NEPAL: Từ Chùa Khỉ đến rặng Hy Mã Lạp Sơn (kỳ 4)

03 Tháng Sáu, 2012 | Nepal
Một góc núi bọc thung lũng Kathmandu: những con khỉ lang thang trên thành bảo tháp Swayambhunath. Hình: NHA

“Bằng” xác nhận đã “sờ ngọn Everest bằng trái tim” của hãng Buddha Air. Hình: NHA

Kể chuyện đường xa của Nguyễn Hồng Anh

***

Sau khi đã xem “kỳ quan” thứ hai trong “7 kỳ quan của Phật giáo thế giới”, mời bạn cùng chúng tôi đi xem bảo tháp Swayambhunath còn có tên quen thuộc khác là Chùa Khỉ (Monkey Temple) nằm trên ngọn đồi ở phía tây thung lũng Kathmandu, cách khu Thamel vài cây số. Đây là một trong những địa điểm linh thiêng của Phật giáo dành cho người hành hương và đối với người Tây Tạng và tín đồ Phật giáo Tây Tạng, bảo tháp (stupa) này chỉ đứng sau bảo tháp Boudhanath mà chúng tôi giới thiệu với bạn đọc trong số báo trước.

 

Một đồi bảo tháp

Từ khu Thamel bạn có thể mất khoảng 30 phút đi bộ. Và nếu bạn là người khỏe mạnh, có thời gian thì có thể từ chân đồi đi thẳng lên bảo tháp ở hướng đông, một lối đi bằng bậc cấp dài khoảng 350 bậc. Bằng không, thì như chúng tôi lên chùa này bằng taxi chạy vòng quanh đồi từ hướng nam, đến tận cổng ở hướng tây nam.

Anh tài xế taxi đợi chúng tôi ở bãi đậu xe. Là người ngoại quốc, vé 200 Rupee một người, đắt hơn vào bảo tháp Boudhanath 50 Rupee, có lẽ vì khung cảnh ở đây đẹp hơn? Từ đây bạn có thể đi hai hướng để đến hai quả đồi một bên là chùa và một bên kia các tòa nhà nhiều tầng mà tôi nghĩ là tu viện. Nơi đây có nhiều cây cổ thụ để hóng mát, nghỉ ngơi hay xem thắng cảnh và ngắm khỉ.

Chúng tôi chỉ đi một đoạn ngắn lên hướng này rồi trở lại trước cổng vào để xem các thanh niên nam nữ ném tiền cắc xuống chiếc hũ trước mặt bức tượng Phật bằng đồng, nhưng phần lớn tiền rơi xuống đáy hồ. Tôi thấy trò ném tiền này ở nhiều di tích thắng cảnh như Kim Tự Tháp Ai Cập hay pháo đài Fort Santiago bên Phi Luật Tân.

Swayambhunath là tên chính thức nhưng bởi khó đọc nên Chùa Khỉ vẫn là cái tên thông dụng đối với du khách. Ngay trước hồ này ba bốn chú khỉ ngồi nhìn du khách một cách thản nhiên, có vẻ như đã quen thuộc với một chủng loại có hình dáng cũng gần giống chúng. Từ đây bạn sẽ gặp rất nhiều khỉ ở mọi nơi trên ngọn đồi này. Tôi nghĩ khi màn đêm xuống khỉ có thể là cư dân chiếm đa số nơi đây. Mà bảo tháp cũng nhiều nữa, lớn nhỏ và bé tí phủ đầy đồi.

Vài du khách ném đồng tiền cắc vào hũ/lọ và đế tượng Phật trong hồ trước cổng vào Chùa Khỉ trong khi các du khách khác lên bậc cấp dẫn vào khu tu viện. Hình: NHA

Mời bạn cùng chúng tôi bước lên một số tầng cấp về hướng bảo tháp vòm màu trắng với màu vàng kim. Người ta nói ngôi đền này đã được xây và trùng tu nhiều lần từ thế kỷ thứ 5 nhưng đến hôm nay, chúng tôi vẫn thấy có những khu vực đang được chỉnh trang, gạch đá ngổn ngang.

