Rượu trắng + thịt trắng, đồ biển. Tích tửu phòng hạn

03 Tháng Sáu, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

Rượu trắng + thịt trắng, đồ biển:

 

Độc giả Nguyễn X. ở Victoria viết thư thắc mắc:

 

Sách vở và cả LNĐ đều nói rằng khi ăn các loại thịt trắng (white meat) hoặc đồ biển (seafood) thì phải uống rượu vang trắng thì mới hợp. Nhưng ông X thấy một số người Úc khi đi ăn nhà hàng Tàu cũng uống vang đỏ với các món ăn Á đông, vậy phải chăng trên thực tế, nguyên tắc nói trên không bắt buộc?

 

Trường hợp ông muốn theo nguyên tắc ấy để tỏ ra mình cũng là “dân chơi sành điệu”, xin cho biết loại vang trắng nào thích hợp với các món ăn nào của Á đông (vài loại căn bản thôi, đừng đi xa quá)?

LNĐ xin trả lời ông X như sau:

 

Rượu đỏ đi với thịt đỏ, rượu trắng đi với thịt trắng và đồ biển là nguyên tắc chung, mặc dù trong một số trường hợp có thể du di (tùy theo món ăn, thời tiết và khẩu vị của người uống), nhưng nguyên tắc nói trên vẫn đúng trong đa số trường hợp khi áp dụng vào thực tế.

 

Người Úc mới lập quốc sau này, lại ở xa mẫu quốc Anh và các nước Tây Âu “ngàn năm văn vật” cho nên không mấy hình thức câu nệ – về tất cả mọi lãnh vực trong cuộc sống, từ cách ăn, cách mặc, cách ở, cho tới cách giải trí…

 

Riêng về mục uống rượu, hiện nay nhiều người Úc trung lưu đã sử dụng bia trong những bữa ăn formal (ở Âu Châu mà uống như vậy là bị cười thối mũi) thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi họ sử dụng cả rượu sủi bọt trong bữa ăn, hoặc đảo lộn nguyên tắc đỏ-đỏ, trắng-trắng.

 

Thực ra, sự “phản nguyên tắc” này cũng có “nguyên tắc” của nó, nhưng viết ra thì dài dòng, chỉ tổ gây nhức đầu cho độc giả. Vì thế LNĐ xin đi thẳng vào câu hỏi của ông X: loại vang trắng nào thích hợp với các món ăn nào của Á đông?

 

Trước hết phải phân biệt hai loại vang trắng:

 

– Nặng: chardonnay

– Nhẹ: sauvignon blanc, riesling, semillon, v.v…

 

“Nặng”, “nhẹ” (“full-body” hoặc “dry”) nói tới ở đây là về mùi vị chứ không phải độ rượu; cho nên cũng có thể dịch là “đậm đà” và “thanh tao”.

 

CHARDONNAY là loại vang trắng được ca tụng nhiều nhất, nhưng trên thực tế số người biết thưởng thức, hoặc có khả năng tài chánh để uống Chardonnay chưa chắc đã nhiều.

 

Nguyên nhân: chardonnay là loại rượu cầu kỳ mà tùy theo giá tiền, ngon (dịu ngọt) thì không một loại vang trắng nào sánh bằng, mà dở (chua lè) thì cũng không một loại nào có thể qua mặt!

 

Thành thử trên thế giới nói chung, ở Úc nói riêng, người ta vẫn thường gọi giới thượng lưu (cổ trắng – while collar) là “giới uống chardonnay”!

 

Một số người này còn tự xưng mình là “hội viên câu lạc bộ ABC” (ABC: anything but chardonnay) để gián tiếp khoe khoang giai cấp.

 

Nho chardonnay

 

Do điều kiện phong thổ và khí hậu, rượu chardonnay của Úc ngon nổi tiếng thế giới. Đặc biệt là các vùng Margaret River (Tây

Úc), Adelaide Hills (Nam Úc), Yarra Valley và Bán đảo Mornington (VIC).

 

Trong khi chardonnay đậm đà vì mùi dưa gang chín (melon) thì SAUVIGON BLANC thanh thoát với mùi cây cỏ, RIESLING  với mùi chanh cam, và SEMILLON với mùi hương hoa.

 

Trong ba loại vang trắng thanh tao (dry) này, sauvignon blanc và riesling phổ biến hơn semillon.

 

Một trong những nơi sản xuất sauvignon blanc nổi tiếng thế giới là vùng Marlborough của Tân-tây-lan.

 

Còn riesling thì Eden Valley và Claire Valley của Nam Úc có tiếng là ngon.

 

Riêng semillon thì không đâu bằng Hunter Valley (NSW).

 

Cũng giống như việc pha trộn các loại vang đỏ, vang trắng nhiều khi cũng được pha trộn, mà thường thấy nhất là semillon  pha với chardonnay hoặc sauvignon blanc.

