Hy Lạp, thế giới của những người thích biển (kỳ 5)

01 Tháng Chín, 2010 | Hy Lạp
Cảng Piraeus với phố xá nhà cửa thấp khoảng dưới 10 tầng, chỉ có một cao ốc nổi bật. Giữa hình là một chiếc tàu đò lớn nhiều tầng cạnh hai chiếc tàu nhỏ có tốc lực gấp đôi dùng để đi các đảo xa như Hydra

Nguyễn Hồng-Anh

***

Trước khi đến Hy Lạp, tôi có tìm hiểu sơ vài địa điểm thăm thú ở Hy Lạp bằng cách đọc vài tập hướng dẫn hay quảng cáo hiện có ở các đại lý du lịch. Chẳng hạn cuốn Island Hopping Greece do công ty Greece and Mediterranean Travel Centre ấn hành.

 

Giấc mơ Địa Trung Hải

Nhìn hàng chục hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa hai nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ với những tuyến đường tàu chạy từ 1 đến 15 tiếng đồng hồ là tôi mê tơi. Một người Hy Lạp quen biết bảo tôi hãy đi một chuyến bằng tàu tới các đảo để thưởng thức vẻ đẹp của biển Địa Trung Hải nhưng đi vé hạng nhất.

Địa Trung Hải? Tôi đã thích từ thời còn ngồi ghế trung học khi đọc về địa lý và lịch sử của Pháp và những nước trong vùng như Tây Ban Nha, Ý. Tôi đã mơ được tắm biển ở thành phố điện ảnh Cannes của Pháp nhưng chưa có cơ hội, nhưng tin các bãi biển ở Hy Lạp và những nơi tôi sẽ đến trong chuyến đi này như Ai Cập và Do Thái, chắc cũng chẳng thua gì. Bởi tất cả đều nằm trong Địa Trung Hải.

Tôi không nghĩ sẽ đi tới những hòn đảo nổi tiếng như Crete (10 giờ bằng tàu đò) hay Rhodes (tới 16 tiếng) bởi thời gian không cho phép, vả lại tôi không có cái thú ngồi quá lâu trên tàu, dù là du thuyền hay tàu du lịch hay tàu đò. Tôi đã từng đi từ Melbourne ra Tasmania bằng tàu Spirit of Tasmania và thấy 10 tiếng là quá lâu, may đi vào dịp tối nên cũng đỡ chán.

Với tôi, ngồi một hai tiếng trên tàu là đủ. Do đó thấy trong bản đồ những hòn đảo nằm sát nhau theo thứ tự Aegina, PorosHydra, ghi 1 giờ thì tôi chấm ngay dù không biết mất một tiếng như thế phải đi từ đâu, hải cảng nào.

Cũng nhìn trên bản đồ, ngoài thành phố Athens, tôi thấy còn một số địa danh như: Delphi ở tây bắc, CorinthOlympia ở tây nam  và Sparta ở phía nam. Tôi đã nghe địa danh Sparta với trận chiến giữa người Hy Lạp và Ba Tư đã được quay thành phim; và Olympia là nơi khai sinh Thế vận hội ngày nay, và biết sẽ không đi hết.

Nhưng làm sao để lên một chương trình vừa tham quan vừa du ngoạn trong những ngày còn lại ở thành phố Athens?

Ở khách sạn, bạn có thể hỏi những chuyến tour đi nửa ngày hay một ngày qua những tờ quảng cáo ở các kệ trong phòng đợi. Cũng có những văn phòng du lịch cung cấp những tour trong thành phố, trong nước hay những tour đi các nước trong vùng Địa Trung Hải. Nhưng bạn phải book tối thiểu một đêm trước. Và thường phải dậy sớm để kịp xe đợi bạn, đón những du khách ở các khách sạn khác nữa.

Một con chim hải âu bay theo tàu chúng tôi

Chúng tôi chia chương trình như sau: Hai ngày đi ra các hòn đảo, ngắm cảnh và tắm biển, một ngày đi khắp thành phố Athens, một ngày đi tới những địa điểm xa hàng trăm cây số như Olympia, Sparta. Còn lại, đi ngắm và mua sắm.

Sau buổi ăn sáng kiểu buffet đã bao trong tiền phòng, chúng tôi lên đường, tìm tới hải cảng gần nhất để ra hòn đảo gần nhất.

