Nguyễn Thuyên kiện TVTS – kỳ 19: Bài diễn văn sau cùng của LS McHugh (tiếp theo)

20 Tháng Một, 2010 | Kiện tụng

 

Thông cáo mời dự hội thảo của Cộng Đồng NVTD-Vic do ông Nguyễn Thế Phong ký

 

Về điểm thứ ba: Người duy nhất được mời tới thuyết trình trong buổi hội thảo được gọi là giáo sư và là nguyên đơn.

 

Luật sư McHugh nói ông không nghi ngờ rằng nguyên đơn đã được mời tới thuyết trình  nhưng như ông đã nói, từ ngữ đã được dùng và nên dùng là từ “giáo sư”  hơn là từ professor.

 

Thật vậy chuyện quan trọng là đã có ít nhất 4 người thuyết trình trong buổi hội thảo trong đó có Ông Nguyễn Thuyên, Ông Nguyễn Thế Phong. Luật sư gọi Nguyễn Thuyên bằng “mister” bởi vì đó là (một) cách ông ta được mô tả trong bản thông cáo. 

 

Ngoài ra còn có Ông Vương Thiên Vũ và Ông Nguyễn Hiệp. Nguyễn Hiệp được mô tả là chủ tịch Hội Cựu Sinh Viên Việt-Úc và vì với quá trình học hành như thế, rất có thể ông ta có bằng cử nhân.

 

Điểm quan trọng ở đây và sẽ trở nên quan trọng khi nói về sự có lý (reasonableness) là ra vẻ chẳng có nhân chứng nào biết những người được nói tới trong thông cáo (trên báo chí) đó. Họ không biết những người đó có bằng đại học hay không, có là giáo viên hay không (teachers).

 

Luật sư không muốn đề nghị bồi thẩm đoàn một cách khẳng định rằng họ (các ông Vũ và Hiệp) được gọi là “giáo sư”, nhưng sẽ không hợp lý khi loại bỏ khả năng có thể họ là giáo sư (Luật sư McHugh dùng từ tiếng Việt giáo sư và phát âm là dao-xư ).

 

Nhưng luật sư nói khi ông đối chất với những nhân chứng của nguyên đơn, cuối cùng họ đồng ý với luật sư rằng họ không biết những người nào trong đó được phép (entitled) được gọi là giáo sư hay không.

 

Về câu hỏi có phải đấy là những sự kiện ngoại vi hay sự kiện chính xác, điều mà luật sư muốn nói với bồi thẩm đoàn là nguyên đơn đã không thuyết phục được họ (tức bồi thẩm) xét về mặt rất có thể (balance of probabilities) rằng ông ta là người duy nhất được gọi là “giáo sư”, được mời tới nói chuyện trong buổi hội thảo.

 

Bây giờ Luật sư mời bồi thẩm đoàn nghe về những lý do cá biệt mà các nhân chứng dựa vào.

 

Luật sư McHugh nói về ông Nguyễn Thế Phong. Khi được Luật sư Evatt hỏi làm thế nào mà nhận diện nguyên đơn là Cử Bịp trong bài báo thứ nhất, ông Phong nói ông ta vịn vào việc nhắc tới “giáo sư”.  Nhưng khi bị đối chất bởi Luật sư McHugh, ông Phong trả lời bởi đơn giản nguyên đơn là người duy nhất trong cộng đồng dùng từ được gọi là “giáo sư”.

 

Ông Phong nói trong buổi hội thảo đó có 3 thuyết trình viên, gồm cả ông Phong và nguyên đơn. Ông Phong đã không nói tên những diễn giả khác.

 

Ông Võ Long Ẩn  khi được (luật sư nguyên đơn) hỏi tại sao nhận diện được nguyên đơn, đã trả lời  bởi ông ấy là người duy nhất được mời để nói trong buổi hội thảo chính trị nhưng như vậy, theo Luật sư McHugh, chưa đủ vì không nhắc tới “giáo sư”.

 

Khi Luật sư McHugh chất vấn, ông Ẩn nói “tôi đã nói một diễn giả duy nhất được gọi là Professor Thuyên”. Nhưng khi Luật sư McHugh nói trong bài báo thứ nhất đã không nói “Professor Thuyên”, thì ông Ẩn đồng ý như vậy.

 

Ông Ẩn ban đầu nói chỉ có những diễn giả là nguyên đơn và ông Phong. Hỏi lại có phải chỉ từng ấy người nói không, ông Ẩn trả lời đúng vậy.

