Tân Đảo có gì lạ? Nouméa dưới mắt của vài người Việt địa phương (kỳ 4)

25 Tháng Tư, 2007 | Tân Đảo - New Caledonia
Câu lạc bộ thuyền buồm ở mũi Pointe Moselle trên đường từ khách sạn tới phố. Hình: NHA

Khu Vallée du Tir nơi có tiệm tạp hóa Chez Vincent và Trung tâm Công giáo Việt Nam (tức nhà thờ Christ Roi) cách trung tâm phố Nouméa khoảng 2 đến 2.5 cây số. Tôi đến đi đó có lúc bằng xe bus và cũng có lúc cuốc bộ để ngắm cảnh. Tại thành phố Nouméa, phương tiện di chuyển dễ nhất và rẻ nhất là xe bus. Trong một tuần lễ ở đây, tôi chưa bao giờ phải kêu taxi.

Cũng như tại thành phố Paris bên Pháp, phương tiện di chuyển công cộng ở Nouméa rẻ và tiện, ngay cả cho những du khách lần đầu tiên như tôi. Bạn chỉ việc lấy cái bản đồ và tập chỉ dẫn ở trong khách sạn và cứ thế mà tìm đến nơi nào bạn muốn. Theo tôi biết thì ở trong thành phố này có 8 tuyến xe bus, mỗi tuyến đường dài từ 25 đến 35 cây số,  thời gian chạy hết tuyến đường kéo dài từ 40 đến 60 phút. Nếu muốn xem cảnh vật của thành phố, cứ việc mua vé ngồi trên xe bus là có thể ngắm hầu hết cảnh và người của thành phố Nouméa. Giá vé cho mỗi chuyến đi (un voyage: gồm đi trọn đường dài hay chỉ một chặng đường ngắn)  là 200F (khoảng 3 đô Úc) nếu bạn mua vé ngay trên xe bus (do tài xế bán), nhưng nếu mua trước ở các máy bán vé tại khách sạn, mỗi vé chỉ 170F. Nhưng trong các tuyến đường, chỉ có tuyến màu xanh lục (Ligne Verte) là tuyến đường đẹp nhất bởi nó chạy mé bờ biển, nơi có nhiều khách sạn và nhiều bến tàu cho du thuyền đậu.  Ở đầu và cuối tuyến đường Ligne Verte này là khách sạn 5 sao Le Meridien và một trường đại học của Tân Đảo.

Năm 2003, qua Pháp trong ba tuần lễ và ngày nào cũng đi xe bus và xe điện ngầm trong thành phố Paris và đi nhiều lượt,  nhưng tôi chưa bao giờ bị mấy người contrôleur hỏi vé. Thế nhưng chỉ trong chuyến đi đầu tiên từ khu khách sạn lên trung tâm phố trên đoạn đường dài khoảng 5 cây số,  một toán kiểm soát vé (toàn người da màu) đã ồ ạt nhảy lên xe soát vé với phong cách như  cảnh sát đi bắt người, dĩ nhiên họ đòi xem vé của tất cả mọi người trên xe, nhưng tôi chỉ gặp một lần đó mà thôi.

 

Thành phố buồn nhưng dễ kiếm tiền?

Một hôm, tôi gặp một Việt kiều nọ ở Tân Đảo và hỏi ông ta nghĩ gì về thành phố ông đang ở, câu đầu tiên mà ông này mô tả thành phố thuộc địa Pháp là “buồn, ở đây buồn quá, không có giải trí như Úc”.

Sau đó, tôi hỏi thêm về mục “không có giải trí”  là gì, đã được đấng mày râu này nói là “đèn đỏ”. Có nghĩa rằng ở đây không có nhà thổ, không có động điếm có giấy phép như ở Úc. Bởi vậy, có những ông vì có thể ăn uống bổ dưỡng quá mà còn độc thân hoặc vợ không thỏa mãn hay vì lý do gì đó, đôi khi phải bay sang King Cross ở Sydney hay “đi Việt”  để “xả xú báp”. Hỏi, vậy thì giải quyết bằng cách nào nếu bị “bức xúc” bất ngờ,  ông nói phải ra khu Quartier Latin ở gần phố để nhờ mấy anh pêđê, những người hai hệ giải quyết, nhưng kinh lắm!

