Bàn về rượu: bài 6

30 Tháng Mười, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

 

Quaffers, tiệm rượu lớn nhất của đại công ty Coles Myer đã khai trương tại khu thương mại Tooronga Village Shopping Centre ở trên đường Tooronga Rd, gần góc đường Toorak Rd (sát xa lộ South Eastern  Freeway) thuộc vùng Glen Iris, như Thụy Văn đã nói trong số báo cách đây hai tuần.

 

Trong hai ngày cuối tuần dịp khai trương, báo này còn quảng cáo (rất nhỏ, chỉ lớn hơn ngón tay cái) trên báo The Age là sẽ dành cho 200 người đến đầu tiên được thử rượu Penfolds Grange đời 1994 và những thứ rượu khác.

 

Thụy Văn tôi đã nghe danh “chai rượu thế kỷ” này rồi. Đã hụt một lần, lại còn nghe quảng cáo cho thử vài giọt nên vẫn định bụng chờ ngày… trúng số lô-tô system hẳn sẽ mua một chai mời bạn bè đánh chén để coi Grange 1994… là cái chi chi.

 

Ăn và uống chùa

 

Qua vài ngày sau, thấy một cái quảng cáo khác nguyên trang trên báo The Age nói rằng hai ngày cuối tuần dịp khai trương Quaffers sẽ cho thử  một số rượu Penfolds (nhưng không có Penfolds Grange), Wynns (nhưng không có Wynns Michael Shiraz 1994) và Coldstream Hills. Hấp dẫn hơn là cả việc Quaffers mời khách hàng đem cả gia đình tới thử rượu và ăn barbecue, trẻ con dưới 18 tuổi thì sẽ không cho thử rượu mà chỉ tặng bong bóng. Và 200 người đầu tiên cắt và đem theo cái quảng cáo trên báo, sẽ được tặng 1 chai rượu.

 

Một tiệm rượu mới khai trương lại thêm cái mục vừa cho uống lại cho ăn nữa thì Thụy Văn tôi không thể nào cưỡng lại được. Và cũng không quên mang theo cái quảng cáo để may ra được chai rượu, vì có còn hơn không, không mất mát gì cả.

 

 

Quả thật tiệm Quaffers là tiệm lớn nhất của tập đoàn Coles Myer, hơn hẳn Vintage Cellars và Liquorland. Tuy trình bày các gian hàng rượu có khác chút đỉnh, nhưng Thụy Văn tôi nghĩ bề rộng và số lượng cũng tương đương Dan Murphy’s, chỉ duy có điều là Quaffers hiện chỉ mới có 1 tiệm trong khi đối thủ có đến ba bốn tiệm.

 

Dịp này, Thụy Văn tôi đã thử vài thứ rượu của nhà Penfolds loại từ $32 trở xuống như Henri Shiraz, Bin 389 Cabernet Shiraz , và loại rượu đỏ của nhà Coldstrean Hills như Reserve Pinot Noir, Pinot Noir hay Cabernet & Merlot… những thứ rượu từ hơn $30 một chút trở xuống. Nói tóm, Quaffers đã không chơi sang như Dan Murphy’s cách đây một tháng cho thử những loại rượu từ $80 trở xuống (Dan Murphy’s bắt người thử rượu phải trả $2 để mua một cái ly dùng để uống rượu), nhưng lại cho khách uống và ăn chùa.

 

Hôm đó trong giờ Thụy Văn tôi đến, thì thấy có khoảng dưới 100 người đến thử và mua rượu, nên đi lui đi tới trong gian nhà không cảm thấy chật chội và phải chen chúc như lần thử rượu ở Dan Murphy’s. Có gì thú bằng vừa được thử khoảng hai chục chai rượu khác nhau của ba nhà làm rượu nổi tiếng, vừa được các nhân viên tiếp tân bưng những khay thức ăn đi vòng vòng mời.

 

Do số lượng khách không quá đông hay Quaffers mới khai trương chơi bảnh mà các khay thức ăn luôn luôn đầy. Ba món thịt cừu, bò và gà thật là tuyệt vời. Không biết do ăn chùa mà thấy quá ngon hay do vừa thử rượu vừa nhậu lại gặp lúc đói bụng, nên Thụy Văn tôi ăn tận tình.

 

Nhưng nhìn những chai rượu với giá trên quầy hay những chai đang cho thử và đề giá trên tường, Thụy Văn tôi thấy vẫn đắt hơn ở Dan Murphy’s. Đó là những chai Thụy Văn tôi quen thuộc. Thí dụ chai Coldstream loại Sauvigon Blanc hay Chardonnay đời 1998 mà Thụy Văn thích và đã nhắc đến trong hai tuần trước đây thì, trong khi giá của Dan Murphy’s từ $14.90 đến $16.90, giá ở Quaffers lại đến khoảng $20 mà đó là giá đã bớt cho người mua 12 chai (không cần loại giống nhau như trường hợp của Vintage Cellars).

 

Cũng xin nhắc lại, giá cả mà Thụy Văn tôi ghi ra chỉ để làm thí dụ , do đó có khi nhớ sai, hoặc tiệm rượu đã thay đổi giá. Có điều, cho đến nay mỗi khi Dan Murphy’s quảng cáo mặt hàng nào trên báo, thì trong ngày hay trong tuần đó, theo Thụy Văn tôi thấy, những chai rượu quảng cáo có thể được coi là rẻ nhất (nhưng Dan Murphy’s thường quảng cáo loại rượu giá bình dân).

 

Thụy Văn tôi cố gắng quan sát coi có dấu hiệu gì của cuộc “tửu chiến” chai rượu Grange 1994 mà tuyệt nhiên chẳng thấy vết tích gì còn đọng lại. họ đổi ý hay đã có những người tới trước xí phần rồi? Bèn đi một vòng quan sát những chai rượu Penfolds Grange đang được để trong các tủ lưới thép có khóa: toàn là Grange vài trăm và vài ngàn đô. Hèn chi họ khóa lại cho an toàn.

 

Dán mắt vào chai Grange 1994, Thụy Văn tôi thấy đề giá $279 cho một lúc mua 12 chai như trường hợp ở Vintage Cellars. Nhìn chung chung, Quaffers có giá như người “anh em “ Vintage Cellars nhưng có thể có nhiều mặt hàng hơn.

 

Vậy mà Thụy Văn tôi thấy thiên hạ vẫn mua từng thùng hay từng xe đẩy. Họ có so giá không? Có biết những nơi có giá rẻ hơn không? Hay chỉ mua vì sự thuận tiện? Nhưng như Quaffers đã chủ trương, họ chọn Glen Iris là trung tâm của những khu ngoại ô người khá giả, có mức tiêu thụ rượu cao.

 

 

Do ăn uống khá ngon mà đi ra tay không để nhân viên gác cửa vui vẻ (tuần lễ khai trương mà) nói “cám ơn ông” thì coi không đặng , không là người biết điều, nên Thụy Văn tôi vẫn mua một số chai dù biết rằng mỗi chai đắt vài đô, do cái tật ưa coi giá và còn nhớ giá cả nữa (nhưng nếu bạn là người mua rượu để “đầu cơ tích trữ” thì vài đô mà nhân lên cho nhiều chai thì thật là bộn tiền.

 

Ra gần tới cửa, Thụy Văn tôi chìa cái quảng cáo ra, hy vọng rằng mình là người nằm trong con số 200 người có cầm theo quảng cáo, và đã được các nhân viên bán hàng rút trong thùng tặng cho một chai rượu trắng (dĩ nhiên không ngon, nồng và chua, vì là rượu chùa mà), kèm nụ cười của mùa khai trương.

 

Nghệ thuật thử rượu

 

Đồng nghiệp Nghi Thanh khi nói về vụ án giết 11 người ở Snowtown, gần vùng Barossa Valley, đã gọi Thụy Văn tôi là… tay sành rượu. Thụy Văn tôi không nghĩ mình là tay sành rượu, nhất là rượu nho. Ngay cả người Úc họ uống rượu vang như người An Nam mình ăn nước mắm, mà rất nhiều người Úc chẳng biết gì về rượu, lại còn phải bỏ tiền theo học các lớp dạy về rượu thì mới có thể biết… rượu là cái chi chi.

