Trung Cộng thách thức thế giới trên Biển Ðông

23 Tháng Chín, 2020 | Bình Luận
Hình minh hoạ. Tàu ngầm hạt nhân 094A Jin của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/4/2018 Photo courtesy: Reuters

Nếu sử dụng một thành ngữ để mô tả hành vi của Trung Quốc trong thời gian gần đây, thì đó là “vừa ăn cắp vừa la làng”. Hồi cuối tuần rồi, nhà nước Cộng sản này gọi Hoa Kỳ là “đối tượng lớn nhất thúc đẩy quân sự hóa Biển Ðông”. Tuyên bố đầy công kích do Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đưa ra tại buổi mở đầu chuỗi các cuộc họp trực tuyến giữa Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á và các đối tác chiến lược gồm Mỹ và Trung Quốc.

“TQ hy vọng các quốc gia bên ngoài khu vực, bao gồm Mỹ, sẽ tôn trọng kỳ vọng và mong muốn của các quốc gia trong khu vực, thay vì tạo ra căng thẳng và tìm kiếm lợi ích từ việc đó”, đó là lời của ông Vương Nghị. Với phát biểu trên, Bắc Kinh tự nhận mình là nạn nhân của các tranh chấp trên Biển Ðông, mà không phải chính là người tạo ra, chính là kẻ áp đặt quyền lực của mình để xâm phạm chủ quyền, ăn cắp biển đảo của các quốc gia láng giềng.

Theo một nội dung ghi chép được công bố, vị lãnh đạo cấp cao phía Trung Quốc còn khẳng định rằng, các hoạt động xây dựng mà Bắc Kinh tiến hành trên Biển Ðông là nhằm mục đích mang lại “những lợi ích cộng đồng” cho khu vực và bảo đảm an ninh khu vực. Vâng, chẳng thế mà tất cả các nước trong khu vực từ Việt Nam, đến Philippines, Malaysia, Brunei, Ðài Loan cho tới nay đều lên tiếng phản đối, Hoa Kỳ gọi các hành vi xây dựng trên là “hoàn toàn phi pháp”.

Lời ngụy biện của lãnh đạo cộng sản TQ là bất chấp và trắng trợn. Và điều đáng nói là, gã khổng lồ cộng sản với tham vọng chiếm gần như hoàn toàn Biển Ðông này dường như không quan tâm đến phản ứng của thế giới, và cũng không có dấu hiệu chùn chân trước các đe dọa từ Hoa Kỳ.

Chính quyền Trump trong tháng qua đã cấm vận 24 công ty quốc hữu của Trung Quốc được cho là giúp đỡ quá trình xây dựng đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự phi pháp của nước này trên Biển Ðông. Ngoại trường Mike Pompeo trong cuộc họp trên đây cũng đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp nhà nước trên, thúc giục họ “đừng chỉ lên tiếng, mà hãy hành động.”

Việt Nam là quốc gia tổ chức cuộc họp, với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tỏ ra dè dặt, nói rằng các thách thức về an ninh trong khu vực “luôn hiện hữu”, và tuyên bố các quốc gia Ðông Nam Á sẽ tiếp tục thúc đẩy những giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam đã mất đảo Hoàng Sa vào tay TQ, các khu vực đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa cũng đã bị TQ chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo, để xây dựng cảng, đường bay, trung tâm liên lạc. Ngư dân Việt Nam bị rượt đuổi, bị bắt, bị đâm chìm tàu, bị đẩy ra khỏi vùng đánh bắt. Hơn ai hết, VN chứng kiến một cách rõ ràng và đau đớn hành vi xâm lược trắng trợn của Trung Cộng. Nhưng VN bất lực vì không có đồng minh, vì ở dưới cùng một chế độ với nhà nước độc tài TC.

Quân sự hóa ở Biển Ðông, áp đặt bộ luật an ninh lên Hồng Kông, đe dọa quân sự đối với Ðài Loan, tranh chấp biên giới với Ấn Ðộ, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương, Tibet- Bắc Kinh đã thực hiện tất cả những điều trên ngang nhiên trong làn sóng phản đối từ thế giới. Nó khiến vị thế của TQ trên trường quốc tế sụt giảm mạnh, thế nhưng họ không mảy may bận tâm. Tại sao vậy?

Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Úc Peter Jennings chỉ ra ba yếu tố: thứ nhất, chính sách của TQ xoay quanh nhà độc tài tham vọng Tập Cận Bình, và miễn là Trung Cộng ở dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình, thì quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận không thỏa hiệp. Thứ hai, ưu tiên hàng đầu của Tập là làm vững chắc niềm tin trong nước vào Ðảng Cộng sản, và việc chứng tỏ uy thế của quốc gia có thể giúp khuấy động tinh thần dân tộc của người dân. Và thứ ba, Tập nhận thấy rằng biện pháp cưỡng ép và đe dọa mang lại hiệu quả. Những đe dọa lên kinh tế và ngăn chặn tiếp cận với thị trường TQ đã giúp mang tới những sự thay đổi trong cách hành xử theo hướng Bắc Kinh mong muốn.

Hay dưới một cách nhìn khác, phải chăng những hành vi cuồng loạn từ Bắc Kinh là biểu hiện của một thế lực đang giãy chết?

 

(Trích từ báo in TVTS số 1799 phát hành ngày 16.09.2020)