Nguyễn Thuyên kiện TVTS về mạ lỵ – kỳ 16: Diễn văn kết thúc của luật sư của các bị đơn

14 Tháng Mười Hai, 2009 | Kiện tụng

 

 

Nguyễn Thuyên, tác giả  Bộ Mặt Thật của HCM (cuốn sách bị tố cáo là đạo văn).

Hình của TVTS, chụp đầu thập niên 1990 

 

Ngày Thứ Hai đầu tuần. Các luật sư hai bên và quan tòa thảo luận một số vấn đề liên quan đến thủ tục và sau đó bồi thẩm đoàn được mời vào phòng xử. Luật sư  McHugh của các bị đơn (tức TVTS) bắt đầu bài diễn văn của ông.

 

Luật sư McHugh nói với bồi thẩm đoàn ông sẽ chia vấn đề bằng chứng (evidence) thành hai đề tài. Thứ nhất là bài dịch, thứ hai là bằng chứng về sự nhận diện.

 

Nhưng trước hết ông muốn nhấn mạnh với bồi thẩm đoàn về một trong những vấn đề quan trọng mà chính bồi thẩm đoàn sẽ cứu xét, đó là sự hợp lý, có lý (reasonableness): sự hợp lý về nhận diện, sự hợp lý để xem các ám chỉ đó đã có chuyển đạt không.

 

Câu hỏi 2 dành cho bồi thẩm đoàn có nói đến một độc giả bình thường có đầu óc hợp lý (ordinary reasonable reader). Theo luật sư, vấn đề là khi một người độc giả bình thường đọc bài viết, họ có nhận diện được nguyên đơn như là sự đương nhiên, mà vấn đề họ có làm một cách hợp lý hay không bởi vì bồi thẩm đoàn trong những ngày qua đã được nghe nhiều sự làm chứng nói về chuyện họ nghĩ và những chuyện họ hiểu và những gì mà họ tin khi họ đọc.

 

Tại sao hai bị đơn không ra làm chứng?

 

Ngoài ra, còn một vấn đề khác không kém quan trọng, đặc biệt là hôm Thứ Sáu vừa qua khi Luật sư Evatt nói về việc ông McHugh đã không kêu nhân chứng ra. Luật sư McHugh lưu ý bồi thẩm đoàn rằng ai là người có trách nhiệm phải trưng ra bằng chứng. Nguyên đơn phải có trách nhiệm chứng minh và bồi thẩm đoàn phải thỏa mãn, chấp nhận các bằng chứng của các nhân chứng trước khi quyết định trả lời câu hỏi 1.

 

Bên bị đơn có quyền chứng minh, có quyền phản bác bên nguyên. Và đấy là lý do ông muốn dùng việc mở đầu bài diễn văn hôm nay để nói về bài diễn văn kết thúc mà ông Evatt cho rằng rất quan trọng khiến ông McHugh muốn nói sau.

 

Luật sư  McHugh không phủ nhận tầm quan trọng của việc nói sau cùng bởi vì bị đơn cần phải biết rõ nguyên đơn sẽ nói gì với bồi thẩm đoàn.

 

Thông thường, nguyên đơn là người thưa kiện thì phải nói trước. Tuy nhiên đặc điểm của hệ thống luật lệ ở đây là nếu bị đơn không gọi nhân chứng, bị đơn sẽ là người nói sau cùng. Luật sư McHugh cho rằng vì thân chủ ông bị kiện, dĩ nhiên ông muốn biết nguyên đơn nói gì trước.

 

Một chuyện khác nữa là tại sao ông đã không gọi hai thân chủ của ông  –chủ bút và ký giả bài báo ngồi sau lưng ông trong suốt phiên tòa–  ra làm chứng. Ông không muốn hướng dẫn bằng chứng để xem các bị đơn muốn ám chỉ ai vì đấy là vấn đề khách quan.

 

Điều này có nghĩa, trước hết một độc giả đã nghĩ gì, họ nghĩ ai là Cử Bịp? Thứ đến, có hợp lý đối với họ khi nhận diện nguyên đơn không?

 

Về vấn đề này, chủ ý chủ quan của tác giả bài viết thật sự không có quan hệ. Vì thế Luật sư McHugh nghĩ các thân chủ của ông không có gì để có thể làm chứng về những chuyện liên quan.

