NEPAL: mái nhà thế giới (kỳ 2)

20 Tháng Năm, 2012 | Nepal
Shanker nguyên là cung điện của triều đại Rana, nay là một khách sạn 3 sao nhưng với hồ bơi đẹp, vườn tược rộng và chăm sóc kỹ càng có thể được xem là khách sạn 4 sao xét về mặt phòng ốc. Chúng tôi được cho xài internet miễn phí từ phòng ngủ. Có bar (rượu bia và thức ăn) phục vụ 24 giờ. Hình: TVTS

Kể chuyện đường xa của Nguyễn Hồng Anh

***

Tôi không nghĩ cách đây ba bốn thập niên nhiều người Việt biết nhiều về đất nước Nepal. Tây Tạng thì quen thuộc hơn vì sử sách Trung Quốc và truyện tàu có nhắc đến, nhất là khi Trung Cộng xâm chiếm nước này vào năm 1950 khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải sống lưu vong ở Ấn Độ năm 1959 và sau đó cùng người Tây Tạng tị nạn trường kỳ tranh đấu để giành lại độc lập hay tự trị.

Nepal cùng với Tây Tạng và Bhutan được coi là mái nhà thế giới, vì cả ba xứ này bọc quanh dãy Hy Mã Lạp Sơn dài hàng trăm cây số, sở hữu những ngọn núi cao nhất hành tinh.

Ba nước này không những là nơi Phật giáo được sùng bái mà còn là điểm hẹn của du khách mơ mộng hay điểm xuất phát của những nhà thám hiểm vì từ đây họ có thể nhìn hay leo những ngọn núi ở dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Cũng vì vậy mà nếu bạn đọc lên internet tìm một chuyến du lịch Hy Mã Lạp Sơn, sẽ được giới thiệu một chuyến đi Nepal- Tây Tạng – Bhutan trong đó du khách không cần phải xin visa trước, tới cửa khẩu mới làm visa tại chỗ, nhưng công ty du lịch cảnh cáo sẽ không chịu trách nhiệm nếu bị các cơ quan di trú sở tại từ chối. Có lẽ đáng ngại nhất là Tây Tạng vì Bắc Kinh dễ nhạy cảm với du khách (da vàng) định cư ở các nước tây phương.

Cho chắc ăn, tôi vào trang mạng du lịch dành riêng cho công dân Úc để biết người có thông hành Úc đi nước nào khỏi cần visa và được trú ngụ bao lâu, nước nào phải xin visa trước khi đi và nước nào đến tận nơi mới làm. Nepal là một trong những nước thuộc nhóm sau cùng.

Tuy nhiên để vững bụng hơn, tôi mua vé máy bay đi Nepal trước, Ấn Độ sau để rủi tới nơi mà vì lý do gì đó họ không cho mình vào thì chỉ mất một hai trăm đô la mua vé khác bay sang New Delhi. Bằng không, nếu bị từ chối nhập cảnh, phải mua vé từ  Kathmandu bay về Melbourne đắt  hơn và thời gian du lịch sẽ ngắn đi.

Từ Melbourne đi Kathmandu và New Delhi có nhiều hãng bán vé online nhưng phần đông là các hãng của Á Châu và Trung Đông,  khứ hồi hạng chót từ khoảng 1,500 đến gần 4,000 đô la tùy hãng và tùy chuyến bay, có chuyến dài trên 30 giờ, vì phải bay lui tới nhiều phi trường, chờ đợi quá cảnh…  mặc dầu từ Melbourne đi Kathmandu hay New Delhi không quá xa.

Nhà hàng này phục vụ ăn sáng kiểu buffet với nhiều món ăn địa phương (không có thịt bò, chỉ thịt gà và cừu), đủ cho khách no nê rong chơi đến tối. Hình: TVTS

Tôi rất sợ ngồi lâu trên máy bay và muốn chọn hãng nào có những chuyến bay hành trình ngắn nhất. Có hai hãng là Cathay Pacific Airways và Singapore Airlines đáp ứng tiêu chuẩn này với giá thấp nhất. Nhưng Cathay vẫn rẻ nhất và bay với thời gian ngắn nhất.