Swayambhunath là một quần thể gồm đại bảo tháp và rất nhiều bảo tháp lớn nhỏ khác nằm rải rác từ cổng lên đến đỉnh đồi.  Gọi là chùa vì đây là nơi thờ Phật, các vị bồ tát nhưng nếu muốn nói đền cũng được vì các kiến trúc là một sự pha trộn giữa Phật giáo và Ấn giáo. Kiến trúc chùa ở Nepal khác với chùa Việt Nam và Trung Hoa có lẽ do người Nepal bị ảnh hưởng của văn hóa gốc vì người ta nói tổ tiên của họ là giống người Tạng-Miến. (Tây Tạng và Miến Điện). Tôi thấy các chùa và tháp ở đây giống hình ảnh ở Miến Điện.

Trên đỉnh đồi, đại bảo tháp màu trắng vươn ra khỏi các bảo tháp cỡ trung và nhiều bảo tháp màu đen cao chưa quá đầu người. Giữa đỉnh tháp vẫn là những họa tiết quen thuộc với đôi mắt của Phật nhìn bốn hướng với con số 1 nằm dưới mắt trông như cái mũi mà chúng tôi đã có dịp viết về ý nghĩa bảo tháp Boudhanath.

Quanh các bậc cấp đi thẳng hay quanh co lên đỉnh có những ngôi nhà có người ở, là những thường dân hay những người phục dịch, canh giữ bảo tháp. Có vài căn bán đồ lưu niệm. Một bảo tháp cỡ trung bình đang được xây. Những người thợ nề khuân vác với phương tiện thô sơ như ở thôn quê Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ.

Tuy đi xem chùa, nhưng tôi vẫn thích nhất là được ngắm thành phố Kathmandu mà tôi đã thấy qua hình ảnh. Đây có lẽ là nơi đẹp nhất để nhìn thung lũng Kathmandu với núi non bọc tứ phía. Tương truyền ngày xưa thung lũng là cái hồ rộng cho đến khi các nhà sư xẻ núi dùng đất đá lấp lại hoặc Đức Bồ Tát Văn Thù dùng thanh gươm chém vào đáy hồ làm nước rút đi để lại thung lũng Kathmandu ngày nay.

Trời nắng gay gắt nhưng nhờ ở trên cao nên không khí dễ chịu. Tuy nhiên ánh sáng chói chang của ban ngày sẽ làm bạn nhìn không được xa, hình ảnh chụp sẽ không đẹp và rõ như vào sáng sớm hay xế chiều.

Khách hành hương đi quanh bảo tháp lớn sờ tay vào các luân xa cầu mong được sự may mắn…. Hình: NHA

Gần chân đồi nhà cửa thưa nên còn thấy màu xanh dịu dàng của thiên nhiên, nhưng ở giữa thành phố toàn một màu trắng phẳng phiu bởi phần lớn nhà cửa chỉ cao khoảng ba đến năm sáu tầng và như  người ta nói thì không có tòa nhà nào ở Kathmandu cao hơn 10 tầng  nên cảnh nhìn từ trên đồi bảo tháp không tạo ấn tượng mạnh.  Vẻ đẹp chỉ toát ra từ những bảo tháp nhỏ trông như ngôi mộ, những ngôi đền bốn mái chồng lên nhau như kim tự tháp, những ngôi chùa hai tầng hay đại bảo tháp đường kính khoảng 20 mét nằm ở giữa trung tâm đồi, một lối kiến trúc theo vũ trụ quan của Phật giáo.

Người ta nói rằng vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, A  Dục Vương (hoàng đế Asoka, người đầu tiên có công triển khai Phật giáo) trong chuyến đến thăm ngọn đồi này đã xây một ngôi đền nhưng sau đó đền bị phá hủy. Cũng có người tin rằng Đức Phật Thích Ca trong thời gian hoằng pháp của ngài, cũng đã từng đặt chân tới đây. Nhưng ra vẻ những gì còn tồn tại tới ngày hôm nay như các tượng Phật là những công trình đã được hình thành khoảng thế kỷ thứ 17 trong đó có các bậc cấp dẫn lên đồi.

Chùa Khỉ là một nơi linh thiêng đối với người Phật giáo  nên chúng tôi thấy khách hành hương hôm đó phần lớn là người địa phương, người Tây Tạng, Ấn Độ hay có thể là Tích Lan, là những người nước da sậm. Không thấy người da vàng như Việt Nam, Tàu hay Nhật. Cũng chẳng thấy bóng dáng người tây phương như thường gặp ở các đền đài trong các cổ thành.

