Tản mạn về rượu vang: SỞ THÍCH VÀ KHẢ NĂNG MỚI QUAN TRỌNG (bài 9)

22 Tháng Ba, 2008 | Tìm hiểu về rượu

Nếu bạn dư  trong dư ngoài, có thể dự những bữa ăn 5 món đi với rượu (food and wine matching course)  ở tại Bristro 1, số 126 Little Collins St, Melbourne (điện thoại 9855 0255) vào các ngày 16 và 23 tháng Chín và 11 và 18 tháng Mười, mỗi đầu người $220.

 

Và ngoài những bữa ăn trưa hai ba món đi với rượu tại một số tiệm trong thành phố với giá từ $35 đến $65, vẫn còn những buổi thử rượu hoàn toàn miễn phí. Đặc trang Epicure của báo The Age  tuần qua kê ra khoảng 30 địa điểm thử rượu miễn phí trong trung tâm thành phố và các ngoại ô. Phần lớn những chỗ bán rượu này cho bạn thử miễn phí vào các tối Thứ Sáu, trưa và chiều Thứ Bảy. Có nơi cho thử mọi ngày. Và cũng có nơi tính bạn chút đỉnh tiền đền bù cho chi phí tổ chức thử rượu của họ.

 

Nếu bạn đã đọc qua bài viết cách thử rượu của Thụy Văn tôi trong số báo tuần qua, bạn có thể bắt đầu một cái thú mới. Những tối và chiều cuối tuần như thế sẽ trở nên thi vị hơn với việc học tập thử rượu. Hãy nhìn, ngửi và nếm và đặt hàng chục câu hỏi về chai rượu mà bạn đang thử.   Và nếu đã làm quen và đánh giá được những chai rượu bạn thử, bạn có thể bắt đầu mua những loại rượu mà chính bạn thích và đem cất (cellar)  nếu bạn có tiền và có chỗ thích hợp để cất. Bạn đang trở thành một tay sành rượu—wine connoisseur.

 

Rượu nào trước và sau bữa ăn?

 

Người tây phương, do cuộc sống đầy đủ nên bày ra nhiều trò trước và sau bữa ăn, như uống rượu khai vị và rượu tráng miệng. Nếu bạn có thì giờ và phương tiện, tại sao không hưởng?

 

Martini?  Đây là loại rượu khai vị (aperitif) của Ý mà hầu như mọi người uống rượu của người Tây phương đều biết. Nhưng tại sao không làm thử một ly sâm-banh (champagne của Pháp) hay một ly rượu sủi bọt (sparkling wine) của Úc?  Rượu sâm-banh có nồng độ alcohol ngang hàng với vang trắng, nhưng chất cồn rượu này có tác dụng nhanh, đi vào máu bạn và làm cho bạn hưng phấn, như  một  lực sĩ chạy tốc lực cần sự khởi động trước khi chạy. Nên đi với các hạt đậu, bánh mì phết bơ hay khoai tây chiên, bánh phồng tôm v.v… cho đỡ xót ruột và khỏi chóng say. Nếu phải đợi khách khứa hay đợi thức ăn chính, cũng chớ làm thêm ly thứ hai, để dành cho những chai vang đỏ hoặc trắng trong bữa ăn.

 

Bạn cũng có thể khai vị bằng một ly fino sherry, một thứ rượu khai vị gốc Tây Ban Nha loại cay (dry, sec) chứ không phải ngọt.  Ngoài rượu sherry mà người Tây Ban Nha cũng như các dân tộc gốc  Ănglô sắc-xông  cho là thích hợp nhất để mở đầu bữa ăn, nhiều người nghĩ rằng những  loại rượu ngon gốc Đức dùng để khai vị cũng lý thú nhờ mùi vị trái cây và sự tươi mát của nó, là những thứ rượu có a-xít để kích thích sự khoái cảm của cái miệng.

 

Tráng miệng bằng cái gì?

 

Bánh ngọt, trái cây, kem và cà phê là chuyện đương nhiên. Nhưng thêm một  ly rượu tráng miệng thì sẽ thấy thú vị hơn. Người tây phương thường chấm dứt bữa cơm tối bằng rượu ngọt (sweet wine). Một ly nhỏ rượu port (rượu póc-tô gốc Bồ Đào Nha)  là phổ thông nhất.  Hoặc rượu ngọt của bất cứ nước nào hay rượu moelleux (ngọt) ở vùng Loire Valley nước Pháp.  Như tác giả Max Lake đã từng viết “Champagne with anything or anyone”, rượu sâm-banh hay sủi bọt  uống bất cứ lúc nào cũng được, khai vị hay tráng miệng đều thích hợp cả. Bạn có thể làm một ly rượu sủi bọt Asti  Spumante  cuả Ý hay những loại rượu sủi bọt ngọt khác của Úc. 

 

Và khui một chai (Brut) Champagne của Pháp với  bạn bè sau bữa cơm tối mừng sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới là đỉnh cao của thú ăn uống. Nhưng cũng có những người như Thụy Văn tôi thích tráng miệng bằng một cốc cognac VSOP hay XO cho thơm miệng mà không  phải làm cho cái bụng quá căng.

 

Nói tóm,  nguyên tắc, thông lệ là một chuyện, sở thích của cá nhân bạn là chuyện khác.

