NEPAL: Thung lũng ngàn năm văn hiến (kỳ 7 – hết)

24 Tháng Sáu, 2012 | Nepal

Kể chuyện đường xa của Nguyễn Hồng Anh

***

Di sản văn hóa thế giới trên đồi cao

Gặp nhau ở cổng hoàng cung Bhaktapur, anh Sampurna  đề nghị trước khi đi Patan (Lapitur) để xem Durbar Square cuối cùng, tiện đường anh sẽ đưa chúng tôi đi xem một ngôi đền Ấn Độ rất đặc biệt nằm trong ngôi làng của người Hindu (Ấn giáo) có tên là Changu Narayan, cách Kathmandu khoảng 20 cây số.

Đã thấy thành phố, hai cổ thành, dĩ nhiên chúng tôi cần đi ra vùng quê để còn thấy được một bộ mặt khác của đất nước này. Xe chạy ra một cánh  đồng lúa trước khi leo dốc lên đồi cao.  Đường đèo quanh co thật đẹp nhưng khá nguy hiểm bởi hẹp nên mỗi khi tới khúc quẹo anh tài xế taxi  phải bấm còi báo hiệu và chạy chậm lại. Đi xe không có dây nịt an toàn kể ra cũng đáng ngại nhưng với người dân ở đây là chuyện bình thường, giống miền nam Việt Nam trước năm 1975.

Hai bên đường lên ngôi làng Changu Narayan của người Hindu: mái nhà tranh vách tre bên cạnh rất nhiều nhà gạch ngói. Hình: NHA

Người Nepal Ấn giáo xây nhà dù to hay nhỏ, cao hay thấp thường bằng gạch nhưng ở đây thỉnh thoảng cũng có căn nhà làm vách tre và mái tranh. Người trong làng Changu Narayan làm nghề nông, trồng lúa trên các loại ruộng bậc thang dọc sườn núi và sống nhờ khách du lịch.

Từ Bhaktapur đến đây mất khoảng 30 phút lái xe. Vé vào thăm làng 25 Rupee cho người thuộc các nước trong khối SAARC nhưng 100 Rupee với người nước khác.

Con đường chính dẫn vào làng bằng đá và bậc cấp, nhà cửa hai bên từ hai đến ba tầng. Lên tận đỉnh đồi là khu vực thờ tự của dân làng, một ngôi đền mái hai tầng trên nóc có cái chuông màu vàng, chung quanh là một số tháp, đền nhỏ, những dãy nhà hai tầng cũ, một số bị sập và đang được trùng tu. Nét độc đáo của ngôi đền là tượng thần Vishnu có 10 đầu và 10 tay. Tôi bắt chước anh tài xế taxi đánh vào chiếc chuông đồng lớn rồi làm dấu để cầu xin sự may mắn như anh ta nói.

Và dĩ nhiên ơ đây cũng có một nhà bảo tàng nho nhỏ có bán vé để du khách thưởng thức nghệ thuật và di tích một nền văn hóa của tổ tiên mà dân làng tự hào đã có từ thời đại vua Lichhavi (có mặt tại thung lũng Kathmandu từ thế kỷ thứ 5  đến thế kỷ thứ 8, tiếp theo là triều đại Malla và cuối cùng là Shah, triều đại đã thống nhất nước Nepal). Nhưng chúng tôi đã không vào xem bởi rối trí với tên các vị thần và vợ con của các vị thần đó.

Có lẽ chúng tôi chưa gần gũi với văn hóa và tín ngưỡng của Ấn giáo nên dù đền Changu Narayan được Liên hiệp quốc liệt vào một trong 7 di sản của thế giới nằm trong thung lũng Kathmandu, chúng tôi cũng chỉ nhìn qua, dùng thời giờ đứng trên ngọn đồi cao 1541 mét so với mặt biển để ngắm cảnh đồi núi trông như đồi ở Đà Lạt thời sinh viên hay  nhìn những phụ nữ sàng lúa bằng cái mẹt từng thấy ở làng quê tôi thời tiểu học.

Tuk Tuk trước lối vào Patan Durbar Square: một phương tiện di chuyện thông dụng ở Kathmandu. Hình: NHA

Thấy một hố xây xi măng có bậc cấp đi xuống và một cái vòi vặn nước, tôi hỏi và được anh taxi cho biết đấy là nơi người dân làng mang xô tới hứng nước, được mở một ngày hai lần vì nước ở đây rất hiếm.

Xuống đồi, anh taxi đưa chúng tôi vào  xem một vài cửa tiệm các nghệ nhân đang vẽ tranh trên giấy, trông rất đẹp mắt. Các chủ tiệm nài nỉ chúng tôi mua những bức tranh khổ A3 với giá từ 1000 đến 3000 Rupee nhưng chúng tôi từ chối  bởi không hiểu biết về thần thánh của Ấn giáo cũng như những biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng – Nepal. Kỷ niệm phải là cái gì mình hiểu và nhất là thích, phải không bạn?