Hải cảng gần nhất là Piraeus và cũng là hải cảng lớn nhất của Hy Lạp. Với người không biết đường, nên đi taxi nhưng tôi nghe nói tốn khoảng 40 Euro (hối xuất lúc này: 1 Úc kim ăn 64 xu Euro đổi tại khách sạn, và 66 xu tại các cửa hàng đổi tiền ngoài phố; tức tốn khoảng 62 Úc kim).

Tuy nhiên tôi được biết đi lại trong thành phố với vé 1 Euro, bạn có thể đi bất cứ phương tiện nào trong vòng 1 tiếng rưỡi. Chúng tôi chọn đi metro, vì đã lấy được bản đồ miễn phí trong khách sạn,một bản đồ còn dễ sử dụng hơn bản đồ đã mua 4 Euro ngoài phố ngày hôm trước.

Từ khách sạn ra trạm Acropolis đón metro tới trạm Omonia; từ đây đổi metro đi tới trạm Piraeus, xe dừng khoảng 10 trạm, chạy mất khoảng 50 phút.

Tôi không biết đường, nên cứ gặp ai có thể hỏi được là hỏi. Phần lớn người dân địa phương nói được tiếng Anh, tệ lắm cũng đủ để chỉ đường cho bạn.

Vì cảng Piraeus rất lớn, có nhiều bến tàu đi nhiều hòn đảo khác nhau nên bạn phải đi bộ khá lâu (khoảng 20 phút) mới đến cổng (gate) E9, là nơi bán vé đi các nơi như Aegina, Poros và Hydra. Tôi hỏi vé đi Aegina vì đã biết đảo này gần nhất.

Vé 9.50 Euro một chiều. Có thể mua hai chiều tại chỗ hoặc mua vé trở về ở ngoài đảo, nhưng tốt nhất nên mua vé đi và về để bảo đảm có chỗ về đúng giờ mình muốn. Tôi mua vé khởi hành lúc 1.20pm và vé về lúc 6.50pm.  Tàu chạy mất 1 giờ 20 phút, có nghĩa mình sẽ được ở trên đảo khoảng 4 tiếng, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết sẽ làm gì khi tới đảo.

Thấy tàu ra vào tấp nập, lớn nhỏ đủ loại, tôi hỏi đi tàu nào, cô bán vé chỉ vào cái vé có chữ Apollon bằng tiếng Anh và nói khi nào tàu đó đến thì hãy lên. Chúng tôi phải chú ý lắm kẻo sợ không nhận diện ra tàu của mình, bởi chỉ có 1 chữ Apollon  vừa phải bên hông tàu, còn toàn là chữ Hy Lạp. Tôi cố gắng so sánh tên tàu bằng tiếng Hy Lạp thật to nằm ở miệng/đuôi  tàu nhưng chẳng thấy giống chữ Anh chút nào cả.

Bến tàu của đảo Hydra

Tàu đò này nhiều tầng, khá to và dài. Tầng dưới chở xe hơi, xe vận tải. Hai tầng trên cho khách và một boong tàu cả trăm ghế nhựa cho khách thích ngồi ngoài trời.

Các tàu đò loại ferries này có phương tiện giống tàu Spirit of Tasmania nhưng nhỏ hơn. Bạn nên lên trên boong tàu để ngắm cảnh, nếu sợ nắng thì ngồi ở đuôi tầng thứ hai, có mái che. Muốn mát nữa thì vào bên trong, có quầy bán giải khát, ghế nệm và máy lạnh.  Số hành khách trên tàu chưa chiếm một nửa số ghế nên mặc sức đi lui tới, tìm chỗ ngồi. Tôi thấy bên cạnh có những ông bà Đại Hàn tuổi trung niên, họ đi đảo theo lối tự túc nên ra vẻ còn ngơ ngác hơn chúng tôi nhiều.

Tàu rời cảng, các tòa nhà dọc bến lui dần như xem phim màn ảnh rộng. Nhìn kỹ thấy chân trời cảng Piraeus toàn là những tòa nhà bằng nhau, cao lắm là 10 tầng, ngoại trừ một cao ốc duy nhất cao gấp đôi  các tòa nhà khác.

Tàu ra biển, thấy được thành phố Athens vây bọc bởi những ngọn đồi trọc phủ những đốm trắng trông giống nghĩa trang bởi nhà cửa thấp và bằng nhau.

