Hạ viện Mỹ xù kế hoạch $700 tỉ cứu nguy, làm cổ phiếu chưa bao giờ mất giá nhiều nhất trong một ngày như thế

29 Tháng Chín, 2008 | Kinh tế - Tài chánh - Địa ốc

 

Hoảng hốt ở đường Wall Street sau khi Hạ Viện bác bỏ dự luật cứu nguy

 

(TVTS) – Sau hai tuần lễ thương lượng giữa các nhà lập pháp và hành pháp về một giải pháp cứu nguy nền kinh tế Hoa Kỳ với ngân sách $700 tỉ Mỹ kim, hôm qua Hạ viện đã bỏ phiếu bác bỏ dự luật của Tổng thống George W Bush với số phiếu 228 trên 205. Hai đảng đổ thừa cho nhau về thất bại này và ra vẻ trong số 13 phiếu chống làm dự luật bị bác, có nhiều phiếu là của Cộng hòa.

 

Một ngày trước đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã xuất hiện trước báo chí cho biết các nhà làm luật và Tòa Bạch Ốc đã đi đến một thỏa thuận về việc bơm $700 tỉ đô la để cứu nguy nền kinh tế và tài chánh của Hoa Kỳ và bà tin rằng quốc hội sẽ thông qua, không vì lợi ích của những định chế tài chánh trên con đường Wall Street mà vì lợi ích của toàn dân.

 

Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm bà chủ tịch Hạ viện đã xuất hiện trước báo chí để cho biết rằng Hạ viện đã không thông qua dự luật mà Tổng thống Bush trong hai tuần qua van nài các nhà làm luật thông qua để nước Mỹ và thế giới sẽ khỏi qua một thời kỳ suy thoái, và kéo dài rất nguy hiểm.

 

Bà Pelosi hứa hẹn sẽ trở lại làm việc để thông qua một dự luật mới, nhưng một nhà lập pháp cao cấp của đảng Dân chủ nói rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra cho đến ngày Thứ Năm sau khi nhiều dân biểu nghỉ lễ Rosh Hashanah của người theo đạo Do Thái.

 

Cuộc bỏ phiếu dự trù 15 phút nhưng đã được kéo dài tới 40 phút để những lãnh tụ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thuyết phục và lôi kéo những người không muốn thông qua dự luật.

 

Một dân biểu Dân chủ cao cấp nói đảng Cộng hòa đã tìm cách để thuyết phục đảng của họ bỏ phiếu thuận 50% cộng 1 phiếu trong khi đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận tới 60%, điều này có nghĩa, theo dân biểu David Obey, “Tổng thổng Bush và ứng viên John McCain đã hoàn toàn không còn kiểm soát được đảng của họ nữa”.

 

Lãnh tụ Cộng hòa ở Hạ viện, John Boehner đổi lỗi sự thất bại của cuộc bỏ phiếu do bài diễn văn của bà Chủ tịch Pelosi và yêu cầu mọi người trong lúc này hãy bình tĩnh để cùng ngồi lại mà giải quyết vấn đề.

 

Nhưng dân biểu Dân chủ Barney Frank bác bỏ lời chỉ trích của ông Boehner, cho rằng đảng Cộng hòa tìm cách che đậy việc làm gây bối rối cho đảng và nói thêm “Hãy cho tôi tên tuổi của 12 gã kia và tôi sẽ tới nói chuyện phải trái với họ”.

 

Dân biểu Cộng hòa Paul Broun nói dự luật giống như con bò sữa để người ta vắt trong khi dân biểu Cộng hòa Mike Pence nói dự luật cứu nguy đi ngược lại với nguyên tắc của chính phủ Mỹ. Ông Pence giải thích: “Tự do kinh tế có nghĩa là tự do để thành công và tự do để thất bại”.

 

Ngay sau khi tin Hạ viện bác bỏ dự luật cứu nguy, thị trường chứng khoán trên đường Wall Street như lên cơn sốt và hoảng loạn vì cổ phiếu bị bán tháo ra khiến chưa bao giờ cổ phiếu mất giá thê thảm như vậy chỉ trong một ngày. Down Jones mất giá đến 6.92% và  Nasdaq mất đến 9.14%.

 

Theo dự luật mà Bộ trưởng Ngân khố Henry Paulson đưa ra, số tiền $250 tỉ được chính phủ bỏ ra trong đợt đầu dùng để mua lại những tích sản đang gặp khó khăn, tức nợ xấu. Số tiền $700 tỉ của kế hoạch này sẽ cấm không cho các tổng giám đốc dùng để trả cho họ khi họ rời các công ty, như thương xảy ra.

 

Ngay sau khi dự luật bị bác bỏ, Bộ trưởng Paulson đã tới Tòa Bạch ốc để bàn luận với Tổng thống Bush.

 

Trong khi đó, thị trường tài chánh của Âu Châu cũng đang gặp khó khăn, cổ phiếu mất giá và mỗi ngày tại các nước như Anh, Đức và Thụy Sĩ có một ngân hàng sập tiệm.

 

Tại Úc, chính phủ Lao động đã bỏ ra $4 tỉ Úc kim để hỗ trợ các định chế tài chánh và ngân hàng nhỏ hầu tránh ảnh hưởng do khủng hoảng ở Mỹ gây ra. Tuy nhiên Thủ tướng Kevin Rudd cảnh cáo rằng mặc dù nền tài chánh của Úc vững vàng và khá an toàn, nhưng điều này chẳng có nghĩa là không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu.