Đóng cửa nghĩa trang Bình Hưng Hòa: lập lò thiêu xác và xây cất nhà cửa?

05 Tháng Tám, 2008 | Tin Việt Nam

 











Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa


 


(TH – 6.8.08) Hơn một năm qua, đã nghe nói đến dự án dẹp nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nghĩa trang lớn nhất của TP HCM hiện có 70.000 ngôi mộ nằm trên miếng đất rộng đến 40 hếc-ta. Có nhiều lý do nêu ra để dẹp như vấn đề vệ sinh, sức khỏe, môi sinh và nhất là cần đất bán để xây nhà cho người sống ở. Hôm qua, đã có tin chính thức nghĩa trang này bị đóng, theo lệnh của Ủy ban Nhân dân TP HCM.




Về kế hoạch di dời nghĩa trang, UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với UBND quận Bình Tân và Sở Y tế xin ý kiến của Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các sở – ngành liên quan để xác định lộ trình thực hiện phù hợp.


 


Sở Tài nguyên & Môi trường cũng được giao xây dựng kế hoạch tiếp nhận cải táng, hỏa táng các mộ di dời từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa về nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh) và nghĩa trang Hóa An (Đồng Nai).


 


Thành phố sẽ có chính sách khuyến khích ưu tiên người dân chấp nhận hỏa táng nhằm giảm diện tích đất chôn cất và đảm bảo vệ sinh môi trường tại hai nghĩa trang này.


 


Theo kế hoạch do UBND quận Bình Tân và Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM đã đệ trình UBND TP trước đó, để di dời 70.000 ngôi mộ hiện có ra khỏi nghĩa trang Bình Hưng Hòa thì TP cần chi hơn 1.444 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được trích từ ngân sách TP. Sau đó, quỹ đất dư ra sau khi di dời nghĩa trang sẽ được đấu thầu để bù vào khoản chi này.


 









Con kênh tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, bị xem là ô nhiễm nặng


 


Cách đây một tháng, báo Người Lao Động có đưa bản tin như sau:



Khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân – TPHCM: Vì sao nhiều người mắc bệnh nan y?


Cần xác minh, nghiên cứu về hiện tượng này và sớm có biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân


Những ngày qua, nhiều người dân ở phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân – TPHCM không khỏi lo lắng về thông tin có “làng mắc bệnh nan y” ở khu vực này. Đây là thông tin được ông Dương Văn Nhân, đại biểu HĐND TPHCM, đưa ra trong kỳ họp HĐND TP, ngày 3-7.


Nhiều cái chết bất thường


Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Nhân cho biết do bản thân từ nhỏ ở khu vực này và có đến hơn 15 năm làm chủ tịch rồi bí thư xã bình hưng hòa (cũ) nên mới biết rõ họ tên hơn 40 người mắc bệnh nan y ở khu vực này.


“Tuy nhiên, đây chỉ mới là số người bị bệnh tôi quen biết. Thực tế có thể còn nhiều người bị bệnh ung thư chết nhưng gia đình giấu vì sợ ảnh hưởng cuộc sống của người thân. Vì thế tôi mới báo động để cơ quan chức năng xác minh, nghiên cứu nhằm làm rõ nguyên nhân có phải là do ô nhiễm môi trường không”- ông Nhân nói.


Theo danh sách ông Nhân cung cấp, những người mắc bệnh nan y sống tập trung ở ấp 3 và 4, xã Bình Hưng Hòa (cũ). Tính từ năm 1997 đến nay, đã có 30 người bị bệnh nan y qua đời. Trong số những người mắc bệnh, nhiều người là cha con, bà con họ hàng, chết trong độ tuổi từ 40-50.


Theo ông Nhân, đáng lưu ý nhất là trường hợp của ba cha con ông D.C.H và người hàng xóm N.V.S (phường Bình Hưng Hòa A). Bởi vì ông N.V.S quê ở Cà Mau, đến sống gần nhà ông D.C.H từ năm 1998, sau đó mắc bệnh nan y, đến năm 2007 thì mất. Ba cha con ông D.C.H cũng bị bệnh nan y trước đó và lần lượt qua đời vào năm 2003, 2004 và 2007.


Qua khảo sát thực tế, số người mắc bệnh nan y chết do ông Nhân cung cấp sống trong phạm vi khoảng 4 km2. Trong khu vực này trước đây có các điểm nóng về ô nhiễm môi trường gồm: lò thiêu xác và nghĩa trang Bình Hưng Hòa, bãi rác Gò Cát, kênh Nước Đen. Ngoài ra, theo những người sống lâu năm ở đây, trước giải phóng, khu vực này đã từng bị Mỹ thả bom.


Sớm làm sáng tỏ nguyên nhân


Ngày 5-7, trở lại khu vực trên, chúng tôi ghi nhận nước ở kênh Nước Đen vẫn còn đen như than, cỏ cây sống gần mép nước đều héo úa vì ô nhiễm. Trong khi đó, hầu hết các hộ dân ở đây do chưa có nước máy nên phải sử dụng nước giếng khoan, không biết chất lượng ra sao. Chưa hết, khu vực này còn có nhiều cơ sở sản xuất xả khói đen mù mịt.


Trả lời phóng viên Báo NLĐ liệu có mối tương quan giữa vấn đề ô nhiễm môi trường và những người mắc bệnh nan y ở khu vực trên, thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng Khoa Sức khỏe – Cộng đồng Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho rằng cần phải tiến hành điều tra, khảo sát và nghiên cứu thật cụ thể mới có thể làm sáng tỏ được.


Theo bà Ngân, trước đây lò thiêu ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa có gây ô nhiễm nhưng sau đó đã được khắc phục, còn bãi rác Gò Cát chỉ xác định ô nhiễm mùi hôi, chưa có nghiên cứu về ô nhiễm nguồn nước.


Theo GS-TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường TPHCM, phải điều tra, xác minh những người bị bệnh nan y ở khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa, từ đó mới truy ra nguồn gốc, nguyên nhân gây bệnh” – GS-TS Lê Huy Bá cho biết.