Ai Cập: Tắm biển ở “Hòn ngọc Địa Trung Hải”, du khách không được mặc bikini! (kỳ 4)

13 Tháng Mười, 2010 | Ai Cập
“Cô Dâu Địa Trung Hải”? Bãi biển trước thành phố Alexandria ngày nay không còn là nơi lý tưởng để du khách đến tắm. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Nói đến Alexandria là nói về một thành phố biển, được mệnh danh là The Pearl of the Mediterranean (Hòn ngọc Địa Trung Hải) hay thơ mộng hơn, The Bride of the Mediterranean (Cô dâu Địa Trung Hải) với một bờ biển dài cả 30 cây số.

Đất lành chim đậu, dân tứ phương tới đây buôn bán sinh sống. Người ta nói trong 300 năm từ thời của Alxander the Great vĩ đại đến thời của nữ hoàng Cleopatra VII sắc nước hương trời, dân số của thành phố biển này chừng nửa triệu tới một triệu người, được coi là đông nhất theo sự hiểu biết của người Tây phương thời đó. Ngày nay Alexandria là thành phố lớn thứ hai của Ai Cập với dân số trên 4 triệu người. Liệu còn đẹp như thuở xưa? Mời bạn cùng đi xem với chúng tôi.

 

Nữ hoàng Cleopatra từng tắm nơi đây?

Sau khi xem pháo đài Qaitbay, người dẫn du lịch đưa chúng tôi đến bãi biển của thành phố là mục tiêu thứ hai của chuyến đi. Tôi nghĩ thành phố có thể còn một số bãi biển khác (vì dài cả 30 cây số) nhưng Ekramy đưa chúng tôi trở ngược lại đại lộ dọc bờ biển dẫn ra  pháo đài Qaitbay.

Hình thể tuyệt đẹp: Bờ biển là một vòng cung lớn tạo thành một cái vịnh trước mặt thành phố Alexandria. Có thể nhìn thấy pháo đài Qaitbay (màu vàng phía trái) nơi từng có Lighthouse of Alexandria. Trước mặt người phụ nữ đi với chồng cùng hai con là cửa biển với hai ngọn hải đăng màu đen. Hình: TVTSNói về địa hình, bãi biển Alexandria rất lý tưởng. Các cao ốc chen chúc nằm dọc bờ biển tạo thành một hình vòng cung thật lớn, đúng hơn là vòng tròn với lối ra đại dương là một cửa biển lớn.  Alexander Đại Đế quả có mắt thẩm mỹ và biết nhìn xa khi chọn nơi đây để thành lập một thành phố xứng đáng với tên tuổi của ông.

Quanh vòng đai biển là những bến cho tàu bè nhỏ đậu, chính giữa là bãi cát rộng và dài, nơi dân thành phố chỉ bước qua khỏi đường nhựa là tới bãi tắm, như  Bondi ở Sydney, Nha Trang ở Việt Nam.

Tôi từng nghe người ta ca tụng cảnh hoàng hôn trên đại lộ dọc biển Alexandria nhưng khi ra bãi cát để xuống biển tắm, chúng tôi có cảm tưởng mình đã đi lộn chỗ (một người Hy Lạp và một người Do Thái tôi có dịp tiếp xúc nói khi họ đi Ai cập, họ không đến Cairo hay Alexandria mà đi nghỉ mát và tắm biển ở Biển Đỏ hay núi Sinai, những nơi mà họ nói bãi biển tuyệt đẹp).

Rác rến bừa bãi: một góc bãi biển về hướng pháo đài Qaitbay. Hình: TVTS

Tôi đã khốn đốn khi dùng phòng vệ sinh và phòng tắm công cộng (có trả 1 Pound cho người gác) để thay đồ bởi người ta phóng uế bừa bãi, nhìn buồn nôn. Tôi ra ngoài bãi cát định quấn khăn thay đồ giữa trời nhưng ngại phong tục ở đây không cho phép nên đành trở vào chịu trận, trả cái giá để được tắm biển Alexandria.

Ekramy thuê 2 cái dù và 4 cái ghế cho nhóm chúng tôi. Bãi biển đầy người hóng biển và tắm. Các bà các cô mặc nguyên quần áo ngâm mình dưới nước, có bà trùm khăn đầu. Chỉ thấy các trẻ em trai và một vài ông để thân mình trần. Một vài thanh niên còn mặc cả áo thun. Nhà tôi là người duy nhất mặc đồ tắm mono-kini. Chúng tôi cảm thấy có sự bất ổn về cách ăn mặc của mình và không dám xuống biển vì nhìn nước đục ngầu, bãi cát ngập rác rến, giấy vụn  bay tứ tung. Sau mấy chục năm được sống ở xứ sạch sẽ như Úc, chúng tôi cứ đứng nhìn, không có can đảm xuống nước.

