Võ Long Ẩn kiện Nguyễn Thế Phong: Tòa đã được nghe những gì trên bục chứng? (2)

13 Tháng Năm, 2010 | Kiện tụng

 

Ông  Võ Ngọc Anh (nguyên đơn) ngồi đọc báo. Hình và ghi chú của Ly Hương Úc Châu trong bài tường thuật phiên tòa ngày thứ tám

 

Phiên tòa ngày thứ hai tiếp tục sau buổi nghỉ trưa. Bồi thẩm đoàn trở lại. Ông Võ Long Ẩn tiếp tục được gọi lên bục chứng. Trạng sư  Collins của bị đơn Nguyễn Thế Phong hỏi ông Ẩn có nhớ trước ăn trưa, khi được hỏi ông có ý nghĩ đối nghịch với ông Phong trước ngày 15 tháng 3 không và ông đã lời có?  Ông Ẩn nói đúng vậy.

 

Trạng sư Collins hỏi ông Ẩn có nhớ đã nói trong một lá thư rằng ông Phong đáng bị phỉ nhổ (to be spat on) không. Thấy ông Ẩn nhìn xuống xấp tài liệu, trạng sư Collins bảo chớ nhìn mà tập trung trả lời câu hỏi của ông. Ông Ẩn nói ông không bao giờ nói những từ ngữ như vậy.

 

Hỏi có có dùng những từ ông ấy ghê tởm không, ông Ẩn cũng nói không và rồi cho rằng dịch sai, rằng ông cần coi lại bức thư vì ông không nhớ.

 

Hỏi thế thì dịch như thế nào mới đúng, ông Ẩn nói ông không bao giờ viết những lời như thế.

 

Lá thư ngày 7.3.2009 nói những gì?

 

Sau đó tòa được nghe sự xác nhận của ông Ẩn ông đã nói như thế này về ông Phong qua phần đối chất (cross-examination), rằng ông Phong:

 

– là một tên nguy hiểm;

 

– áp dụng một lối kiểm soát giống Việt Cộng trong vai trò lãnh đạo Hội Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria;

 

– làm cho những buổi họp Hội CĐ giống như chợ cá;

 

– đi ngược dân chủ;

 

– không cho những người khác có ý kiến khác ông ta;

 

– là tên đại nói láo;

 

– là tên đại nói láo chuyên bịp đồng hương người Việt;

 

– khuyến khích những kẻ quá khích gây sự sợ hãi về tinh thần và đe dọa mạng sống kẻ khác;

 

– tạo nên những xung đột giữa những kẻ quá khích;

 

– những kẻ này dùng những phương pháp khủng bố tinh thần có khả năng đe dọa đến mạng sống;

 

– ông ta lạm dụng chức vụ trong vai trò chủ tịch Hội CĐ;

 

– lợi dụng danh nghĩa cộng đồng để kiếm tiền cho bản thân;

 

– có lòng tham không đáy;

 

– gây sự hỗn loạn trong cộng đồng;

 

– âm mưu phá nát cộng đồng liên bang và tiểu bang;

 

– làm mất tiếng tăm và danh dự của cộng đồng Việt Nam trước chính quyền liên bang và tiểu bang;

 

Hỏi lại có phải những điều vừa nói trên đã được viết trong một lá thư đề ngày 7 tháng 3 năm 2009, ông Ẩn xác nhận đúng vậy.

 

Qua những câu hỏi tiếp theo của trạng sư Collins, tòa được nghe rằng lá thư vừa nói là những ý nghĩ của ông Ẩn đối với ông Phong, được viết trước khoảng một tuần trước sự việc mà ông Ẩn đang than phiền trong vụ kiện này.

 

Ông Ẩn nói những ý nghĩ đó không phải trước ngày 15.3.2009 mà từ ngày 20.11.2007.