 

Chẳng hạn qua các cuộc làm chứng, đã không có chứng cớ gì cho thấy các thân chủ của ông đã tham dự buổi thảo luận ở Melbourne hay buổi gây quỹ ở Sydney và như vậy ông không biết họ sẽ trả lời ra sao về những vấn đề liên hệ đó.

 

Vì vậy ông đề nghị bồi thẩm đoàn hãy bỏ qua một bên việc các thân chủ của ông có được hay không được kêu ra làm chứng mà hãy tập trung vào nhiệm vụ của họ là đánh giá những bằng chứng mà họ có từ  các nhân chứng của nguyên đơn.

 

Thực chất (1)

 

Trong vụ kiện này, danh từ  imputation (2) được nói tới rất nhiều lần, có thể được dịch là quy kết, ám chỉ. Luật sư  McHugh nghĩ rằng Luật sư Evatt hay quan tòa có thể đã nói rằng imputation là một từ khác của meaning (có nghĩa), và đúng là như vậy, bởi vì nguyên đơn trình cho bồi thẩm đoàn cái ý nghĩa mà các bài báo chuyên chở, theo sự suy nghĩ của nguyên đơn. Bị đơn không có sự lựa chọn mà chỉ tranh luận những ý nghĩa, ám chỉ mà nguyên đơn đưa ra cho bồi thẩm đoàn.

 

Luật sư McHugh xin bồi thẩm đoàn lưu ý về đoạn văn  trong câu hỏi 2: “imputations or imputations not substantially different thereform.” (tạm dịch: các ám chỉ hay các ám chỉ không khác nhau về thực chất so với (những điều) sau đây”.

 

Thực chất mới quan trọng, chứ không phải cái chữ được viết ra. Điều đó có nghĩa nếu có hai chữ hơi khác nhau nhưng cùng chuyên chở một ý nghĩa (meaning) thì được, nhưng nếu ý nghĩa khác nhau, thì khi trả lời các câu hỏi bồi thẩm nên trả lời No.

 

Ông đưa ra thí dụ về trường hợp một người bị tố cáo ăn cắp ở siêu thị Coles nhưng thật ra lại ở Woolworths. Bồi thẩm đoàn có thể thấy chẳng có sự khác biệt về thực chất của vụ ăn cắp này, nhưng sẽ có sự khác biệt đáng kể về thực chất giữa việc ăn cắp ở Coles và tiệm nữ trang Tiffany.

 

Một trong những ám chỉ mà ông trình với bồi thẩm đoàn  thực chất của một chữ trong câu hỏi 5(b) rằng “The plaintiff pilfered details from other people’s books for the contents of his own book”. (Nguyên văn câu tiếng Việt của tác giả Lão Ngoan Đồng: Thế là cả ngàn cuốn sách với nội dung chôm chỉa, cóp nhặt của người khác).

 

Luật sư McHugh nói ông thông dịch viên (Xuong Dich) Âu  đồng ý không có từ “books” trong bản tiếng Việt nhưng do ông thêm vào. Luật sư đề nghị đó là một vấn đề về thực chất rất quan trọng vì nó chuyên chở ý niệm những cuốn sách (books).

 

Theo luật sư, vấn đề là sau khi bồi thẩm đoàn  hoàn tất nhiệm vụ, ở một phiên tòa khác nguyên đơn phải biện hộ các ám chỉ là sự thật. Bởi vậy bồi thẩm đoàn phải tự hỏi đấy là ám chỉ nguyên đơn chôm chỉa cuốn sách của một người, lấy ý tưởng của một người, hay là một người liên tục chôm chỉa ý tưởng, chi tiết, thông tin, từ nhiều cuốn sách của nhiều người khác?

 

Luật sư nói ông sẽ trở lại vấn đề này khi tới phần làm chứng của ông Âu. Rồi cũng như Luật sư Evatt đã làm trước đây,  Luật sư McHugh giải thích cho bồi thẩm đoàn vai trò của họ trong tiến trình vụ xử, vai trò của ông quan tòa v.v…

 

Luật sư McHugh nói sau khi ông kết thúc bài diễn văn, ông quan tòa sẽ tóm lại các bằng chứng và quyết định là hoàn toàn của bồi thẩm đoàn căn cứ trên các sự kiện được trình trước tòa. Các luật sư Evatt và McHugh chỉ cố gắng để thuyết phục bồi thẩm đoàn mà thôi.