 

Duy có một điều, Thụy Văn tôi thích uống rượu và có uống nhiều thứ rượu của nhiều nhà làm rượu khác nhau, nên có thể rút ra định luật này: đồng tiền nào, của đó.

 

Thật vậy, khó mà nói với bạn đọc rượu nào ngon hơn rượu nào và ngon ra làm sao, cũng như Thụy Văn tôi ăn nước mắm thì có thể chọn nước mắm Việt Hương (có ba con cua mới là thứ thiệt?), nước mắm Nhũ Sơn, nước mắm nhĩ Phú Quốc, nước mắm mực v.v… nhưng nói ngon như thế nào và tại làm sao nước mắm này ngon hơn nước mắm kia, thì thú thật, ăn đã mấy chục năm mà không thể giải thích cho người bạn đọc được. Thích là cứ ăn, tùy… khẩu vị của mỗi người.

 

Muốn đi thử rượu, bạn có thể chờ những dịp có tiệm khai trương hay những dịp đặc biệt mà người ta sẽ cho bạn thử hàng chục hoặc thậm chí cả trăm thứ rượu. Một vài tiệm rượu cũng thường bày vài chai rượu trên bàn để khách hàng thử (bằng ly nhựa nhỏ) khi muốn quảng cáo một vài loại rượu mới ra, thường là rượu giá bình dân, tối đa mười mấy đô.

 

Bạn cũng có thể đến tận các nhà làm rượu ở vùng quê mà thử một vài ly rượu. Bạn có thể bỏ ra vài đô, chục đô, vài chục hoặc đôi khi cả trăm đô để thử rượu và nghe nói về rượu. Ở mỗi thành phố, tiểu bang nước Úc này, hàng tuần không thiếu những dịp tổ chức thử rượu như thế.

 

Đó là chưa kể những lễ hội rượu (wine festival) mà bạn được mua một cái ly $8 làm kỷ niệm và được cho 5 cái vé để thử 5 loại rượu, và sau đó muốn thử loại nào nữa thì mỗi ly tốn $1. Hoặc những cuộc tửu ngoạn (wine tours/ cruises) bằng xe đò hay tàu có khi tốn trên $500 cho mỗi  đầu người.

 

Nhưng khi thử rượu thì phải thử như thế nào? Nếu người ta tổ chức thì dứt khoát họ sẽ đem ra những ly rượu loại dùng để uống rượu nho, thon cao, thường là có miệng ôm lại như hình dáng hoa Tulip để giữ cho mùi rượu từ từ bốc lên mũi người uống. Ly rượu dùng để thử phải là loại ly trong, không cần là ly pha-lê có những bông hoa, sắc cạnh sáng lung linh.

 

Khi UỐNG rượu thì cầm ly rượu sao cũng được, miễn là cho thoải mái. Nhưng khi THỬ rượu thì nhất quyết không nên cầm hay ôm trọn bàn tay lên ly, vì có thể làm cho nhiệt độ tăng cao hơn nhiệt độ bình thường của rượu, mồ hôi cũng như mùi trong lòng bàn tay của bạn sẽ ảnh hưởng đến mùi vị của rượu. Bạn nên cầm ở đáy ly hay cầm thanh cây (cần ly) giữa đầu và đáy ly.

 

Nên bỏ vài phút xem tửu đơn có những loại rượu gì, loại nào bạn thích và loại nào bạn chưa thích, loại Chardonnay, Pinot Noir hay Shiraz v.v… Tốt nhất là nên thử những loại nào bạn chưa bao giờ uống hay được thử, để cho biết mùi đời. Nếu bạn quyết định thử nhiều loại rượu khác nhau, thì nên thử theo thứ tự như sau: Trước hết là rượu sủi bọt (sparkling wine ) vì rượu này nhẹ nhất. Sau đó mới dần dà qua rượu trắng, rượu đỏ nhẹ, rượu đỏ mạnh và rượu nho có nhiều chất cồn (fortifieds).

 

Tửu đạo dạy rằng, nếu bạn là người tự rót rượu, thì nên rót chừng 1/3 ly là tối đa, hoặc đến mức rộng nhất của thành ly rượu, chớ chơi đầy mép.

 

(TVTS – 690)