Cảng Piraeus nằm trong eo biển rộng có tên là Vịnh Saronic, là bến đậu của rất nhiều tàu lớn. Nói đến tàu bè, tôi sực nhớ một ông vua thương thuyền giàu khét tiếng của Hy Lạp: Onassis, người chồng thứ hai của cựu Đệ nhất Phu nhân Hiệp Chủng Quốc, Jackie Kennedy.

Ra khỏi cửa biển bạn bắt đầu gặp một số hòn đảo lớn nhỏ,  tàu lớn tàu nhỏ, những thuyền buồm trên vùng biển  nước xanh biếc và những con chim hải âu màu trắng bay đuổi theo tàu mình hàng cây số, liệng qua lại như đang biểu diễn cho bạn xem. Bạn sẽ thích thú ghi lại những thước phim nên thơ và như đang nghe đâu bài hát “Bay đi cánh chim biển” của nhạc sĩ Đức Huy.

1 giờ 20 phút không lâu và không ngắn cho một chuyến đi biển. Chúng tôi xuống hòn đảo khá nổi tiếng dành cho khách du lịch nước ngoài thích một chuyến đi ngắn.

AEGINA là hòn đảo hình tam giác rộng khoảng 88 cây số vuông, ngang 15 km và dọc 10 km với dân số khoảng 15,000 người, cách hải cảng Piraeus 27 km. Nghe nói có những người ở Athens có căn nhà thứ hai ở nơi này như là nhà nghỉ mát cuối tuần.

Khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên Aegina có một đội thủy quân hùng mạnh trong vùng, từng đối đầu với Athens. Thời đó, các thành phố ở nước Hy Lạp đều là thị quốc độc lập nhưng Athens là thị quốc lớn nhất và tồn tại lâu nhất để thống lãnh và sau đó hình thành một Hy Lạp rộng lớn có tên là Đế quốc Byzantine.

Aegina còn những di tích lịch sử như đền Aphaia và nhà thờ Agios Nektarios nhưng chúng tôi đi Aegina vì biển.

Một khu vực có nhiều người tắm ở đảo Hydra, nhưng dốc và toàn mõm đá, thích hợp với giới trẻ hơn

Đi biển không mang đồ tắm

Bước ra khỏi tàu, một hải cảng nhỏ hiện trước mắt với nhiều du thuyền như tôi đã từng thấy đâu đó trên sách báo, tranh ảnh. Có cả du thuyền sang trọng mang cờ Mỹ. Đúng là một địa điểm nghỉ mát lý tưởng tôi thường nghe. Nhưng trời nóng đến độ đi từ bến cảng vào đường cái và khu buôn bán của thành phố là nhà tôi không còn sức đi nổi, chỉ tìm gốc cây ngồi. Đã đuối thật sự. Trường hợp này cũng giống chuyến du lịch Nhật Bản vào tháng 7 năm 2007 khi chúng đi bộ từ trạm xe lửa thành phố Kyodo tới chùa Kiyomizu giữa trời nắng hè trên 35 độ.

Người ta nói du lịch Hy Lạp hay đảo Aegina thì nên đi vào mùa xuân hay mùa hạ, lúc trời ấm (chứ không nóng nực) và ít du khách. Nhưng nếu bạn chịu được nắng, tôi nghĩ mùa hè lý tưởng hơn, vì không có mưa. Hãy tưởng tượng đi du lịch mà trời mưa dầm dề hay phải mang dù, mặc áo mưa.

Không chỉ nhà tôi phải ngồi nghỉ dưới bóng cây. Tôi thấy vài cô gái trẻ người Đại Hàn cũng không đi xa hơn chúng tôi, mặc dầu cách vài trăm mét thấy có bãi biển và có người tắm.

Bây giờ chúng tôi mới hối tiếc là đã quên mang theo đồ tắm, vì đi vội, vì đoảng đến độ đi biển mà không mang theo đồ tắm.

Nhưng không lẽ cứ ngồi mãi đây đợi tàu trở về. Nhảy lên bus để chạy đến đâu hay đó? Kêu taxi ra một bãi biển xa hơn, vắng vẻ hơn? Ngồi xe ngựa thồ đi một đoạn tốn mươi Euro? Chúng tôi bỏ các ý định này vì nắng đến mờ mắt, chẳng còn hứng thú gì.

Tôi thử đi một mình tới bãi biển, lội nước xem sao và quả thật cảm giác mệt mỏi không còn nữa như khi còn ngồi trên đường lộ.

