Nguyễn Thuyên kiện TVTS – kỳ 20: Các ám chỉ có được truyền đạt không, và có mạ lỵ không?

15 Tháng Hai, 2010 | Kiện tụng

 

Chủ bút báo Nhân Quyền Hồ Công Lộ, tức Long Quân (trái) giới thiệu Nguyễn Thuyên trong bữa tiệc mừng Thuyên  70 tuổi và  phát hành thêm cuốn sách thứ hai “Việt Nam điêu tàn bất hạnh”. Hình TV Victoria. 

 

Luật sư McHugh nói với bồi thẩm đoàn rằng ông đã trình bày những vấn đề liên quan đến câu hỏi 1 và 4. Và đến giờ này ông nghĩ đó là phần dài nhất trong công việc của ông. Ông nghĩ rằng sau buổi trưa ai ai cũng thấy hơi mệt, không những bồi thẩm đoàn mà cả các luật sư cũng thế. Ông nghĩ ông sẽ đi nhanh với phần còn lại, là những câu hỏi 2, 3 và sau đó 5 và 6.

 

Luật sư McHugh định nghĩa thế nào là một độc giả bình thường suy nghĩ phải chăng (ordinary reasonable reader).  Họ là người đọc một lần từ đầu đến cuối, nhưng rất ít khi đọc đến hai lần hay đọc nhiều lần. Họ có thể đọc trong quán cà phê, khi ăn sáng, vào buổi tối, cạnh cái tivi vì tờ báo có chương trình truyền hình.

 

Người độc giả bình thường suy nghĩ phải chăng sẽ không đọc theo kiểu vạch lá tìm sâu, phải tốn công sức suy luận. Và quan trọng nhất, họ không có người luật sư bên cạnh để giúp họ đọc, bảo nên đọc cái này, đọc cái kia.

 

Luật sư McHugh cho rằng bồi thẩm đoàn sẽ tự quyết định thế nào là một độc giả bình thường suy nghĩ phải chăng, nhưng ông muốn nói đến sự phức tạp của 4 ám chỉ (imputations) như ám chỉ 5(d) mà ông nghĩ có ít nhất  5  yếu tố khác nhau như “nguyên đơn đặt giá bán mỗi cuốn sách $40, đề nghị tặng một nửa tiền bán để hỗ trợ chính nghĩa Lý Tống, không phải vì ông muốn giúp chính nghĩa đó, mà vì ông ta tin rằng nếu không đề nghị nghư thế, không ai sẽ trả cho ông ta dù là $5 hay $10 một cuốn”. Đó là một ý tưởng rất phức tạp.

 

Luật sư mời bồi thẩm đoàn theo dõi bằng chứng B (tức bản dịch bài báo thứ nhất) liên quan đến câu hỏi 2(a) trong đó có sự tranh luận giữa ông và thông dịch viên Xuong Dich Au về việc làm thế nào để dịch  chữ “fraudster” và cuối cùng ông Âu đồng ý có thể dịch là “cheater”.  Ông đề nghị khi xác định bài viết có nghĩa gì và truyền đạt cái gì, bồi thẩm đoàn nên đọc theo văn  bản của cả bài viết.  Và khi có thể tìm được những từ chính xác và không loại bỏ việc trong bản dịch có mô tả nguyên đơn như là một tay lừa đảo (fraudster),  thì bồi thẩm cũng nên tự hỏi có phải đấy là những gì mà bài viết muốn truyền đạt về Cử Bịp không.

 

Nếu đặt giả thuyết bồi thẩm đồng ý với câu hỏi 1,  thì liệu một độc giả bình thường có suy nghĩ phải chăng  sẽ hiểu theo nghĩa thông thường nguyên đơn là một fraudster,  vì đấy là một nhận định rất phổ quát giống như nói nguyên đơn là một tên tội phạm hay là một tên ăn cắp.

Luật sư lấy thí dụ: một người trong đời chỉ ăn cắp một lần ở siêu thị Coles Myer mà thôi thì sẽ không công bằng khi mô tả họ là một tên ăn cắp, bởi một kẻ ăn cắp thường làm theo thói quen. Một người lái xe vượt tốc độ ở một mức nào đó là trọng tội, bị phạt tiền nhưng bồi thẩm đoàn sẽ lưỡng lự mô tả họ là một tên tội phạm (criminal).

 

Ở đây, bản văn mô tả Cử Bịp là một người khoe khoang, nổ về trình độ học vấn của ông ta, và về bằng cử nhân. Ra vẻ chẳng có gì trong bài viết này gợi ý ông ta là một tay lừa đảo (fraudster) mà hoàn toàn chỉ nói về cái bằng cử nhân.

 

Nếu bồi thẩm đoàn chống lại ông về câu hỏi bài viết có ý nói Cử Bịp không phải là một professor hay một giáo sư,  thì như thế lại có thêm lý do để cho rằng bồi thẩm đoàn không thể nhận diện nguyên đơn là Cử Bịp.

 

Giả sử bồi thẩm đã nhận diện nguyên đơn là giáo sư, là Cử Bịp,  có điều chi nói về Cử Bịp không đây?  Chỉ thuần túy liên quan đến cái bằng cử nhân mà thôi.

 

Luật sư đề nghị bồi thẩm đoàn nhìn vào ám chỉ (a) và (b), cả hai cùng xuất phát từ đoạn 6 của bài viết (nguyên văn: Theo ông, tay đại bịp này còn cao cơ hơn cả anh em Văn Thuổng, Văn Chôm trong phóng sự “Công Ngủ Phiêu Du Ký” của Sáu Lèo đăng trên TVTS trước đây. Bởi vì anh em Văn Thuổng, Văn Chôm có bằng “Đít-lông” (Diplôme, bằng Trung Học) nhưng lại tự xưng mình có bằng “Bắt-ong” (BAC 1, bằng Tú Tài 1), tức là chỉ lên một cấp. Trong khi tay giáo sư đại bịp này “Đít-lông” chưa chắc đã có mà dám tự xưng mình có bằng “Bắt-chó” (Bachelor, tức bằng Cử Nhân), tức là nhảy ít nhất ba cấp. Vì thế những người biết chuyện gọi ông ta là Cử Bịp”.

 

Chú thích của người viết: từ  Cử Bịp được thông dịch viên Âu giữ nguyên tiếng Việt và  chua thêm tiếng Anh trong ngoặc (Cheating Bachelor).

 

Luật sư thưa với bồi thẩm đoàn rằng liên quan đến ám chỉ (b) và nếu họ đọc đoạn 6 vừa nói trên, họ có thể không đồng ý với một số từ trong bài viết, nhưng không thể giả vờ rằng bài viết không nói một cách đáng kể về Cử Bịp.

 

Luật sư đề nghị bồi thẩm đoàn đọc đoạn 10 để xem một độc giả bình thường nghĩ bài báo nói về ai, cảm giác của họ khi đọc hết nó. Những gì còn lại trong đầu người đọc là về  những nhân vật mà họ rất quen thuộc như  những điều nói về ông Clinton, Bob Hawke, Paul Keating. Họ sẽ chú ý đến những chuyện này, dù họ không quên hết cả chuyện trước hoặc chuyện sau.

 

Luật sư đề nghị với bồi thẩm đoàn rằng nếu bài viết có chuyên chở gì về Cử Bịp, thì vì đã dùng ngôn từ dung tục khi cho rằng ông ấy đã nói điều gì đó không thành thực về chuyện bằng Cử Nhân.

 

Liên quan đến câu hỏi 2,  luật sư đề nghị bồi thẩm đoàn nên trả lời NO cho câu 2(a) và đối với câu 2(b) ông cũng muốn trả lời NO, nhưng ông nghĩ là cứ để bồi thẩm đoàn tự tìm ra câu trả lời sau khi ông đã trình bày cho họ những điều trên.

 

* * *

 

Về câu hỏi 3, vấn đề là những ám chỉ đó có mạ lỵ không? Và chỉ trả lời câu hỏi 3 này khi bồi thẩm đoàn đã trả lời YES cho câu hỏi 2.

 

Luật sư nói nguyên tắc luật pháp quan trọng là tính khách quan về ý kiến của một người bình thường suy nghĩ phải chăng mà thuật ngữ luật pháp gọi là “người có suy nghĩ đứng đắn” (right-thinking people).  Sự suy nghĩ này không phải chỉ giới hạn trong một sắc tộc nào đó mà là sự suy nghĩ, sự tin tưởng và các giá trị của toàn thể cộng đồng, khắp nước Úc.

 

Mạ lỵ là gì? Có nghĩa điều gì đó có khuynh hướng làm cho người ta nghĩ nguyên đơn thấp kém đi. Đây không phải là một thử thách trình độ cao hay thấp, mà là sự việc những người trong cộng đồng thường có khuynh hướng suy nghĩ.

 

Luật sư cho thí dụ về chuyện đồng tính luyến ái.  Trước năm 1984, ở tiểu bang này những người dù có đồng thuận quan hệ tình dục đồng tính đi chăng nữa cũng là bất hợp pháp. Nói một ai là đồng tính rõ ràng là mạ lỵ bởi có thể bao trùm ý nghĩa họ có tội vì đã phạm tội hình sự (criminal offences).

 

Năm 1984 luật đã thay đổi. Đồng tính không còn là bất hợp pháp. Đến hôm nay là năm 2004, một số người trong cộng đồng vẫn còn có thể nghĩ nói ai đó đồng tính là mạ lỵ nhưng cũng có những nhóm người trong cộng đồng không còn nghĩ là mạ lỵ khi nói ai đó rằng họ đồng tính.

 

Vấn đề mạ lỵ là vấn đề cốt lõi dành cho bồi thẩm đoàn, những người được mang tới từ cộng đồng và đại diện các quan điểm của cộng đồng. Bồi thẩm đoàn sẽ tự thẩm định xem các ám chỉ này trong bản văn của bài viết khi họ đọc, để xem nó thật sự có khuynh hướng làm cho người ta nghĩ thấp kém về nguyên đơn không.

 

Về câu hỏi 3(a), liên quan đến fraudster (kẻ lừa đảo), luật sư cho rằng qua những trình bày của ông liên quan đến bài viết, ông đề nghị bồi thẩm đoàn trả lời NO.

 

Về câu hỏi 3(b)  liên quan đến chuyện nguyên đơn nổ có bằng cử nhân trong khi trình độ học vấn của ông ta thấp đến 3 cấp, là một lối nói châm chọc, và trong trường hợp này là châm chọc có tính cách mạ lỵ. Nhưng một người bình thường có nghĩ thấp về người khác, hay có khuynh hướng nghĩ thấp về người khác chỉ vì họ nổ không, là quyết định của bồi thẩm đoàn. Nhưng qua sự trình bày của ông, luật sư đề nghị trả lời NO theo căn bản  nổ  (bragging) không là mạ lỵ (defamatory).

 

·         * *

·          

Bây giờ luật sư nói về bài báo thứ hai, các nguyên tắc như vậy cũng được áp dụng. Trong câu hỏi 5 có 4 phần, để xem độc giả khi nhận diện nguyên đơn có thấy các ám chỉ sau đây rằng:

5(a) Nguyên đơn là một tay lừa gạt (deceiver).

 

5(b) Nguyên đơn chôm chĩa chi tiết từ các sách của những người khác để làm nội dung của sách mình.

 

5(c) Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa khi công khai hỗ trợ chính nghĩa Lý Tống không phải vì các lý do yêu nước với tư cách là người Việt Nam mà chỉ vì ích lợi riêng tư.

 

5(d) Nguyên đơn đặt giá bán mỗi cuốn sách $40, đề nghị tặng một nửa tiền bán để hỗ trợ chính nghĩa Lý Tống, không phải vì ông muốn giúp chính nghĩa đó, mà vì ông ta tin rằng, nếu không đề nghị như thế, không ai sẽ trả cho ông ta dù là $5 hay $10 một cuốn.

 

Và nếu các ám chỉ trên đã được chuyển đạt tới người đọc như vậy, được bồi thẩm đoàn xác nhận YES,  thì qua câu hỏi 6, mỗi ám chỉ như vậy có mạ lỵ nguyên đơn không.

 

Về câu hỏi 5(a): Luật sư đề nghị khi vào phòng riêng để nghị luận, bồi thẩm đoàn hãy đọc thật kỹ toàn bộ bài báo thứ hai để xem ám chỉ nguyên đơn là một tay lừa gạt có được chuyển đạt tới người đọc bình thường không.

 

Luật sư McHugh cho rằng lời tuyên bố nguyên đơn là deceiver không có trong bài báo. Luật sư  Evatt của nguyên đơn có cho rằng nó được đề cập ở đoạn 3, nói về việc dùng tên Lý Tống để kiếm tiền, không phải tiền cắc mà là tiền giấy, nhưng chẳng nói gì về sự lừa gạt (deceit), chỉ là đơn giản là kiếm tiền mà người ta có thể không được phép, nhưng lừa gạt là một khái niệm khác.

 

Những đoạn khác được căn cứ  vào, là các đoạn 21, 22 và 23 nhưng luật sư nghĩ không chuyển đạt  ám chỉ nguyên đơn là một kẻ lừa gạt, mà có thể nói về chuyện cuốn sách, về đạo văn hay chuyện khác.

 

Về câu hỏi 5(b): Luật sư cho rằng nếu bồi thẩm đoàn bác bỏ những gì thông dịch viên nói về những cuốn sách (books), bỏ từ này ra,  thì quả thật có sự khác biệt đáng kể trong ám chỉ này. Có sự khác biệt giữa  nói một ai đó chôm chĩa chi tiết hay ý tưởng của  người khác (from other people) và chôm chĩa các sách từ người khác(from somebody else’s books).

 

 

Luật sư cũng lưu ý trong bản dịch đoạn  22 nói “content” – “content pilfered from other people’s books” nhưng trong câu hỏi thì sự ám chỉ lại nói về “details”. Luật sư nói có một sự thay đổi nho nhỏ, tế nhị nhưng lại có một ý nghĩa nào đó, nhất là khi bồi thẩm đoàn trở lại với từ books.

Vì thế, luật sư đệ trình với bồi thẩm đoàn liên quan đến câu hỏi 5(b), họ hãy trả lời NO bởi vì từ books đã không có trong bản văn gốc bằng tiếng Việt.

 

Về hai câu hỏi 5(c) và (5d) ra vẻ xuất phát từ đoạn 22 và 23.

 

Nguyên văn tiếng Việt của đoạn 22: “Có điều Cử Bịp là người ở nơi khác nên không thể đại diện cho hội đồng hương hay ủy ban thăm nuôi Lý Tống của tiểu bang này. Không có “danh”, Cử Bịp bèn tìm cách thủ “lợi”. Thế là cả ngàn cuốn sách với nội dung chôm chĩa, cóp nhặt của người khác, quăng trong một góc “ga-ra” từ mười mấy năm qua vì không ai mua, nay được đem ra phủi bụi để chuẩn bị tái… phát hành. Bán được bao nhiêu, sẽ tặng cho ủy ban thăm nuôi Lý Tống một nửa. Nghe thiệt có lý. Ủy ban thăm nuôi Lý Tống kính phục Cử Bịp hết mình, và không tiếc lời chê các đồng hương ở phương nam có tai như điếc, có mắt như mù, người tài cao đức trọng như núi Thái Sơn ở ngay bên cạnh mà không biết!”.

 

Đoạn 23 viết: “Thời may, có một người đã nhận ra mưu toan “mượn đầu… Lý Tống nấu cháo” của Cử Bịp, và vạch trần cho mọi người cùng thấy: cuốn sách bình thường bán 5, 10 Úc kim không ai thèm mua, nay bán với giá 40 Úc kim và hứa cho Lý Tống một nửa, chắc chắn sẽ có không ít đồng hương nhẹ dạ bỏ tiền ra mua, không ngoài mục đích yểm trợ Lý Tống. Để rồi cứ mỗi cuốn sách bán ra, Cử Bịp sẽ ung dung bỏ túi 20 Úc kim mà lại còn được tiếng thơm, được Lý Tống nhớ ơn suốt đời!”.

 

Trước hết, Luật sư  McHugh đề nghị với bồi thẩm đoàn là họ không thể lấy ra hai ám chỉ từ những giòng trên, và hầu như chỉ có thể có một. Thứ đến đấy là những ám chỉ có quá nhiều từ, dài giòng với nhiều khái niệm trong đó.

 

Trong câu hỏi 5(c): “Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa, khi ông ta công khai hỗ trợ chính nghĩa Lý Tống, không phải vì những lý do yêu nước như là một người Việt Nam, nhưng để thủ lợi riêng”. Như vậy có đến 4 yếu tố (elements) trong câu đó.

 

Đối với câu hỏi 5(d):  trước đây luật sư đã đề nghị với bồi thẩm đoàn rằng nó có tới 5 yếu tố.

Tranh luận của luật sư là làm sao một độc giả bình thường có thể hiểu thấu đáo và rút ra kết luận về một ám chỉ dài dòng và phức tạp như thế sau khi đọc hết cả bài báo. Vì vậy luật sư đề nghị bồi thẩm đoàn không trả lời YES cho cả hai câu hỏi, thay vào đó trả lời NO.

 

Cuối cùng, về câu hỏi 6

 

* * *

 

Người viết dự trù sẽ ngừng loạt bài tường thuật trong số báo tuần này, nhưng do bài viết dài, nên đã được chia làm hai đợt, do đó hy vọng sẽ chấm dứt trong số báo tới.

 

Mời quý độc giả đón xem.