Luật sư Lê Trần Luật nói gì sau phiên tòa Thái Hà?

17 Tháng Mười Hai, 2008 | Tin Việt Nam

 


 









Luật sư Lê Trần Luật (phải) và bị cáo Thái Thanh Hải


 


Phiên tòa ngày 8.12.08 tại Hà Nội đã xử 8 giáo dân xứ Thái Hà với các tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “hủy hoại tài sản” nhưng tòa chỉ phạt cảnh cáo hay cải tạo không giam giữ, như đã xử đối với vụ án của tướng Phạm Xuân Quắc và ký giả Nguyễn Văn Hải, những người có công với đảng (Quắc) hay biết ăn năn hối lỗi (Hải). Nói tóm, cái án quá nhẹ.


 


 


Luật sư bào chữa cho các bị can, ông Lê Trần Luật, nhận định về bản án đó ra sao? Ông đã tranh luận như thế nào và sắp tới sẽ làm gì? Luật sư Lê Trần Luật đã trả lời ký giả  Việt-Long của Đài RFA  (Á Châu Tự Do) thực hiện sau đây:


 


Việt-Long: Khá đông thính giả của chúng tôi muốn được nghe luật sư nhận định về bản án tuyên phạt 8 giáo dân Thái Hà trong vụ xử ngày 8 tháng 12 vừa qua. Mời Luật Sư…

Nhà cầm quyền nhượng bộ?

LS Lê Trần Luật: Tôi nêu nhận định về hai khía cạnh, luật pháp và chính trị, xã hội. Trước hết, tạm thời nói dưới góc độ pháp luật, thì bản án đó đã tự mâu thuẫn ở bên trong. Với hai tội danh là gây rối trật tự công cộng và tội hủy hoại tài sản, mà người ta chỉ tuyên mức hình phạt rất nhẹ.


 


Nhẹ ở đây, tôi nói là nhẹ so với hai tội danh đã được thành lập. Tôi cũng có nghe một số báo đài trích lời tôi nói là “quá nhẹ”. Trích như thế là không chính xác. Dĩ nhiên quý thính giả cũng lưu ý rằng tôi là một luật sư bào chữa, đã bào chữa theo hướng vô tội. Tôi cũng đã chuẩn bị kháng cáo theo hướng vô tội. Cho nên ‘nhẹ’ không phải là nhẹ so với hành vi, mà là so với tội danh.


 


Hành vi của các giáo dân này đương nhiên là vô tội, không thể có tội được. Như vậy ở dưới khía cạnh chính trị xã hội, có thể nhìn nhận như sau: Với hai tội danh nhưng một hình phạt nhẹ, cho thấy dưới góc độ chính trị là nhà cầm quyền đã nhượng bộ. Đây là một lối thoát cho họ. Họ không đủ can đảm tuyên bố những người này vô tội, cũng không đủ can đảm tuyên bố một mức hình phạt tương xứng với tội mà họ đã kết án.

Việt-Long: Về tiến trình xử án tại tòa, LS có điều gì muốn trình bày với công luận?

Phiên tòa vi phạm pháp luật

LS Lê Trần Luật: Trước hết có thể thấy rằng người ta đã tổ chức một phiên tòa mà tôi có thể gọi là phiên tòa vi phạm pháp luật. Họ bảo rằng đây là một phiên tòa xử công khai, điều đó tương ứng với quyền được tham dự phiên tòa của tất cả mọi người. Nhưng khi tổ chức thì như thế là thiếu tính chất công khai.


 


Vấn đề thứ hai, tôi nghĩ việc cách ly các bị cáo là không cần thiết. Nhưng đó là chuyện của họ.


 


Vấn đề thứ ba, họ không cho tôi trình bày vấn đề nguồn gốc đất của Thái Hà. Tôi cho rằng như thế là tước đi quyền của luật sư.


 


Bởi vì vấn đề cơ bản của nó là ở chỗ chuyện đất đai không được giải quyết một cách thấu đáo. Chính quyền đã kéo dài nhiều năm, dẫn đến việc người dân không còn tin vào pháp luật, và đã cầu nguyện để mong chính quyền nghĩ đến các quyền lợi của họ. Nhưng khi tôi trình bày về đất đai thì tòa không cho trình bày. Tôi cho rằng đây là điểm vi phạm.