Nghe than vãn như thế và mỗi tối xem tivi ở các đài địa phương không thấy những loại phim xếch như  thường gặp trên đài SBS ở Úc, người viết đã đánh bạo hỏi một bà sinh đẻ và sống lâu năm ở Tân Đảo như  bà Dung chủ tiệm Bambino để biết thực hư,  thì được bà xác nhận rằng ở Tân Đảo “lành lắm”, không có động điếm và cũng có ít tội phạm, đưa con cái tới trường cũng an tâm vì trường ít học sinh nên được thầy giáo theo dõi và báo cáo kỹ lưỡng.

Ngày chúng tôi đi từ phi trường Tontouta về thành phố trên đoạn đường cả tiếng đồ hồ chạy giữa rừng trong đêm khuya chỉ với người tài xế và một hành khách khác,  tôi cũng hơi ngại, nhất là khi người khách bản xứ kia(da trắng nói tiếng Pháp) xuống xe trước ở một khu khác. Nhưng tôi tin các thành phố du lịch ở Thái bình dương như Nouméa không có tội phạm nghiêm trọng nhiều, trừ trường hợp bị bắt làm con tin, mà Tân Đảo là một thuộc địa của Pháp và đa số dân chúng theo đạo Thiên Chúa (Công giáo 60%; Tin lành 30%, Hồi giáo chỉ 4% phần lớn do các di dân từ Á châu).

Đứng trong tiệm tạp hóa Chez Vincent của ông Vị ở khu “Bãi Bắn” Vallée du Tir, thấy các thanh niên người bản xứ da đen thuộc giống Polynésian cứ ra vào trong tiệm mua thuốc lá, kẹo bánh và đồ dùng lặt vặt với lối ăn bận lếch thếch, tôi hỏi người con gái lớn nhất của ông Vị mấy đứa như thế có đáng sợ không, cô gái trả lời chúng trông mặt mày dữ dằn vậy nhưng không đáng sợ lắm, chỉ ngại chúng nó ăn cắp vặt “chú trông kìa, trời nóng như vậy mà đứa nào cũng mặc  áo ấm, áo chắn gió kín người, nên phải trông chừng kéo chúng nó ăn cắp vặt”, vừa nói chuyện với chúng tôi, cô gái vừa liếc mắt nhìn những thanh niên thanh nữ da đen ra vào tấp nập mua đồ. Cô gái con ông chủ mặc sức “nói xấu” mấy người bản xứ đó bằng tiếng Việt với chúng tôi khi chúng tôi muốn hỏi thăm đời sống của người dân ở Tân Đảo.

Ông Vị qua Tân Đảo theo diện di dân, sau một thời gian làm thuê, kí cóp tiền mua được cửa tiệm tạp hóa và đây là dịch vụ mà cả gia đình ông cùng làm. Vợ chồng ông có ba người con gái và đứa nhỏ nhất đang học đại học,  vợ ông lúc này đang “đi Việt” thăm gia đình. Theo cách nói của ông, ông là một người tay trắng làm nên dù mới qua Tân Đảo khoảng mười mấy năm, đã mua được cửa tiệm này để gia đình sinh sống. Cửa tiệm hai tầng có mặt tiền rộng khoảng 12 mét. Diện tích chỗ bán tạp hóa rộng bằng khoảng hai tiệm Milk Bar ở Melbourne). Ông Vị nói ở phía sau còn có miếng đất trống rất rộng. Tôi hỏi cửa tiệm này trị giá bao nhiêu, ông Vị nói khoảng 60 triệu phật lăng (khoảng $920,000 đô Úc). Ông còn cho biết có mua mấy căn nhà đầu tư ở chỗ khác.  Nói tóm, ông tự nhận ăn nên làm ra bởi chịu khó và khôn hơn người bản xứ.

Hỏi ông người Việt ở Tân Đảo phần đông sống bằng nghề gì, ông  nói buôn bán, vì tiếng tây tiếng u người mình không bằng người ta, nên làm nghề buôn bán, mở cửa tiệm là dễ dàng nhất  bởi “tụi nó lười, dốt, không chịu khó bằng người mình”, ông muốn nói những người da đen đang vào tiệm tạp hóa mua đồ.