Vì có ý nghĩ không tốt về ông Phong, ông Ẩn muốn ông Phong bị đẩy ra khỏi chức vụ chủ tịch Hội CĐ NVTD Victoria, vì ông ta ngồi quá lâu, làm nhiều điều sai trái, có một bài viết trong (báo) The Advocate nói ông ta xây binh-đinh, cả nửa triệu đô la bao gồm đất đai,  mà không có giấy phép –building permit, planning permit, không qua thủ tục kiểm tra. Vấn đề này được đưa lên The Advocate năm 2007.

 

Qua các câu hỏi của trạng sư Collins, tòa được nghe ông Phong triệu tập thêm một phiên họp vào ngày 9.12 mà theo người ta nói, nếu ông Ẩn đi dự thì có thể đã bị giết. Trạng sư hỏi có phải ông Ẩn chỉ tay vào người đàn ông ở góc (phải) cuối tòa kia là người đã có thể giết mình không, ông Ẩn trả lời vâng.

 

Tòa được nghe ông Ẩn lo sợ cho mạng sống của mình do những sự việc xảy ra từ năm 2007, nhưng đã không ngừng đi nhà thờ, mà chỉ không đi nhà thờ sau ngày 15.3.2009.

 

Ông Ẩn lo sợ nên không đi dự các buổi họp bởi nó ảnh hưởng đến danh tiếng của ông trong cộng đồng. Sau các biến cố của năm 2007, một vài người có suy nghĩ khác về ông và đó là những người hợp tác với ông Phong, những người duy trì ông Phong trong chức vụ chủ tịch cho đến năm 2009.

 

Trạng sư Collins trình những tài liệu nằm trong sổ tòa (court book) của nguyên đơn Võ Long Ẩn cho bà chánh án và bồi thẩm đoàn, nói đó là bức thư gởi cho ông Phong ngày 7.3.2009, được gọi là bằng chứng A (Exhibit A).

 

Trạng sư lại bảo ông Ẩn chớ nhìn vào các tài liệu và hỏi có phải ngay sau khi nghỉ trưa xong, khi được hỏi ông đã nói không bao giờ nói ông Phong đáng bị phỉ nhổ, ông Ẩn trả là đúng vậy. Hỏi lại, có phải ông đã nói những chữ “những hành động thô bỉ và bỉ ổi của một chủ tịch như Phong thật ghê tởm và đáng phỉ nhổ”, ông Ẩn nói ông đã không làm nói vậy.

 

Trạng sư Collins yêu cầu ông Ẩn hãy nhìn vào xấp tài liệu trang 79 bản dịch lá thư của ông Ẩn nhưng ông Ẩn nói ông chưa đọc hết bản tiếng Anh nên không biết dịch có đúng không, nhưng trạng sư cho biết đó là bản dịch của phía ông Ẩn để trình tòa.

 

Ông Ẩn nói  những chữ đáng phỉ nhổ không có nghĩa là to spit on someone’s face. Trạng sư hỏi vậy có nghĩa gì, ông  Ẩn nói có nghĩa “khi tôi thấy ông, tôi chỉ việc quay mặt đi”. Ông Ẩn đồng ý những chữ “truly disgusting” nằm trong câu tiếng Việt.

 

Trạng sư hỏi thế tại sao trước đây ông hỏi ông Ẩn có nói ông Phong thật sự đáng ghê tởm, ông Ẩn nói không nói. Ông Ẩn nói ông không thể nhớ. Trạng sư nói nếu không nhớ thì nói không nhớ, tại sao ông Ẩn lại nói với bồi thẩm đoàn ông đã không nói?

 

Đến đây bà chánh án nói bà nghĩ rằng để công bình thì nên xem lại biên bản của tòa (transcript) vì ra vẻ ông Ẩn muốn nhìn vào lá thư và không chắc chắn lắm nhưng ông ta bị thúc đẩy nên đã nói không. Nhưng trạng sư Collins cho rằng “bằng chứng là bằng chứng”, ông Ẩn đã nói “tôi đã không bao giờ dùng những chữ như vậy”, nhưng rồi ông Collins cũng đồng ý với bà quan tòa là cứ tiếp tục cuộc đối chất, sáng mai sẽ xem lại biên bản tòa.