 

Nguyên nhân là vì semillon có mùi hương hoa, sẽ khiến hai loại vang trắng nói trên trở nên quyến rũ hơn. Cũng vì có mùi thơm, semillon thường được sử dụng để làm “nền” (base) cho các loại rượu vang ngọt. 

* * *

Sau khi phân biệt hai loại vang trắng “đậm đà” và “thanh tao”, công việc chọn loại rượu nào đi với món ăn (Á đông) nào sẽ trở nên rất đơn giản:

 

– Chardonnay “đậm đà” thì đi với những món “nặng mùi” như tôm hùm, cua, mực, cá, sushi, các loại lẫu đồ biển…

 

– Sauvignon blanc, riesling, semillon “thanh tao” thì đi với các nón thịt trắng (heo, gà), cà-ri, các món đồ xào hoặc chiên dòn.

 

Tới đây nói tới nguyên tắc của “phản nguyên tắc”: trường hợp nào thì có thể sử dụng vang đỏ với các món ăn Á đông?

 

Xin thưa, bất cứ món nào có thể đi với sauvignon blanc, riesling, semillon thì đều có thể đi với vang đỏ, nhất là hai món bồ câu và chim cút chiên.

 

Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh, không phải loại vang đỏ nào cũng thích hợp với các món ăn Á đông, mà chỉ có cabernet sauvignon (gọi tắt là cabernet), hoặc cabernet + merlot là thích hợp.

 

Riêng với món vịt Bắc Kinh, không những chỉ thích hợp mà là bắt buộc: hầu như tất cả mọi cao thủ viết về rượu vang đều cho rằng vịt Bắc Kinh + cabernet sauvignon là phối hợp tuyệt vời nhất giữa đông và tây trong lãnh vực ẩm thực!

 

Để kết thúc phần này, LNĐ xin ghi ra một vài chai vang trắng căn bản, phổ biến và hợp túi tiền để ông X và quý độc giả tùy nghi lựa chọn:

 

 

– Chardonnay: không nên mua loại rẻ tiền, mà phải từ 15 Úc kim trở lên, như: Jamiesons Run, Annie’s Lane, Jacob’s Creek Reserve,  Wynns Coonawarra, Thomas Hyland (hãng Penfolds)… lên tới trên 20 Úc kim như Coldstream Hills, Petaluma… Trường hợp muốn chơi bảnh với sui gia thì mua chai Penfolds Reserve Bin 00A, giá khoảng 60 Úc kim.

 

– Sauvignon blanc: Coldstream Hills của Úc hoặc bất cứ chai nào của vùng Marlborough, Tân-tây-lan (như Oyster Bay hay Stonesleigh), giá từ 15 tới 20 Úc kim.

 

– Riesling: Wynns Coonawarra, Jacob’s Creek Reserve, Mitcheton Blackwood Park.

 

– Semillon: Brokenwood, hoặc bất cứ chai nào giá trên 15 Úc kim của vùng Hunter Valley (NSW).

 

Tích tửu phòng hạn:

 

Không phải giờ này LNĐ mới khuyên dân uống rượu nên “tích tửu phòng hạn” mà cách đây hơn một năm kẻ hèn này đã viết như thế rồi.

 

Tuy nhiên, hiện nay với nạn hạn hán khủng khiếp vừa xảy ra tại Úc, câu này càng thêm ý nghĩa thiết thực: thiếu nước, thất mùa nho, giá rượu vang dự trù sẽ lên vùn vụt, có thể tới 40% – đúng như nội dung bài báo mà độc giả Phan C vừa có nhã ý gửi cho LNĐ.

 

Trong mấy năm qua, người nào nghe lời “xúi khôn” của LNĐ, bỏ tiền mua vài thùng vang đỏ mùa 2002, giờ này không những chỉ lời gấp rưỡi mà còn được yên tâm vì sẽ có rượu ngon uống đều đều!

 

Nhưng với những tửu sĩ thờ ơ không chịu tích tửu phòng hạn, nay tuy đã muộn nhưng cũng chưa phải là… quá muộn. Vì thế nếu thấy bất cứ nơi nào bán hạ giá vang đỏ mùa 2004 là phải mượn tiền bà xã mua về chất đầy ga-ra hoặc phòng giặt để… làm của.

 

Tới đây, tưởng cũng nên nói về mùa nho 2004. Như một số tửu sĩ đã biết, trong 10 năm đổ lại đây thì mùa nho 1998 được đánh giá là ngon nhất, tiếp theo là mùa 2002, và nay là mùa là 2004.