Nghiêm ngặt: chỉ có đàn ông và trẻ con mới để lưng trần khi tắm biển, phụ nữ địa phương mặc y phục kín người khi tắm biển. Hình: TVTS

Thấy vậy, Ekramy bảo nhà tôi cứ xuống tắm vì mọi người dân ở thành phố Alexandria đều tắm ở đây và Alexandria không phải là Paris hay Australia. Ông tài xế thấy bộ điệu sợ dơ của chúng tôi bèn hỏi Ekramy chúng tôi từ đâu đến.

Cuối cùng, tôi nói với nhà tôi dầu nước trông không sạch nhưng nước biển có chất muối nên không đáng ngại, cứ xuống nước để được một lần tắm ở thành phố nổi tiếng trong lịch sử, nơi có thể đã là chỗ hẹn hò và tắm biển của cặp tình nhân Cleopatra – Mark Antony!

Nước bẩn nhưng ấm, đùa một lát với sóng biển làm chúng tôi cảm thấy dần dần thích thú, nhưng vì đi trễ nên chỉ được tắm một tiếng bởi Ekramy nói chúng tôi còn đi ăn trưa và làm một vòng thành phố trước khi trở về Cairo.

Rời bãi biển, Ekramy chạy theo đưa cho chúng tôi mỗi người 1 Pound để trả tiền sử dụng phòng tắm công cộng hồi nãy. Một bầy con nít thấy vậy bèn ngửa tay xin tiền, chúng tôi lắc đầu và thế là một cậu bé chửi thề quẳng một nắm cát vào người chúng tôi. Nó nén rất chính xác. Đã ớn phòng thay đồ nay lại dính cát, chúng tôi bực mình vì sự mất dạy của chúng đối với du khách ngoại quốc.

Được tắm nơi ngày xưa Nữ hoàng Cleopatra từng tắm?

 

Rửa ráy và thay đồ xong, tôi ra bên ngoài đợi. Một đám đàn ông trung niên nhìn tôi chỉ chỏ nhưng tôi chẳng hiểu họ muốn gì. Nhà tôi đi ra, cho biết các bà mẹ đem con cái vào phòng tắm rửa trong khi họ để nguyên quần áo ướt không thay. Bầy trẻ tròn xoe mắt nhìn vợ tôi như người từ hành tinh nào đến.

 

Coi chừng cách ăn mặc khi tắm biển

Ra xe, tôi giựt mình bèn hỏi Ekramy thì mới biết rằng ở đây không được phép mặc bi-kini, nhưng mặc đồ như nhà tôi thì được. May là nhà tôi mặc đồ tắm loại khá kín đáo, ống dài như quần sọt. Hú hồn, chúng tôi hoàn toàn không để ý gì đến quy tắc ăn mặc ở xứ Hồi giáo. Nhớ lại đã có chuyện những người người Tây phương qua các nước Ả Rập bị bắt, bị giam giữ vì phạm thuần phong mỹ tục của họ.

Bây giờ nghĩ lại một bản tin trên nhật báo Herald Sun số ra ngày 16.9.2010 lại càng giật mình hơn nữa.

Sẽ không bao giờ chúng tôi được tắm lại ở bãi biển Alexandria bên Ai Cập. Hình: TVTS

Bản tin của ký giả Padraic Murphy có tít “VCAT ruling backs Muslim dress code. Cover up for pool event” được tạm dịch “Phán quyết của VCAT ủng hộ luật lệ ăn mặc của Hồi giáo. Hãy che kín người khi tới hồ bơi”.

Theo ký giả Murphy thì các gia đình khi tới tắm ở hồ bơi công cộng Dandenong Oasis ở miền đông Melbourne trong dịp một lễ hội phải che thân thể để khỏi xúc phạm những người Hồi giáo nhân dịp lễ Ramadan vào năm tới.

Tòa án hành chánh VCAT chấp thuận việc cấm đoán những lối ăn mặc bị coi là hở hang và nhạy cảm với người Hồi giáo nhưng chỉ áp dụng tại hồ bơi này trong vòng 2 tiếng đồng hồ từ 6.15pm ngày 21.8.2011. Những người tham dự từ 10 tuổi trở lên phải bảo đảm cơ thể của họ được phủ kín từ ngực tới đầu gối và cả thân người. Hội đồng thành phố Greater Dandenong nói việc cấm đoán này giúp người Hồi giáo cảm thấy họ là một thành phần của cộng đồng.

