Hy Lạp: New Acropolis Museum, xây trên cổ tích đổ nát (kỳ 3)

18 Tháng Tám, 2010 | Hy Lạp
Đi bộ vài trăm thước tới bảo tàng viện New Acropolis Museum. Tháng 7 trời Athens nóng, khoảng 37 độ C

Nguyễn Hồng-Anh

***

Trong chuyến du lịch 3 nước thuộc vùng Địa Trung Hải, tôi chúng tôi dành 7 ngày để thăm viếng thành phố Athens của Hy Lạp.

Athens hay Athina theo tiếng Hy Lạp là thủ đô của nước Hy Lạp hiện đại và là kinh thành của Hy Lạp cổ đại có một lịch sử dài hơn 5,000 năm. Hy Lạp và La Tinh là tiếng mẹ của những thuật ngữ Tây phương cho nên những ai theo đuổi các ngành sử học, triết học, y học, chính trị mà rành tiếng các tiếng Hy-La sẽ rất dễ dàng trong việc nghiên cứu. Tiếng Hy Lạp có đâu khoảng 24 chữ cái nhưng dạng khác mẫu tự La Tinh cho nên trong chuyến du lịch vừa qua, chúng tôi có gặp vài trục trặc khi tìm tên đường hay các trạm metro (xe điện ngầm) để nhảy xuống hay đổi xe.

Chẳng hạn cái tên Plakentias là trạm để đổi xe khi đi từ phi trường về thành phố. Vô ý hay không nghe rõ để cứ ngồi ở trên xe mà không xuống đổi xe thì sẽ đi một mạch về tuốt trạm Ano Liosa như chúng tôi đã bị, làm mất hơn nửa tiếng để lộn ngược trở lại.

Phần lớn đường hay tên trạm metro đều có hai thứ tiếng: Hy Lạp và chuyển ngữ tiếng Anh. Nếu không biết tiếng Hy Lạp thì những chữ của nước này cũng chẳng khác gì chữ Á Rập hay chữ rồng rắn của các nước không thuộc hệ La Tinh như Việt ngữ của chúng ta.

Bản đồ đồi Acropolis

Nhưng Plakentias viết theo phiên âm tiếng Anh cũng đôi khi được viết bằng hai dạng chữ. Plakentias viết trên bản đồ là Plakentias, nhưng chữ tiếng Anh xuất hiện trên màn ảnh xe metro lại khác, có vài mẫu tự không giống Anh ngữ (hay La Tinh), vì vậy chúng tôi phải dùng tai để nghe tiếng phát âm từa tựa… là nhảy xuống. Bởi một số tên bằng tiếng Anh trên bảng treo ở tường nhà ga cũng có vài mẫu tự khác với chữ viết trong bản đồ hay trên sơ đồ tuyến đường vẽ ở trên thành cửa bên trong xe metro.

Dông dài như vậy để bạn khỏi phải thắc mắc tại sao địa danh nổi tiếng Acropolis nhiều lúc được viết (theo kiểu tiếng Anh) khác nhau, như Akropolis, Akropoli hay Acropoli. Người Hy Lạp viết (và hình như cả nói) chữ này (mà) không có chữ s đằng sau. Đơn giản là Acropoli.

Ngày đầu tiên đến Athens, sau khi lấy phòng ở khách sạn, ăn uống và ngủ một giấc ngắn cho lại sức, chúng tôi bắt đầu hành trình tham quan. Lúc này đã 2 giờ chiều. Không cần phải đi đâu xa, vì chúng tôi đã thấy đồi Acropolis khi lên sân thượng khách sạn Herodion và viện bảo tàng New Acropolis Museum khi ra khỏi trạm xe metro.

Tháng 7  ở đây trời rất nóng, trung bình khoảng 35 độ C. Chỉ vài trăm thước từ  khách sạn tới bảo tàng viện mà đã thấy chịu hết nổi. Có lẽ là chưa quen. Mà cho dù ở bất cứ đâu, đi bộ giữa trời nắng đều mỏi mệt, nhưng bạn còn sự lựa chọn nào khác?