Rồi khi Luật sư McHugh nhắc đến tên  hai ông Nguyễn Hiệp và Vương Thiên Vũ, ông Ẩn đồng ý ông Nguyễn Hiệp có nói và ra vẻ đã loại bỏ việc ông Vương Thiên Vũ có thuyết trình.  Khi bị luật sư hỏi liên tiếp, ông Ẩn nói ông Vương Thiên Vũ không thuyết trình trong đêm đó.

 

Luật sư McHugh cho rằng có bao nhiêu người thuyết trình trong buổi hội thảo là điều quan trọng, cũng như các nhân chứng có đủ tư cách không để đưa ra nhận định ai được gọi hay không được gọi là “professor”. Ông Ẩn tới dự buổi hội thảo đó mà không nhờ thông tin từ bản thông cáo.

 

Luật sư đề nghị với bồi thẩm đoàn rằng họ không thể loại bỏ những người khác một cách hợp lý trừ khi họ biết những người đó  là ai, biết đủ rõ về những người đó để có một nhận định chung cuộc.

 

Lương Minh Hương khi được (luật sư của nguyên đơn) hỏi,  trả lời chỉ có 2 thuyết trình viên và lý do bà nhận diện được nguyên đơn bởi ông ta là người duy nhất là giáo sư được mời tới buổi hội thảo.

 

Khi bị Luật sư McHugh chất vấn, bà nói bà không có mặt trong buổi hội thảo nên không biết những diễn giả kia là ai. Hỏi có biết Nguyễn Hiệp và Vương Thiên Vũ không, bà Hương nói không biết gì về họ. Bà cũng không biết họ có được gọi là “giáo sư” hay không. Bà cũng không nhớ có đọc bản thông cáo không, đọc trước hay sau khi xem bài viết của báo TVTS.

 

Luật sư McHugh nói chuyện này dễ hiểu vì bà Hương không đi dự buổi hội thảo và thông tin mà bà có được do từ bản thông cáo (bằng chứng H từ một tờ báo Việt ngữ) và tên ông Phong không có trong thông cáo này.

 

Ông Trần Hiền  trả lời Luật sư Evatt lý do ông ta nhận diện nguyên đơn vì ông đọc thông cáo nói “Giáo sư Thuyên” sẽ nói chuyện  về cuộc đấu tranh của cộng đồng. Khi bị Luật sư McHugh đối chất, ông Hiền nói ông không biết cả hai ông Vương Thiên Vũ và Nguyễn Hiệp và cũng không biết họ có là giáo viên (teachers) hay có bằng đại học không, và đồng ý rằng tất cả những gì ông ta biết là do từ thông cáo (đăng trên báo chí).

 

Luật sư McHugh cho biết theo những gì ông nhớ được, ngoại trừ ông Phong và ông Ẩn, tất cả những nhân chứng khác đều đã thật sự không đến dự buổi hội thảo và ra vẻ họ chỉ nhờ cậy vào việc đọc cái thông cáo.

 

Nhân chứng chót là Đào Dũng cũng nói như vậy mặc dầu ông ta có nói sau năm 2002 ông ta có gặp ông Vương Thiên Vũ.

 

Luật sư đề nghị với bồi thẩm đoàn không có lý lẽ nào mà các nhân chứng đưa ra xem hợp lý hoàn toàn. Chẳng hạn các nhân chứng nói họ không biết gì về các diễn giả khác, nhưng họ sẵn sàng nói các diễn giả này không thể hay không là “giáo sư” hay “professor”.

 

Luật sư McHugh muốn nhắc lại với bồi thẩm đoàn một vài điểm mà ông có nói qua, nhưng cũng có những điểm lại hơi khác và đó là những lý do mà họ sẽ không thể được thuyết phục một cách hợp lý để nhận diện nguyên đơn như là Cử Bịp.

 

Điểm trước tiên là “giáo sư” và đấy là một diện người rất rộng (trong xã hội) bởi chính ông Nguyễn Thế Phong khi làm chứng đồng ý rằng có khá nhiều người có thể được quyền gọi họ là “giáo sư”.

 

Điểm thứ hai là có đến 4 diễn giả nói trong buổi hội thảo và các nhân chứng không biết các diễn giả được quyền được gọi như thế nào.

 

Điểm tiếp theo cũng liên quan đến “giáo sư” mà bồi thẩm đoàn còn nhớ, khi làm chứng, nguyên đơn (Nguyễn Thuyên) nói ông ta là một giáo viên trung học (high school teacher). Bà Lương Minh Hương cũng đồng ý nguyên đơn chưa bao giờ là giáo sư đại học (univesity professor).

