NEPAL: Du lịch xứ Phật (kỳ 1)

13 Tháng Năm, 2012 | Nepal
Đền Taj Mahal ở thành phố Agra, Ấn Độ, một trong 7 kỳ quan mới của thế giới Hình: NHA

Kể chuyện đường xa của Nguyễn Hồng Anh

***

Như đã có lần viết, chúng tôi có lẽ là những người Việt Công giáo đi Lộ Đức, Fatima và Jerusalem chậm nhất bởi vì chúng tôi chỉ đi du lịch và luôn tiện thăm viếng các thánh tích nơi đó.  Đa số người Công giáo mộ đạo dù thiếu phương tiện hay tuổi tác cao cũng đã tìm cách đến những nơi đó một lần trong đời mình. Đó là giấc mơ của những khách hành hương của một tôn giáo. Và đôi khi chỉ một chuyến đi, họ đã tận mắt thấy được các nơi đó qua những chuyến hành hương kéo dài vài tuần lễ hay cả tháng.

Với Ấn Độ, từ lâu đã có những bài viết của nhiều người về đất nước huyền bí này. Tại Úc có tác giả viết sách “Hành hương đất Phật”  và trong cộng đồng người Việt có rất nhiều đoàn thể, nhóm, chùa tổ chức những chuyến hành hương cho các Phật tử  cho nên Ấn Độ có thể không còn là chuyện xa lạ đối với ít nhiều bạn đọc.

Nhưng trong mùa Phật Đản năm nay, Ấn Độ và xứ Nepal láng giềng đã quyến rũ mạnh mẽ những khách du lịch như chúng tôi.

Nepal, một đất nước nằm trên mái nhà của thế giới với ngọn núi Everest cao 8,848 mét đã lôi cuốn tuổi thơ của tôi qua những bài khảo cứu hay những cuộc phiêu lưu của những nhà chinh phục ngọn núi này, và dù thành công hay thất bại, được vinh danh khi trở về hay gởi lại thân xác mãi mãi dưới lớp tuyết dày của dãy Hy Mã Lạp Sơn, họ cũng để lại cho đời những huyền thoại.

Chúng tôi muốn đến Nepal  và bằng cách nào đó phải nhìn cho được ngọn núi Everest một lần.

Nói chung người ta thường cho rằng Đức Phật là người Ấn Độ và dĩ nhiên người Ấn  cũng tin như vậy. Nhưng người Nepal lại cho rằng nước họ được diễm phúc là nơi Đức Phật sinh ra, bởi Lâm Tỳ Ni (Lumbini) ngày nay nằm trên phần đất của Nepal giáp biên giới Ấn Độ. Hiện có một ngôi chùa Việt Nam tại Lâm Tỳ Ni do  Thầy Huyền Diệu xây cất và coi sóc.

Một cảnh sát tại thủ đô Kathmandu của Nepal đang điều khiển giao thông. Hình : NHA

Thật ra  cách đây 25 thế kỷ, vùng đất Ấn Độ và cả Nepal ngày nay có nhiều vương quốc, tiểu vương cai trị và Đức Phật, tức Thái tử Tất Đạt Đa (Gautama Buddha hay Siddhartha Gautama Buddha) thuộc một trong những giòng họ tiểu vương sống ở trên phần đất này.  Theo sử sách, ngài thuộc sắc tộc Shakya nói tiếng Pali. Có điều hơi lạ tuy người dân cả hai nước đều cho rằng Đức Phật sinh ra ở đất nước họ nhưng tại hai quốc gia này, Ấn giáo là quốc giáo trong khi Phật giáo chỉ là thiểu số. Nhưng kể từ khi giác ngộ, Đức Phật đã đi hoằng đạo và rồi ngài qua đời trên đất Ấn Độ ngày nay.

Thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ dưới cây bồ đề ở thành phố Gaya thuộc tỉnh bang Bihar và Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya, Bodh Gaya hay Mahabodhi Temple) hiện là một trong những nơi linh thiêng nhất của Phật giáo (hình bìa).

Bồ Đề Đạo Tràng là một phức hợp rất lớn, được bao bọc bởi bức tường thành màu gạch đỏ có thể phải mất hơn nửa tiếng mới đi xong một vòng.

Vườn Lộc Uyển (Deer Park) ở Sarnat thuộc thành phố Varanasi của tỉnh bang Uttar Pradesh là nơi Đức Phật giảng những bài Chuyển Pháp Luân đầu tiên cho 5 đệ tử khoảng 5 tuần lễ sau khi ngài được giác ngộ. Lộc Uyển cách thành phố Varanasi khoảng 15 km và cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 265 km.  Đây là 2  trong số 4  địa điểm linh thiêng nhất mà những Phật tử hành hương ước mơ đến.