 

Luật sư McHugh nói quyết định của bồi thẩm đoàn rất là quan trọng, ảnh hưởng toàn bộ vụ kiện tụng: hoặc là vụ kiện sẽ chấm dứt tại đây hay sẽ diễn ra ở một phiên tòa thứ hai.

Luật sư McHugh cho biết có 5 vấn đề mà bồi thẩm phải đối phó:

 

– sự  phiên dịch,

 

– thật ra có độc giả nào nhận diện nguyên đơn là Cử Bịp không,

 

– sự nhận diện đó có hợp lý không,

 

– thật ra các ám chỉ đã có được chuyên chở trong các bài báo không,

 

– các ám chỉ mà bồi thẩm đoàn đã tìm thấy là đã được chuyên chở trong các bài viết, có mạ lỵ không.

 

Và cũng như Luật sư  Evatt, Luật sư McHugh nói về vai trò đại diện của bồi thẩm đoàn cho cộng đồng tại phiên tòa này để nghe và phán xét căn cứ vào lẽ thường (commonsense).

 

Độc giả có đầu óc bình thường

 

Một đề tài mà Luật sư McHugh muốn trình với bồi thẩm đoàn là độc giả có đầu óc bình thường (ordinary reasonable reader) mà Luật sư Evatt đã cho rằng là một người có tính cách giả thuyết, nhưng theo ông, trên thực tế không có một người nào hội đủ điều kiện để trở thành một người hoàn toàn đúng với người mà luật pháp nói “độc giả có đầu óc bình thường” đó.

 

Và luật sư giải thích một người có đầu óc bình thường đó là một người trung bình trong cộng đồng, giống như bất cứ một người nào trong bồi thẩm đoàn hay ngoài đường phố, nhưng quan trọng hơn hết là người đó phải không có thành kiến.

 

Theo Luật sư McHugh, có vài tính chất mà một người có đầu óc bình thường có:

 

– Người này có cùng kiến thức về chuyện cộng đồng, ngôn ngữ và những vấn đề giống như những người khác trong cộng đồng.

 

Nhưng chuyện này có thể khó, không tự nhiên và không thật đối với bồi thẩm đoàn. Chẳng hạn như khi đọc bài báo thứ hai về Lý Tống, nói về việc ông ta không tặc, bị bỏ tù, về chuyện người trong  cộng đồng nghĩ gì về ông ta, như có vài nhân chứng nói ông ta là anh hùng v.v… là những chuyện mà bồi thẩm đoàn nên bỏ ngoài tai khi phải đối phó về sự ám chỉ, bởi người bình thường trong cộng đồng sẽ không biết tất cả những chuyện đó liên quan đến Lý Tống.

 

Luật sư McHugh tiếp tục giải thích về độc giả có đầu óc bình thường và đưa ra thêm các ví dụ để bồi thẩm đoàn khi đọc các bài báo với mục đích trả lời các câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi về nhận diện, là vấn đề quan trọng trong vụ xử này.

 

Theo ông, càng có nhiều sự kiện ngoại vi (extrinsic facts) càng thu hẹp lại thành phần người và như vậy càng dễ nhận diện một cách hợp lý. Ông cũng nhắc lại nguyên tắc luật pháp là nguyên đơn có nhiệm vụ đưa ra vụ việc, chứng minh và thuyết phục bồi thẩm đoàn. Bị đơn không phải làm gì cả, không cần chứng minh chuyện gì, cả không cần thuyết phục nữa mặc dầu luật sư nói ông sẽ cố gắng thuyết phục.

 

Luật sư McHugh nói còn một mặt khác của vấn đề mà ông sẽ nhắc đi nhắc lại là bồi thẩm đoàn phải được thuyết phục căn cứ và sự cân bằng của những sự có thể (balance of probabilities), nghĩa là bồi thẩm đoàn phải cảm thấy thuyết phục rằng những câu trả lời sẽ là Yes trước khi trả lời.

 

Sự kiện và sự tin tưởng

 

Bây giờ Luật sư McHugh nói về các sự kiện và trước hết là bằng chứng B, bản dịch của ông Âu. Nhưng trước hết, luật sư muốn nói về sự tin tưởng (credit), sự tin tưởng có ý nghĩa như thế nào đối với bằng chứng của các nhân chứng, ý niệm khả tín (credibility) và sự tin tưởng trong luật pháp, đó là mệnh đề để bồi thẩm đoàn chấp nhận hay bác bỏ bằng chứng của nhân chứng.