Từ Melbourne đi Kathmandu chỉ tốn khoảng 19 tiếng đồng hồ với hai trạm dừng chân là Hong Kong (đổi máy bay đợi 3 tiếng) và Dhaka (ở nước Bangladesh) ngồi trên máy bay đợi khách xuống và lên  rồi bay tiếp sang xứ Nepal.

Từ Kathmandu bay tới New Delhi của Ấn Độ mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Và khi trở về Úc, chỉ mất khoảng 16 tiếng  gồm 5 tiếng rưỡi bay sang Hong Kong, 1 tiếng quá cảnh và đổi phi cơ, và 9 tiếng rưỡi bay về Melbourne.

 

Vài giòng về đất nước

Nepal huyền bí là một trong những tên nước không được phiên âm ra Việt ngữ. Ngày trước ở Việt Nam chúng ta gọi là Nê-pan theo kiểu Pháp, qua Úc gọi Nê-pồn. Nepal –như một miếng bánh sandwick bị kẹp giữa Ấn Độ và Trung Hoa– sở dĩ được thế giới biết nhiều vì  ngoài những đền đài cổ kính như bao nhiêu quốc gia khác, nước này còn là nơi sở hữu nhiều ngọn núi cao nhất trong dãy Hy Mã Lạp Sơn (8 trong 10 ngọn và ngọn Everest nằm trong phần đất Nepal) và đường đi lên đỉnh Everest ở phía Nepal thuận tiện hơn ở Tây Tạng. Các Sherpa của nước Nepal nổi tiếng là những người dẫn đường chuyên nghiệp nhất cho các nhà thám hiểm.

Nepal cũng nổi tiếng với những người Gurkkas là những chiến binh gan dạ và thường được người Anh tuyển mộ sung vào đạo quân Anh Ấn trong thời thuộc địa, chiến đấu kiên cường cho đế quốc Anh trong Đệ nhị Thế chiến.

Thống tướng Sam Manekshaw của Đạo quân Anh Ấn đã nói câu để đời: “Nếu một người đàn ông nói ông ta không sợ chết, ông ta có thể là người nói dối hay là một người Gurkha”. Sau hai thế kỷ phục vụ cho người Anh, hiện đang có vận động trong chính phủ Nepal để chấm dứt tình trạng làm lính đánh thuê lấy ngoại tệ bởi Nepal cảm thấy họ đủ mạnh về mặt kinh tế.

Nepal có một lịch sử lâu đời. Trước công nguyên có nhiều vương quốc nhỏ và các liên minh bộ tộc xuất hiện trong đó có giòng họ Shakya với vị hoàng tử có tên là  Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama 563-483 TCN) người sau này trở thành Phật.

Năm 1996 Đảng Cộng sản Nepal theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông (gọi là Mao-ít) đã mở một cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm làm khoảng 12,000 người chết cho đến khi họ chấp nhận bỏ súng và đấu tranh nghị trường bằng tham gia bầu cử.

Ngày 1.6.2001, Thái tử Dipendra, một người từng du học ở Anh, đã gây một cuộc thảm sát kinh hoàng trong hoàng cung vì tức giận cha mẹ không đồng ý ông lấy người ông yêu. Kết quả vua Birendra, hoàng hậu Aiswarya và 7 thành viên trong gia đình bị bắn chết. Thái tử Dipendra tự tử và chết 3 ngày sau.

Một buổi rước kiệu cổ truyền của tín đồ Ấn giáo vào buổi sáng trên một con đường của khu phố thuộc (quận) Thamel nổi tiếng. Hình: TVTS

Em của vua là hoàng thân Gyanendra lên kế vị, nhưng do tình hình chính trị thay đổi và và trước áp lực của phong trào dân chủ nên vua Gyanendra đã thoái vị năm 2006.  Sau gần 250 năm thống nhất, chế độ quân chủ Nepal chấm dứt và chế độ Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal được thành lập. Hai năm sau, cựu hoàng Gyanendra bị buộc rời khỏi hoàng cung Narayanhiti, nay trở thành một bảo tàng viện. Thủ tướng hiện nay là một người thuộc đảng Mao-ít.