Kế nữa, Viện Kiểm Sát đã không tranh luận tới cùng với tôi về những vấn đề tôi đặt ra. Tôi đặt nhiều vấn đề. Thứ nhất, tôi bảo rằng khi anh bảo là gây rối trật tự công cộng, chiếu theo luật lệ, theo hướng dẫn của tòa án tối cao Việt Nam, và tham chiếu cáo trạng thì nói những người này gây hậu quả nghiêm trọng, thì phải gây thiệt hại trên 10 triệu đồng. Tôi yêu cầu họ chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cầu nguyện và sự thiệt hại xảy ra.


 


Thứ hai, là những thiệt hại đó có đúng là những thiệt hại do những cơ quan trưng cầu giải quyết hay chưa. Họ không chứng minh được vấn đề giữa sự cầu nguyện của giáo dân với sự thiệt hại xảy ra. Họ cũng không chứng minh được thiệt hại này là thiệt hại có thật. Vì khi tôi đặt câu hỏi với người đại diện công ty May Chiến Thắng, nói là “Thưa Bà, với thiệt hại trên một tỷ mấy, vì sao bà không yêu cầu bồi thường”  thì Bà này nói là “Tôi thấy giáo dân đã nhận thấy lỗi lầm của mình nên tôi không yêu cầu bồi thường”.


 


Tôi nói: “Bà nói thế là sai. Tại phiên tòa này bà đã nhiều lần chứng kiến những giáo dân này nói là họ không có tội, như vậy bà có thay đổi yêu cầu không?”. Bà ấy nói không, có nhận tội hay không nhận tội bà cũng không yêu cầu bồi thường.

Điều này chứng tỏ những tài liệu về thiệt hại mà người ta đưa ra là không có thật. Hai vấn đề này, Viện Kiểm Sát không tranh luận được với tôi. Một chuyện nữa; Tôi hỏi viện kiểm sát là đưa Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt vào trong cáo trạng để làm gì, phải nói rõ mục đích thì tôi mới tranh tụng được. Nếu không nói rõ được mục đích thì Viện Kiểm Sát phải bỏ ra bên ngoài. Họ cũng không tranh luận với tôi vấn đề này.


 


Thêm nữa, tôi nói tôi đã có đầy đủ những tài liệu về những người xịt hơi cay, đánh những người già và trẻ em… rất nhiều, thì tại sao những người đó không bị khởi tố. Họ nói muốn khởi tố chuyện đó anh phải có tài liệu chứng minh, phải khiếu tố với cơ quan công an…

Việt-Long: Yêu cầu những điều kiện như vậy để khởi tố thì Luật Sư thấy có đúng không? Bởi vì nếu nói thuần tuý trên khía cạnh luật pháp thì phải có khiếu nại, có thưa kiện thì mới có xét xử?

LS Lê Trần Luật: Sai. Ở chỗ là đơn của các Cha bên Nhà Thờ đã gởi cho công an quận Đống Đa rất nhiều. Và nghĩa vụ đi chứng minh tội phạm là nghĩa vụ của cơ quan công an, không phải là nghĩa vụ của các Cha. Họ cũng không tranh luận điều đó.

Việt-Long: Thưa quý thính giả. LS Lê Trần Luật khi trả lời câu hỏi thêm của chúng tôi là trước khi tuyên án, tòa có cải tội danh của 8 người bị can để cho xứng hợp với khung hình phạt của bản án hay không. LS Lê Trần Luật nói rằng họ không cải đổi tội danh, mà chỉ tuyên bố phán quyết là những bản án treo.


 


Chắc chắn sẽ kháng án

Việt Long: Thưa, trước khi tuyên án như vậy thì toà có cải tội danh cho 8 vị giáo dân ra toà đó không ạ?

LS Lê Trần Luật: Họ vẫn giữ tội danh như cũ tức là tội gây rối trật tự công cộng và tội huỷ hoại tài sản, mặc dù trong lập luận của bản án tôi không thấy một lập luận nào có thể thuyết phục được tôi rằng những người này phạm tội.

Việt Long: Tức là họ không cải tội danh cho nhẹ hơn để mà xứng hợp với những bản án treo, cho nên Luật Sư mới gọi đó là một việc làm sai pháp luật của toà án, phải không ạ? Thế trong cái tiến trình chuẩn bị hồ sơ để bào chữa cho 8 giáo dân trước toà thì Luật Sư có bị gây áp lực gì không?

LS Lê Trần Luật: Thực sự mà nói thì tôi bị áp lực rất nhiều, nhiều lắm. Tôi xin có một ví dụ nhỏ để cho anh chị thấy như thế này. Khi tôi ra đó (Hà Nội) thì các cha có mời tôi ở lại nhà dòng, nhưng tôi không có ở nhà dòng tại vì tôi thấy nó cũng không tiện.

Tôi ở khách sạn. Thì trong đêm hôm đó các lực lượng an ninh và công an rất đông đứng trước khách sạn và đề nghị với khách sạn là kiểm tra khách sạn, đến khuya họ có nói với tôi rằng “Khách sạn thì lúc nào cũng quý khách nhưng trường hợp của anh Luật thì rất mong anh chuyển đi chỗ khác ở, bởi vì anh ở đây và lực lượng an ninh – công an cứ đứng trước như thế này thì tôi không có làm ăn được.”

Còn nhiều vấn đề khác nữa. Bởi vì mình làm luật sư cho những người khác, mình nói về những vấn đề khó khăn của mình thì mình cũng e rằng anh em sẽ quan ngại trong cuộc đấu tranh chung.

Kháng cáo kêu oan phủ nhận tin của báo chí và truyền thông

Việt Long: Thưa vâng. Thế trong thời gian săp tới đây thì Luật Sư có chương trình làm việc gì mà vẫn liên quan đến vụ án vừa xét xử hay không?

LS Lê Trần Luật: Tôi có 2 vấn đề là tôi đã chính thức trao đổi với các cha. Trước hết vấn đề chắc chắn đó là phải kháng cáo, và kháng cáo kêu oan cho 8 người này. Tôi đã chuẩn bị xong. Thứ Tư tôi sẽ đi Hà Nội để tôi chuyển những đơn kháng cáo này cho họ ký và tôi nộp ở toà thành phố. Đó là vấn đề thứ nhứt.

Vấn đề thứ hai là vấn đề báo chí của Việt Nam và các hãng truyền thông của Việt Nam. Tôi khẳng định rằng họ đưa tin sai sự thật. Trên VTV1 họ bảo là những giáo dân này cúi đầu nhận tội. Trên báo Tuổi Trẻ cũng bảo rằng những giáo dân này đã thừa nhận lỗi lầm của mình.

Đó là hai vấn đề tôi cho rằng họ đã xúc phạm danh dự những người này. Họ nói sai sự thật. Tôi đã chuẩn bị đơn cho những người này yêu cầu các hãng truyền thông của Việt Nam phải cải chính trong thời hạn nhất định, nếu không cải chính tôi sẽ chính thức khởi kiện họ ra toà vì đưa tin sai sự thật. Đó là kế hoạch sắp tới trong những ngày tới của tôi cho vụ Thái Hà này.

Việt Long: Thưa Luật Sư, cuối cùng thì Luật Sư có điều gì bày tỏ với quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do cũng như là với công luận, với tư cách là một luật sư biện hộ trong vụ này không ạ?

LS Lê Trần Luật: Trước hết tôi phải nói rằng tôi rất cảm ơn các phương tiện truyền thông của nước ngoài. Tôi cảm ơn rất nhiều. Công sức mà đẩy nhà cầm quyền vào tình trạng lúng túng, tôi nghĩ đó là công sức của giới truyền thông.

Tôi chỉ có một phần nhỏ. Bản thân các vị cũng biết rằng trong một chế độ độc tài thì hàng trăm luật sư như tôi, hàng ngàn bài bào chữa hùng hồn đi nữa thì họ vẫn không có xoay chuyển, nhưng chính áp lực của giới truyền thông, chính áp lực của dư luận buộc họ phải có một bước lùi.

Như vậy thì nhân đây tôi cũng xin chuyển lời cảm ơn đến tất cả giới truyền thông, tất cả công luận đã hỗ trợ cho chúng tôi nói chung. Tôi mong những ngày tới phương tiện truyền thông và công luận hỗ trợ cho chúng tôi trong một cuộc đi tìm công lý tiếp theo, đó là tìm công lý: kháng cáo toà.


 


Việt Long, phóng viên RFA