 

Luật sư cho rằng không cần phải nghĩ rằng một nhân chứng đang nói dối để bác bỏ bằng chứng của họ. Có nhiều loại lý do để bác bỏ, chẳng hạn như bồi thẩm nghĩ rằng nhân chứng không có trí nhớ tốt và chắc chắn một vài người trong nhóm làm chứng đã có vấn đề khi nhớ lại các câu chuyện. Bà Lương Minh Hương là người có vấn đề lớn trong ngày thứ hai khi làm chứng với trí nhớ của bà ta.

 

Một lý do thứ hai để bồi thẩm đoàn có thể không chấp nhận lời chứng vì có sự bất nhất nội tại trong lời chứng của một người làm cho bồi thẩm cảm thấy hơi không thỏa mãn và do đó miễn cưỡng chấp nhận. Chẳng hạn thấy rằng có những bản khai bất nhất với những bản khai mà họ làm trong một thời gian khác hay với những chuyện mà họ viết cho người khác.

 

Bồi thẩm đoàn cũng có thể nghĩ là một nhân chứng bị rối trí và đấy là lý do để bác bỏ. Hay bằng chứng của một nhân chứng thật ra xuất phát từ một người khác nói cho nhân chứng. Luật sư McHugh đề nghị với bồi thẩm đoàn liên quan đến chuyện này là bản khai tập thể và vài bản khai khác về sau  mà các nhân chứng làm ra vẻ phát xuất từ ông luật sư (Lê Đình) Hồ.

 

Ông Hồ không ra làm chứng trong vụ này nhưng bồi thẩm đoàn có thể nhớ bất cứ mỗi một nhân chứng ra làm chứng cho nguyên đơn, trừ trường hợp thông dịch viên Âu, đều chỉ ông Hồ và nói ông ta là nguồn của những chi tiết quan trọng liên quan đến ngày tháng. Đó là những lý do mà theo  luật sư, bồi thẩm đoàn có thể bác bỏ bằng chứng của một người.

 

Rồi luật sư nhắc nhở về các sự kiện ngoại vi để một sự nhận diện được coi là hợp lý như một người khi nhận diện nguyên đơn phải biết những sự kiện ngoại vi vào lúc họ đọc bài báo, bởi nếu sự hiểu biết đó xảy ra sau khi bài báo xuất bản thì có thể nói chưa đủ để nhận diện.

 

Luật sư McHugh nói ngày tháng rất quan trọng đặc biệt trong vụ này bởi bài viết nói về những sự kiện  cá biệt và rõ ràng, chẳng hạn một cuộc hội thảo được tổ chức trong một ngày nào đó, một buổi gây quỹ mà luật sư đề nghị với bồi thẩm đoàn là nó xảy ra sau ngày báo phát hành, vì bài báo ra ngày 5 tháng 6 trong khi buổi gây quỹ ra vẻ diễn ra ngày 19 tháng 6. Chừng đó thôi, ông nghĩ là bồi thẩm đoàn có thể bác bỏ căn cứ vào sự hợp lý (reasonableness). Luật sư nói chính vì vậy mà bồi thẩm đoàn đã nghe ông chất vấn các nhân chứng rất lâu về các chi tiết mà thật ra rất quan trọng trong vụ này.

 

Luật sư lại nói về sự tin tưởng: bồi thẩm đoàn không phải bác bỏ toàn bộ bằng chứng của một nhân chứng. Họ có thể chấp nhận một phần, chấp nhận bằng chứng của người này nhưng về một điểm nào đó thấy nó xung đột với người kia; thích nhân chứng này hơn về điểm này; nói chung tất cả đều do bồi thẩm đoàn quyết định.

 

Ông muốn đưa vấn đề tin tưởng đối với thông dịch viên Âu, rằng khi họ nghe ông Âu làm chứng họ có cảm tưởng ông ta miễn cưỡng để nhượng bộ,  nhượng bộ một cách hợp lý. Trong vài trường hợp, ông khư khư giữ một số lập luận, thỉnh thoảng thay đổi lời chứng của ông ta về một số điểm. Ông ta rõ ràng rất giáo điều trong cung cách làm chứng.

 

Luật sư đưa ra thí dụ về việc ông miễn cưỡng nhượng bộ trong việc cụm từ “đại bịp” có thể được dịch thành “great cheater” hay không.

 

Ban đầu ông Âu  hoàn toàn chống đối, nhưng sau đó ông đi vòng vòng và nói có thể được. Ông đưa ra một loạt câu trả lời mà xem ra không phải trả lời câu hỏi, ông ta hơi lý luận, muốn thêm điều này nọ để biện minh và giải thích kết luận của ông ta. Đó là chuyện bình thường đối với con người, nhưng đến lúc nào đó, đã vượt qua lằn ranh để trở thành một trạng sư, một người biện hộ (advocate) hơn là một chuyên gia độc lập làm chứng.

 

Ông McHugh nói bồi thẩm chắc còn nhớ trong một lúc nào đó khi làm chứng ông Âu đã từng nói cụm từ “the worst kind of fraudster” có nghĩa nhiều hay ít giống “great cheater”, nhưng sau đó ông ta đổi ý rút lại lời. Rồi ông ta không chấp nhận ông ta đã đổi ý. Luật sư nói ông rất ngại phải đọc nhiều trang của biên bản của tòa vì e rằng bồi thẩm đoàn phải ngồi thêm bốn ngày nữa, nhưng đến một lúc nào đó ông lại sẽ đọc ra từ biên bản.

 

Sau vấn đề sự tin tưởng, luật sư muốn nói về phương pháp luận (methodology)  mà ông Âu dùng trong việc dịch thuật.

 

Ông Âu nói rằng dịch là một nghệ thuật và như vậy là nói về sự giải thích, diễn dịch (interpretation). Luật sư  muốn đề nghị với bồi thẩm đoàn rằng ông Âu đã đi quá xa lãnh vực diễn dịch một cách hợp pháp (legitinate interpretation) với mục đích là phiên dịch, mà đã đi vào lãnh vực diễn dịch theo ý cá nhân ý nghĩa căn bản của các bài báo này.

 

Luật sư nói ông Âu đã vượt qua lằn ranh khi ông ta đồng ý với luật sư rằng ông đã cố gắng tìm cho ra những ý nghĩa tiềm ẩn, dấu kín, một chuyện mà ông cho là quan trọng. Ông dựa vào những cảm xúc mà người ta có khi đọc. Ông Âu cũng đồng ý là ông đã cố gắng để tìm cho ra cái gì ẩn tàng trong bài báo khi dịch và như vậy ông đã thêm từ “books” trong việc dịch bài báo thứ hai.

 

Luật sư muốn nhắc lại với bồi thẩm ông Âu là người quyết đoán (dogmatic), trở thành người thích biện hộ cho một mục tiêu mặc dầu cuối cùng ông có vài sự nhượng bộ. Luật sư đề nghị bồi thẩm nên xem xét những bằng chứng của ông Âu với mức độ hoài nghi nào đó. Luật sư McHugh nói ông không gọi phiên dịch viên của ông ra chẳng có nghĩa là bồi thẩm sẽ tự động chấp nhận bất cứ cái gì ông Âu đưa ra cho họ, đặc biệt ở những điểm mà ông Âu sau đó nhượng bộ.

 

Luật sư yêu cầu bồi thẩm coi lại đoạn 4 của bản dịch thứ nhất liên quan đến từ “professor”. Cả 7 người ra làm chứng đều nói “professor” được dịch từ chữ tiếng Việt “giáo sư”. Vấn đề quan trọng trong việc nhận diện là hạng người có thể được gọi là “giáo sư” trong tiếng Việt rất rộng rãi hơn loại người được gọi là “professor” bằng tiếng Anh tại Úc.

 

Tại Úc, professor là một học hàm rất cao thường dành cho người đứng đầu các đại học và một số nhỏ những người trong các phân khoa. Trong khi đó mọi nhân chứng trong vụ này đều đồng ý “giáo sư” chỉ là một người có bằng đại học, dạy học, có thể là một giáo viên trung học (high school teacher). Nguyên đơn chưa bao giờ là giáo sư đại học, chỉ là một hiệu trưởng trung học.

 

Vấn đề là hạng người được mô tả là “giáo sư” rất rộng hơn là hạng người mà chúng ta nghĩ là “professor”. Vì thế, nó rất quan trọng liên quan đến sự nhận diện và sự hợp lý khi nhận diện.