Nepal có diện tích gần bằng một nửa Việt  Nam, dân số khoảng 27  triệu người. Ngôn ngữ chính thức là Nepali, có 11 ngôn ngữ địa phương được công nhận và hàng trăm ngôn ngữ  sắc tộc khác. Lợi tức đầu người khoảng 1,300 Mỹ kim. Một Úc kim trong thời gian này ăn khoảng từ 82 đến 86 Nepali Rupee.

Thủ đô Kathmandu nằm ở miền trung màu mỡ của Nepal  ở độ cao khoảng 1,400 mét (so với mặt biển) được dân tộc Newar cai trị trong nhiều thế kỷ.Vào thế kỷ thứ 18, Kathmandu bị triều đại Shah chiếm và họ cai trị nước Nepal thống nhất tại thành phố này. Nhưng vào năm 1846 triều đại Shah bị dòng họ Rana lấn áp giành quyền làm thủ tướng cha truyền con nối, vua dòng họ Shah chỉ còn là biểu tượng.  Dòng họ Rana cai trị Nepal cho đến  năm 1951.

Kathmandu (có nghĩa ngôi đền bằng gỗ) là một thành phố nằm trong thung lũng, tứ phía là núi, khí hậu cao nguyên và nhiệt đới nên dễ chịu. Người ta nói nên du lịch Kathmandu  vào mùa thu và mùa đông, tức khoảng từ tháng 10 đến tháng 4  là đẹp nhất vì trời ấm và trong sáng, ra khỏi thành phố nhìn ngọn núi Everest lúc bình minh rất thú vị. Từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa hè, có gió nồm, trời nóng và nhiều mưa, rất khó khăn cho người muốn leo núi, mây và sương  mù dày đặc nên ở  khó thấy được ngọn núi cao nhất thế giới này. Chúng tôi đi Kathmandu vào những ngày đầu tháng 5, không phải là thời gian lý tưởng, nhưng cũng không tệ. 3 ngày ở đây thời tiết khoảng 27 độ và chỉ gặp một cơn mưa nhỏ. Có thể nói thành phố Kathmandu hơi giống Đà Lạt.

Kathmandu thường được gọi vắn tắt KTM cùng hai thành phố lân cận ở phía nam là Lalitpur (còn gọi là Patan) cùng Bhaktapur ở phía đông được gọi là tam phố (tri-city) tạo thành một quần thể du lịch với những đền đài được Liên hiệp quốc công nhận là di sản thế giới dưới cái tên “Kathmandu Valley – UNESCO World Heritage Site”.

Chúng tôi đã tới xem cả ba Durbar Square (quảng trường cung điện, place of palaces) của thành phố bộ ba này, nơi có rất nhiều kiến trúc bằng gỗ đồ sộ nguy nga, kỹ thuật điêu khắc, chạm trổ  tinh xảo mang màu sắc văn minh Ấn giáo.

Cảnh sát chỉ đường ở một ngả tư của khu phố Lazimpat cách khách sạn Shanker vài trăm mét. Khu vực nhiều cây cối là hoàng cung Narayanhiti nay trở thành bảo tàng viện. Hình: TVTS

Ăn ở đi lại

Tôi lên mạng dò nơi trú ngụ, chọn khách sạn phòng ốc nào tương đối hợp túi tiền và thuận tiện cho việc đi lại, nghĩa là gần phi trường và trung tâm phố. Sau khi lướt hàng chục khách sạn, xem lời phê (theo kinh nghiệm, tốt xấu vẫn tùy người), tôi chọn khách sạn Shanker Hotel, một khách sạn 3 sao với giá $104 Mỹ kim một đêm bao ăn sáng (khi ngồi viết bài này tôi thấy giá trên mạng lúc này chỉ còn $71 đô, có nghĩa cao thấp tùy thời gian).

