Ngân hàng ANZ và St George đã qua mặt CBA với lãi suất 9.37%

Ngân hàng tự cho là ngân hàng cộng đồng là Bendigo cũng tuyên bố sẽ tăng lãi suất thả nổi trung bình (standard variable rate) lên 9.35%.

 

Nhưng bên cạnh cơn đau nhói vì phải thắt lưng buộc bụng trong những tháng tới để  thực hiện giấc mơ Úc này (Australian dream), 2.4 triệu người Úc đang trả góp tiền nợ nhà cửa có thể thấy chút ánh sáng cuối  đường hầm là trong năm 2009 tới đây, cuộc đời không đến nỗi đen nhưng mõm chó nữa.

 

Bởi có dấu hiệu cho thấy sự phát triển kinh tế của Úc đang chậm lại và cũng nhờ thế mà lãi suất sẽ từ từ giảm trong vòng 12 tháng sau.

 

Đầu tháng này, ngân hàng trung ương (tức Ngân hàng Trữ kim Úc – Reserve Bank of Australia, RBA) quyết định tăng lãi suất lên 0.25% nhưng chỉ mấy ngày sau các ngân hàng tư đua nhau tăng lãi suất, và còn tăng cao hơn lãi suất chính thức. Các ngân hàng tư nói họ phải tăng cao hơn để lấy lại chi phí điều hành và lỗ lã do ảnh hưởng của khủng hoảng địa ốc và tài chánh Subprime.

 

bảng thống kê

 

Ngân hàng Trữ  kim Úc tuy là của nhà nước, nhưng hoạt động độc lập. Mặc dù thủ tướng hay tổng trưởng Ngân khố năn nỉ, kêu ca chớ tăng lãi suất nhưng họ cứ đường ta ta đi, mỗi ngày Thứ Ba đầu tiên trong tháng sẽ họp ban quản trị vào buổi sáng và đến chiều khoảng 2 giờ rưỡi tuyên bố kết quả tăng, giảm hay giữ lãi suất y nguyên.

 

Dân mua nhà ở Úc điên đầu vì lãi suất cứ tăng trong mấy năm qua. John Howard rớt đài nhưng Kevin Rudd lên thì cũng thế. Lãi suất cứ tăng. Ngân hàng trung ương cho rằng phải tăng lãi suất để kềm lạm phát. Lạm phát trên 3% mỗi năm là không chấp nhận được. Thuốc đắng dã tật. Và ra vẻ ngân  hàng trung ương đã hài lòng với đợt tăng lãi đầu tháng này.

 

Các nhà kinh tế phải có sự lựa chọn giữa tăng trưởng và lạm phát. Kinh tế tăng trưởng thì sẽ dẫn đến lạm phát (vật giá leo thang, đồng tiền mất giá). Tăng lãi suất là hình thức chống lạm phát, làm cho người tiêu thụ bớt (hay vay tiền) tiêu pha.  Nhưng chống lạm phát kiểu này sẽ làm nền kinh tế trì trệ, làm cho nạn thất  nghiệp có cơ phát triển, bùng nổ.

 

Kinh tế lẩm cẩm và luẩn quẩn.  Và cứ thế mà sau một thời gian,  thì chu kỳ phát triển hay trì trệ của nền kinh tế sẽ trở lại.  Vấn đề là: bao lâu sẽ trở lại và ở lại bao lâu?