 

* * *

 

Qua những câu hỏi của trạng sư bên bị đơn, tòa được nghe ông Ẩn có ý nghĩ rất xấu về ông Phong trước ngày 15.3.2009, và thật ra là từ ngày 20.11.2007, nghĩ rằng ông Phong không xứng đáng làm chủ tịch. Ông Ẩn đem ông Phong ra tòa vì ông Phong bị tố cáo đã gọi ông Ẩn là tên cộng sản, tay sai cộng sản.

 

Nhưng trước giờ ăn trưa, ông Ẩn đồng ý ông Phong không dùng những từ đó với ông Ẩn, không gọi ông  Ẩn là một tên cộng sản, nhưng qua internet, báo chí lúc này họ đã coi ông là tên cộng sản.

 

Ông Ẩn nói ông không có mặt tại phiên họp, không nghe ông Phong, không thấy ông ta, nhưng ông Ẩn nghe qua những người có mặt tại phiên họp, qua báo chí, internet, tất cả những ấn phẩm đó đưa ra dấu chỉ ông Ẩn là một tên cộng sản.

 

Trạng sư đề nghị với ông Ẩn rằng ông Ẩn đưa ra vụ kiện này như một phần trong mục đích của ông là để làm mất uy tín và tiêu diệt ông Phong, nhưng ông Ẩn trả lời ông Phong làm mất uy tín của ông, mạ lỵ danh tiếng của ông và đấy là lý do ông đưa ông Phong ra tòa.

 

Hỏi có phải ông Ẩn đã cố gắng từ lâu để làm giảm uy tín của ông Phong trước cả chuyện mà ông hiện đang thưa trước tòa, ông Ẩn nói ông Phong chịu trách nhiệm về tiền bạc, chi tiêu của Hội CĐ. Mà ông là một thành viên của cộng đồng nên ông có quyền được biết tất cả các chi tiết đó.

 

Cái email của sòng bài Crown Casino

 

Trong phần đối chất, qua những câu hỏi của trạng sư Collins, tòa được nghe ông Ẩn trình bày như sau về vụ biểu tình ở Crown Casino (CC) vào ngày 16.2.2009 (Ghi chú của TVTS: vụ biểu tình chống cộng này đã đưa đến việc ông Phong triệu tập phiên họp ngày 15.3.2009 và lên án ông Ẩn phá hoại, đưa đến việc ông Ẩn kiện ông Phong).

 

Ông Ẩn biết về cuộc biểu tình này qua việc đọc mạng Ánh Dương. Ông Ẩn được bạn mời đi ăn ở CC vì người bạn này được đủ số điểm, ăn miễn phí. Ông Ẩn có gọi cho CC hai lần, ngày 7 và 8 tháng 2.

 

Khi gọi Crown Casino vào ngày 7.2 ông Ẩn không biết mục đích của cuộc biểu tình chống chương trình quảng cáo du lịch Impressive Vietnam, chỉ biết một tuần lễ sau qua báo chí Việt ngữ. Ông Ẩn đã không  nói với ai ở Crown Casino trong cuộc điện đàm là sẽ có cuộc biểu tình, không biết người bên kia đường dây là ai. Ông chỉ cho họ biết địa chỉ của website Ánh

Dương mà thôi, bảo hãy vào đó mà coi.

 

Ông Ẩn nói khi ông nói chuyện với người này, ông chỉ lo ngại cuộc biểu tình sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn của ông Ẩn và bạn bè chứ không nói sẽ ảnh hưởng đến sự làm ăn của sòng bài CC.

 

Trạng sư hỏi ông Ẩn còn nhớ trong thủ tục trả lời các câu hỏi vào tháng 9 năm 2009 (interrogatories) mà luật sư hai bên hỏi để dùng trước tòa, ông Ẩn có nhớ đã khai hữu thệ rằng ông có nói chuyện với một người và người đó tên là Trevor, thế nhưng trong phần đối chất hôm qua và hôm nay trên bục chứng, ông Ẩn lại nói không biết tên người đó. Trạng sư nói ông Ẩn đã không có sự nhất quán giữa các lời khai.