Bảo tháp Swayambhunath không lớn bằng bảo tháp Boudhanath. Không khí ở đây cũng không nghiêm trang hơn bởi du khách phần lớn lên đồi hóng mát và ngắm  thành phố cho nên bà Bettany Hughes trong cuốn phim tài liệu chiếu trên đài BBC đã chọn bảo tháp Boudhanath là “kỳ quan” duy nhất của nước Nepal được nằm trong “7 kỳ quan của Phật giáo thế giới”.

Từ đồi này bạn có thể thấy hầu như toàn bộ thành phố dưới chân, kể cả các tòa nhà của quảng trường cung điện Kathmandu Durbar Square ở giữa trung tâm thành phố và cái tháp màu trắng cạnh sân banh mà chúng tôi có dịp thấy khi đi taxi từ  bảo tháp Boudhanath. Cũng từ đây, bạn mới nhận thấy rằng toàn thành phố Kathmandu được bao quanh bởi những rặng núi cao, nhưng chắc chắn bạn không thể thấy ngọn Everest cao nhất thế giới mà bạn từng nghe. Muốn thấy, bạn phải đi thêm nữa… hay “đằng vân” như chúng tôi.

… hoặc ngắm khỉ sống chung với bầy chim và chó quanh các bảo tháp lớn nhỏ. Hình: NHA

“Chinh phục” ngọn Everest

Như đã nói trong bài trước, từ phi trường đi về khách sạn được một tour guide bất đắc dĩ cho biết cách tốt nhất để nhìn núi Everest là bằng máy bay, chúng tôi đã thích ngay. Nhưng người giúp chúng tôi mua vé là anh taxi đã chở chúng tôi đi tham quan chùa chiền trong ngày hôm nay.

Anh cho biết tại thủ đô Kathmandu có 3 hãng máy bay chuyên về dịch vụ chở khách ngoạn cảnh núi non  (mountain flight) nhưng hãng Buddha Air là hãng đắt nhất, $176 Mỹ kim một người, cao hơn hai hãng kia vài chục đô la. Tôi nói giá cao không là vấn đề mà quan trọng là an toàn nhất và hãng này đã gặp tai nạn lần nào chưa. Anh ta khẳng định như đinh đóng cột là chưa.

Anh cho biết  chuyến bay bắt đầu từ  7 giờ sáng là lúc trời còn tốt, ít mây và nắng chói, thích hợp cho tầm nhìn, và anh sẽ đến khách sạn đón chúng tôi lúc 5 giờ rưỡi sáng. Anh nói chiều mai sẽ có mưa nhưng hy vọng buổi sáng trời sẽ tốt.

Tối hôm đó, tôi lên mạng để xem về lịch sử  của các chuyến bay mountain flight cho yên tâm và được biết ngoài Buddha Air có nhiều hãng khác như là Agni Air, Tara Air, Guna Air và Yeti Airlines… với các máy bay có sức chứa từ 16 đến 50 người. Các hãng này ngoài chở người xem núi, dịch vụ chính là bay từ Kathmandu tới các thành phố khác trong nước.

Hãng Tara Air trong hai năm qua có 3 tai nạn trong đó một vụ rớt làm 18 hành khách và phi hành đoàn 3 người thiệt mạng nhưng không phải do chở người du ngoạn núi.

Agni Air đã xảy ra một tai nạn chết người năm 2010 khi đến gần thành phố Kathmandu gặp thời tiết xấu nên phi công quyết định bay sang phi trường khác nhưng máy móc bị hư và rớt làm 14 người chết trong đó có 6 người ngoại quốc.

Yeti Airlines cũng gặp vài tai nạn chết người  nhưng gần nhất là vào năm 2008 khi máy bay hạ cánh gặp lúc thời tiết xấu và sương mù dày dặc nên đâm vào núi làm 18 người chết, trừ viên phi công. Trong số du khách này có 12 người Đức và 2 người Úc.

