Đáng báo động: trong năm qua, có hơn 100 công nhân Việt Nam chết tại Mã Lai

05 Tháng Ba, 2008 | Tin Việt Nam



Theo Thứ trưởng Hòa,  con số 107 nhân công lao động Việt Nam chết trong năm 2007 tại Mã Lai là con số rất đáng lưu tâm. Bộ Lao động sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao tìm biện pháp nhằm hạ thấp tỷ lệ lao động tử vong.  Ông Hòa nói nếu so sánh tỷ lệ phần trăm thì thấy đã giảm đáng kể. Năm 2005, có 100 trên khoảng 70.000 lao động tử vong thì năm 2007 chỉ có 107 người trên tổng số 120.000 người đang lao động ở đây.


 


Nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng công nhân xuất khẩu tử vong có thể do khâu khám sức khỏe quá đơn giản, không loại trừ có trường hợp không khám mà vẫn được chứng nhận đủ sức khỏe. Trong khi đó, đối với người đi lao động Nam Hàn, phía nước này làm khâu khám sức khỏe rất chặt chẽ,  nên không xảy ra hiện tượng trên.


 


Cũng theo ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, bên cạnh đó, các yếu tố như môi trường, khí hậu, công việc, an toàn lao động của Mã Lai chưa phù hợp với người lao động VN dẫn đến nhiều người tử vong. Cũng phải kể đến việc nhiều lao động sinh hoạt không điều độ, uống rượu nhiều, làm việc quá sức dẫn đến chết người.


 


Trả lời câu hỏi trong 5 năm đưa lao động sang Mã Lai, đã bao nhiêu lần Bộ báo cáo Chính phủ về con số tử vong của lao động xuất khẩu ông Hòa nói:  Nhiệm vụ của Bộ là thường xuyên báo cáo Chính phủ, định kỳ lẫn đột xuất, còn báo cáo bao nhiêu lần thì chúng tôi không thể trả lời ngay vì không thể nhớ được. Từ ngày tôi phụ trách lĩnh vực này, hằng năm, các vụ phát sinh đều được báo cáo, trong đó có việc lao động tử vong”.


 


Về việc các gia đình công nhân bị chết nói họ chỉ nhận được tiền bồi thường “tùy tâm” của doanh nghiệp đưa người lao động, từ 20 – 30 triệu đồng (từ 1,500  đến 2,300 Úc kim), ý kiến của ông thứ trưởng như sau: “Khoản bồi thường cho người chết theo luật của Mã Lai với người lao động hợp pháp tương đương 70-80 triệu đồng. Đến nay, tất cả người chết đều được đền bù theo pháp luật quy định. Những trường hợp nào chưa nhận được thì cần thông tin cho chúng tôi biết. Cũng có thể có những trường hợp đang trong quá trình giải quyết. Chúng tôi sẽ cho thống kê lại và cung cấp số liệu cho báo chí”.


 


Trả lời câu hỏi của báo chí về  các trường hợp núp bóng xuất khẩu lao động sang Mã Lai rồi tham gia vào các băng nhóm tội phạm, ông thứ trưởng cho biết: “Theo thông tin từ Đại sứ quán VN, Mã Lai hiện xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm người Việt. Đây là vấn đề nhức nhối, ta có nhiều bài học của Đông Âu trước đây. Đại sứ quán cũng như nhiều bộ, ngành liên quan đang tìm biện pháp xử lý. Đối tượng này có những người có thể lọt lưới từ trong nước, ở nhà nhân thân chưa tốt. Có thông tin rằng, cả những người hiền lành sang đó không được tạo điều kiện làm việc đã phải đi cướp. Điều này là không thuyết phục. Nếu không có việc làm thì anh có thể gặp trực tiếp doanh nghiệp, gặp ban quản lý người lao động, không thể do không có việc làm mà phải phạm tội”.


 


Năm  2007, Việt Nam đã đưa 85.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Mã Lai là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của VN với 26.700 người, giảm 11.000 người so với năm 2006. Lao động không còn mặn mà với thị trường này, bởi mức lương không hấp dẫn, từ 2,5 đến 4 triệu đồng mỗi tháng (khoảng 200 đến 300 Úc kim).


 


Tuy nhiên, trong năm 2008, Bộ Lao động vẫn xác định cần giữ vững thị trường này bởi nó khá dễ tính, thích hợp với lao động nghèo. Trong tháng 1/2008, đã có hơn 10 trường hợp lao động chết tại Mã Lai được chuyển thi hài về Việt Nam  trong đó có cả lao động phái nữ.


Những con số thống kê nói trên quả là đáng ngại. Đi lao động đã không được bao nhiêu tiền sau khi trừ các chi phí, lại còn nguy cơ bị chết khi làm việc nữa!