 

Trạng sư xin trình lên bà chánh án và bồi thẩm đoàn tài liệu interrogatory này và được công nhận như là bằng chứng B (Exhibition B).

 

Sau một hồi hỏi về cuộc đàm thoại giữa ông Ẩn và ông Trevor, trạng sư trưng ra cái email của  một người tên Shane Peet từ CC gởi cho Hội Cộng Đồng và đã được phô-tô phân phát cho nhiều người trong đó viết: “Khoảng 17.40 hours ngày 7.2.09 Trevor người trực điện thoại báo cáo với tôi về một cú điện thoại đáng nghi ngờ mà ông ta nhận. Người đàn ông điện thoại báo cho Trevor rằng một cuộc biểu tình bởi cộng đồng Việt Nam sẽ diễn ra tại Crown Casino lúc 9 giờ sáng ngày 16.2.2009. Lý do: việc Crown Casino đối xử vối cộng đồng Việt Nam liên quan đến nạn cờ bạc. Người tổ chức (male) Anh Duong (được cho là Cảnh Sát Victoria có biết mặt)”.

 

Ghi chú của email nói ông Ẩn cho Trevor cái cảm tưởng rằng ông ta có thể không đến ăn ở một trong những quán của CC và cuộc biểu tình sẽ có ảnh hưởng đến sinh hoạt buôn bán ở đó.

 

Tòa được nghe ông Ẩn nhìn nhận ông có nói với Trevor về cuộc biểu tình, ngày giờ xảy ra, điện thoại lưu động của ông được ghi trong email,  nhưng ông Ẩn không nhìn nhận nói cuộc biểu tình có mục đích để phản đối CC về chuyện cờ bạc, cho rằng ông Trevor muốn nói gì thì quyền của ông ta, vậy cứ hỏi ông ấy.

 

Hỏi ông có cảm nghĩ gì về nội dung trong cái email, rằng nếu ai gọi cho CC và nói cuộc biểu tình có mục đích phản đối CC về sự đối xử với cộng đồng Việt Nam, thì như vậy sẽ có hại cho quyền lợi của cộng đồng Việt Nam,  ông Ẩn nói ông không quan tâm vì cái email đó không phải do ông viết.

 

Khi bị hỏi nhiều lần tại sao có sự khác biệt trong các lời khai, ông Ẩn nói vì ông đã 71 tuổi.

Qua các câu hỏi của trạng sư Collins, tòa được nghe ông Ẩn sinh ngày 16.5.1939. Nhưng ông cũng có ngày sinh khác là 16.4.1944, năm sinh sau nhỏ hơn 5 tuổi là do sau khi ra tù, đi sống ở vùng khác, trốn tránh cộng sản nên phải thay đổi.

 

Thất bại nghề nghiệp

 

Trạng sư  Collins nói ông Ẩn trước đây trong phần chất vấn (examination) của trạng sư  Catlin của mình, đã đưa vài bằng chứng về chuyện làm ăn, vậy hôm nay xin cho biết chuyện làm ăn đó là gì.

 

Tòa được nghe ông Ẩn là thợ chà và đánh bòng sàn nhà 15 năm, từ năm 1995. Trước đó ông Ẩn làm trong ngành may nhưng vì bị phá sản nên giải nghệ khỏi ngành đó.

 

Khi trạng sư  Collins hỏi có phải ông Ẩn bị phá sản giữa năm 1990 và 1993 không, trạng sư Catlin của ông Ẩn  hỏi chuyện này có liên quan gì nhau, thì trạng sư Collins nói bởi nhân chứng đưa ra chứng cớ nên ông cứ theo câu hỏi đó mà tới luôn.

 

Luật sư Catlin hỏi tại sao phải hỏi, có liên hệ gì với việc vỡ nợ. Bà quan tòa nói bà nghĩ nó liên hệ với chuyện làm ăn mà ông Ẩn bị mất mát và trạng sư Collins nói đúng vậy.