Shanker Hotel  ngày xưa là cung điện của giòng họ Rana, được biến thành khách sạn từ năm 1964 nhưng vẫn duy trì những nét Nepal cổ truyền. Đi từ phi trường quốc tế Tribhuvan (tên ông nội của vua Birendra bị con giết) đến khách sạn mất từ 15 đến 30 phút tùy tình hình giao thông.  Khách sạn này ở khu Lazimpat, sát cung điện Narayanhiti và cách khu phố Thamel nổi tiếng bình dân của khách du lịch chừng 10 phút đi bộ và trung tâm phố (New Road) khoảng 30 phút.

Nhìn trong hình quảng cáo, thấy bề ngoài đẹp, lại có hồ bơi, tôi chọn khách sạn 3 sao Shanker  dù thấy rằng với giá $104 đô la là hơi cao đối với những thành phố ở Á Châu, nhất là nước nghèo như Nepal.

Chúng tôi thức dậy từ 4 giờ sáng để đáp chuyến bay 7 giờ rưỡi sáng từ phi trường Tullamarine nhưng đến phi trường Tribhuvan của Kathmandu vào 10 giờ rưỡi đêm giờ địa phương (tức khoảng 3 giờ rưỡi sáng hôm sau của Melbourne, mất trọn một ngày).

Phi trường Tribhuvan lúc này chỉ có khoảng 10 hành khách của chuyến bay khuya chúng tôi. Chúng tôi điền vào mẫu đơn xin visa rất đơn giản trong đó có câu hỏi đặc biệt “Quý vị đem bao nhiêu ngoại tệ để sống trong thời gian ở Nepal”, có nghĩa mang vào bao nhiêu cũng được nhưng phải ghi ra trên đơn xin visa.

Chúng tôi đã thủ sẵn một hình passport và vài chục đô la như đã đọc trên internet. Khi hỏi phải đóng bao nhiêu tiền, nhân viên di trú nói 25 Mỹ kim một người và đóng bằng ngoại tệ nào cũng được. Tôi đưa 50 Úc kim và họ cho chúng tôi hai cái biên nhận tổng cộng 50 Mỹ kim ghi được phép ra vào nhiều lần và ở lại Nepal 15 ngày.  Nhà tôi thắc mắc tại sao họ không thối lại tiền lẻ vì đồng Úc kim cao hơn Mỹ kim nhưng tôi trả lời thắc mắc mà làm chi, được cho vào dễ dãi như vậy là quý hóa lắm rồi.

Ở trên internet, có người nói họ chỉ mất 15 phút làm visa tại chỗ nhưng có người lại nhận xét rằng nói vậy là nói xạo, nhưng tôi thấy chúng tôi chỉ mất có khoảng 5 phút mà thôi.  Có lẽ do ít người chờ đợi?

Một thanh niên người Úc quê ở Perth đi cùng chuyến nói anh ta chỉ có tiền Bảng Anh, nhân viên di trú trả lời cũng được.  Nhưng khi họ hỏi hình, anh ta nói bỏ quên trong hành lý gởi trên máy bay, thế mà cũng được đóng dấu cái cạch và rời quầy kiểm soát di trú nhanh như chúng tôi. Tôi không để ý anh ta có đòi tiền thối khi trả bằng đồng tiền pound sterling không!

Mặc dầu đã lướt internet để xem ý kiến của cư dân mạng nhưng trước khi bước xuống máy bay, tôi cũng đã hỏi một thanh niên người Mỹ gốc Nepal là từ phi trường về thành phố bao nhiêu tiền taxi, anh ta nói tới khu Thamel của anh thì khoảng 700 đến 800 Rupee, rằng anh không biết đến chỗ chúng tôi ở bao nhiêu, nhưng chắc chắn trong thành phố không quá 1000 Rupee và khuyên tôi nên trả giá.

