá cảnh, sẽ mất khoảng một ngày cho việc di chuyển bằng máy bay.

Tới xứ lạ, nhưng sau khi đi xe bus, chúng tôi dùng metro để tới khu vực có khách sạn

Chúng tôi du lịch theo kiểu tự túc nên chỉ việc mua vé, chọn ngày đi và về theo ý thích. Như đã nói trong số báo trước, vé khứ hồi của Singapore Airlines lúc này lên đến khoảng $3,000 Úc kim trong khi vé Thai Airlines chỉ khoảng $2,000.

Bạn có thể nhờ đại lý book khách sạn nhưng ngày nay việc đặt khách sạn trở nên dễ dàng bằng online. Sự nhận xét (review) trên internet của những người đã từng dùng một khách sạn nào đó cũng phần nào giúp bạn quyết định nên chọn khách sạn nào với giá thích hợp sở thích và túi tiền của mình. Nhiều công ty online còn cho bạn biết vị trí của khách sạn ở trong thành phố bạn sắp đến.

Nếu bạn dự tính sẽ đến  nhiều thành phố trong một chuyến du lịch, nên book khách sạn trước, chậm lắm là vài ngày trước khi đến đích. Dù biết rằng book khách sạn trước sẽ không cho phép mình uyển chuyển đi đến các nơi khác nếu đổi ý, nhưng kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy đến nơi mới tìm khách sạn sẽ làm cho chuyến đi chơi trở nên mệt mỏi.

Cho nên dù đặt chỗ trọ trễ, chúng tôi cũng vẫn phải book trước cho chắc ăn, tránh làm khách ba-lô lang thang trong khi mang va-li.

Lên internet nhìn một thành phố mình chưa bao giờ xem trong bản đồ, quả cũng khó lựa chọn. Nhưng nghe nói rằng hai khu vực Plaka và Acropolis là nơi đông du khách cư ngụ, lai vãng, mua sắm và ăn uống, lại cũng chỉ cách ga trung ương năm mười phút đi xe metro, tôi giới hạn sự chọn lựa trong hai khu vực này.

Theo một số nhận xét (reviews) thì Acropoli là khu thích hợp để cư ngụ và khu Plaka để ăn uống mua sắm, nhưng sự khen chê thì tùy mỗi người, có lúc thậm tệ đến độ mình không dám đặt.

Chúng tôi vào kiosk bán giải khát và báo chí mua bản đồ thành phố và luôn tiện hỏi hỏi đường

Tôi thấy khách sạn Herodion với giá 119 Euro một đêm bao gồm thuế, phục vụ và ăn sáng kiểu buffet (khoảng 185 Úc kim nếu tính theo hối suất 1 Úc kim ăn 0.64 xu Euro đổi tại khách sạn) quảng cáo là 4 sao, được một cựu du khách trong mục review  khen “Location! Location! Location!”, gần các phương tiện, khu di tích, lại ít ồn ào, nhân viên khách sạn thân thiện dù phòng tắm bị chê không có màn, chỉ có miếng kính che một phần ba nên khi tắm nước bắn ra sàn, nhưng họ nói nếu trở lại Athens sẽ thuê khách sạn này.

Tôi biết khách sạn ở Âu Châu rất đắt đỏ so với Úc và những quốc gia ở Á Châu, Mỹ Châu  nhưng chọn khách sạn với số  tiền 119 Euro thì hy vọng “tiền nào của đó”.

Khi mới đặt chân tới khách sạn, nhìn bên ngoài và phòng lobby, nhà hàng, chúng tôi thấy hài lòng. Tuy nhiên khi phải đi cầu thang máy thì hơi bực mình vì chạy chậm, lại quá hẹp chỉ chứa khoảng 4 người, nên có hai khách mang hai cái va-li thì không ai có thể vào được nữa. Gặp trời nóng và không có máy điều hòa, du khách từ xứ lạnh Melbourne như chúng tôi càng cảm thấy ngột ngạt.

Bước vào phòng ngủ, dù mình book giường đôi, người ta lại sắp cho hai cái giường đơn, may mà kề nhau chứ không như khách sạn 5 sao (thứ thiệt, nhưng giá dễ thở) ở Ai Cập sắp xếp cho hai vợ chồng chúng tôi hai cái giường đơn nằm cách nhau cả một mét, không thể xê dịch gần nhau được vì kẹt mấy cái tủ table de nuit.

Trên sân thượng khách sạn Herodion: thấy toàn cảnh của đồi Acropolis và những cột trụ của đền Parthenon

Ở Jerusalem bên Do Thái,  một khách sạn 4 sao cũng đã cho chúng tôi trọ trong căn phòng hai giường đơn nhưng kê sát nhau. Tôi không hiểu tại sao các khách sạn này chỉ toàn là phòng giường đơn, nhưng đoán mò có lẽ mục đích của họ để phục vụ du khách đi tour, ngủ chung với nhau theo kiểu twin-share. Thật là bất tiện, gặp cặp vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật thì quả là mất hứng thú với những loại khách sạn này.

