Dịch bùng lại ở Việt Nam vạch trần chính quyền bưng bít?

19 Tháng Tám, 2020 | Bình Luận
Hình minh hoạ. Một nhân viên y tế đang đo thân nhiệt cho cư dân tại khu vực phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới ở Đà Nẵng hôm 26/7/2020 Photo courtesy: Reuters

Tự hào dân tộc luôn là một tinh thần đáng quý. Nhưng nó cần phải được xây dựng trên cơ sở sự thật, chứ không phải bưng bít mị dân.

Việc bùng phát lại dịch coronavirus ở Việt Nam xuất phát từ Ðà Nẵng đã khiến hầu hết người dân trong nước sững sờ. Chỉ còn đúng 1 ngày trước khi VN bước vào ngày thứ 100 ‘sạch covid’, thì hai ca nhiễm virus lần lượt được phát hiện ở Ðà Nẵng. Nguồn gốc nhiễm bệnh của hai người này được giới chức trong nước, truyền thông và người dân coi là một ẩn số. Và sau đó tất cả những nghi ngờ đổ dồn về những đường dây đưa người Trung Quốc đi vào trái phép.

Dường như không một ai có ý nghĩ rằng, những ca bệnh này đơn giản là đã bị nhiễm virus từ trong chính cộng đồng. Bởi tất cả đều tin rằng, Việt Nam đã hoàn toàn loại bỏ được coronavirus, và cách đối phó của chính phủ cũng như hệ thống y tế của VN thuộc hàng “vượt bậc trên thế giới”.

Tất nhiên là họ tin, khi mà tất cả những nguồn thông tin họ được tiếp cận hàng ngày đều chỉ đến từ một nguồn duy nhất. Tất cả các đài truyền hình, truyền thanh, các đầu báo, nhà xuất bản đều ở dưới sự kiểm duyệt của nhà nước. Tất cả các tin tức họ nhận được từ các nguồn đó là về các vụ phong tỏa, những hành động quyết liệt của giới chức, những khẩu hiệu đầy hào sảng, tự hào về hệ thống y tế, những quyết tâm của nhà lãnh đạo.

Nhưng đằng sau đó, họ không biết bao nhiêu người đã được làm xét nghiệm, bao nhiêu người xin làm xét nghiệm khi có triệu chứng nhưng bị từ chối do không có yếu tố dịch tễ (bao gồm đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với ca dương tính), hay thậm chí là những ai đã chết với triệu chứng giống coronavirus nhưng không được xác nhận có nhiễm bệnh hay không.

Trên thực tế, số ca nhiễm thấp đáng ngạc nhiên của Việt Nam trước khi dịch bùng phát lại ở Ðà Nẵng một phần đến từ việc VN không làm xét nghiệm diện rộng, mà chỉ thực hiện cho các trường hợp có đầy đủ yếu tố dịch tễ. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy càng xét nghiệm nhiều thì càng cho ra nhiều ca dương tính. Hà Nội có dân số trên 8 triệu người, nhưng Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thành phố chỉ có 3 máy test PRC, có thể xét nghiệm 500-700 mẫu/ngày, và có thể lên tới tối đa 2000 mẫu/ngày nếu có thêm máy.

Ở Ðà Nẵng, mặc dù các ca bệnh đầu tiên được xác nhận hồi cuối tháng 7, các chuyên gia y tế ước lượng rằng virus đã phải hiện diện trong cộng đồng từ những ngày đầu tháng. Nhưng vì sao nó không được phát hiện? Có thể những người mang bệnh đầu tiên bị trộn lẫn trong hàng trăm ngàn người mỗi ngày đến bệnh viện khám về các bệnh lý hô hấp, do đó không được chỉ định làm xét nghiệm coronavirus, để rồi tiếp tục lây lan mà không hề hay biết.

Niềm tin và tinh thần đoàn kết trong thời điểm khủng hoảng là điều cần thiết. Nhưng một sự tự tin không tương thích với thực tế có thể dẫn đến những hậu quả lớn lao. Tin rằng toàn lãnh thổ VN đã loại bỏ được virus trong cộng đồng, người dân bắt đầu vui chơi du lịch thỏa thích, không còn chú trọng đến việc giữ khoảng cách an toàn hay những hình thức bảo vệ khác. Các bác sỹ có thể cũng đã trở nên chủ quan, không nghi ngờ khả năng nhiễm virus của người bệnh.

Chỉ trong vòng hơn hai tuần lễ, số ca nhiễm virus có liên quan đến Ðà Nẵng đã vượt quá 350 người. Tính đến ngày Thứ Hai 10/8, đã có 13 người tử vong do covid. Ðó là một tốc độ chóng vánh, và tỷ lệ tử vong đáng lo ngại.

Một vấn đề lớn hiện tại đó là, ngoài Ðà Nẵng, chắc hẳn vẫn còn virus hiện diện ở đâu đó tại những nơi khác trên lãnh thổ VN. Lần này, nếu muốn ngăn chặn một đợt bùng phát tương tự, giới chức y tế trong nước phải thay đổi cách tiếp cận – trong đó điều đầu tiên là đừng cho người dân một cảm giác an toàn “ảo”. Họ cần phải công khai minh bạch các thông tin để từ đó có thể xây dựng phương thức đối phó hiệu quả trong dài hạn. Và tăng cường làm xét nghiệm.

Sự đoàn kết và tính cộng đồng ở người Việt Nam là những điều rất đáng quý, chính điều đó đã đóng góp lớn vào nỗ lực giải quyết dịch bệnh ở VN. Nhưng họ cũng xứng đáng được tiếp cận thông tin nhiều chiều, và được biết sự thật.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1794 phát hành ngày 12.08.2020)