Thế là hai chúng tôi giống như những đứa trẻ nhà quê ra biển vọc nước nhưng không xây nhà trên cát vì không mang theo đồ tắm. Lúc này đã gần 4 giờ chiều. Nhìn quanh thấy có những quán thơ mộng nằm riêng biệt thích hợp cho những cặp tình nhân như cảnh ở các đảo bên Vanuatu, New Caledonia hay Bali.

Chúng tôi thích quán nằm sát bãi cát hơn để ngắm cảnh người tắm hơn. Thấy một quán nằm dọc bờ biển quảng cáo đồ biển truyền thống Hy Lạp (Greek traditional fish), tôi nói nhà tôi hãy vào đây ăn cho biết dù không đúng bữa.

Chúng tôi gọi 3 món. Cá salmon nướng: 11 Euro; tôm nướng: 14 Euro và điệp hấp: 7 Euro; bia địa phương Mythos (gần giống VB): 3 Euro.

Bên cạnh tôi có một gia đình người Mỹ, nghe chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt có chữ dầu olive, người vợ bèn xin lỗi đã lấy chai dầu để trên bàn chúng tôi (như tiệm Việt Nam để sẵn xì dầu hay tương) và hỏi chúng tôi có cần lại không. Tôi nói chúng tôi chỉ bàn về dầu olive bởi người ta nói dầu olive Hy Lạp nổi tiếng ngon. Hai ông bà Mỹ gật đầu.

Đĩa cá salmon nướng ngon tuyệt, nhất là cho ngập dầu ô-liu, ô-liu Hy Lạp. Nhà tôi vừa ăn vừa khen, nói chưa bao giờ ăn cá ngon như vậy, quả đồ biển Hy Lạp danh bất hư truyền. Ngon tuyệt đấy, nhưng tôi nghĩ cũng nhờ khung cảnh.

Tôi thấy có những cặp tình nhân, những cặp thiếu nữ bận bikini ngồi ghế xếp uống bia, hút thuốc và thỉnh thoảng xuống biển tắm. Có những người không xài ghế hay dù của tiệm, họ từ đâu đó xuống biển phơi nắng. Trông thân hình rám nắng của họ chứng tỏ là người mê biển hay người địa phương (khác với người Hy Lạp ở Melbourne có nước da nhạt, hơi tái). Lại có bà ngồi trên bãi cát đọc sách hàng giờ.

Người Hy Lạp ở thành phố Aegina này khá hiếu khách. Chúng tôi thấy một cặp nam nữ người Âu Châu hỏi đường đi tới khách sạn thì một phụ nữ to con có lẽ đến từ đất liền đã tìm các đồng hương của đảo để hỏi và chỉ đường giúp du khách.

Tại ngã ba bến cảng, xe taxi nối đuôi chờ khách hầu hết là Mercedes đời mới, thỉnh thoảng mới có vài chiếc hiệu khác. Nhiều tài xết taxi là phụ nữ trẻ. Người đi xe gắn máy hầu như không đội nón bảo hộ.

Ngồi vài tiếng ở quán ăn ngắm biển, những ly bia giữa trời nắng gió hiu hiu làm chúng tôi quên hẳn cái nóng nực đến gần xỉu khi mới tới đảo. Chúng tôi tản bộ trở về bến Aegina, biết rằng tàu đi rất đúng giờ như đã ghi trong vé.

Về đến cảng Piraeus đã hơn 7 giờ, nhưng sinh hoạt ở đây vẫn tấp nập. Có những chiếc tàu thật vĩ đại đang đón khách  lên, mang vali, ba lô, sleeping bag, không rõ họ đi đâu, đảo nào.

 

Một ngày đi biển, chỉ tắm được 30 phút

Chuyến đi chơi đảo lần thứ hai ở Hy Lạp là khi chúng tôi trở về từ Ai Cập và Do Thái. Tổng cộng 7 ngày ngắn ngủi dành cho thành phố Athens, chúng tôi dùng hai ngày đi ra các đảo. Trước khi lên đường về Melbourne, chúng tôi dùng một ngày để đi một hòn đảo độc đáo của Hy Lạp, cách hải cảng Piraeus 56 km.

Bãi này thoai thoải, thích hợp với gia đình có trẻ con và người lớn như chúng tôi

HYDRA độc đáo ở chỗ nào?