 

Thế là trạng sư Collins hỏi thêm và tòa được nghe như sau:

 

Ông Ẩn tự khai vỡ nợ trong khoảng năm 1990-93 do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thời đó. Ông Ẩn làm cho một công ty khác, công ty này bị vỡ nợ và vì thế ông vỡ nợ theo. Ông Ẩn không nhớ ông mắc nợ bao nhiêu trong thời gian đó.

 

Ông Ẩn lại bị khánh tận thêm lần thứ hai, trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2002, không phải do người khác làm mà tự mình ông Ẩn khai vỡ nợ. Ông Ẩn làm cho một người nào đó, với tính cách là một subcontractor, người đó vỡ nợ và ông vỡ nợ theo, số tiền ông mắc nợ lần này là $150,000 đô la.

 

Ông Ẩn vỡ nợ lần thứ hai không phải trong khi đang làm thợ lặt vặt (handyman). Nhưng nghề handyman là nghề mà ông hiện đang làm, cho đến khi tới tòa trong ngày hôm nay.

 

Biểu tình chống cộng và làm đơn kiện

 

Trạng sư Collins lại hỏi ông Ẩn về việc ông ta làm chứng về cuộc biểu tình ở Dallas Brooks Hall năm 2006 trong đó ông Ẩn nói là những người biểu tình la hét, hô những khẩu hiệu dân chủ, nhân quyền, tự do cho Việt Nam. Ông Ẩn tin vào những khẩu hiệu đó, ông Ẩn làm theo người khác, tin tưởng hoàn toàn vào ông chủ tịch (Phong), ông chủ tịch nói gì thì làm theo.

 

Trạng sư hỏi tại sao ngày hôm qua, căn cứ vào biên bản của tòa, ông Ẩn nói ông biểu tình một cách miễn cưỡng mà hôm nay lại nói với bồi thẩm đoàn là tự nguyện (voluntarily and willingly).

 

Bà chánh án đã can thiệp khi trạng sư Collins hỏi về vấn đề biều tình ở Dallas Brooks Hall, cho rằng ông Collins đã không công bằng với ông Ẩn khi hỏi như vậy.

Sau khi nói qua lại với bà chánh án, trạng sư Collins tiếp tục hỏi rằng, có phải là công bằng không khi ngày hôm qua ông Ẩn đã cho bồi thẩm đoàn có cảm tưởng cuộc biểu tình ở Dalls

Brooks Hall là bạo động, nhưng ông Ẩn nói ông đã không bao giờ nói đấy là bạo động cả.

Trạng sư hỏi việc một người biểu tình bị xỉu vì nắng, một người bị đánh đập vì mua vé vào trong rạp hô khẩu hiệu, ông Ẩn cho rằng những chuyện đó ông chỉ nghe nói lại vì ông đứng xa.

 

* * *

 

Trạng sư Collins tiếp tục đối chất qua vấn đề thư mời họp ngày 6.5.2009 của ông Phong.

Tòa được nghe trạng sư hỏi tại sao ông Ẩn nhận cái thư đề ngày 6.5 để tham dự phiên họp vào ngày 23.5 để giải quyết về câu chuyện của phiên họp ngày 15.3 nhưng ông Ẩn thay vì đến dự phiên họp để cùng nhau giải quyết, lại từ chối và làm đơn kiện vào ngày 20.5 tức là 2 tuần lễ sau khi nhận thư.

 

Ông Ẩn nói ông đã quyết định kiện và yêu cầu luật sư tiến hành vụ kiện một tuần lễ sau vụ ngày 15.3. Vả lại thư mời đến họp không nói rõ những ai có mặt trong buổi đó. Ông sợ cho tính mạng ông từ ngày 15.3. Thư mời họp của ông Phong đã quá trễ, cả thế giới đều biết ông Ẩn là cộng sản, tay sai cộng sản nên ông thấy không cần phải đi dự mà yêu cầu luật sư của ông trả lời.