Bản tin này đã gây ra một vài tranh luận trong đó có những người cho rằng đây là nước Úc, những sắc dân khác tới đây sống cần hội nhập, theo tập tục của người Úc. Có lẽ cuộc tranh luận sẽ nổ lớn vào năm tới khi việc cấm đoán có hiệu lực.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao ở bãi biển Alexandria chẳng có một phụ nữ nào để hở vai khi tắm biển ngoại trừ vợ tôi vì chúng tôi không biết cái luật lệ đó của người Hồi giáo. Nhưng tôi đồng ý với câu nói của ông bà mình “nhập gia tùy tục” hay ngạn ngữ của Tây phương “When in Rome do as the Roman do”.

Một bữa ăn có cá chiên tại một nhà hàng ở thành phố Alexandria, nhưng không có bia vì 95% nhà hàng ở Ai Cập không bán bia rượu: Nhập gia tùy tục, buồn 5 phút. Hình: TVTS

Ngày hôm qua, Ekramy đã đưa chúng tôi đi ăn kiểu buffet ở vùng gần kim tự tháp Giza, hôm nay anh nói sẽ đưa chúng tôi đi ăn cá.  Nghe cá là thích rồi. Tiệm ăn nằm dãy phố đối diện với với bãi biển. Nhà hàng có hai tầng. Chúng tôi lên tầng lầu, tuy đã xế trưa nhưng khách ngồi đầy các bàn, có lẽ phần lớn là người địa phương.

Tôi bảo Ekramy gọi thức ăn cho bốn người và tôi sẽ trả hết. Entrée là những đĩa xốt cà chua, ớt tây, cà rốt, cà dái dê và một vài thứ mà tôi chẳng biết là gì, được chấm bằng loại bánh mì của người Ai Cập. Ăn cảm thấy là lạ, nhưng được.

Main course là những đĩa gồm hai con cá chiên trông giống cá hồng bằng bàn tay, một con tôm nhỏ và một nắm cơm. Tôi thấy ông tài xế và ông hướng dẫn ăn một cách ngon  lành nhưng do cá chiên để nguội nên tôi ngửi được mùi tanh.

Thấy hai người Ai Cập uống coca cola, tôi yêu cầu Ekramy gọi cho một chai bia nghĩ rằng phải có bia mới đẩy mấy con cá này vào bụng dù lúc này cũng đã thấy đói, nhưng Ekramy bảo ở đây không được phép bán. Anh giải thích đây là xứ Hồi giáo nên có đến 95% nhà hàng không bán bia rượu, nếu muốn anh gọi cho loại nước có mùi vị như bia nhưng không có chất cồn. Ekramy nói anh là người Hồi giáo, suốt đời không bao giờ sờ chai bia, chẳng uống một giọt rượu nhưng ông bạn tài xế là người Thiên chúa giáo (đạo Coptic) nên thỉnh thoảng cũng có uống. Anh bảo lát nữa ra bên ngoài anh sẽ tìm chỗ mua bia cho tôi nhưng tôi nói không cần thiết.

Bữa ăn cho 4 người giá 170 Pounds tức khoảng 34 Úc kim.

“Cửa ngỏ”: mái nhà, hồ nước của Thư viện xuôi ra biển Địa Trung Hải. Hình: TVTS

Chuẩn bị trở về Cairo, tôi yêu cầu xe chạy một vài vòng trong thành phố Alexandria để ngắm phố xá, chợ búa ven đường. Đến một đoạn nào đó, xe dừng lại. Tôi hỏi đây là đâu, Ekramy chỉ vào một tòa nhà bên kia đường, nói đấy là Thư viện Alexandria. Thư viện một mặt (cổng vào) đối diện với cổng Phân khoa Thương mại của trường Đại học Alexandria, mặt kia là bờ biển với hàng dừa cao trồng quanh bờ hồ.

Kiến trúc của Thư viện Alexandria rất tân kỳ, mặt sau (mà trông như mặt tiền) là mái nhà xuôi chảy xuống hồ nước lớn lót gạch xanh làm mặt nước như gợn sóng dưới bầu trời mùa hè của biển Địa Trung Hải nằm ngay trước mặt.

 

 

 

 

 

Hữu nghị: một góc cuộc triển lãm điêu khắc trước sân thư viện Alexandria. Hình: TVTS

Chúng tôi đến thăm thư viện đúng vào dịp đang có cuộc triển lãm quốc tế với sự tham dự của 16 nghệ sĩ điêu khắc từ Ý, Hy Lạp, Cyprus, Cộng hòa Tiệp và của Ai Cập mà những tác phẩm của họ được trưng bày trong sân thư viện, được gọi là một hội nghị chuyên đề về Điêu khắc bằng Vật liệu Tự nhiên qua phương pháp mang tính sáng tạo mới ba chiều bằng thủy tinh, ánh sáng và màu sắc (Alexandria International Symposium for Sculpture in Natural Material Three-dimensional Glass. (Còn tiếp)

 

Vài hình ảnh và sinh hoạt bên trong thành phố Alexandria của Ai Cập: