Rượu vang 2006 – Những chai đáng đồng tiền bát gạo – Giữ rượu làm “của” hay làm “dấm”

15 Tháng Năm, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

Nhưng vô chai rồi không bắt buộc phải đem ra bán ngay, mà có khi hãng rượu sẽ cất giữ trong hầm rượu thêm một thời gian nữa. Có nhiều nguyên nhân: hoặc vì loại rượu này (của mùa nho trước) ngoài thị trường còn nhiều, hoặc vì hãng muốn cất giữ thêm một vài năm nữa cho dịu bớt, v.v…

 

Thông thường, trong một đợt “release” rượu đỏ, chẳng hạn vào đầu năm 2006, sẽ có khoảng 1/3 rượu của mùa nho 2004, 1/3 rượu của mùa nho 2003, 1/3 còn lại là rượu của các mùa nho 2002, 2001, thậm chí có cả mùa nho 2000 hoặc 1999, tuy nhiên rất hiếm.

 

Mùa nho 2004: kẻ khóc người cười

 

Trong vòng 2, 3 năm qua, các nhà phê bình rượu vang cũng như  dân uống rượu đỏ chuyên nghiệp ở Úc đã đánh giá mùa nho 2002 là ngon nhất kể từ mùa 1998. Và hiện nay, những người này cũng đồng ý rằng mùa nho 2004 tuy không thể sánh với mùa nho 2002 nhưng dứt khoát phải ngon hơn mùa nho 2003 (lại thêm một sự trùng hợp vô tình về “huyền thoại” cho rằng nho đỏ của năm chẵn luôn ngon hơn năm lẻ!)

 

Thế nhưng trong khi NHO của mùa 2004 không ngon bằng mùa 2002, RƯỢU chưa chắc đã thua kém!

 

Sự việc thoạt nghe có vẻ hơi vô lý nhưng đang xảy ra trên thực tế, đưa tới tình trạng kẻ khóc người cười. Các nhà làm rượu khóc, dân uống rượu thì cười!

 

Nguyên nhân?

 

Như đa số chúng ta đã biết, trong khoảng 10 năm  qua, kỹ nghệ rượu vang của Úc đã phát triển nhanh tới mức… chóng mặt. Nguyên nhân chính là vì rượu vang của Úc ngày càng nổi tiếng (đoạt nhiều giải thưởng quốc tế), ngày càng được ưa chuộng (vì ngon mà giá cả phải chăng). Tuy nhiên, vì quá lạc quan nên các nhà sản xuất rượu vang ở Miệt Dưới đã quên mất luật cung – cầu. Bên cạnh đó, cũng không thể không nói tới thái độ “thù nghịch” của các nhà sản xuất rượu vang ở ngoại quốc trước việc bị rượu vang Úc xâm lấn thị trường.

 

Chẳng hạn ở California – quê hương của rượu vang Mỹ – các nhà báo đã đem hai loại rẻ tiền nhất của hãng Wolf Blass là “Eaglehawk” và “Red Label” ra để phê bình là “chua như  dấm” mà không chịu nói tới chai “Grey Label” hoặc “Platinum Label” của hãng này.

 

Hoặc tại Pháp, quê hương của những chai Bordeaux “Chateau” đắt tiền nhất thế giới, hàng chục ngàn nông gia trồng nho đã lũ lượt kéo về thủ đô Ba-lê biểu tình, đòi chính phủ phải tăng thuế nhập cảng rượu vang – mà chủ yếu là của Úc – để bảo vệ công ăn việc làm của nông dân Pháp! 

 

Vì không tuân theo luật cung cầu, lại thêm việc “trúng” mùa nho 2004, cho nên rượu vang đỏ (tồn kho) của Úc đã bị ứ đọng hàng triệu lít, không thể tìm ra thị trường để tiêu thụ. Năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến cảnh các nông gia Úc bán cam không được, phải giải quyết bằng cách lấy cam cho… bò ăn thay cỏ. Các nhà làm rượu vang thì khác, cho dù bị hạn hán cũng không thể lấy rượu cho thú vật… giải khát, thà để cho con người uống với giá rẻ mạt!

 

Trên thực tế, các nhà sản xuất rượu vang Úc đã không HẠ giá rượu, chỉ TĂNG phẩm chất. Nghĩa là trong số những chai rượu mới được tung ra, nếu là rượu hạng B thì sẽ có một phần rượu hạng A, nếu là rượu hạng C sẽ có một phần rượu hạng B…, thậm chí phẩm chất rượu trong bình giấy 2 lít cũng được gia tăng một cách đáng kể.