 

Luật sư nói nếu bồi thẩm đoàn còn nghi ngờ gì trong đầu  óc rằng “giáo sư” có nghĩa là professor theo nghĩa hẹp tức là một giáo sư đại học, thì rõ ràng đã không có sự ám chỉ về nguyên đơn.

 

“Giáo sư” trong trường hợp của nguyên đơn, căn bản thuộc về nghĩa rộng  chứ không phải nghĩa hẹp.

 

Một điểm khác nảy sinh trong bài viết là cái bằng cử nhân. Đã không có ai tranh cãi cái bằng cử nhân của nguyên đơn. Tòa đã được trình cho thấy cái tài liệu từ Việt Nam tức là cái  Chứng Chỉ Tạm  trong khi chờ đợi Bộ Giáo Dục (cấp bằng chính). Luật sư không muốn nói cách khác hay nói ngược lại (tức phủ nhận) chuyện bằng cấp của nguyên đơn.

 

Nhưng luật sư nói bồi thẩm đoàn còn nhớ ông Nguyễn Thế Phong khi làm chứng nói khi đọc bài báo, ra vẻ bài báo nói Cử Bịp không có bằng cử nhân. Bằng chứng Exhibit B  mô tả tay giáo sư đại bịp như sau (luật sư đề nghị với bồi thẩm đoàn dịch teacher này là great cheater hay skilful cheater thay vì dịch blatant fraudster professor):

 

Trong khi tay giáo sư đại bịp này “đít lông” (diplome) chưa chắc đã có mà dám tự xưng mình có bằng “Bắt-Chó” (bachelor, tức bằng Cử Nhân), tức là nổ ít nhất 3 cấp cao hơn trình độ học vấn của ông ta. Vì thế những người biết chuyện gọi ông ta là Cử Bịp (Cheating Bachelor)”.

 

(Chú thích của người viết: Ông Xuong Dich Au phiên dịch viên của nguyên đơn khi dịch đã giữ nguyên cụm từ  Cử Bịp bằng tiếng Việt và chú thích bên cạnh chữ Anh trong ngoặc Cheating Bachelor,  tức là người nổ có bằng cử nhân mà không có bằng cử nhân nên mới gọi là Cử Bịp).

 

Luật sư McHugh nói câu văn của bài viết nói Cử Bịp không có bằng cử nhân, là điều trái ngược đối với sự thật về bản thân của nguyên đơn bởi vì ông ta có bằng cử nhân và những người ra làm chứng về đề tài này đều nói nguyên đơn có bằng cử  nhân.

 

Vì lý do này, luật sư đề nghị với bồi thẩm đoàn thật không hợp lý khi nghĩ rằng nguyên đơn là Cử Bịp, đó là điều chắc chắn nếu bồi thẩm đoàn đọc đoạn văn đó theo cách như thế.

 

Một điều khác mà luật sư muốn nói là chính ông Nguyễn Thế Phong nói những điều bài báo viết về Cử Bịp là những điều mà ông Phong nghĩ nguyên đơn đã không làm. Ngoài ra,  những nhân chứng khác, dù họ là bạn hay đồng nghiệp, khi làm chứng đã nghĩ khác về nguyên đơn so với hình ảnh của một người được mô tả như Cử Bịp.

 

Vì lý do đó, luật sư trình với bồi thẩm đoàn rằng một độc giả bình thường khi biết nguyên đơn, những việc ông ta đã làm, thật sẽ chậm chạp (tức không kết luận ngay) để cho rằng nguyên đơn là Cử Bịp.

 

Và điểm cuối cùng trong bài báo thứ nhất là trong đó Cử Bịp được mô tả là vị “giáo sư xuất chúng lỗi lạc” được ông Xuong Dich Au dịch là “an oustanding and talented professor”. Luật sư McHugh nhớ hình như Luật sư Evatt của nguyên đơn nói  cái ngoặc kép (trong  cụm từ tiếng Việt đó) muốn nói lên sự tiêu cực, bi quan của vấn đề.

 

Luật sư đề nghị bồi thẩm đoàn rằng nếu họ nhìn vào cái thông cáo (Exhibit H) và bản dịch cái thông cáo (trên báo chí), họ sẽ không thấy nguyên đơn được mô tả là một vị giáo sư xuất chúng lỗi lạc  gì cả.

 

 

Vì thế, những ai căn cứ vào cái thông cáo nói về buổi hội thảo,  thì chỉ biết qua cái thông cáo đó nguyên đơn là một “giáo sư”, thế thôi. Họ có thể biết và đánh giá nguyên đơn là một giáo viên (teacher) giỏi hay tồi hay gì khác, nhưng không thể nối kết sự mô tả Cử Bịp là một vị “giáo sư xuất chúng lỗi lạc” với bằng chứng H (thông cáo) được.

 

Luật sư  đệ trình với bồi thẩm đoàn khi cứu xét tất cả những bằng chứng đó, liên quan đến việc trả lời cho câu hỏi 1, xin họ ghi nhớ rằng nguyên đơn phải thực sự thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng  các nhân chứng đã có lý khi nhận diện Cử Bịp khi cân nhắc những điều có thể chấp nhận được, có thể xảy ra (on the balance of probabilities).

 

Đây là nói về bài báo thứ nhất mà luật sư cho rằng ngay cả khi bồi thẩm đoàn chấp nhận tất cả các nhân chứng nghĩ rằng đấy là nguyên đơn, thì cũng còn một câu hỏi khác đặt ra là bồi thẩm đoàn có nghĩ nó hợp lý một cách khách quan không, và đó là vấn đề để bồi thẩm đoàn quyết định liên quan đến bằng chứng.

 

Bây giờ Luật sư McHugh nói tới câu hỏi 4 (dành cho bồi thẩm đoàn) liên quan đến bài báo thứ hai.

 

Luật sư nói ông sẽ tuần tự làm như thế, nhưng hy vọng nhanh và ngắn hơn.

 

Câu hỏi 4 như sau: Nguyên đơn đã có xác lập rằng bài báo ngày 5 tháng 6 đã phát hành cho ít nhất một người đã nhận diện nguyên đơn không.

 

Có hai vấn đề mà luật sư muốn trình với bồi thẩm đoàn. Họ đã nghe hết các bằng chứng và đấy là quyền của họ để chấp nhận toàn bộ, từng phần,  hay tất cả của một nhân chứng, hay không chấp nhận tất cả. Luật sư muốn đề cập về sự đáng tin cậy (credit).

 

Vấn đề thứ hai là những lý do hợp lý (reasonable grounds), là cái nhìn khách quan hợp lý các bối cảnh mà một ai khác ngoài những nhân chứng có thể có.

 

Luật sư McHugh nói Luật sư Evatt của nguyên đơn dựa vào 2 lý do, là hai sự kiện ngoại vi, đó là việc xuất bản và bán cuốn sách giá $40, và bán cuốn sách lấy tiền ủng hộ Lý Tống.

Điểm mấu chốt là cuốn sách tái bản lần thứ hai mà nguyên đơn nói phát hành vào dịp Giáng Sinh 2000.

 

Nguyên đơn trả lời với luật sư của ông rằng ông bán và tặng tiền bán cuốn sách để giúp Lý Tống đang ở tù qua một buổi gây quỹ.

 

Ông Trần Hiền nói buổi gây quỹ xảy ra đâu đó vào dịp Ngày Quân Lực mà ngày này chính thức là ngày 19.6.2002.

 

Ông Đào Dũng cũng nói vậy. Cả hai ông này nói họ có đi dự. Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Phong cho rằng buổi gây quỹ đó diễn ra vào  tháng 2 năm 2000 và ông Phong tin rằng ông không nhớ sai.

 

Luật sư McHugh cho rằng nếu bồi thẩm đoàn chấp nhận việc nguyên đơn (Nguyễn Thuyên) nói cuốn sách phát hành vào Giáng Sinh 2000 thì thật khó cho ông Phong đi dự buổi gây quỹ vào tháng 2 năm 2000. Và luật sư đề nghị với bồi thẩm đoàn chỉ có một buổi gây quỹ mà thôi.

 

Luật sư cũng lưu ý bồi thẩm đoàn là những nhân chứng tham dự buổi gây quỹ đó đều nói tất cả tiền bán sách đều cho Lý Tống, chứ không phải một nửa. Đó là sự kiện cơ bản, không thể tranh luận. Nhưng vấn đề là thời gian.

 

Ông Nguyễn Thế Phong nói ông dựa vào việc ông mời nguyên đơn thuyết trình để nhận diện, nhưng buổi hội thảo đó đã không được nhắc tới trong bài báo thứ hai. Ông Phong cũng từng nói với luật sư của nguyên đơn rằng ông ta căn cứ vào tựa của cuốn sách nhưng luật sư nguyên đơn chỉ cho ông Phong thấy trong bài viết thứ hai đã không nói về tên cuốn sách và ông Phong đã đồng ý với luật sư của nguyên đơn (tức Nguyễn Thuyên) là ông Phong sai về chuyện cái tựa sách.

 

Liên quan đến bài báo thứ hai, ông Võ Long Ẩn nói “bởi ông ấy là người duy nhất tặng 500 cuốn sách” nhưng ông Ẩn cũng đã không  nhớ buổi gây quỹ đó có xảy ra vào tháng 6 năm 2002 không.

 

Lương Minh Hương nói lý do bà nhận diện nguyên đơn vì cuốn sách liên hệ đến buổi gây quỹ và liên hệ bằng cách nói ngay đó là “Professor Thuyên”. Bà Hương nói bà nhớ có đi dự buổi gây quỹ vào mùa đông, nhưng sau đó rút lời, vì mùa đông sẽ giúp luật sư trong việc tranh luận, bởi mùa đông là tháng 6 hay tháng 7.

 

Ông Trần Hiền  căn cứ vào buổi gây quỹ và đồng ý nó xảy ra và khoảng tháng 6. Ông Đào Dũng nói sau khi đọc bài báo thứ nhất, đã tiếp tục theo dõi để xem còn viết gì về nguyên đơn nữa không.

 

Luật sư trình bày với bồi thẩm đoàn trong khi ông Phong nhầm lẫn hai bài báo với nhau, ông Đào Dũng lại canh chừng để xem chuyện của nguyên đơn, thì rõ ràng tất cả những người này đều có khó khăn chung là vấn đề thời gian. Luật sư đề nghị buổi gây quỹ xảy ra vào ngày 19 tháng 6, và như vậy phải xảy ra sau khi bài báo thứ hai lưu hành.

 

Luật sư đọc lại bài báo nói đại khái “Thua keo này bày keo khác. Nhận thấy mình không còn có thể bịp được ai ở tiểu bang nhà, Cử Bịp bị gậy lên phương bắc… đã đạt kết quả”.  

 

Hoặc “Thế là cả ngàn cuốn sách với nội dung chôm chĩa, cóp nhặt của người khác… Bình thường không ai thèm mua sách ông ta…”

 

Luật sư nói tất cả những điều vừa kể là chuyện xảy ra trong quá khứ. Bài báo thứ hai phát hành vào ngày 5 tháng 6 nói về một chuyện đã xảy ra trong quá khứ trong khi buổi gây quỹ diễn ra đâu đó vào ngày 19 tháng 6. Vì vậy, luật sư đề nghị không thể nào nhận diện nhân vật Cử Bịp trong bài báo thứ hai được.

 

Điểm kế tiếp là tình trạng cư trú của nguyên đơn  ở Victoria.

 

Bài báo nói Cử Bịp bị gậy lên phương bắc, có nghĩa có thể lên đâu đó ở Queensland, phía bắc nước Úc và dọn nhà đi luôn không trở về nữa trong khi nguyên đơn (Nguyễn Thuyên) nói ông ta luôn luôn ở Melbourne và từ năm 2002 thường đi lên Sydney.

 

Luật sư cũng lưu ý là nguyên đơn nói ông đã đi lên Sydney từ năm 1996 nhưng gần đây đi nhiều hơn và khi lên Sydney thì ở trong nhà nhân chứng Trần Hiền, như vậy nó không giống với một người bỏ hẳn Victoria, dọn nhà lên phía bắc tới New South Wales và cũng có thể là Queensland nữa.

 

Và một chuyện khác nữa mà nếu kết hợp với nhau, luật sư thấy cũng không hợp lý trong vấn đề nhận  diện, đó là trong khi bài viết nói Cử Bịp giữ lại một nửa số tiền bán sách nhưng nguyên đơn và các nhân chứng của nguyên đơn nói tất cả (hoặc một trăm phần trăm) tiền bán sách đều cho Lý Tống.

 

Chính ông Nguyễn Thế Phong khi được luật sư hỏi đã đồng ý bài báo về chuyện tiền bán sách hoàn toàn khác với những gì mà ông Phong biết.

 

Vì vậy, liên quan đến câu hỏi 4, Luật sư McHugh đề nghị bồi thẩm đoàn nên xem có hợp lý không (reasonable) khi các nhân chứng nói họ có thể nhận diện Cử Bịp là nguyên đơn.

 

(Còn nữa)