Sân dẫn vào cửa chính bảo tàng viện New Acropolis Museum: làm bằng kính và giữa để lộ những di tích khảo cổ tồn tại từ hàng ngàn năm trước

Nghe đá kể chuyện ngàn năm trước

Mở cửa 6 ngày, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Đóng cửa ngày Thứ Ba. Bên trong có Cafe & Restaurant có máy lạnh và khu ăn uống kéo dài ra terrace ngoài trời, từ đây có thể ngắm đồi Acropolis và đền Parthenon.

Vé vào cửa: 5 Euro/ người (hối xuất lúc này: 1 Úc kim ăn 64 xu Euro đổi tại khách sạn và 66 xu tại các cửa hàng đổi tiền ngoài phố; tức khoảng 7.50 Úc kim). Ba-lô và túi xách lớn phải gởi lại ở phòng đợi. Không được chụp hình.

Sau 30 năm hoạch định, tranh cãi và và rồi xây dựng, bảo tàng viện mới có tên gọi New Acropolis Museum được khai trương vào giữa năm 2009. Kiến trúc tân thời này cho du khách được cảm giác gần gũi với thiên nhiên, với những di vật khảo cổ còn nằm dưới đất, dưới hầm ngoài trời và hầm hố bên trong; có thể sờ mó hay thấy bằng mắt trần hay qua những sàn bằng kính dày (glass floor).

Cả một thế giới mấy ngàn năm ngổn ngang dưới chân bạn. Nào là những cột trụ khổng lồ còn nguyên vẹn hay đã gãy vỡ, những bức tường đổ, miệng giếng, những tảng đá nằm chơ vơ qua những biến cố của lịch sử do chiến tranh, hỏa hoạn hay động đất. Một thế giới của lớp người chết hàng chục thế kỷ được ráp nối qua những di vật để tự nhiên dưới lòng đất và những báu vật cổ được trình bày lớp lang và thoáng mắt trong những gian phòng và hành lang của một bảo tàng viện không cần đến đèn đóm để xem, với những chú thích đầy đủ bằng hai ngôn ngữ. Tôi chưa bao giờ thấy một loại kiến trúc bảo tàng viện kiểu thế này như ở Acropolis tại thành phố Athens (Tôi thấy có những du khách Tây phương hay Nhật mang theo những cuốn sách và nhìn vào số của các di vật trước mặt, rồi họ lật sách ra đọc. Bấy giờ tôi mới hiểu đó là những người mê tham khảo nên mới mua sẵn sách. Điều này cũng được thấy ở viện bảo tàng tại Ai Cập).

Ngồi nghe đá kể chuyện ngàn năm trước

Kiến trúc sư Bernard Tschumi đã thiết kế bảo tàng viện ba tầng này làm thế nào để tất cả mọi tác phẩm điêu khắc được nhìn thấy bằng ánh sáng  tự nhiên với những tường kính kỹ thuật cao có máy điều hòa để bảo đảm những cổ vật này không bị ánh sáng mặt trời làm hư hại.

Nơi đây bạn sẽ được thấy những bức tượng cổ nhất, những đồ tạo tác của thị quốc Athens (city state) của hàng ngàn năm trước.

Hầu như những cổ vật của các lâu đài, đền thờ, tượng thần của đồi Acropolis (một loại tử cấm thành) đều có mặt ở trong bảo tàng viện mới này. Tượng của các vị thần như Athena, Artemis, Zeus hay những bức tường phòng hộ của đền nữ thần chiến thắng Athena Nike Temple không còn nguyên vẹn.

Đi đâu bạn cũng sẽ gặp những bức tượng có từ trước Công Nguyên, to có nhỏ có, làm bằng đá xốp (porous stone) hay bằng những loại cẩm thạch mà tôi không biết dịch ra tiếng Việt như thế nào, chẳng hạn parian marble, pentelic marble hay hymettan marble.

Ngoài ra, có một số cổ vật được vá bằng thạch cao, chờ ngày đòi lại những phần bị lấy đi hiện đang nằm ở các bảo tàng viện tại Ý hay Anh.