 

Dĩ nhiên, không phải hãng rượu nào của Úc cũng gia tăng phẩm chất của rượu, hoặc gia tăng với mức độ như nhau, nhưng nói chung thì chưa có năm nào rượu vang được bán ra ngon và rẻ như năm 2006.

 

Cũng cần viết thêm là sự việc này có tác dụng dây chuyền: rượu của mùa 2004 ngon mà rẻ thì rượu của các mùa trước đó cũng phải rẻ theo, hay nói một cách chính xác hơn là không tăng giá bao nhiêu.

 

Những chai rượu đáng đồng tiền bát gạo:

 

Như đã viết ở trên, rượu đỏ được tung ra thị trường vào đầu năm 2006 gồm rượu của mùa nho 2004 và những mùa trước đó như 2003, 2002, 2001, 2000, 1999…, tuy nhiên để tránh gây nhức đầu cho các hội viên Hoàng Hoa Hội, và cũng vì đối tượng độc giả chính của mục này là người có tiền lương ‘ba cọc ba đồng”, LNĐ chỉ đề cập tới rượu của ba mùa nho mới nhất  – 2004, 2003, 2002 – và thỉnh thoảng mới ghi ra một vài chai đặc biệt của mùa các mùa 2001, 2000 mà thôi.

 

Tới đây cũng xin nói thêm về mùa nho 2003. Mùa nho (năm lẻ) này tuy không thể sánh với cả năm trước (2002) lẫn năm sau (2004) nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ.

 

Theo các nhà viết về rượu vang đỏ của Úc, rượu của mùa nho 2003 tại các vùng Claire Valley (Nam Úc), Hunter Valley (NSW) và Pyrenees (VIC) cũng khá ngon, cho nên có những chai của hãng Taylors (Claire Valley), McWilliams (Hunter Valley), hãng Seppelt, Blue Pyrenees (Pyreness)  của mùa nho 2003 được cho tới 5 sao.

 

Nhưng nói một cách tổng quát, và cũng để cho dễ nhớ thì bất cứ chai rượu đỏ nào, nếu còn bán mùa 2002 thì “chộp” liền, không còn thì mới lấy 2003 hoặc 2004, và không còn 2002, không có 2004 thì mới nên lấy 2001.

 

Sau đây LNĐ xin liệt kê những chai rượu đỏ điển hình được tung ra vào năm 2006, hoặc tung ra từ năm ngoái nhưng một số tiệm vẫn còn bán.

 

** Trên dưới 10 đô-la:

 

LNĐ “con nhà lính tính quan’ cho nên từ trước tới nay, khi kẹt tiền thà uống rượu trong bình giấy 2 lít chứ không uống rượu chai giá trên dưới 10 đô-la. Trong khi trên thực tế, hạng rượu chai này là loại bán chạy nhất của Úc, trong nước cũng như ở ngoại quốc. Bên cạnh đó, như đã viết ở trên, năm nay qua việc mùa nho 2004 bị thặng dư, phẩm chất của các loại rượu bán ra hơn hẳn các mùa trước, nên một số chai giá trên dưới 10 đô-la cũng được cho tới 4, 5 sao. Vì thế các tửu sĩ mới “nhập môn” có thể tập uống với các chai điển hình sau đây:

 

– Taylors Promised Land Shiraz-Cabernet

– Penfolds Rawson’s Retreat Shiraz-Cabernet

– Poet’s Corner Shiraz

– Wolf Blass Red Label Shiraz-Cabernet 2004

 

** Từ 15-18 đô-la:

 

Đối với đa số người Úc, hạng rượu này được xem là rượu ngon, chỉ dân trung lưu mới có khả năng uống hàng ngày. Những chai uy tín lâu đời (phẩm chất mỗi mùa không thay đổi nhiều) gồm có:

 

– Blue Pyrenees Cabernet Sauvignon

– Penfolds Thomas Hyland Shiraz

– Wynns Coonawarra Shiraz

(Giá ba chai này có khi lên tới 20 đô-la, tùy theo mùa nho))

– Metala Shiraz-Cabernet

– Jamieson Run Coonawara (Shiraz, Cabernet Sauvignon, hoặc Shiraz-Cabernet-Merlot)

– Wolf Blass Yellow Label Cabernet Sauvignon

– Jacob’s  Creek Reserve (Shiraz hoặc Cabernet Sauvignon)

– Annie’s Lane Shiraz

Ngoài ra, trong mấy năm gần đây có thêm một số chai nổi bật, như:

– Taylors Shiraz

– Yalumba Barossa Shiraz

– Seppelt Victoria Shiraz

– Gramps Shiraz

 

**  Giá từ 18-25 đô-la:

 

– Wynns Coonawarra Cabernet Sauvignon (khoảng 25 đô-la)