Hỏi  trường hợp của ông, lợi tức như thế nào, ông Vị cho biết khoảng 400,000F. Ở Tân Đảo, người ta tính lợi tức hay lương theo tháng, như vậy lợi tức của ông Vị khoảng $6,000 đô một tháng, tức khoảng $1,500 một tuần.  Lương hay lợi tức $1,500 đô ở Úc thường dành cho các chuyên viên, những người có đời sống trên trung bình. Người viết đã biết rằng đời sống ở Tân Đảo đắt đỏ (cao khoảng gấp đôi Úc), nhưng khi nghe ông chủ tiệm cho biết lợi tức cao như thế thì cũng buộc miệng khen là cuộc sống ở Tân Đảo quá sướng, rằng người Việt ở đấy quá may mắn và khi nghe như  thế, cô con gái của ông chủ tiệm đã xía vào câu chuyện, cho rằng “coi dzậy mà không phải dzậy đâu”.

 

Nouméa dưới mắt của vài người

Cô gái con ông chủ tiệm Chez Vincent nói cuộc sống ở Nouméa không quá sướng như một số người mô tả (người Việt ở đấy gọi nơi họ ở là Nouméa, tên của thành phố chứ không gọi Tân Đảo cho dễ nghe như  tôi thường gọi trong bài ký sự này. Còn người Úc thì quen thuộc với địa danh New Caledonia hơn là Nouméa. Gọi cách gì cũng được, tùy mình muốn nói đến thành phố hay cả lãnh thổ). Cô cho rằng cũng phải làm việc cật lực lắm mới có tiền và người ta không giàu có như  như báo chí hay băng video mô tả đâu. Khi ông chủ tiệm bảo con gái biết gì mà nói,  tôi nói ông cứ để con nói, vì con ông nói tiếng Việt rất rành và kể chuyện rất hay. Thế là chúng tôi đưa ra vài câu hỏi hay thắc mắc để cô gái thao thao bất tuyệt trong cả nửa tiếng đồng hồ.

Theo cô, nhiều người cứ tưởng sống ở Nouméa là sướng, làm ra tiền dễ, ai ai cũng giàu có. Chẳng hạn ông Vân Sơn  khi qua đây phỏng vấn, chỉ gặp vài người, rồi đưa lên băng video, cho rằng người Việt ở đây giàu có, làm ra tiền nhiều. Cô nói, sự thật không phải vậy, và cũng còn tùy từng hợp cá nhân, từng gia đình. Cô nói chẳng hạn một gia đình làm ra 3000 đô (đô Mỹ, gần $4000 đô Úc)  một tháng nhưng phải xem lại họ làm một mình hay cả vợ lẫn chồng. Mà mở một cửa tiệm thường phải có vợ và nhiều khi con cái giúp, nên khi tính lợi tức phải đặt vấn đề đó là lợi tức của một người hay của cả gia đình (Cô gái không nói trường hợp của gia đình cô, nhưng  tôi thấy con cái ông có phụ giúp ông khi đông người vào mua hoặc lúc ông đi nghỉ (ngủ) trưa,  các con ông thay thế ông đứng bán).

So với người Pháp da trắng, người Việt thua về phương diện thương mại và công quyền, nhưng với người đa đen thì người Việt vượt xa và thường là chủ nhân của họ ở trong các cửa tiệm như tạp hóa, hàng nhà, siêu thị…  Thấy mấy người da đen cứ ra vào mua sắm, tôi hỏi những người dân bản xứ như  thế sống bằng nghề gì, cô gái cho biết  đa số sống bằng nghề làm công, công nhân nông trường và các hầm mỏ (Kinh tế Tân Đảo chủ yếu là nhờ du lịch và hầm mỏ. Lãnh thổ này chiếm đến 25% dự trữ kền (nickel) của toàn thế giới, bởi vậy đầu thế kỷ 20 Pháp thực dân tuyển mộ người Việt qua Tân Đảo làm phu). Nhiều người da đen khác sống nhờ trợ cấp xã hội. Khi hứng,  họ làm;  không thích họ nghỉ. Làm được đồng nào ăn tiêu đồng đó, hết  sạch thì đến các cơ quan chính phủ hoặc tổ chức từ thiện gõ cửa, hoặc đem cây bán, đổi chác.