Không thấy hãng Guna Air gặp tai nạn nào trong tiểu sử đăng trên wikipedia. Nhưng hãng Buddha Air mà anh tài xế cho là tốt nhất đã gặp một tai nạn chết người mới đây thôi, dù được quảng cáo hãng chỉ chuyên mua các máy bay mới cáo chỉ.

Tác giả cầm cái “chứng chỉ leo núi” bằng… trái tim sau khi phi cơ trở về phi trường Kathmandu. Hình: NHA

Vụ rớt xảy ra vào ngày 25.11.2011. Mà đây là chuyến chở những người đi ngắm núi Everest!

Theo bản tin, máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu Kathmandu và vụ rớt này làm toàn bộ phi hành đoàn 3 người và 16 hành khách thiệt mạng trong đó có 10 người Ấn, 2 người Mỹ, 1 người Nhật  và 3 người Nepal.

Tôi nói với nhà tôi anh taxi đã nói sai bởi trong các tai nạn được nói đến trên mạng lưới, Buddha Air là hãng duy nhất gặp tai nạn xảy ra khi đưa người đi ngắm núi Everest. Nhưng tôi bảo nhà tôi có thể anh taxi chỉ biết tên các hãng máy bay, biết mua vé ở đâu chứ không biết hãng nào đã gặp tai nạn và xảy ra ở đâu như mình ở Úc  chắc gì đã nắm vững có bao nhiêu hãng bay tới các thành phố hay đảo du lịch và đã có bao tai nạn xảy ra cho hãng nào. Chúng tôi hơi rét khi đọc tin này nhưng đã lỡ mua vé nên đành nói với nhau sống chết có số mạng, chứ sợ quá thì chẳng bao giờ dám đi du lịch và có những chuyến bay nhớ đời, và nếu hủy bỏ thì sẽ không bao giờ có dịp thấy núi Everest.

Sáng hôm sau gặp anh tài xế, tôi cho anh ta biết máy bay của Buddha Air đã có một lần rớt vào năm ngoái nhưng anh ta chẳng để ý chỉ nói chúng tôi lên xe đi cho kịp giờ và nói thêm chúng tôi gặp may mắn bởi thời tiết hôm nay rất đẹp.

Chúng tôi tới phi trường nội địa, nơi đây đã đầy người. Anh tài xế taxi bảo chúng tôi cứ vào bên trong, anh ngồi ngoài xe đợi bởi anh không được vào. Cảnh tượng như cái chợ với hành khách toàn là người da ngăm ngăm  mà tôi nghĩ phần lớn là người bản xứ. Chỉ thấy một vài người Tây phương. Khâu kiểm soát ở đây chú trọng về vũ khí, đồ gây cháy, chứ bạn mang theo vài chai nước gần cả lít cũng không sao.

Việc rà soát và người đông đúc chen lấn kêu ơi ới như cái chợ, hỏi không được trả lời hoặc bằng tiếng Anh giọng Ấn làm cho chúng tôi chẳng biết đâu mà mò. Vài người da trắng đi cùng chuyến với chúng tôi cũng lúng túng không biết sẽ ra phi đạo lúc nào.

Phần lớn du khách đi các thành phố khác và cuối cùng cũng đến phiên chuyến bay mountain flight của chúng tôi. Khi xe buýt chở ra đường băng, chúng tôi đã thấy có một chiếc của hãng Agni Air sắp cất cánh, nhưng bay đi đâu thì chúng tôi chẳng biết.

Máy bay sắp chở chúng tôi là loại 2 động cơ chong chóng, ATR 42 có sức chứa tới 50 người, mỗi bên có 2 hàng ghế như xe bus nhưng  trong chuyến bay hôm nay số hành khách chừng khoảng 20 người, chưa đầy một nửa máy bay.  Có hai phi công và hai nữ tiếp viên.

Chúng tôi có vé ngồi gần cánh quạt, tầm nhìn hơi bị giới hạn, nhất là khi chụp ảnh thì cánh máy bay chiếm phần lớn diện tích bức hình. Đi cặp thì thường người ta ngồi sát nhau nhưng có vài cặp ngồi rời ra vì còn nhiều chỗ trống, chiếm mỗi người một cái ghế sát cửa sổ hai bên, sau đó để lại một túi xách làm như giữ chỗ, rồi qua ngồi với nhau.