 

Luật sư nhắc lại với bồi thẩm đoàn ông Âu đã dịch từ “đại bịp” khi cho rằng “bịp” có thể có nghĩa là “cheating” và ông đã dịch “Cử Bịp” là “Cheating Bachelor” ở cuối đoạn 6 của bài báo thứ nhất.

 

Nhưng ông Âu cũng nói “Bịp” cũng có nghĩa là “fraudster”, “deceiver”. Mặc dầu tất cả những chữ đó không phải là những đồng nghĩa toàn hảo, chúng có nhiều nghĩa khác nhau và luật sư đề nghị dịch cheating cho bớt trầm trọng hơn fraud.

 

Về chữ “đại” mặc dầu ông Âu đồng ý có nghĩa là “great” nhưng ông không chấp nhận đề nghị dịch đại bịp thành “great fraud” vì như vậy sẽ là loại tiếng Anh tồi (bad English), vì nói như vậy là có tính cách tích cực (positive)  trong khi ông Âu  nghĩ nó tiêu cực.

 

Luật sư đề nghị đấy là lý do để bồi thẩm đoàn có lý do để lưỡng lự về khả năng tiếng Anh của ông Âu về ẩn ngữ (enigmatic English) bởi vì sẽ có thể hoàn hảo khi nói “Richard Nixon was the greatest crook who ever lived” (Richard Nixon là tay đại bịp xưa nay chưa từng có). Đó không phải là một tuyên bố có tính cách tích cực mà là một lời phê bình nặng nề nhất mà người ta làm đối với Tổng thống Richard Nixon.

 

Ban đầu ông Âu bác bỏ đề nghị rằng có thể dịch “đại bịp” thành “great cheater” nhưng cuối cùng ông Âu đồng ý.

 

Trong bài dịch của bài báo thứ hai, ông Âu đã đặt để vào bản dịch chữ books số nhiều trong khi ông đồng ý trong bản tiếng Việt không có chữ đó. Ông Âu nói ông thêm chữ books vào cho câu có ý nghĩa.

 

Ông Âu dịch: “content pilfered and copied from other people’s books. Luật sư đề nghị dịch “with content pilfered and copied from other people” mà luật sư cho rằng là tiếng Anh hay ho (good English), bởi đâu cần thêm vào danh từ books.

 

Khi nói “copied from other people” có nghĩa là lấy cái ý tưởng hơn là lấy chi tiết từ những cuốn sách cá biệt nào đó. Đó là sự khác biệt. Lấy ý tưởng của ai đó mà phát triển là chuyện bình thường trong các bài luận văn trên đại học. Nhưng sẽ là đạo văn (plagiarism) nếu lấy từng chữ một trong sách của ai đó.

 

Về từ “đại bịp” ở đoạn 5 bài báo thứ nhất,  ông Âu dịch “the worst kind of fraudster” hay trong đoạn 6 “blatant fraudster”. Luật sư ban đầu đề nghị dịch “skilful cheater” và sau đó đề nghị dịch “great cheater” thì ông Âu đồng ý có thể chấp nhận được.

 

Luật sư đề nghị khi vào phòng nghị luận, bồi thẩm đoàn có thể nghĩ rằng có sự khác biệt giữa “great cheater” và “great fraudster” mà cũng có thể nghĩ không khác bao nhiêu, nhưng vấn đề mà luật sư muốn đưa ra cho bồi thẩm đoàn xem xét những ám chỉ đó được chuyên chở toàn bộ đối với nhân vật Cử Bịp. Ông nói hai cách dịch vừa rồi đều đúng từ tiếng Việt nhưng bồi thẩm đoàn phải xét toàn bộ bản văn liên quan đến bằng chứng về Cử Bịp.

 

Và đó là những điều mà luật sư nói ông muốn trình bày với bồi thẩm đoàn về sự phiên dịch. Bây giờ ông muốn nói với bồi thẩm đoàn về những vấn đề xác thật (factual issues) liên quan đến sự nhận diện.

 

Ông McHugh nói ông bạn Evatt của ông qua suốt phiên xử và chắc chắn trong bài diễn văn của ông đã cho bồi thẩm cái cảm giác đấy là một trường hợp rất thẳng thắn và trực tiếp (straightforward) đối với việc nhận diện. Nhưng nếu trực tiếp như thế thì tại sao ông Evatt  phải gọi đến 5 nhân chứng để làm một chuyện đơn giản như thế?