Tàu bè ở cảng Nouméa. Hình: NHA

Tôi hỏi cây gì, cô gái nói cây thuốc cấm (tức cần sa). Cô nói cây này người da đen trồng trong rừng, chính phủ  biết nhưng lơ, bởi vì không muốn làm phật lòng người bản xứ, là những người chủ của vùng đất này. Có lần, một đứa da đen tới mua đồ, hỏi tiền nó nói không có xin trả bằng cây thuốc. Cô nói chính phủ cũng không muốn bắt hay làm khó dễ những người bản xứ xài cần sa như thế. Có lần, một người bản xứ ăn cắp hàng hóa, bị người trong tiệm cô rượt theo dùng cây gậy đe dọa và kêu cảnh sát. Cảnh sát bảo đừng đánh chúng nó, chỉ đuổi đi thôi. Bởi vậy, trong tiệm lúc nào cũng có thủ sẵn một số đồ nghề để dọa những đứa nào cứng đầu liều mạng, chứ không dám gây thương tích, vì có thể đi tù. Tôi hỏi nghe nói ba cô có thủ súng ống trong nhà và khoe có lúc đã bắn người da đen đến quấy phá, cô gái cười và nói ổng chỉ hù dọa thôi.

Người bản xứ được chính phủ ở người Pháp ở Tân Đảo o bế, hưởng nhiều quyền lợi trong khi người Việt Nam không được như thế, có nghĩa là người Pháp ở Tân Đảo có kỳ thị, nhưng không ra mặt. Ngay cả các tổ chức tôn giáo cũng đối xử với người dân bản xứ ưu tiên hơn. Người Việt ở đấy phải tự túc mọi chuyện, đi xin xỏ bị đòi hỏi giấy tờ này nọ theo thủ tục hành chánh cứng nhắc khiến chẳng ai muốn nhờ vả chính phủ, tự túc là chính. Ở Tân Đảo, nhất là người Pháp nhì là người bản xứ. Nhưng nếu có trưng cầu dân ý về số phận của Tân Đảo, cô con gái chủ tiệm nói người Việt cũng như các di dân khác không muốn độc lập, vì độc lập để cho người bản xứ làm chủ thì Tân Đảo sẽ không khá được, vì người bản xứ đã dốt lại còn lười.

Cô nói trước đây Vân Sơn qua Nouméa có đi đến các bảo tàng viện nơi còn lưu trữ những tài liệu của những người Việt Nam đầu tiên đến New Caledonia và hỏi tôi có muốn cô giới thiệu với những người biết cách xin vào xem bảo tàng viện ấy không, tôi cám ơn nói rằng bởi vì đi nghỉ mát, gặp được ai chỉ hỏi thăm cho vui chứ không muốn làm một cuộc nghiên cứu mang tính cách lịch sử mà có lẽ đã có nhiều người làm từ lâu rồi.

Qua nhận xét của cô con gái ông Vị,  tôi đã hỏi thêm một vài người khác để xem cuộc sống của người Việt ở đây như thế nào. Một phụ nữ Việt Nam trong xứ đạo Kitô Vua ở Nouméa cho biết chồng của bà là một chuyên gia thuộc loại khá (có thể nói là giỏi)  nhưng lương cũng chỉ  $4,000 Mỹ kim một tháng (hơn $5,000 Úc kim). Những người Việt tôi có dịp nói chuyện thường ở xa nhau. Tôi hỏi một người giòng họ năm sáu đời ở xứ này như  bà Dung chủ quán  ăn Bambino ở bãi biển Anse Vata rằng lương của các công nhân da đen và da vàng sậm mà bà trả cho họ là bao nhiêu, thì được bà cho biết khoảng $1,500 đến $2,000 Mỹ kim một tháng (khoảng $2,000 đến $2,500 Úc kim), tức tương đương với một công nhân không có tay nghề ở Úc. Nhưng do đời sống ở Nouméa đắt đỏ, một người có lợi tức từ  $500 đến $600 Úc kim ở đấy chắc sẽ sống khá chật vật. Bà Dung nói những người làm công gốc bản xứ (da đen) làm việc thất thường, kiếm được  ít tiền là nghỉ, nên kiếm công nhân cũng khá mệt. Hỏi bà có người ngoại quốc hay du khách từ nước ngoài đến Nouméa làm lậu không, bà nói có.