Bị “sốc” với cầu thang, giường chiếu, lại thêm “sốc” khác khi bấm cầu tiêu mà nước không cuốn hết đồ dơ, phải giữ nút thật lâu thì mới trôi hết (vài ngày sau, nói chuyện với một người Úc ở Melbourne thì được họ chúc một kỳ nghỉ mát vui ở Hy Lạp nhưng nên nhớ sẽ gặp vấn đề về dội cầu tiêu).

Mỗi khi vào một khách sạn, tôi thường yêu cầu nhà tôi đánh giá và với khách sạn Herodion, nhà tôi ban đầu chỉ cho 2 sao. Vài ngày sau, cho lên 3 sao.

Vì khách sạn Herodion chỉ có 4 tầng, nên cả chúng tôi lẫn một số du khách khách thường đi bộ lên phòng ngủ cho nhanh hơn là đợi thang máy. Nhưng khách sạn này được nhà tôi khen về thức ăn sáng và tôi thích vì sân thượng dùng để khách ngồi giải khát có thể xem thấy rất rõ đền Parthenon và một số di tích lịch sử khác kế cận. Khách sạn Herodion nằm cách bảo tàng viện Acropolis Museum vài trăm mét.

Nói dông dài như vậy có nghĩa cuối cùng chúng tôi thích khách sạn này. Vì thế sau khi đi Cairo và Jerusalem trở về Athens ở lại thêm vài ngày, chúng tôi lại chọn Herodion.

 

Di chuyển

Phương tiện di chuyển ở Athens  rất tốt không thua gì Paris, Rome hay New York.

Bạn có thể tưởng tượng chân ướt chân ráo tới phi trường Athens lúc 8 giờ sáng, chúng tôi đã dùng xe bus số X95 về thành phố với vé 3.2 Euro một người?

Mặt tiền khách sạn Herodion ở khu Acropolis, Athens

Chuyến đi mất khoảng 45 phút, xe đậu ở Syntagma Square (nơi có trụ sở Quốc hội của Hy Lạp) là trạm chót. Hỏi người đi đường, chúng tôi kéo va-li băng qua quảng trường và  vào Syntagma Station mua vé metro  (giá 1 Euro)  đi một stop tới Acropolis Station.  Nhảy xuống và ra khỏi hầm, thấy mình đang ở trước Acropolis Museum.

Chúng tôi vào một tiệm vừa để uống nước cho đỡ khát (vì trời mới hơn 9 giờ sáng mà rất nóng nực) vừa hỏi cô chủ quán đường Rovertou Galli Street của khách sạn Herodion, nhưng cô không biết.

Thấy bên cạnh có kiosk bán báo và nước giải khát, tôi không hỏi đường mà hỏi mua một bản đồ thành phố Athens giá 4 Euro và luôn tiện nhờ anh chủ sạp chỉ đường. Dĩ nhiên anh sẵn sàng sau khi mình mua hàng của anh.

Tuy nhiên, đi chừng trăm mét, thấy trong khu vực có nhiều đường nhỏ, ghi bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Anh, tôi bắt đầu rối trí, một phần do chuyến bay kéo dài cả ngày trời. Dự tính đi chừng vài trăm mét mà không kiếm ra tên đường, sẽ kêu taxi dù biết rằng sẽ bị cười bởi không chừng khách sạn chỉ nằm đâu đó chừng vài chục mét.

May thay, đến một ngã ba, đã thấy tên đường (và nhà số 4) của khách sạn . Thế là chúng tôi tốn cả thảy chỉ  8.4 Euro để từ phi trường về khách sạn thay vì đi taxi mất khoảng 40 Euro.

Sau này đi ra phi trường và trở về thành phố Athens, chúng tôi hoàn toàn dùng metro, vé 5 Euro một người và thấy sự đi lại vừa dễ dàng vừa tiết kiệm tiền bạc.

Tại thành phố Athens, ngoài xe bus (có xe bus chạy bằng dây điện như xe tram), metro còn có một tuyến đường chạy bằng xe tram kiểu đời mới như  tuyến đường Port Melbourne – Box Hill.

Mua cái vé 1 Euro có giá trị đi lại trong 90 phút bất cứ phương tiện di chuyển công cộng nào trong thành phố, kể cả tàu bè. Rẻ hơn ở Melbourne!

Thế là bạn đã biết giá cả vé máy bay, khách sạn, sự đi lại trong thành phố Athens.

Tuần tới, mời bạn cùng chúng tôi lên đường đi xem các di tích lịch sử của thành phố Athens, đặc biệt  đền Parthenon, một trong 7 kỳ quan cổ đại của thế giới hiện còn tồn tại.