 

Luật sư McHugh muốn nói với bồi thẩm đoàn về sự tin tưởng (credit) đối với tất cả những nhân chứng này. Sự tin tưởng không có nghĩa là nghĩ ai đó nói dối. Có thể rằng bồi thẩm chỉ không thỏa mãn với những bằng chứng mà họ đưa ra. Luật sư McHugh nói ông sẽ nói qua từng nhân chứng và mỗi người dự trù mất khoảng 5 phút.

 

Trước hết là nhân chứng Nguyễn Thế Phong.

 

Khi làm chứng về bài báo thứ nhất, ông Phong nói một trong những điều ông dựa vào là bài báo nói về một người viết một cuốn sách. Nhưng chuyện nói về cuốn sách chỉ xảy ra trong bài báo thứ hai. Nhưng đó không phải là một trong những điều ông Phong dựa vào một cách đúng đắn khi ông ta đọc bài báo phát hành ngày 17.4.2002.  Luật sư nói ông Phong rất lảng tránh khi luật sư đối chất và cuối cùng ông Phong đồng ý nó chẳng ăn nhập gì với bài viết thứ nhất.

 

Luật sư cho rằng rồi đây quan tòa có thể sẽ chỉ thị và hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn về điều ông sắp nói sau đây, nhưng theo ông, bồi thẩm đoàn phải tách biệt hai bài báo khi xem xét về sự nhận diện, bởi hai bài báo viết cách nhau 7 tuần lễ. Bồi thẩm đoàn có thể còn nhớ ông Đào Dũng khi làm chứng đã nói ông đã theo dõi xem có bài gì viết về nguyên đơn không. Bồi thẩm đoàn nên quên chuyện đó khi nhận diện đối với mỗi bài báo.

 

Nói về sự tin tưởng ông Nguyễn Thế Phong, luật sư nhắc lại việc ông hỏi ông Phong làm thế nào để Lý Tống làm cho viên phi công lái máy bay tới Sài Gòn, có xảy ra bạo động không, thì ông Phong trả lời Lý Tống phải khuyến dụ ra sao đó để phi công lái tới chỗ Lý Tống muốn. Luật sư nói ông nói như vậy để bồi thẩm biết ai là người mà ông muốn nói tới.

 

Ông Phong trước đó nói ông có viết bài cho tờ báo và luật sư đề nghị ông Phong đã có sự xung khắc cãi cọ (fall out)  với bị cáo thứ hai tức ông Nguyễn Hồng Anh. Ông Phong chống cự nhưng rồi ông cũng đồng ý với luật sư là ông đã không nói chuyện với ông Hồng Anh trong hơn 10 năm qua.

 

Luật sư nói bồi thẩm đoàn nên ghi nhớ về ông Phong và hầu như tất cả những người làm chứng đều đồng ý họ thân thiết với nguyên đơn và muốn nguyên đơn thắng. Điều đó chẳng có gì sai trái cả, nhưng đấy là điều mà bồi thẩm có thể xem xét một cách hợp lý khi đánh giá sự làm chứng của họ.

 

Ông Phong nói ông ta đã đọc tờ cung khai đầu tiên của ông –khai tập thể– trước khi ký và hài lòng với tờ khai, hiểu mục đích của tờ khai dùng trong tiến trình kiện tụng, để các bị đơn biết câu chuyện như thế nào. Tất cả mọi nhân chứng ra làm chứng đều nói như vậy.

 

Bồi thẩm đoàn nên biết rằng bất cứ một người có hiểu biết, biết phải chăng đều làm việc này hết sức thận trọng, bảo đảm ngày tháng đúng và coi đấy là lời chứng của chính họ. Nhưng ông Phong đồng ý đấy không phải do ông làm mà do Luật sư  Hồ làm. Ông Phong đồng ý là ông đã thay đổi ngày tháng của buổi hội thảo từ tháng 3 trở thành ngày 21.4.2002.

 

Luật sư giải thích tại sao ngày tháng quan trọng trong vụ này. Ở đoạn 3 của bài báo thứ nhất nói  về “một độc giả mật báo một tin khá ly kỳ”, có nghĩa là một chuyện chưa được công bố. Và trong đoạn 4 “một buổi hội luận chính trị chính em gì đó sắp được tổ chức ở Melbourne”. Như thế là một chuyện trong tương lai, nên không thể dựa vào đó một cách hợp lý để nhận diện nguyên đơn vì bài báo nói rõ ràng về một chuyện trong tương lai.

