Phong tỏa giai đoạn 4 đễn trễ, hy vọng vẫn còn kịp!

12 Tháng Tám, 2020 | Bình Luận
Chính phủ Andrews đã định đưa Melbourne vào phong tỏa giai đoạn bốn, hạn chế tối đa các di chuyển của người dân. Hình: TiVi Tuần-san

Nếu có điều gì chúng ta có thể học được về coronavirus từ kinh nghiệm các nước khác, và các tiểu bang khác tại Úc, thì đầu tiên là “đánh nhanh, đánh mạnh”. New Zealand, Queensland, Tây Úc, Nam Úc, Bắc Úc, Tasmania – tất cả đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ ngay từ đầu, để hạn chế tối đa các mối di chuyển và tiếp xúc trong cộng đồng trong những tuần lễ đầu tiên của dịch bệnh. Trong khi Victoria lỏng lẻo, mặc dù bề ngoài có vẻ chặt.

Chính sách và cách đối phó trước coronavirus của chính phủ Andrews có thể nói là: mạnh không đúng chỗ, và quá yếu ở nơi cần thiết. Còn nhớ trong những ngày đầu của lệnh phong tỏa thứ nhất, người dân Victoria có thể phải nhận vé phạt chỉ vì họ đi câu cá, đánh golf. Thủ hiến Daniel Andrews tỏ ra cứng rắn vô cùng khi kêu gọi người dân không đi thăm viếng mẹ trong Ngày của Mẹ hồi tháng Năm. Victoria nổi tiếng trên khắp nước Úc với các khoản tiền phạt nhiều hơn ở tất cả các tiểu bang khác.

Vậy mà trong khi đó, tại các khách sạn kiểm dịch người đi từ nước ngoài về – là nơi có rủi ro lây nhiễm cao nhất, và nơi đáng lẽ ra cần được để mắt cẩn thận nhất, thì dường như không hề có sự kiểm soát. Nhân viên an ninh được tuyển dụng cẩu thả qua các công ty tư nhân, họ được trả công bèo bọt, có rất ít hoặc thậm chí không được đào tạo về quy tắc an toàn, nhiều người bị phát hiện giao du thân mật với khách ở khách sạn. Họ lây nhiễm virus cho bản thân, rồi mang về nhà, gieo rắc đến những người khác.

Và kết cục là, chính sự thất bại trong hệ thống kiểm dịch, chứ không phải là người đi câu cá hay chơi golf, là nguồn bùng phát lây lan trong cộng đồng đầu tiên. Nó mở đường cho những lỗ hổng quản trị tiếp theo để giờ đây số ca nhiễm trong cộng đồng mỗi ngày có khi lên quá 700 người. Xin nhắc lại, đây là vụ bùng phát trong cộng đồng đầu tiên vì cuộc bùng phát thứ nhất tại Victoria chủ yếu đến từ nguồn gốc ngoại quốc. Một bài học thứ hai nữa về ứng phó trước đại dịch, đó là cần phải có một kế hoạch nhất quán trên toàn quốc, với chính phủ liên bang đứng đầu. Thất bại của Victoria rõ ràng đến từ những sai sót lớn trong cách tiếp cận của chính phủ tiểu bang, thế nhưng chính phủ liên bang không phải là không có phần trách nhiệm. Trước đợt bùng phát lần hai này, chính phủ Morrison đã đề xướng gửi nhân viên lực lượng quốc phòng đến Victoria để giúp sức trong hệ thống kiểm dịch tại khách sạn. Daniel Andrews từ chối. Câu chuyện dừng lại ở đó. Chỉ đến khi tình thế trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát thì Victoria mới chấp nhận sự giúp đỡ từ lực lượng quốc phòng.

Chính phủ liên bang trao toàn bộ quyền lực cho các lãnh đạo tiểu bang trong việc đối phó với đại dịch chết người, và đó là một sai lầm. Giải quyết một đại dịch cần một chiến lược chung trên toàn quốc, chứ không phải là chuyện nhà ai (tiểu bang nào) người đó lo và rồi đóng cửa biên giới với nhau để tự bảo vệ mình. Ðã có rải rác các trường hợp tìm cách đi từ Victoria sang các tiểu bang khác. Ðó là những mối rủi ro lớn và sẽ còn tiếp tục. Nếu Victoria còn chìm trong vũng lầy lây lan, thì các tiểu bang khác cũng không thể hoàn toàn tự tin.

Thủ tướng Morrison đáng ra đã phải cứng rắn yêu cầu Thủ hiến Andrews chấp nhận hỗ trợ từ lực lượng quốc phòng, đáng ra ngay từ đầu đã theo dõi các chính sách quản lý về kiểm dịch, truy dấu lây nhiễm, những sự chuẩn bị trong lĩnh vực chăm sóc cao niên, để có thể can thiệp ngay khi cần. Tất cả cũng đã chỉ dừng lại ở “đáng ra”. Thế nhưng, đây là một bài học cho nước Úc trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp khác trong tương lai. Một kế hoạch đồng nhất và sự đoàn kết là điều thiết yếu. Các quốc gia như New Zealand, Ðài Loan đã thành công là vì họ có được điều đó.

Cuối cùng chính phủ Andrews cũng quyết định đưa Melbourne vào phong tỏa giai đoạn bốn, hạn chế tối đa các di chuyển của người dân. Ðó sẽ là một cú đánh đau đối với các doanh nghiệp vốn đã ở bên bờ vực trong suốt 5 tháng phong tỏa, đối với những người vốn đã chật vật tài chính và sức khỏe tâm thần. Nhưng đau một lần để rồi bắt đầu lại, còn hơn chỉ mãi ‘sống một nửa’. Và hãy để cú đánh này là lần cuối!

 

(Trích từ báo in TVTS số 1793 phát hành ngày 05.08.2020)