– Penfolds Bin 28 Shiraz (khoảng 22 đô-la)

– Rosemount Estate Show Reserve Shiraz (khoảng 22 đô-la)

– Wirra Wirra Church Block Cabernet-Shiraz-Merlot (khoảng 20 đô-la)

– Seppelt Chalambar Shiraz (khoảng 20 đô-la)

 

** Giá từ 30 đô-la:

 

Hạng rượu này có hàng trăm chai khác nhau, mà đứng đầu là chai Grange (Shiraz) của hãng Penfolds. Tuy nhiên, theo LNĐ (và cả một vài tác giả Úc) thì trừ trường hợp chúng ta là triệu phú, dư tiền không biết để làm gì, hoặc cần lấy điểm “big boss”, hoặc mua rượu để đầu tư hay sưu tầm, còn bình thường mà mua một chai Grange (giá tối thiểu vài  trăm đô-la) hoặc chai Platinum Label Shiraz của hãng Wolf Blass (gần 200 đô-la) để uống thì hơi phí phạm, cái ngon (miệng) không đủ bù lấp cái đau (ruột)! Bởi vì rượu đỏ giá khoảng 100 đô-la là đã đủ tuyệt vời.

 

Riêng LNĐ, từ trước tới nay chỉ trong một số dịp đặc biệt nào đó mới dám mua những chai giá từ 30 tới 50 đô-la, như:

 

– Mount Pleasant Rosehill Shiraz (khoảng 30 đô-la)

– Orlando St Hugo Coonawarra Cabernet Sauvignon (khoảng 32 đô-la)

– Wolf Blass Grey Label Shiraz (khoảng 35 đô-la)

– Penfolds Bin 389 Cabernet- Shiraz (khoảng 40 đô-la)

– Summerfield Reserve Shiraz (khoảng 45 đô-la)

 

Còn những chai mắc tiền hơn thì thường do người khác tặng, hoặc được uống ké, chẳng hạn:                                                             

 

– Penfolds Magill Estate Shiraz (khoảng 60 đô-la)

– Fox Creek Reserve Shiraz (khoảng 65 đô-la)

– Henschke Mt Eldelstone Shiraz (từ 65 tới 80 đô-la)

– Penfolds Bin 707 (khoảng100 đô-la)

 

Giá những chai rượu giá trên 50 đô-la thay đổi theo mùa nho (vintage), không nhất thiết càng cũ càng đắt mà nhiều khi mùa sau lại đắt hơn mùa trước, hoặc mùa chẵn đắt hơn mùa lẻ. Thí dụ điển hình nhất là hiện nay chai Henschke Mt Eldelstone Shiraz của mùa nho 2002 giá bán là 80 đô-la, còn mùa 2001 chỉ có 65 đô-la!

 

Vang trắng:

 

Tới đây có lẽ các tửu sĩ đã đủ… nhức đầu, LNĐ xin được quay trở lại với những chai rượu vừa túi tiền. Ở trên sở dĩ LNĐ phải liệt kê ra hàng chục chai (15-18 đô-la) là để các tửu sĩ có thể uống thử, lựa chọn loại rượu hạp khẩu vị nhất, sau khi đã “kết” rồi thì chỉ cần nhớ tên một vài chai, “canh me” hễ thấy Dan Murphy hay Safeway đại hạ giá là mua ngay một vài dozen mà… tích tửu phòng hạn!

 

Sau cùng, LNĐ cũng xin điểm qua một vài chai vang trắng để chứng tỏ… ta đây cũng là dân biết “ăn oyster sống – uống chardonnay”.

 

Một cách tổng quát, vang trắng có 3 loại, từ vị (taste) nhẹ, thanh tới đậm đà, là riesling, sauvignon blanc và chardonnay.

 

Rượu “thanh” thì đi với những món ăn “thanh”, chẳng hạn riesling thích hợp với các món tôm chiên, cá chiên, gà chiên, các loại gỏi, và các món ăn cay cay (trong đó có các món cá sống của Nhật), còn chardonnay thì đi với các loại lẫu, các món đồ biển đậm đà như tôm hùm, cua, và nhất là oyster sống (“bổ dương” không thua gì vang đỏ + thịt bò!). Riêng sauvignon blanc (có khi pha với semillon) thì có thể thích hợp với mọi món ăn, tuy nhiên vì chủ vị là lạnh mát (cool) nên thích hợp với mùa hè.