Ngọn Everest 8848m vụt lên cuối chân trời (trái) bênh cạnh ngọn Lhotse 8516m. Hình chụp ngày 4.5.2012. Hình: NHA

Khi máy bay quay đầu trở về, họ dồn phía bên kia. Hóa ra họ rất rành rẽ về việc ngồi ngắm cảnh trên máy bay, chắc nhờ ai chỉ dẫn trước?

Thật vậy, trong chuyến bay dài đúng 1 tiếng đồng hồ dọc dãy Hy Mã Lạp Sơn, ban đầu khách chỉ nhìn được cảnh ở tay trái. Khi máy bay trở về, muốn thấy dãy núi đó, khách cần ngồi bên phải máy bay.

Như vậy, nếu máy bay đầy người thì sao? Bạn có thể ngồi nhìn qua mặt hay đầu người khác!

Khi các nữ tiếp viên bắt đầu chỉ cho thấy một số ngọn núi có tên trong bản đồ đã phát cho hành khách, mọi người đều dồn về phía hai dãy ghế bên trái. Thấy nhà tôi lo sợ máy bay có thể “lật”  tôi trấn an, nói chuyện đó chỉ xảy ra khi đi vượt biên bằng ghe, chứ máy bay mà hư một động cơ, vẫn có thể bay bằng một chong chóng còn lại vì nó không thể bị “lật”.

Khoảng chừng 5 phút sau khi rời phi đạo, dãy Hy Mã Lạp Sơn đã hiện ra trước tầm mắt chúng tôi. Mọi người trở nên kích động bởi họ bắt đầu thấy cảnh mà họ ước mơ bấy lâu.

Như đã nói trong một bài trước, trong 10 ngọn núi cao nhất ở dãy Hy Mã Lạp Sơn, 8 ngọn nằm trong phần đất của nước Nepal.  Trong số này ngọn  Everest,  được người Nepal gọi  Sagarmatha, là ngọn núi cao nhất với chiều cao chính thức cách mặt biển do Nepal và Trung Hoa thừa nhận là 8848 mét (có người nói cao 8850m vì núi này càng ngày càng… cao lên).

Nhìn vào bản đồ tôi thấy Kathmandu nằm ở độ cao 1350m và từ đây đến cuối dãy Hy Mã Lạp Sơn của chuyến bay, có khoảng 20 ngọn núi trong đó 13 ngọn cao trên 7000m.

Tên thứ tự như sau: Langtang Lirung, Shisha Pangma, Dorje-Lakpa, Phurbi-Ghyachu, Choba-Bhamre, Gauri-Shankar, Melungtse, Chugimago, Numbur, Karyolung, Cho-Oyu, Gyachung Kang, Pumori, Nuptse, Sagarmatha (tức Everest), Lhotse, Ama-Dablam, Chamlang, Makalu.

Ngọn thấp nhất là ngọn thứ năm –Choba-Bhamre (5,970m) — là nơi có đường đèo chạy qua thành phố Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng.

Ngay sau đó, đến ngọn Gauri-Shankar (cao 7134m)  thì một cô tiếp viên bắt đầu tới từng dãy ghế chỉ và nói tên cho hành khách biết họ  đang ở đâu trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Du khách trầm trồ khen ngợi, biểu lộ sự thích thú khi thấy những vách đá nối tiếp vách đá, các mỏm núi nhấp nhô như đầu ngọn sóng biển phủ tuyết dù bây giờ là mùa hè.

Phi cơ điều chỉnh độ cao lên xuống từ 6500m đến 7000m tùy chiều cao của những ngọn núi mà du khách nhìn và khoảng cách song song dãy núi chừng 8 cây số khi máy bay đến gần ngọn Everest. Đến đây, cô tiếp viên mời từng người lên phòng lái của phi công xem trong vài giây ngọn núi cao nhất thế giới nổi bật lên bầu trời như hình kim tự tháp. Chúng tôi lại nhớ cảnh chóp núi Phú Sĩ ở Nhật khi đi xe lửa cao tốc từ Tokyo đến Kyodo và ngược lại, cũng là sự hùng vĩ của một ngọn núi vượt trội lên các ngọn khác. Cạnh ngọn Everest về phía tả là ngọn Nuptse cao 7855m và bên phải có ngọn Lhotse cao 8516m, chỉ thua Everest 332m, cho nên trong rặng núi này, khi thấy hai chỏm cao nhất vượt ra khỏi đám mây thì chúng tôi biết ngay đó là Everest.