 

Thắc mắc và nghi ngờ

 

Trong một bài viết “Cất lọc 10 huyền thoại về rượu” trên đặc trang ăn uống của báo The Age cách đây hơn một năm, ký giả Natalie MacLean  đã giải mã một số huyền thoại quanh chuyện rượu mà Thụy Văn nghĩ có thể trả lời một số thắc mắc của độc giả hay những tranh luận trong bàn tiệc Mít tộc từ ngày bắt đầu thói quen uống rượu vang. Nữ ký giả rượu ghi ra các nhận định quen thuộc mà bà cho là do ngộ nhận và trả lời.

 

Chardonnay ngon hơn: Ngày nay, hễ nói đến rượu vang trắng là người ta nói đến Chardonnay, là những mẫu tự đầu tiên ABC (Anything But Chardonnay) của người uống rượu. Nhưng bạn cứ thử  vài thứ vang khác như Riesling, Sauvigon Blanc, Gewurztraminer xem sao.

 

Đắt là ngon hơn: Nho của các vườn nho tốt nhất được ngấu trong các thùng gỗ sồi mới của Pháp do đó chịu nhiều phí tổn hơn nho của những nhà làm rượu vô danh. Tuy nhiên, giá cả không là bảo đảm cho chất lượng, bởi vì giá cả có thể chỉ là cách để gây ấn tượng về một loại rượu.  Đáng đồng tiền bát gạo thường tìm thấy ở những vùng chưa nổi tiếng nhưng lại làm những rượu nho ngon với giá cả phải chăng. Hãy thử rượu của những nước như Chí Lợi, Á Căn Đình hoặc rượu vùng Languedoc ở miền nam nước Pháp.

 

Cựu Thế Giới ngon hơn: Nhiều loại rượu của những nước như Pháp, Ý, Tây Ban Nha không chê vào đâu được nhưng rượu của các nước như Úc, Mỹ, Gia Nã Đại chẳng kém gì. Khí hậu thay đổi ở cựu lục địa đã tạo nên những loại  rượu ngon nhưng cũng sản xuất loại dở.  Khí hậu ở  các tân đại lục ấm áp một cách đều đặn do đó cho ra đều đều những loại rượu ngon.

 

Già ngon hơn: Đa số rượu ngoài thị trường là để uống ngay, uống xong trước mùa sau, và ngon chẳng kém chi ai. Trong khi có nhiều rượu cất lâu sẽ ngon, nhưng không phải loại nào cũng thế. Gặp mùa nho xấu mà đem chai rượu mùa đó để cất trữ là hỏng. Đó là chưa kể cất không đúng cách sẽ làm cho rượu ôi, bị hư. Tốt nhất là mua những chai vừa ra và tự tay bạn trữ hơn là mua những chai mà thiên hạ đã trữ.

 

Lạnh ngon hơn: Nếu bạn ướp quá lạnh, bạn làm cho rượu bị cứng đơ đi. Đa số các loại vang trắng nên để lạnh khoảng 15 độ. Muốn làm lạnh, bỏ chai rượu vào ngăn lạnh (không bỏ ngăn đá) hay lấy cái xô bỏ đá cục và nước lạnh, ngâm chai rượu tận cổ trong 30 phút. Tuy nhiên, có nhiều người để vang đỏ lẫn trắng ở nhiệt độ tự nhiên của căn phòng (room temperature) để mùi hương tỏa ra nhiều hơn.

 

Gạn tốt hơn: Gạn (decant) rượu nhiều ta-nin, rượu già sẽ có ích vì ngoài việc loại cặn của rượu, còn giúp rượu thở và phát tiết hương vị của nó khi tiếp xúc với không khí. Nhưng rượu trắng, rượu đỏ non và có hương vị trái cây nên uống ngay từ chai rót thẳng qua ly, để thưởng thức sự tươi mát của nó.

 

Đi cặp ngon hơn: Ngày nay nhiều người không còn theo khuôn mẫu “trắng đi với trắng, đỏ với đỏ”. Nếu bạn ăn thịt gà mà thích uống rượu đỏ thì sao? Hoặc uống cả hai loại rượu cùng một lúc? Quy tắc hay nhất là uống loại gì bạn thích.

 

Ít đậm tốt hơn: Một ly rượu 150ml chỉ chứa khoảng 425 kilojoules mà thôi. Với các tường thuật cho rằng uống rượu tốt cho tim, nên thay thế cái đĩa tráng miệng béo bổ  kia bằng một ly rượu.

 

Nhiều điểm tốt hơn: Điểm là ý kiến của cá nhân về một loại rượu ở một thời điểm nào đó và vì thế chủ quan, không khoa học và không có giá trị tuyệt đối. Bạn cứ đọc những lời bình và cho điểm của người ta nhưng rồi tự nếm thử.

 

 

Bự hơn tốt hơn: Ai mà chẳng thích có nhiều rượu như các bà các cô thích hột xoàn, càng nhiều càng to càng tốt. Nhưng thực tế là phải liệu cơm gắp mắm. Chọn một chai rượu đúng cách có thể mang lại thú vị hơn là có cả một hầm rượu với những chai bám đầy bụi trải qua thời gian.

 

Nhưng ý kiến của ký giả nói trên vẫn có tính cách chủ quan, phải không bạn? (Trích TVTS số 964)