Những đồ tạo tác bị mất có thể là các frieze (diềm trang trí, dải điêu khắc trên đỉnh bức tường hay tòa nhà) hay những bức tượng. Độc giả ở Úc chắc đã từng nghe những cuộc vận động của người Úc gốc Hy Lạp hay chính phủ Hy Lạp  với chính phủ Úc để yêu cầu nước Anh trả lại cho họ những bức tượng bằng cẩm thạch  gọi là Elgin marbles mà Lord Elgin đã lấy ra khỏi đền Parthenon vào thế kỷ thứ 19 và hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng viện Anh quốc?

Chính phủ Hy Lạp hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ trở về với khổ chủ và nằm trong New Acropolis Museum như một dải điêu khắc (frieze) bằng cẩm thạch đã được chính phủ Ý trả lại sau hơn 200 năm nằm trong bảo tàng viện Salinas Museum ở Palermo.

Cũng tại trong bảo tàng viện này, bạn sẽ được xem những mô hình của đồi Acropolis qua nhiều thời đại trước Công Nguyên, sau khi bị Ba Tư xâm chiếm.

Bảo tàng viện mới (New Acropolis Museum) xây trên thành quách xưa

Hy Lạp cổ là đất nước của thần thoại. Chuyện kể rằng người lập ra nước Hy Lạp là vua Cecrops. Ông vua nửa người nửa rắn này được sinh ra từ đất. Ông dạy dân cách làm đồ tiểu công và phong tục chôn cất, quyết định vị thần nào làm bảo hộ cho thành phố bằng cách đòi họ dâng cho thành phố một món quà.

Có hai ứng viên: thần Athena và thần Poseidon. Thần Poseidon dùng cây đinh ba đâm vào đá Acropolis (Acropolis có nghĩa thành phố nằm trên mép đồi), một cột nước phun ra, mọi người chạy tới uống nhưng phải nhổ vì  Poseidon là thần biển.

Sau đó thần Athena lấy tay sờ vào đất, tức thì một cây ô-liu trồi ra. Thấy món quà này quá hữu ích, vua Cecrops bèn chọn Athena làm thần bảo hộ và từ đó thành phố có tên Athena (hay Athens).

Nghe câu chuyện này và theo lời dặn của bạn bè người Hy Lạp (đừng sắm áo quần, chỉ mua đồ trang sức hay mua olive oil), chúng tôi đã mang về Úc vài chai dầu ô-liu được làm tại Athens để dùng và tặng bà con. Chúng tôi cũng không quên đặt mua một bức tượng (dĩ nhiên tượng nhái) thần Aphrodite (tương đương thần Venus của La Mã) làm bằng bột cẩm thạch và đế hoàn toàn bằng marble nặng tới 40 ký để kỷ niệm một chuyến du lịch tại đất nước đầy chuyện thần thoại và lắm tượng cẩm thạch này.

Chúng tôi ngồi nghỉ trước khi mua vé qua bên kia đồi Acropolis nơi đã “chờ” chúng tôi đến xem từ mấy ngàn năm

Đi một vòng, đứng nhìn và đọc một số ghi chú ở các bức tượng, phù điêu mà cái nào cũng đáng xem, chúng tôi tới phòng chiếu phim (nói bằng nhiều ngôn ngữ) để xem sơ qua lịch sử của đền Parthenon từ thế khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên đến thế kỷ 21 sau Công Nguyên.

Rồi ghé qua quán cafe của bảo tàng viện bởi trời nóng nực, rất khát (Ly capuchino đá: 2.50 Euro, chai nước suối 50 cent). Cũng như ở trên sân thượng khách sạn Herodion, chúng tôi lại ngồi ngắm đồi  Acropolis với thành đá cao chênh vênh một cách kỳ lạ và những cột trụ của đền Parthenon “nhãn hiệu cầu chứng” du lịch của Hy Lạp.

Chúng tôi tạm hài lòng với khoảng 2 tiếng rưỡi dành cho cuộc thăm viếng bảo tàng viện. Cái thú của du lịch tự túc là mình muốn ở lại bao lâu cũng được, chứ không như  đi tour (dù đi tour nửa ngày hay một ngày) thường bị hối thúc và làm mất hứng.

Ra khỏi viện bảo tàng, thấy cả trái đồi nằm đối diện,  chúng tôi băng qua đường kiếm trạm bán vé núp  đâu đó sau lùm cây của một ngày nắng và rất nóng (còn tiếp).