Hydra theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là nước. Đây là hòn đảo tương đối nhỏ, rộng 64 cây số vuông với dân số khoảng 2,700 người. Hòn đảo thu hút du khách bởi sự yên tĩnh, sạch sẽ với những “bãi biển” là những vách đá nằm sát mặt nước có những bậc cấp tự nhiên hay nhân tạo mà từ đây khách tắm biển có thể nhảy hay phóng xuống như ở các cầu nhảy trong hồ bơi.

Vì đảo là núi nên nhà cửa nằm ở sườn đồi, phần lớn mái ngói đỏ, đường xá hẹp, dốc và lót gạch đá. Ở đây không có xe cộ, phương tiện di chuyển duy nhất là đi bộ hay cỡi lừa (dành cho du khách). Dân số tuy ít nhưng có rất nhiều nhà thờ và tu viện.

Chúng tôi biết rằng đi chơi xa cần phải dậy sớm. Lại nên ra hải cảng sớm để đi những chuyến sớm hầu có nhiều thì giờ ở trên đảo. Nhưng sau khi ăn sáng xong và lên đường thì cũng đã 10 giờ.

Đón metro ra hải cảng lần này, bị lộn trạm. Thay vì đi trở ngược, lại mau miệng hỏi một thanh niên bản xứ. Anh này sốt sắng giúp đỡ, nói trạm chuyển xe gần đây chỉ mất 5 phút và vì anh cũng tới gần đó, nên hãy đi theo anh ta. Nhưng cuối cùng chúng tôi mất cả 15 phút. Tuy nhiên không thể trách lòng tốt và hiếu khách của người ta. Vì thế đến cảng Piraeus đã là 11 giờ 30 trưa.

Đi Hydra thì phải đi tàu cao tốc (high speed boat) chạy nhanh gấp đôi tàu đò thường. Hỏi mua, gặp cô bán vé nói xẳng thành ra không biết tính toán ra sao, bởi chuyến gần nhất khởi hành lúc 1 giờ trưa và về chỉ có hai chuyến lúc 4 giờ 20 chiều và 9 giờ tối, đành đứng qua một bên để suy nghĩ. Bởi nếu về chuyến chót thì đến khách sạn cũng đã 12 giờ khuya, quá trễ. Nhưng về chuyến sớm thì chỉ được đặt chân trên đảo đúng 2 tiếng. Làm sao xem cảnh, tắm biển đây?

Bàn một lát, chúng tôi kiếm trạm bán vé khác để hỏi, nghĩ rằng người mặt tròn thường phúc hậu dễ tính, nhưng cô này cũng khó chịu với khách ngoại quốc, không ưu tiên trả lời trước cho người đứng trước mà lại trả lời cho đồng hương của cô ta đứng sau chúng tôi.

Tôi nghĩ có lẽ trời quá nóng nực nên người ta đâm ra khó tính, chứ người Hy Lạp trên phố rất dễ chịu, ưa trả lời người ngoại quốc hỏi đường. Chúng tôi mua vé khứ hồi 51 Euro một người (khoảng 78 Úc kim). Chờ tàu hơn một tiếng, đi tàu 1 tiếng 20 phút và chỉ được ở trên đảo đúng 2 tiếng đồ hồ.

Loại tàu cao tốc này có tên Flying Dophin (cá heo bay) khi chạy cả sườn tàu hầu như  vuột khỏi mặt nước để lộ cái càng chống đỡ tàu trông như ván trượt nước, vì vậy tàu mới chạy như bay.

Tàu cập bến, chúng tôi không đứng ngắm cảnh mà vội vàng đi dọc bờ biển ở mé phải đảo, tìm chỗ tắm vì sợ trễ giờ. Phải tắm cho đáng đồng tiền và thì giờ bỏ ra, để biết biển Hy Lạp như thế nào.

Nước trong xanh đẹp quá, tiếc đi một ngày mà tắm chỉ được 30 phút

Chúng tôi tự cho phép mình được tìm chỗ tắm trong 30 phút là tối đa  để có thể tắm trong 1 tiếng đồng hồ. Nhưng thấy toàn người tắm ở những mỏm đá, đẹp nhưng quá sâu. Thấy các thanh niên nhảy từ bờ đá mà thèm, nhưng tôi phải tìm nơi có bãi và nước cạn vì nhà tôi chỉ biết bơi sơ sơ. Thế là cứ đi, khi lên khi xuống, vòng quanh bờ biển mà chẳng thấy có bãi cát nào. Hỏi những du khách đi ngược chiều, phần lớn là người Pháp, bãi dành cho em bé tắm ở đâu, họ cứ bảo đi 5 phút.  Sau vài lần “5 phút” đó, cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi, nhưng đã mất đi 45 phút.

