Giáo hoàng bổ nhiệm 6 phụ nữ vào cơ quan giám sát tài chính của Vatican

07 Tháng Tám, 2020 | Tin thế giới
Đức Giáo hoàng Phanxicô. Photo courtesy: Reuters

Trong một động thái được cho là bước thay đổi lớn, Đức Giáo hoàng Phanxicô vừa bổ nhiệm sáu phụ nữ, bao gồm cựu thủ quỹ của Thái tử Anh Charles, vào hội đồng giám sát tài chính của Vatican, đưa họ vào đảm nhiệm những vai trò cao cấp nhất, theo Reuters.

Việc bổ nhiệm nhân sự mới cho một trong những văn phòng quan trọng nhất của Toà Thánh đánh dấu nỗ lực mới nhất của Đức Giáo hoàng nhằm giữ lời hứa cải thiện sự cân bằng giới tính mà ông đưa ra từ nhiều năm trước, trong khi các nhóm tranh đấu cho quyền của phụ nữ nói là quá chậm.

Trước đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí Thứ trưởng Ngoại giao, Giám đốc Bảo tàng Vatican và Phó Văn phòng Báo chí Vatican, cũng như 4 phụ nữ làm ủy viên Hội đồng Giám mục, chuyên chuẩn bị các cuộc họp lớn.

Tuy nhiên, bổ nhiệm hôm thứ Năm đánh dấu số lượng nhiều phụ nữ nhất được đưa vào nắm giữ các vị trí quan trọng ở Vatican.

Hội đồng kinh tế vốn toàn nam giới trước đây bao gồm 15 vị trí. Một hồng y là điều phối viên và 14 chức vụ khác được chia đều cho các thành viên giáo sĩ và giáo dân.

Phía giáo dân bao gồm bảy thành viên, nay bao gồm 6 phụ nữ và 1 người đàn ông. Trong số sáu phụ nữ, có hai người đến từ Anh, 2 người từ Tây Ban Nha và 2 người từ Đức. Thành viên nam duy nhất là người Ý.

Một trong 2 phụ nữ Anh là bà Leslie Jane Ferrar, thủ quỹ của Thái tử Charles từ năm 2015 đến 2017, và nay đang nắm giữ một số vai trò uỷ thác và không điều hành, theo Vatican.

Người còn lại, bà Ruth May Kelly, từng là bộ trưởng giáo dục và giao thông, bộ trưởng phụ trách về vấn đề phụ nữ và bình đẳng trong Bộ Lao động Anh từ năm 2004-2008.

Bốn phụ nữ khác đều có nền tảng trong kinh doanh, ngân hàng và học viện.

Năm 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thành lập Hội đồng Kinh tế, chuyên giám sát ngân sách và đưa ra các chính sách, với tư cách là một cơ quan quốc tế nhằm giám sát vấn đề tài chính của Vatican.

Hội đồng mới bắt đầu hoạt động giữa lúc đại dịch Covid-19 tấn công mạnh vào tài chính của Vatican, buộc quốc gia nhỏ bé này phải sử dụng đến quỹ dự trữ và thực hiện một số biện pháp kiểm soát chi phí khó khăn nhất.