Việt Nam và Campuchia trao đổi bản đồ biên giới

04 Tháng Tám, 2020 | Tin Việt Nam
Đại diện của Campuchia và Việt Nam tại lễ ký kết trao đổi bản đồ biên giới 1/25.000, ngày 1/8/2020. Photo courtesy: baotayninh.vn

Việt Nam và Campuchia chính thức trao đổi bản đồ biên giới theo tỉ lệ 1/25.000, vào ngày 1/8, tại cửa khẩu Mộc bài, Tây Ninh.

Tờ Phnom Penh Post, vào ngày 4/8 dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Biên giới Campuchia, ông Var Kimhong cho biết buổi lễ giao nhận bản đồ biên giới được tiến hành vào ngày 1/8 dựa trên cơ sở 500 bản đồ thực địa và đã được đại diện của hai nước bao gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Campuchia, bà Koy Pisey và Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Việt Nam, ông Fung Thelong kiểm tra và xác nhận trước khi đồng ký tên vào hiệp ước.

Hiệp ước biên giới Việt Nam-Campuchia được ký kết với 84% cắm mốc phân giới hoàn chỉnh và còn 16%, tương đương 1.270 km đang chờ hoàn thành.

Bà Koy Pisey được Phnom Penh Post dẫn lời rằng đây là những bản đồ hiện đại trong kỷ nguyên 4.0 và rất dễ sử dụng vì hiển thị rõ ràng các đường biên giới, các mốc biên giới cũng như thực trạng địa lý.

Báo giới Việt Nam vào ngày 1/8 loan tin việc hai nước hoàn thành công tác giao nhận bộ bản đồ biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia là cơ sở quan trọng giúp thúc đẩy tổ chức lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định Biên giới Quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư PGCM biên giới trên đất liền giữa hai nước được ký ngày 5/10/2019 có hiệu lực.

Tuy nhiên, Phnom Penh Post cho biết ngay sau khi lễ giao nhận bản đồ Việt Nam-Campuchia diễn ra, Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), đã bị Tòa án Tối cao Cammuchia giải thể, phổ biến một tuyên bố cho rằng Vương quốc Campuchia bị mất đất trong hiệp ước theo bản đồ mới 1/25.000 do Việt Nam vẽ ra.

Chủ tịch Ủy ban Biên giới Campuchia, ông Var Kimhong, trong cuộc phỏng vấn với Phnom Penh Post vào ngày 1/8, lên tiếng bác bỏ tuyên bố của CNRP, nói rằng tuyên bố đó là vô căn cứ và không có nghiên cứu.

Ông Var Kimhong cho biết thêm là các bản đồ mới do Công ty Bloom Info của Đan Mạch sản xuất và sau đó Công ty Niras đã tiếp tục hoàn thành vào năm ngoái. Tất cả các giai đoạn trong quá trình sản xuất đã được Campuchia và Việt Nam kiểm tra. Và, hai nước đều có kế hoạch trình bản đồ lên Liên Hiệp Quốc.