Tạp ký của Trường Kỳ: Cali đớp hít (3)

17 Tháng Mười, 2008 | Ăn uống

 

 

Một quán  nhậu khác cũng qui tụ nhiều anh hùng hảo hán là Tự Do ở Garden Grove. Tên quán là Tự Do nên ta… tự do phì phèo thuốc lá, mặc dù có lệnh cấm triệt để. Chủ quán mà tỏ ý không muốn cho khách hút thuốc là sẽ lâm vào tình trạng ế ẩm ngay.

 

Tuy nhiên khách cũng thông cảm với chủ quán nên mặc dù tự do hít nhưng luôn ở trong tình trạng “đề cao cảnh… sát”, thấy có vẻ khả nghi là dụi tắt thuốc ngay. Chủ quán mà bị phạt vì tội để khách hút thuốc lá thì khách hàng cũng chẳng lấy làm vui thú gì. Chả may quán bị “phú lít” đóng cửa thì lấy đâu ra địa điểm tụ họp nhậu nhẹt, chén chú chén anh!

 

Không khí Tự Do cũng chẳng khác gì mấy quán nhậu ở Sài Gòn trước kia. Mấy cô chiêu đãi của Tự Do, cô nào cô nấy đều trẻ trung và có chung một điểm là phấn son tô điểm một cách hơi quá đáng, tuy nhiên đều tỏ vẻ nghiêm và buồn trước những lời “ong bướm” của những khách mày râu, ngất ngưởng bên chai Cognac hoặc từng đống vỏ Heineken!

 

Tự Do nổi tiếng với món gan khô bò cháy (theo như nhận xét của tác giả là phổi), nhâm nhi lai rai hoặc trộn chung với đu đủ thành gỏi khô bò như ở đường Pasteur, bên cạnh nước mía Viễn Đông thuở nào.

 

Bạn nào ghiền món cầy tơ, nên “order” món chả chìa sẽ đỡ ghiền ngay. Những miếng sườn heo được ướp mắm tôm, riềng, mẻ ăn với rau thơm; đệm với riềng sống thái mỏng, chấm mắm tôm chanh ớt thật chẳng khác gì “chả chìa cầy tơ” chính hiệu con nai… đồng quê!

 

Sau khi đốn ngã hàng tiểu đội Heineken, món cần được gọi để… giã rượu không gì bằng món lẩu cá ăn với bún, kèm với rau ngổ. Vị chua đậm đà của món lẩu Tự Do rất có hiệu quả trong việc làm cho đầu óc tỉnh táo hẳn lại sau những buổi chén tạc, chén thù đôi khi “quắc cần câu”.

 

Ngoài những khách hàng đến quán thưởng thức và giải sầu, Tự Do cũng có một số đông khách hàng đến mua món nhậu “to go” về nhà nhâm nhi một cách thoải mái.

Trong những lần đến với Tự Do, chính mắt người viết đã thấy rất nhiều bao plastic đựng món nhậu thơm phức để ở trên chiếc bàn gần quầy tính tiền chờ người đến đưa về dinh thanh toán.

 

Còn một số tiệm khác quảng cáo là có những món nhậu độc đáo người viết đã có dịp ghé qua, tuy nhiên được bán kèm với những món khác như phở, bún, hủ tíu, những món xào hoặc chiên nên không có vẻ “chuyên nghiệp” nên không được đề cập tới trong bài “tạp ký” lẩm cẩm này.

 

Một quán khác là Anh Thy cũng qui tụ nhiều nghệ sĩ, phần nhiều là phái nam và thuộc lứa tuổi sồn sồn. Anh Thy là một quán có thể gọi là “cơm tay bình dân theo kiểu An Nam Mít” với những món được “order” nhiều nhất là “bí tết” và “cơm gà quay”.

 

Chỉ với khoảng 5, 6 tì là thực khách sẽ có được ngay một đĩa cơm ngon lành rất có vẻ Tây! Quán nhỏ nhưng tình nồng. Vừa nồng tình cảm cũng lại vừa nồng hơi men. Có một ông bạn nghệ sĩ tâm sự là ngày nào không đến Anh Thy là cảm thấy thiếu thốn một cái gì!

 

Bò Bẩy Món có lẽ là những món ăn Việt Nam phổ thông nhất đối với những buổi tiệc có tính cách trong phạm vi gia đình và bạn bè. Những bữa ăn khoảng trên 10 người, đãi đằng tiện lợi nhất phải là bò bẩy món. Nam nữ, già trẻ, lớn bé, dân nhậu hay không nhậu đều thích hợp được ráo.

 

Những cái tên rất quen, thuộc “môn phái Bò Bẩy Món” trước kia ở Sài Gòn đều hiện diện ở Nam Cali. Được nhắc nhở đến nhiều nhất là Ánh Hồng, và Au Pagolac với khách khứa ra vào nườm nượp mỗi khi chiều xuống hoặc vào những ngày cuối tuần.

 

Qua những lần đến hai tiệm này, người viết ghi nhận là đa số thực khách đều thay thế một vài món trong 7 món để tăng cường thêm món nhúng dấm hoặc những món bò mỡ chài, bò lá lốt hoặc bò sa tế. Nhất là ba món sau được khách có máu nhậu nhẹt chiếu cố nhiều nhất. Rau sống, rau thơm phụ họa cho những món bò ở Cali vô cùng phong phú và… rậm rạp.

 

Ở Việt Nam trước kia ra sao thì ở Cali cũng y như vậy chứ không thiếu thốn và hiếm hoi như ở nơi xứ lạnh Montreal hoặc Toronto.