 

* * *

 

Trạng sư Collins hỏi ông Ẩn có giận Crown Casino không, ông Ẩn nói giữa CC và ông không có chuyện gì cả.  Trạng sư hỏi ngay cả việc CC viết lá thư không chính xác về những gì ông nói mà ông cũng không giận sao, ông Ẩn nói bởi vì trạng sư hỏi ông trước khi đề cập tới cái email.

 

Trạng sư lại hỏi ông Ẩn có giận CC vì cái email mà theo lời chứng của ông là một sự tường thuật sai trái về những gì ông đã nói không, ông Ẩn nói ông giận và lúc này vẫn giận CC.

Trạng sư hỏi ông Ẩn đã có dọa kiện CC không, ông Ẩn nói ông chỉ là con kiến làm sao kiện CC, là một con voi rất lớn.

 

Đến đây trạng sư Collins thưa với tòa ông không còn gì để hỏi. Buổi chất vấn và đối chất ông Võ Long Ẩn, nhân chứng thứ nhất trên bục chứng kéo dài 2 ngày.

 

Lời khuyên của bà chánh án: nên giảng hòa

 

Bà chánh án Campton nói chỉ còn khoảng 5 phút là chấm dứt phiên tòa hôm nay. Bà cho bồi thẩm đoàn rút lui, bảo nhớ lời bà dặn từ đầu chớ bàn luận với ai về những lời chứng trên bục mà họ nghe.

 

Bà bàn luận với trạng sư  Collins về kỹ thuật pháp lý trong khi chất vấn, đưa ra quan điểm của bà. Ông Collins đưa ra quan điểm của ông căn cứ vào luật lệ, các tiền lệ.

 

Cuối cùng bà chánh án nói đây là cơ hội cuối cùng bà muốn nói, do đó bà yêu cầu tất cả công chúng hãy rời khỏi phòng xử, chỉ ở lại các trạng sư, luật sư, nhân chứng và nguyên đơn mà thôi.

 

* * *

 

Sau này được biết cơ hội cuối cùng mà bà chánh án muốn nói với những người ở lại, là bà khuyên ông Ẩn và ông Phong hãy dàn xếp ngoài tòa.

 

Bà cho biết theo kinh nghiệm của bà, khi được cho biết phiên xử sẽ kéo dài khoảng 7 ngày như trong trường hợp này, thì nó sẽ dài hơn một chút.

 

Bà nói cũng theo thông lệ, bà thường có vài lời với hai bên. Bà không muốn bàn luận về chuyện ai phải ai trái, bà là người đứng giữa, không về phe nào. Nhưng bà biết rằng trong những trường hợp như thế này sẽ có người thua người thắng, nhưng có thể không thắng, mà cũng lại thua.

 

Bà cho rằng nói như thế này các luật sư có thể sẽ giận chút đỉnh, nhưng thực tế chi phí pháp luật nếu phải kéo dài ngày thêm thì  nói sẽ nuốt đi hết những lợi tức được đền bù cho các thiệt hại mà người đó nghĩ rằng họ sẽ được hưởng.

 

Bà đưa ra một vài con số, yêu cầu các bên hãy hỏi luật sư của mình ngày hôm nay tốn kém bao nhiêu và sau đó hãy dành đêm nay mà suy nghĩ.

 

Bà đề nghị nên dùng cái sự suy nghĩ bình thường (common sense)  để xem có đáng giá để thương lượng với nhau không.

 

Bà cho rằng chớ nên để cảm xúc lấn áp, hãy dùng lý trí suy nghĩ, đây là thói quen bà thường làm trong những trường hợp như vậy, có lúc đưa đến kết quả nào đó, có lúc không. Nhưng nếu không thử thì làm sao có kết quả?

 

Bà hẹn sáng mai sẽ gặp lại, nhưng lời khuyên là nên thương thảo với nhau.

 

(còn tiếp)

 

Nguyễn Hồng AnhVăn Nguyễn tường thuật qua các buổi đi dự phiên tòa, có tham khảo thêm biên bản của tòa.

 

(Trích TVTS  1255)