 

Khi luật sư hỏi tại sao thay đổi tháng 3  thành ngày 21 tháng 4, ông Phong nói luật sư của nguyên đơn yêu cầu làm rõ một số điểm. Luật sư McHugh  nói bằng chứng này của ông Phong mà ông vừa trình bày mặc dù không giống y chang đối với các nhân chứng khác, nhưng nhìn vào chủ đề liên quan đến ngày tháng, thì rõ ràng đã có sự can thiệp của luật sư nguyên đơn đưa đến sự thay đổi.

 

Luật sư McHugh nói về trường hợp của nhân chứng Lương Minh Hương, một trường hợp khá khác biệt so với những nhân chứng khác mà ông sẽ nói sau.

 

Có một điều quan trọng mà ông muốn nói với bồi thẩm đoàn, đó là sự thân thiết mà họ có với nguyên đơn, nhìn nhận họ muốn nguyên đơn thắng như hầu hết các nhân chứng đã nhìn nhận, một chủ đề mà luật sư McHugh muốn bồi thẩm ghi nhận là vai trò của ông Luật sư  (lê Đình) Hồ trong việc soạn thảo bằng chứng cho tất cả mọi nhân chứng.

 

Một điều luật sư muốn lưu ý bồi thẩm đoàn là ông  Phong đồng ý trong bản cung khai thứ hai của ông  rằng nguyên đơn là người duy nhất nói về một đề tài cá biệt và cuối cùng ông Phong đồng ý rằng  bản khai của ông hướng dẫn sai lạc và sai (misleading and wrong).

 

Luật sư McHugh nói về người chứng sau đó là ông thông dịch viên Xương Dịch Âu mà ông đã nói vừa rồi, bây giờ ông muốn  nói lời chứng của nguyên đơn.

 

Ông nhắc cho bồi thẩm đoàn là khi đó nhân chứng (Nguyễn Thuyên) nói ông ta không phải là nhân chứng mà là người kiện tờ báo. Nguyên đơn chống đối khi bị đặt câu hỏi, tránh né ở một số điểm.

 

Luật sư nhắc bồi thẩm đoàn việc nguyên đơn nói tại sao trong một lúc mà cứ hỏi ông ta hoài một câu hỏi và luật sư cho biết bởi ông ta (nguyên đơn)  chưa trả lời,  mà thật ra ông ấy đã nói “tôi đã trả lời rồi mà”. Và lúc đó, quan tòa đã chỉ thị cho nguyên đơn trả lời một cách trực tiếp hơn.

 

Luật sư McHugh nói nguyên đơn (Nguyễn Thuyên) đã tìm cách tránh né  không phải vì ông ta gặp khó khăn về ngôn ngữ mà bởi cái nội dung của bằng chứng khi ông ta trả lời các câu hỏi.

 

Nguyên đơn biết sự quan trọng của việc làm tờ khai, rằng ông ta phải cẩn thận nhưng rồi ông ta nói “tôi hoàn toàn tin tưởng vào luật sư của tôi”.  Như vậy, lại lần nữa chúng ta trở lại chuyện ông (Lê Đình) Hồ là nguồn của các chi tiết.

 

Luật sư McHugh nhắc lại việc nguyên đơn nói ông ta rối trí (confused) trong đợt làm chứng đầu tiên, mà theo luật sư nghĩ, liên quan đến những bản cung khai mà ông ta soạn.

 

Đến đây, quan tòa nói với bồi thẩm đoàn rằng ông và các luật sư cần có chút thời gian để bàn thảo những tình huống mà phiên tòa sẽ diễn tiến và đó là chuyện bình thường. Quan tòa cho phép bồi thẩm đoàn tạm rút lui. (còn tiếp)

 

———————–

Chú thích:

 

(1) Trong tuần trước, chữ substantially  được dịch là một cách đáng kể. Chữ substantially có nghĩa về bản chất, thực chất, đáng kể, nhưng trong trường hợp này, dịch thực chất có lẽ đúng với ngữ cảnh hơn.

 

(2) Imputation: trong các bài trước, chúng tôi dịch quy kết hay ám chỉ. Nhưng có lẽ nên dịch là ám chỉ thì gọn và dễ hiểu hơn.

 

(Trích TVTS số 1218)