 

Thành phố của Vẻ đẹp

Xe rời đồi, tôi yêu cầu tài xế chạy chậm để chúng tôi ngắm cảnh vì ở Kathmandu hay Bhaktapur chúng tôi đã thấy màu đỏ của gạch quá nhiều, ngay cả con Sông Bagmati chia đôi Kathmandu và Lapitur là thành phố mà chúng tôi sắp thăm viếng và  được một số du khách ca ngợi, được người dân Nepal coi là linh thiêng cũng đã làm chúng tôi thất vọng, không muốn nhìn mỗi khi xe chạy qua cầu thấy rác rưới đầy hai bờ sông cạn nước. Sông Bagmati được người Nepal sùng kính như Sông Hằng ở Ấn Độ.  Tôi khen nhiều cái đẹp ở Kathmandu nhưng không dám chê con sông bị ô nhiễm nặng của đất nước anh  lái taxi vì không muốn làm phật lòng anh.  Mất khoảng 45 phút chúng tôi mới tới Putan Durbar Square là quảng trường hoàng cung thứ ba và cuối cùng ở thủ đô xứ Nepal. Tên gọi chính thức của PutanLapitur, cách Kathmandu chừng 5 cây số về phía nam, là thành phố lớn thứ ba của nước Nepal với dân số khoảng 200 ngàn. Người dân thành phố sống nhờ buôn bán, du lịch, thủ công và làm nghề nông.

Lapitur có nghĩa là Thành phố của Sắc đẹp  (City of Beauty).

Người ta cho rằng thành phố Patan được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên bởi triều đại Kirat (được nối tiếp bởi triều đại Lichhavi).

Phụ nữ và trẻ con trong giờ lấy nước ở quảng trường hoàng cung Patan Durbar Square. Hình: NHA

Vào thành phố này thường gặp nạn kẹt xe vì đường rất hẹp. Và khi đến nơi với xe cộ đông đúc, kẻ qua người lại như mắc cửi, thấy những ngôi đền đầu tiên sát mặt tiền đường là bạn choáng ngợp.

Chúng tôi thấy người ta vào ra tấp nập nhưng thấy bên phía trái có một cái ki-ốt nho nhỏ, tới gần thấy có cái bảng ghi “xin khách ngoại quốc vui lòng mua vé”. Giá 100 Rupee và cho những du khách không thuộc nhóm các quốc gia SAARC là 500 Rupee. Tôi mua xong mà chẳng thấy ai khác nối đuôi mua  khiến nhà tôi nói không chừng  người ta cứ đi bừa vào vì chẳng có người kiểm soát. Đang khi còn thắc mắc về chuyện mua vé với cái bảng nhắn nhủ khách ngoại quốc, một thanh niên sà đến hỏi tôi có muốn anh ta làm tour guide không và cho biết sắp có festival. Tôi từ chối, chẳng cần biết có  lễ lạc gì bởi vì cũng đã bắt đầu mỏi mệt và chỉ muốn xem qua cho biết cái cổ thành cuối cùng được Liên hiệp quốc ghi vào di sản văn hóa thế giới.

Truyền thuyết kể rằng A Dục Vương năm 250 trước công nguyên đã cùng con gái tới Kathmandu  và cho dựng 5 cái bảo tháp tại thành phố Patan mà ngày nay được gọi là Akodo Stupas, 4 cái ở bốn góc và một cái nằm trước lối vào. Patan có khoảng 1,200 kiến trúc Phật giáo lớn nhỏ rải rác khắp thành phố nhưng quần thể Patan Durbar Square là tâm điểm với vài chục ngôi đền và chùa. Tại đây có những di tích đáng xem như  Hiranya Varna Mahaa Vihar, Rudra Varna Mahavihar, Mahaboudha Temple, Bangalamukhi Temple, Kumbheshwor Temple v.v…

Sau khi ghé xem một số đền mà chúng tôi không nhớ tên, vào trong khuôn viên của bảo tàng viện để nghỉ ngơi tránh nắng, chúng tôi đi dọc một con đường thẳng để ngoạn cảnh. Cũng như tại 2  Durbar Square kia, nơi đây nhà dân lẫn lộn với các đền đài xưa, không có thành quách ngăn nên có thể vào đây ở bất cứ hướng nào.

Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là cảnh các phụ nữ và trẻ con sắp hàng chờ lấy nước và nhớ lại lời của anh taxi về sự khan hiếm nước ở đây cũng như lời dặn trên mạng là chớ uống nước chưa được khử trùng hay chưa lọc ở Kathmandu.