Ra bên ngoài, có nhiều người đến hỏi chúng tôi đi đâu. Tôi nói đến Shanker Hotel  ở khu Lazimpat, một người cho giá 700 Rupee. Tôi thử trả 600 Rupee nhưng một anh mời tôi tới quầy nói ở đây có cấp biên lai, không nói thách.

Thế là một thanh niên nói tiếng Anh tàm tạm cùng người lái taxi mang hai cái vali của chúng tôi ra xe của họ, một chiếc xe nhỏ, cũ và xơ xác mà chúng tôi chưa bao giờ gặp, không có seat belt (tệ hơn ở đảo quốc Vanuatu). Tôi chẳng cao gì ấy thế mà ngồi đầu đụng trần, thỉnh thoảng phải cúi đầu khi xe gặp hay tránh ổ gà. Anh thông ngôn cho biết anh là nhân viên hướng dẫn du lịch của một công ty cách khách sạn chúng tôi 5 phút đi bộ, sẽ giúp chúng tôi những ngày ở Kathmandu.

Thấy tôi có vẻ lấy làm lạ tại sao xe chạy lóc cóc, lại cứ chạy trong các con đường hẻm, anh nói đây là nước Nepal, đường sá đều như vậy chứ không như ở Âu Châu hay ở Úc. Anh nói ngày mai chúng tôi sẽ thấy đường sá ở Nepal xấu như thế nào nhưng đường trong phố tương đối tốt hơn đường từ phi trường về thành phố, và dĩ nhiên sẽ kiếm chiếc xe tốt hơn chiếc xe đêm nay để chở chúng tôi.

Anh nói tiếng Anh khó nghe nhưng thích nói đùa và có lúc làm cho tôi không thoải mái vì nói nhiều và làm bộ quá lo lắng cho khách. Khi nghe tôi nói ở Kathmandu chỉ 3 ngày, anh nói với thời gian ít ỏi như thế, nên để anh lên chương trình cho đỡ tốn thì giờ và đừng nhờ khách sạn vì họ tính tiền cao hơn.

Bảo tàng viện Hoàng cung Narayanhiti: Nơi đây xảy ra vụ Thái tử Dipendra giết cha mẹ và những người trong hoàng tộc vào năm 2001. Hình: TVTS

Tôi muốn trong 3 buổi sáng ở Kathmandu, làm sao dậy sớm để ra ngoại ô ngắm ngọn Everest  nhưng anh cho biết mùa này không thể thấy và chỉ còn cách duy nhất là đi ngắm núi bằng máy bay, vé khoảng 170- 180 đô một người. Đến khách sạn, anh hẹn tôi sáng mai sẽ trở lại dẫn chúng tôi ra ngoài văn phòng của anh ở Thamel để cố vấn cho các chuyến đi.

Để tránh bị mời mọc, tôi nói tôi cần ngủ sau một chuyến đi dài, anh chỉ nên tới gặp chúng tôi sau 11 giờ trưa. Tôi không thích đi du lịch có người hướng dẫn bởi đôi lúc họ làm cho bực mình, mất tự do và mất cả hứng thú, chưa kể họ có thể tính tiền công cao…

Sáng hôm sau, chúng tôi rời khách sạn cầm bản đồ đi bộ ra khu phố Thamel của cư dân du lịch ba-lô và bình dân, để lại tờ giấy cho anh hướng dẫn viên nói rằng chúng tôi sẽ đi cả ngày và khi nào cần, chúng tôi sẽ gọi anh ta.

Ở thành phố Kathmandu bạn sẽ gặp đủ hạng “tour guide”. Có người trông lếch thếch chỉ lỏm bỏm vài tiếng Anh cũng bám theo bạn đòi làm hướng dẫn viên ở những khu di tích thắng cảnh với giá một hai đô la.  Thẳng thắn từ chối là hay nhất, trừ những người mà bạn đánh giá sẽ làm bạn hài lòng. (còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh, TVTS 2012