Quán Bambino của bà Dung nằm trong một dãy tiệm thuộc hệ thống quán

ăn do khách sạn bên cạnh làm chủ, mỗi tuần các tiệm thay nhau đóng cửa một ngày để bảo đảm khu du lịch luôn luôn có quán ăn phục vụ du khách. Những người bán hàng có da màu vàng sậm (Polynésian), người làm bếp là một ông người Pháp, bà Dung nhận đặt hàng và tính và thu tiền. Bà nói đã lớn tuổi (70 tuổi, nhưng trông vẫn còn mát mắt) nên chỉ làm nửa ngày, sau trưa sẽ về nghỉ khi con gái ra thay thế. Tôi nghe bà gọi cho con gái dặn đem nồi súp phở ra, bằng tiếng Việt. Bà cho biết bà ở chung với con cái. Tôi hỏi bà ở đâu, bà chỉ về hướng khu Val Plaisance và nói ở gần đây, cách vài cây số thôi. Tôi nói với bà rằng tôi hơi tò mò nhưng nếu bà không ngại, có thể cho tôi biết căn nhà của một Việt kiều sinh sống lâu năm ở Nouméa như bà lớn cỡ nào, giá bao nhiêu để tôi có thể làm một sự so sánh với người mình ở Úc, bà Dung nói căn nhà của bà có ba phòng ngủ và giá khoảng 40 triệu phật lăng (khoảng hơn 600 ngàn đô la).

Bà Dung cho biết tiền thuê tiệm của bà là $6,000 Mỹ kim một tháng tức khoảng $1,900 Úc kim một tuần. Bà nói gia đình của bà là một đại gia đình, có nhiều anh chị em, con cháu và trong đại gia đình có nhiều người làm chủ  nhiều tiệm “ở tỉnh”, tức ở trung tâm thành phố Nouméa.

Trường đại học Nouvelle Calédonie cuối tuyến đường Ligne Verte, cách trung tâm phố khoảng 15 cây số

Tân Đảo: vùng đất của cơ hội?

Nouméa với vẻ đẹp tuyệt vời của một hòn đảo đất liền có nhiều vịnh, bãi biển, khí hậu ấm cúng của vùng bán nhiệt đới, đời sống an bình, ổn định về chính trị, hiện là nơi thu hút các hội nghị quốc tế. Bởi vậy trong hầu hết các khách sạn lớn đều có các phòng hội nghị. Đảo quốc Vanuatu kế cạnh là nơi có một người Việt giàu có bậc nhất nước và cũng là người có quyền uy về mặt chính trị như ông Đinh Văn Thân mà báo chí quốc tế có đề cập. Ở Tân  Đảo tôi cũng nghe nói có một người Việt giàu có sống bằng nghề xuất nhập cảng. Không biết đấy có phải là Bùi Duyệt, chủ nhân trung tâm bán đồ điện tử với cửa hàng thật lớn ở ngay phố không?

Sau một tuần lễ nghỉ mát ở Nouméa, tôi có cảm tưởng rằng những người Việt nào có máu thích làm giàu, có đầu óc phiêu lưu, có chút bản lãnh, có khiếu kinh doanh và có vốn hoặc huy động được vốn,   có thể tạo được sự nghiệp ở một nơi tuy là lãnh thổ của cường quốc Pháp, nhưng lại  quá xa đất mẹ, là vùng đất mà một nửa là người bản xứ trình độ còn kém và có nhiều sắc dân tứ xứ.

Tân Đảo hiện có khoảng 3,500 người Việt, không xa Úc nơi có khoảng 200,000 người Việt đang sinh sống có nhiều tài nguyên về trí tuệ và cả kinh tế. Úc nằm giữa Tân Đảo và Việt Nam, nơi có đến 80 triệu dân mà đa số là phần tử trẻ tuổi sinh sau năm 1975, kiếm việc làm rất khó khăn.  Tôi tin rằng Tân Đảo là vùng đất cơ hội cho những nhà kinh doanh Việt Nam có đầu óc nhìn xa.

Nếu bạn là người hội đủ một vài yếu tố mà tôi vừa nói trên, tại sao không thử làm một chuyến đi Nouméa, trước vui chơi sau tính chuyện làm ăn. Biết đâu?

Mời bạn đọc theo dõi tiếp loạt bài Kể Chuyện Đường Xa.

Nguyễn Hồng Anh – TVTS 25.4.2007