 

Sau khi đã điểm qua sơ sơ những tiệm ăn chuyên về các loại như Phở, hủ tíu, các món nhậu, những món ăn Tầu, đủ loại “ăn chơi” hay những tiệm “food to… chỉ” trong gần một tháng ngao du ở Nam Cali, tưởng rằng có thể ngừng được ở đây. Nhưng kiểm lại thấy còn một vài tiệm bán những thức khác.

 

Với cả trăm tiệm ăn Việt Nam ở miền Nam Cali nếu có đủ sức ghé qua tất cả thì cũng mất rất nhiều thời gian. Muốn viết ra hết cũng mất cả hàng chục kỳ báo khiến quý vị độc giả thân mến của bổn báo cũng phát chán khi theo dõi. Nhưng nghĩ lại cũng cần điểm qua một vài món ăn đặc biệt không thể bỏ qua được như: bánh cuốn, bánh mì hay cơm tấm đầy quốc hồn quốc túy.

 

Về bánh cuốn, được nhắc nhở tới nhiều nhất ở miền Nam Cali bắt buộc phải là bánh cuốn Tây Hồ. Hình ảnh của những hàng bánh cuốn với những và bán hàng ngồi ở đầu hẻm hay một góc phố, bên cạnh những nồi tráng bốc khói nghi ngút với và cái bàn lẹp xẹp đã không còn tìm thấy được nơi đất nước văn minh này, là nơi những quan thanh tra về vệ sinh Huê Kỳ được coi là những hung thần của các hàng quán.

 

Bánh cuốn đã trở thành một kỹ nghệ đối với công ty Tây Hồ. Hiện nay hệ thống này đã phát triển thành 4, 5 tiệm ở các vùng Westminster, Sana Ana, San Gabriel, v.v…

 

Vấn đề ngon hay dở của bánh cuốn Tây Hồ không được bàn tới ở đây vì “ngon dở tùy người thưởng thức”. Vấn đề nói tới là sự thành công của công ty này với những sản phẩm được bộ nông nghiệp Hoa Kỳ cho phép sản xuất từ hơn 10 năm nay như giò lụa, giò bì, chả chiên và bò viên.

 

Món bánh cuốn tuy được coi là món chính của những cửa tiệm Tây Hồ, nhưng còn có rất nhiều món khác được ghi trong thực đơn như: bánh bèo, bánh xèo, bánh cống, bánh tôm, bún riêu, bánh canh, bún các loại, hủ tiếu, bánh mì, v.v…

 

Qua những lần đến 2 tiệm trên đường Bolsa và đường First, lần nào cũng đông nghẹt đã chứng tỏ sự làm ăn phát đạt của hệ thống banh cuốn Tây Hồ.

 

Trên đường Ward còn một tiệm bánh cuốn khác là Đa Kao mới khai trương vào tháng 9 năm 1997, thu hút được khá nhiều khách hàng với những đĩa bánh cuốn được bưng ra bàn còn nóng hổi.

 

Nếu bánh cuốn được coi là một món đặc thù của Việt Nam đòi hỏi nhiều nghệ thuật để bột phải mỏng, mướt mát cũng như nhân nhụy phải được pha chế sao cho thơm, khi nhai cảm thấy sự hài hòa của chất bột mềm mại với cái sừn sựt của nhân, với cá thơm tho của hành phi và đậm đà của nước mắm mới gọi là đã điếu. Sau đó làm một ly cà phê sữa thơm phức thì chẳng còn gì bằng.

 

Trong khi đó món cơm tấm tuy không cần phải cầu kỳ lắm, nhưng quan trọng là những món đi kèm như bì, chả, sườn nướng, v.v… Tiệm cơm tấm Thành từ lâu nổi tiếng với món này. Món trà đá thường được gọi kèm theo với những đĩa cơm tấm thơm phức để cái hương vị của những ngày xưa được dịp tái xuất giang hồ.

 

Nghệ sĩ đến với Thành rất đông đảo, chả thế mà những bức tường trong quán được dán la liệt poster quảng cáo CD, video của những khuôn mặt quen thuộc. Trong khu Liberty Square, cạnh chợ Little Saigon cũng có một tiệm cơm tấm Thành, nhưng được phụ đề thêm là Đệ Nhất Cơm Tấm. Nhiều lần định ghé vào nhưng đọc quảng cáo thấy có những món có vẻ… Tầu như Hoành thánh bát bửu, Mì, hủ tíu nên hơi e ngại phải thưởng thức cơm tấm theo kiểu Tầy thì thất khó mà nhá.

 

Đến màn bánh mì là cả một sự cạnh tranh ráo riết: hàng chục tiệm thi nhau quảng cáo loạn xạ, nào là Hương Lan 1 và 2, nào là Ba Lẹ 1 & 2, nào là Cali, bánh mì số 1, v.v… tương đối là những tên tuổi nổi bật nhất. Đó là chưa kể đến bất cứ quầy hàng bán food to… chỉ nào cũng có món cơm tây tay cầm, tiện, rẻ và chắc bụng này…

 

Kiểm lại đã thấy mình đớp hít hơi kỹ trong vòng gần một tháng. Leo lên cân thì thấy khá nặng nề với cái bụng vốn đã to nay cứ phình thêm ra như sắp đến thời kỳ “khai hoa nở nhụy” nên hãi quá sức.

 

Không thể đi thưởng thức thêm những món ngon vật lạ khác vì sức người có hạn. Đớp hít quá nhiều nên sợ bội thực nên nhất định phải ngừng ở đây, chờ một dịp khác sẽ tường trình thêm về những màn đớp hít khác.

 

Cụ Nguyễn Công Trứ đã phán rằng “người quân tử ăn chẳng cầu no”, nay thấy mình ăn đã khá kỹ nên chẳng dám ăn thêm, sợ chẳng còn là người quân tử.

 

(TVTS  647 – 19.8.1998)