 

Nhiều người nói rằng trong ba loại vang trắng nói trên, chardonnay xịn nhất, ngon nhất là không đúng. Muốn chính xác thì phải nói chardonnay phổ biến hơn vì “thượng vàng hạ cám”, mà “vàng” thì có những chai giá lên tới trên 100 đôla, cho nên dân Úc “cổ trắng” mới tự nhận là “dân uống chardonnay”, hoặc là hội viên của “ABC Club” (Anything But Chardonnay Club). Úc nổi tiếng thế giới với những chai chardonnay tuyệt vời, còn Tân-tây-lan thì không ai có thể qua mặt họ với những chai sauvignon blanc của vùng Marlborough.

 

Sau đây LNĐ xin liệt kê vài chai vang trắng phổ biến ở Úc:

 

** Riesling:

– Wynns Coonawarra (khoảng 12 đô-la)

– Jacob’s Creek Reserve (khoảng 14 đô-la)

– Leasingham Bin 7 Clare Valley (khoảng 15 đô-la)

 

** Sauvignon Blanc (hoặc Semillon Sauvignon Blanc):

– Yalumba Eden Valley (khoảng 15 đô-la)

– Stoneleigh Marlborough (khoảng 16 đô-la)

– McWilliams Margaret River (khoảng 18 đô-la)

 

** Chardonnay:

– Jacob’s Creek Reserve (khoảng 14 đô-la)

– Jamieson Run (khoảng 14 đô-la)

– St Hilary (khoảng 18 đô-la)

– Blue Pyrenees (khoảng 20 đô-la)

– Evan & Tate Margaret River (khoảng 22 đô-la)

– Coldstream Hills (khoảng 24 đô-la)

– Voyager Estate (khoảng 35 đô-la)

– Penfolds Reserve Bin 00A (khoảng 60 đô-la)

 

 

 

Giữ rượu làm “của” hay làm “dấm”?

 

Trong số độc giả gửi thư nêu thắc mắc, có một vị cho biết mình được thằng cháu quý hóa biếu một chai rượu đỏ (LNĐ xin giữ kín tên hãng để tránh gây ấn tượng không tốt) khoe là đã để trên 12 năm, tới khi khui ra uống thì vừa lạt vừa chua vừa… thum thủm!

Nguyên nhân rất đơn giản: đây là một chai rượu rẻ tiền (trên dưới 10 đô-la) không thể để lâu. Việc cất giữ rượu (cellaring) để cho ngon hơn, LNĐ đã viết khá chi tiết cách đây mấy năm, nay chỉ xin sơ lược lại:

 

– Vang trắng: trừ một vài loại đặc biệt có thể giữ cho ngon hơn (hãng sản xuất sẽ ghi chú trên nhãn rượu), đa số vang trắng nên uống ngay (drink young), hoặc uống trong vòng 1, 2 năm (kể từ ngày mua) thì mới bảo đảm còn nguyên vẹn phẩm chất.

 

– Vang đỏ: những chai rượu giá trên dưới 10 đô-la thì phải uống ngay, vì để  lâu bao nhiêu cũng không ngon hơn mà còn có thể bị hư.  Những chai từ 15 đô-la trở lên thì được chia ra làm ba loại để cất giữ: short term (3-5 năm), medium term (5-7 năm), long term (8-10, hoặc 12 năm).

 

Thời hạn này có khi hãng sản xuất ghi trên nhãn rượu, có khi không ghi, cho nên muốn cất giữ một cách chính xác, ta phải mua “tự điển rượu vang” để biết thời hạn cất giữ của từng chai. Những người lười đọc sách (trong đó có LNĐ) thì căn cứ vào nguyên tắc tổng quát: rượu càng đắt tiền thì càng để được lâu.  

 

Bên cạnh đó, cũng cần nắm vững định luật về “lũy tiến”, thí dụ: cùng cất giữ trong thời gian hạn định, chai 20 đô-la sẽ chỉ có giá trị gấp rưỡi (giá trị ban đầu), trong khi chai 50 đô-la sẽ có giá trị gấp đôi, và chai trên 100 đô-la có thể giá trị gấp ba lần, hoặc hơn nữa. 

Qua kinh nghiệm bản thân, LNĐ xin đơn giản hóa việc cất giữ rượu như sau: – Rượu 15-18 đô-la: loại rượu này chủ yếu là để uống ngay, có cất giữ thêm một vài năm thì cũng chỉ dịu đi, chứ không ngon hơn là bao.

 

– Rượu 18-25 đô-la: cất giữ chừng 3, 4 năm uống thấy ngon khác hẳn. Tuy nhiên cũng chỉ nên cất tối đa 7 năm.

– Rượu 30 đô-la trở lên mới nên cất giữ 10 năm, hoặc lâu hơn tùy theo sự chỉ dẫn trên nhãn rượu.

Xin hẹn các tửu sĩ một dịp khác.

Lão Ngoan Đồng