Anh taxi nói sẽ đợi chúng tôi trong vòng hai tiếng, nhưng chỉ đi được một giờ, chúng tôi đã cảm thấy đủ, vì nói chung tuy kiến trúc đẹp, công phu, nghệ thuật khắc chạm tinh vi nhưng xem riết  thấy đền nào cũng gần… giống nhau!  Bạn đọc có thể có cảm giác này khi xem những bức hình đền đài ở thủ đô Kathmandu mà chúng tôi đăng kèm trong các bài viết.

Những chuyến thăm di tích văn hóa của Kathmandu chấm dứt ở đây, chúng tôi trở về khách sạn Shanker để hưởng một buổi chiều bên hồ bơi, lai rai với những món ăn và nước uống phục vụ tại chỗ, để ngày mai bay sang thủ đô Tân Đề Li của Ấn Độ, đất nước của cà-ri, cái nôi của nhiều tôn giáo.

 

Vài kinh nghiệm

Chỉ khi đã mua vé xong, viếng mạng smarttraveller của chính phủ Úc tôi mới biết rằng đối với cả Ấn Độ lẫn Nepal, chính phủ đều khuyến cáo hãy rất thận trọng (exercise a high degree of caution) nhưng tôi không lo bởi Phi Luật Tân mà chúng tôi đi hồi năm ngoái cũng nằm trong diện này. Cùng nằm trong danh sách hãy rất thận trọng khi đi du lịch còn có Thái Lan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái, Ba Tây v.v…

Các nước như Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Trung Quốc, Ba Lan, Á Căn Đình hay Pháp, Anh, Mỹ Nam Hàn nằm trong danh sách cẩn thận bình thường về an toàn (exercise normal safety precautions).

Bạn đọc cũng cần biết có những nước chính phủ khuyên nên suy nghĩ có đáng đi không như Á Rập Saudi, Algeria, Lebanon  hoặc đừng đi như  Iraq, Lybia, Niger. Nhưng những khuyến cáo này chỉ có giá trị vào lúc chúng tôi viết bài này, bởi tình hình chính trị và an ninh các nước có thể thay đổi.

Đọc các hướng dẫn trong website du lịch của chính phủ rất hữu ích, chẳng hạn như luật lệ ở Nepal rất khắt khe với ma túy kể cả với đồng tính luyến ái;  chụp hình các nơi có tính cách quân sự cũng có thể bị bắt.

Các ngôi đền ở Patan nhìn từ bên trong Durbar Square. Hình: NHA

Đi qua hoàng cung cũ,  thấy có một khu vực rộng chiếm trọn cả khu phố bọc tường cao với bảng cấm tuyệt đối không được chụp hình, anh taxi nói đấy là nơi vui chơi giải trí dành cho các tòa đại sứ tây phương như sân tennis, hồ bơi…

Vào Nepal không thấy ghi giới hạn ngoại tệ mang vào, chỉ hỏi bạn mang theo bao nhiêu tiền để sống tại đây. Nhưng đi ra thì sao?

Trả tiền taxi và cho anh ta tiền thưởng chuyên chở chúng tôi trong ba ngày nhưng cũng còn sót lại vài ngàn Rupee (tương đương vài chục đô la).Tuy nhiên, vì không thấy có chỗ đổi tiền ở phi trường Kathmandu, tôi đã phải mang tiền Nepal còn lại sang New Delhi. Biết rằng Nepal và Ấn Độ là hai nước có quan hệ gần gũi, người dân hai nước qua lại không cần visa nên tôi tin việc đổi tiền giữa hai nước này sẽ rất dễ dàng.

Nhưng tại phi trường New Delhi, nhân viên chỉ nhận đổi tiền Mỹ, Úc v.v… chứ không đổi tiền Nepal. Dịch vụ đổi tiền ở khách sạn cũng không nhận. Bởi vậy tôi mới nhớ 1ại trường hợp Phi Luật Tân cấm không cho mang vào hay ra khỏi nước một số tiền nhất định nào đó của nước họ (tối đa 10,000 Piso). Nhưng chẳng lẽ bạn dục chúng đi? Đừng lo, có thể đổi ở các tiệm ngoài đường như  tại thành phố Vanarasi hay những thành phố gần biên giới Nepal.

Bạn cũng nên biết ở  Nepal, ngày nghỉ trong tuần là Thứ Bảy. Chủ Nhật là ngày làm việc bình thường!

Và cuối cùng, theo thông tin trên mạng, sốt rét thỉnh thoảng xảy ra nên du khách cần chích ngừa, cả với những bệnh như viêm gan A và B, viêm màng não, bệnh bại liệt, thương hàn trước khi đi du lịch Nepal.

Đây là lần đầu tiên từ năm 1990 đi du lịch mà chúng đã phải chích ngừa, phòng đủ loại bệnh nói trên. Tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ gia đình. (kỳ tới: Ấn Độ)