Hai nơi kia là nơi Đức Phật sinh ra (Lâm Tỳ Ni, nước Nepal) và qua đời (Kushinagar, tỉnh bang Uttar Pradesh) khoảng năm ngài 80 tuổi.

Chừng đó nơi linh thiêng của Phật giáo sẽ làm cho chúng tôi thêm thích thú khi đi du lịch ở xứ Phật.

Nhưng “xứ Phật” còn có nền văn minh Ấn giáo, là đạo nguyên thủy của Đức Phật nên  sẽ mê hoặc du khách  qua thị kiến, chiêm nghiệm hơn là sự mô tả trong sách vở.

Du lịch “Ấn Độ huyền bí”  có tốn kém không?  Tùy hoàn cảnh của mỗi người. Vé máy bay từ Melbourne đến New Delhi (Ấn Độ) và Kathmandu (Nepal) khoảng 1,500 Úc kim. Khách sạn cũng tùy, từ  40 đô (3 sao) đến 140 đô (5 sao).  Dĩ nhiên có những khách sạn hàng trăm đô la một đêm. Đồng Úc kim ở ngoài thị trường đổi khoảng 50 đến 53 đồng Rupee Ấn Độ. Đời sống, giá cả ở hai nơi tương đối dễ chịu so với lợi tức mà chúng ta có tại Úc.

Sau lần nhà tôi bị tiêu chảy trong chuyến du lịch Phi Luật Tân vào cuối năm vừa qua, lần đầu tiên chúng tôi phải nhờ bác sĩ tiêm chủng và cho thuốc trong chuyến du lịch Nepal và Ấn Độ kỳ này. Đến bây giờ mới bắt đầu sợ bệnh tật khi du lịch. Ngoài chủng ngừa một số bệnh, chúng tôi còn uống thuốc ngừa sốt rét và mang theo thuốc tiêu chảy. Du lịch ở các nước đang phát triển hay nghèo thì cẩn tắc vô ưu. Có nước như Ba Tây ở Nam Mỹ, bắt buộc phải có giấy chứng nhận tiêm chủng khi đi du lịch.

Ngày cầm toa bác sĩ ra tiệm thuốc tây, cô bán hàng là độc giả  mục “kể chuyện đường xa” nói cô chờ  chúng tôi đi về để đọc bài viết về Ấn Độ vì cô rất thích nơi này nhưng nghe người đã từng đi Ấn Độ bảo phải mang theo mì gói làm cô phát sợ.

Tôi nói với cô có thể người ta đã phóng đại hoặc họ đi hành hương theo phái đoàn nên có thể đã đến những nơi xa xôi hẻo lánh, không có chợ búa.

Nhưng ngày cuối cùng tại khu vực Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi đã phát khiếp khi tạm trú một đêm trong khách sạn 3 sao Tokyo Vihar Hotel.

Bề ngoài của khách sạn trông không đến đỗi tệ, có người gác cửa, phòng chờ đợi ba bốn người ngồi không bởi trong thời gian trú ngụ chúng tôi chỉ thấy có hai du khách, một nhà sư và một người trông như tín đồ đạo Hồi.

Sau buổi chiều đi thăm viếng chùa Bồ Đề Đạo Tràng, trở về khách sạn người đầy mồ hôi và bụi bặm dưới cái nóng 43 độ nhưng khách sạn chỉ có cái quạt máy, lại cứ vài phút thì điện bị cúp vài giây, nhìn cái vòi sen gắn trong vách và lối tắm trên sàn nhà và con thằn lằn bò trên trần kêu chíp chíp, nhà tôi chỉ trông làm sao trời mau sáng để trở về Delhi và bay về Úc. Thật ra, phòng ngủ ở đây có máy lạnh nhưng quá cũ nên có cũng như không, tệ hơn quạt điện.

Vũ Hà trên Sông Hằng ở Ấn Độ. Hình: NHA

Chính tôi cũng không dám tắm, chỉ nhúng nước chùi người, rồi đi tìm xem còn nơi nào khá hơn, không dám hỏi khách sạn sợ  làm họ phật lòng. Họ nói đêm hôm qua mưa đá, có cục lớn gần bằng nắm tay (một ni cô người Việt cũng nói với tôi như thế) nên điện bị cúp, tạm chạy bằng máy riêng của khách sạn.

Nhưng vào ba khách sạn trên cùng một con đường, thấy chẳng khác gì khách sạn của chúng tôi.