 

Trước mắt, giá một chai 2004 đương nhiên phải rẻ hơn chai 2002, nhưng vài năm sau, nếu mùa nho 2004 được các nhà “bình rượu” đánh giá là ngon hơn mùa 2002, lúc đó tình thế sẽ đảo ngược – cũng giống như những gì đã xảy ra cho hai mùa 1996-1998, và 2000-2002 trước đây.

 

Hiện nay, những chai vang đỏ của mùa nho 2002 đã không còn bày bán trên thị trường, hoặc nếu có thì cũng chỉ là dưới hình thức “cellar release” (tiệm cất giữ rồi nay đem ra bán với giá… cắt cổ); và kể cả những chai của mùa nho 2004 cũng không phải là dễ kiếm, vì thế các tửu sĩ phải chịu khó đọc báo, hoặc đích thân tới các cửa tiệm (ở Victoria, Dan Murphy’s là hay sale nhất) để tìm kiếm, hễ thấy vang đỏ của mùa 2004 trở về trước là phải mua tối đa để tích tửu phòng hạn.

 

Tuần qua, đọc quảng cáo của Dan Murphy’s, thấy họ hạ giá chai  Penfolds Bin 28 Shiraz 2002 chỉ còn 19 Úc kim, LNĐ đã mách bạn bè mua hàng chục thùng.

 

Cũng nên biết hãng Penfolds thường bị một số người cho là hãng rượu của dân nhà giàu, không phải vì hãng này không có những chai rẻ tiền mà vì những chai rẻ tiền ấy nếu so với những chai cùng giá của hãng khác, uống dở hơn nhiều.

 

Nói cách khác, dân nhà giàu khi bỏ tiền ra mua một chai Penfolds đắt giá thì vừa mua cái “nêm” (name) vừa mua rượu ngon, còn dân nhà nghèo khi bỏ tiền ra mua một chai Penfolds rẻ mạt thì chỉ mua được cái “nêm”!

 

Tuy nhiên, trong số những chai vang đỏ “rẻ tiền nhất của hạng rượu trung bình” (giá trên dưới 20 Úc kim) thì chai Bin 28 Kalima Shiraz của hãng Penfolds lại được ca tụng nhiều nhất. Chai này (mùa 2002) được nhà “bình rượu” thời danh James Halliday cho 93 trên 100 điểm – số điểm thường dành cho các chai giá từ 30 Úc kim trở lên!

 

Thành thử, cho dù có bị mang tiếng thiên vị, LNĐ cũng xin quảng cáo không công cho tiệm Dan Murphy’s và hãng Penfolds:

 

Nên nhanh chân tới mua vài đô-dần Bin 28 Kalima Shiraz 2002 với giá $18.90 một chai (nếu mua 6 chai), bởi vì tiệm này chỉ bán hạ giá cho tới ngày 13/6 này mà thôi!

 

Nếu mùa 2002 không còn thì mua mùa 2004 (giá $16.90) cũng được. Vài năm sau, xách một cặp tới nhà gái “dạm ngõ”, chắc chắn sẽ giá trị hơn là một cặp “ông già chống gậy” (Johnnie Walker) nhãn đỏ!

 

Ngoài ra, theo giới trữ rượu chuyên nghiệp, chai Wynns Coonawarra Shiraz (nhãn xám) cũng rất có tương lai. Bình thường chai này (của mùa mới nhất) giá đã trên $15, mà hiện nay chai mùa 2002 bán ở Dan Murphy chỉ có $16, thì cũng rất nên mua để tích trữ.

 

LNĐ là dân uống rượu “nhà nghèo” nên trong những năm qua đã chỉ đủ khả năng cất giữ những chai Wynns Coonawarra Shiraz – thường là mua ở tiệm Safeway với giá trên dưới $11. Nay bỗng thấy mình thành dân… trung lưu!

 

Cũng cần viết thêm, đôi khi ở một số tiệm nhỏ khác giá cũng rẻ không thua gì ở Dan Murphy’s, hoặc còn tồn trữ những chai rượu mà ở Dan Murphy không có, cho nên tửu sĩ nào chịu khó săn lùng, rất có thể sẽ mua được những chai rượu ngon với giá rẻ không ngờ.

* * *

Cuối cùng cũng không quên quảng cáo không công cho tiệm Safeway: từ ngày Thứ Hai vừa qua cho tới Chủ Nhật 17 tháng 6 này, nếu mua một số lượng rượu + bia trị giá từ $60 trở lên, sẽ được bớt 20 xu một lít xăng.

 

Cuối tuần qua, LNĐ mua hai thùng bia Cascade với giá $40 một thùng –  rẻ được $18 một thùng, hai thùng là $36, tuần này đổ 60 lít xăng sẽ bớt được $12 nữa, vị chi tiết kiệm tổng cộng $48!

Lại thêm một cái thú của dân uống rượu “nhà nghèo”!

 

Lão Ngoan Đồng (trích TVTS – 1107)