Indravati River chảy xuống đồng bằng giúp việc canh tác ruộng bậc thang ở cao nguyên Kathmandu. Hình: NHA

Phi cơ đến ngọn Makalu (8463m) thì lượn vòng trở lại. Một lần nữa, du khách của chuyến mountain flight được ngắm ngọn Everest nhưng phải chuyển qua các cửa sổ bên phải của máy bay.

Sự hưng phấn của du khách bắt đầu giảm.  Lẽ ra phải mang theo máy ảnh chuyên nghiệp, thêm ống kính dài càng tốt nhưng tôi chỉ có cái camera bỏ túi. Những tấm hình chụp ở khoảng cách xa như thế sẽ ghi lại những kỷ niệm mờ nhạt (xem hình trang 3) nên tôi phải căng mắt để nhìn những gì có thể thấy được bằng mắt thật, rồi trầm trồ ngợi khen kỳ công thiên nhiên, nơi đã có nhiều người đặt chân đến và nhiều người chết trước hay sau khi đã đứng “trên đỉnh thế giới”  (on top of the world, theo nghĩa đen) nhưng rồi rơi xuống vực sâu hay chôn vùi trong lớp tuyết sụp dày ba bốn mét.

Càng đến gần phi trường rừng và đồi cỏ xanh rõ dần. Con sông có tên Indravati River chạy ngoằn ngoèo trên những thửa ruộng hình tầng cấp (bậc thang) là nguồn nông sản nuôi phần lớn người dân Nepal.

Nepal huyền bí nhưng cũng là Nepal nghèo nàn bởi con người ở nơi đây quá nhỏ bé trước thiên nhiên đầy thử thách. Tôi không biết nên mừng hay nên thương hại cho đất nước sở hữu dãy núi quá hùng vĩ như Hy Mã Lạp Sơn.

Chúng tôi đã đến cái tuổi không còn ước mơ  trèo lên đỉnh núi. Mà đi (bằng máy bay) lên cao thêm vài ngàn mét để lội bộ trong một vài tuần lễ để thưởng thức hơi hướng “thám hiểm” như những người bình thường thì không có thì giờ. Nên một chuyến bay đúng một giờ cũng được coi như một sự gỡ gạc những gì trời ban cho con người.

Rời máy bay, phi hành đoàn phát cho mỗi người một “cái bằng” không ghi tên nhưng ghi số để kỷ niệm kinh nghiệm một đời có một lần với câu “I did not climb Mt Everest…. but touched it with my heart!” (tạm dịch: Tôi đã không trèo núi Everest… nhưng đã sờ nó với trái tim của mình”). Tôi là hành khách thứ 468,186 của hãng Buddha Air.

Khi phi cơ đang bay, nhà tôi hỏi máy bay có tới gần núi Everest không, tôi nói tới gần thì chỉ có chết vì rất dễ đâm vào núi. Nói đến đây tôi nhớ tới bộ phim tập “Monkey Magic” chiếu trên đài ABC cách đây khoảng 30 năm và ước gì được như  thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Thiên Trúc, đằng vân ngồi trên “phi thuyền” bằng mây của Tôn Ngộ Không để  ngắm ngọn Everest  hoặc đáp xuống trên đỉnh Everest xem tuyết trên đó ra sao. Chứ đi máy bay của Nepal cũng hơi ớn.

9 ngày sau chuyến bay ngắm núi của chúng tôi, một chuyến bay của hãng Agni Air chở người hành hương từ thành phố Pokhara tới Muktinath –một nơi linh thiêng của Phật giáo và Ấn giáo–  gặp tai nạn làm 15 người chết, chỉ có 6 người sống sót. (còn nữa).

Chùa Khỉ nên khỉ ở khắp mọi nơi, trên luân xa, cành cây… Hình: NHA

Ngôi chùa hai tầng giữa các bảo tháp. Hình: NHA

Chùa Khỉ nên khỉ ở khắp mọi nơi, trên luân xa, cành cây… Hình: NHA

Nguyễn Hồng Anh, TVTS 2012