Tôi nhìn đồng hồ, cho phép tắm từ 15 đến 30 là tối đa, để còn 45 phút trở về, vì tàu chạy rất đúng giờ. Trễ là mất tiền, về khuya và không chừng phải ngủ qua đêm.

Bãi biển này nhỏ không có cát, toàn đá cuội trên bờ và đá lớn ở dưới nước. Nước trong mát, ít người xuống tắm. Lúc này đa số du khách ngồi ở quán ăn trên mé đồi.

Nước làm tôi sảng khoái, nhất là lúc úp mặt xuống nước, mát rượi, nghĩ ước gì Melbourne có biển như thế này. Ngẩng đầu lên hít không khí vào ngực, úp mặt xuống, tôi tận hưởng cái cảm giác thư thới biển mang lại. Đây là lần tắm biển thích thú nhất trong chuyến du lịch lần này của tôi. Có lẽ vì tắm quá ít giờ?

Sau đúng 30 phút, chúng tôi lên bờ, để nguyên đồ tắm ướt đi bộ về bến tàu.

Vì trước đó đã đi lung tung, vào một số hẻm để tìm đường ra bãi nên ra vẻ khi trở về chúng tôi đã không đi đúng lối cũ. Chúng tôi đã lạc đường. Hỏi người dân trong các con hẻm này, phần lớn họ không nói tiếng Anh. Lấy tay chỉ chỏ, nói Hydra port, một số thanh niên trố mắt nhìn và cười. Chúng tôi không cho phép đứng lại hỏi thêm, cứ  tiếp tục đi, hễ gặp người mới là hỏi.

Xui cho chúng tôi đã không gặp một du khách ngoại quốc nào. Nhà tôi nói đi bên phải, tôi nói đi bên trái, bởi khi khởi hành bên hướng  phải thì trở về phải đi hướng trái.  Để khỏi tranh cãi, chúng tôi đi hướng thẳng.

Nhưng mất 15 phút vẫn chưa thấy đường cũ, lại thấy một bờ biển khác mà không phải là hải cảng. Chúng tôi thật sự đã hoảng hồn. Làm sao đây?

Chúng tôi đi bộ và lạc trong những con hẻm như thế này khi tìm đường trở về bến tàu

Nhà tôi sợ trễ tàu, cứ thế mà rối lên. Tôi bảo nếu trễ thì mua vé chuyến sau, kẹt thì ở lại đêm vì tại bến tàu thấy có các nhà trọ. Cứ thế mà đi, nhưng đường dẫn lên đồi cao. Tôi không còn lòng trí để quan sát nhà cửa của cư dân trong các con hẻm. Nhưng kìa, cái tháp nhà thờ đã thấy ở bến tàu. Không ngờ chúng tôi đã băng được nửa ngọn đồi của hòn đảo và trở về cảng bằng một lối khác. Hú hồn.

Vì đi tắt, nên đã về sớm cả 15 phút, còn thì giờ để uống cà phê chờ tàu. Chúng tôi nhìn nhau cười, không còn những phút căng thẳng.

Tàu Flying Dophin tới trước 5 phút, bốc người và rời bến đúng giờ, có vẻ không muốn chờ những ai đi trễ.

Cảnh những người tắm ở dốc đá Hydra Island, chụp khi tàu cao tốc rời đảo

Lần này, giữa đường tàu ghé đảo Poros rước người, vì thế chuyến đi này  dài tới 1 giờ 40 phút. Đảo Poros là một trong 3 hòn đảo nằm trong tầm ngắm của chúng tôi trong chuyến đi. Những cô gái từ trên đảo Poros xuống tàu ngồi gần chúng tôi nói tiếng Pháp. Quấn mình trong những chiếc khăn tắm, họ trông mệt mỏi nhưng có vẻ thỏa mãn. Có người nói đảo Poros không đẹp bằng đảo Aegina và ngược lại.

Khác với đảo Aegina gần, chuyên chở bằng tàu lớn và khách phần lớn là người địa phương, du khách đi tàu nhỏ ra các đảo Poros và Hydra đa số là ngoại quốc.

Đến cảng Piraeus đúng 6 giờ chiều. Về khách sạn 7.00 PM.  Chúng tôi còn một đêm cuối và một ngày để ăn uống và mua sắm.