Đến giờ cơm tối, xuống nhà hàng khách sạn chúng tôi thấy phòng ốc tương đối rộng rãi, có nhiều bàn trang trí đẹp mắt lại có một dãy nồi niêu kiểu buffet nhưng hôm nay không có khách nên không phục vụ kiểu “all  you can eat” như họ quảng cáo với chúng tôi khi vừa  đến.

Xem thực đơn, chúng tôi gọi món gà (ở Nepal và Ấn Độ tuyệt đối không có thịt bò vì Ấn giáo coi bò là thần), người hầu bàn cho biết muốn ăn gà hay món có thịt thì phải có một nhóm đặt mới làm được. Thế là chúng tôi chỉ còn chọn mì xào với rau và cơm chiên. Tối hôm đó, trong nhà hàng của khách sạn chỉ có hai vợ chồng chúng tôi ăn tối.

Nhà hàng rộng có khả năng chứa tới một trăm người nhưng chỉ có một cái máy lạnh hoạt động. Chúng tôi phải chọn một cái bàn sát máy lạnh để được mát đôi chút. Tôi gọi bia, người hầu bàn nói nhà hàng không tồn kho, phải ra phố mua mà bây giờ phố đã đóng cửa (lúc này khoảng 8 giờ tối) nên phải chờ tới 30 phút. Thế nhưng khi cầm chai bia, thấy hơi nước âm ẩm rịn ra ở mặt vỏ chai tôi biết rằng tủ lạnh đựng chai bia không có điện nên đành  phải uống bia hâm nóng. “Ăn chay” với bia nóng! Và đang ăn, thỉnh thoảng điện cúp tối om.

Lúc này tôi nhớ lại lời của cô bán hàng của tiệm thuốc tây ở Richmond về chuyện đi Ấn Độ mang theo mì gói và cảm thông cho nhà tôi chỉ trông sao cho trời mau sáng để rời khỏi Bodhgaya.

Bởi trong 9 ngày đầu chúng tôi ở các khách sạn 4 sao và 5 sao nên từ cao rơi xuống thấp và thấp như khách sạn Tokyo Bihar  ở Bodhgaya thì quả là rất khốn khổ cho những người đi du lịch như chúng tôi.

Tôi nghĩ ở Bodhgaya có thể có một vài khách sạn khá hơn, nhưng do công ty cung cấp dịch vụ book khách sạn online quen thuộc của chúng tôi chỉ giới thiệu loại 3 sao ở Bodhgaya nên tôi nghĩ rằng ở tạm một đêm cũng chẳng sao.

Biết rằng một khách sạn chỉ tính giá $40 đô la một đêm bao luôn ăn sáng thì không thể đòi hỏi gì hơn nhưng đây là một kinh nghiệm cho chúng tôi, đúng là tiền nào của đó!

Nhưng tôi không biết có nơi nào với giá tiền đó mà một khách sạn cung cấp dịch vụ tệ đến như thế chăng?  Hay bởi họ chỉ quen phục vụ người hành hương dễ tính?

Nhưng bạn chớ nghĩ rằng khách sạn ở Ấn Độ đều tệ hết đâu nhé. Khách sạn Le Meridien ở thủ đô New Delhi gần India Gate với giá $138 Mỹ kim được quảng cáo 5 sao là một trong những khách sạn tuyệt vời chúng tôi từng ở: mới và hiện đại, sang trọng như cung điện.  Khách sạn Getaway Ganges ở thành phố Varanasi cạnh Sông Hằng với giá $118 Mỹ kim được quảng cáo 5 sao nhưng có người chỉ đánh giá 4 sao (vì binh đinh và phòng ốc khá cũ và cổ),  là khách sạn phục vụ một cách quá chu đáo chúng tôi chưa từng gặp.

Vài người Ấn Độ nói với chúng tôi du lịch vào mùa đông là tốt nhất vì trời lạnh và đấy là thời gian mà ở Bồ Đề Đạo Tràng có rất đông khách hành hương.

Vũ Hà tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ Hình: NHA

Thoát khỏi cái nóng thường xuyên trên 40 độ và bụi bặm ở New Delhi và Varanasi, một ngày “thiếu ăn” và nóng nực trong  khách sạn ở Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) về với không khí trong lành, cái lạnh 17 độ nhưng dễ chịu của thành phố Melbourne những ngày cuối thu, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì trở lại quê nhà bình yên.

Không đâu bằng nhà mình, và có lẽ không đâu hơn thành phố Melbourne!

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 13.5.2012