Warren Buffett giàu nhất thế giới, Bill Gates xuống hàng thứ ba

Warren Buffett, nhà đầu tư được yêu mến ở Mỹ giờ đã trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới. Ông đã vượt qua người bạn và cộng sự cũ Bill Gates sau khi cổ phiếu của hãng Berkshire Hathaway tăng giá 25% kể từ giữa tháng 7 năm ngoái. Ông từng hứa sẽ cống hiến toàn bộ tài sản để làm từ thiện sau khi qua đời.

 

Đứng hàng thứ hai là ông trùm viễn thông người Mễ Tây Cơ, Carlos Slim Helu, với 60 tỷ Mỹ kim, vượt qua Bill Gates, nhờ sự mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong nước cộng với hoạt động hiệu quả của công ty điện thoại không dây – American Movil.  Là con trai của một người nhập cư Li Băng,  Slim kiếm được số tiền đáng kể đầu tiên vào năm 1990 khi ông mua hãng điều hành điện thoại cố định Telefonos de Mexico. Tháng 12 năm ngoái, American Movil ký hợp đồng với Yahoo, cung cấp dịch vụ duyệt web qua điện thoại ở 16 nước Mỹ Latinh. Góa vợ và là cha của 6 người con, Slim là một người ái mộ môn bóng chày và là nhà sưu tập các tác phẩm nghệ thuật.

 

Trong khi đó, năm nay nhà sáng lập của tập đoàn Microsoft, tỉ phú phần mềm Bill Gates, đã để tuột mất danh hiệu người giàu thế giới tinh sau 13 năm liên tiếp, với tài sản 58 tỉ Mỹ kim. Cựu sinh viên Đại học Havard, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft, không còn là người giàu nhất thế giới. Giá cổ phiếu của Microsoft đã giảm 15% sau khi hãng không thuyết phục được Yahoo sáp nhập để đánh bại Google trong cuộc chiến về thị phần trên Internet. Gates chuẩn bị từ bỏ việc tham gia công việc hằng ngày của tập đoàn do ông đồng sáng lập 33 năm trước và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động từ thiện. Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation của ông và vợ đã đóng góp tới 38,7 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo.

 

Đứng hàng thứ tư là  Lakshmi Mittal với  tài sản 45 tỷ Mỹ kim. Nhà tài phiệt này là người đứng đầu công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới Arcelor Mittal. Ông sở hữu 44% cổ phần của ArcelorMittal. Định cư từ lâu ở London, Anh, ông là tỷ phú giàu nhất châu Âu.

 

Đứng hàng thứ năm là Mukesh Ambani, tài sản 43 tỷ Mỹ kim.  Tỉ phú giàu nhất châu Á đứng đầu tập đoàn Reliance Industries, công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán Ấn Độ. Tài sản tăng lên 22,9 tỷ Mỹ kim  kể từ năm ngoái, khiến ông trở thành người có số tài sản tăng nhanh thứ hai thế giới. Người có tài sản tăng nhanh nhất là em trai ông, Anil, đứng thứ 6 trong danh sách tỷ phú. Hai người được thừa hưởng tài sản từ người cha quá cố – nhà tài phiệt danh tiếng Dhirubhai Ambani. Hai anh em không hòa hợp với nhau và năm 2005, mẹ của hai người đã ra một thỏa thuận phân chia tài sản một cách êm thấm. Mukesh dùng một phần tiền thừa kế để xây dựng tòa nhà 27 tầng.

Năm người còn lại trong danh sách 10 người giàu nhất thế giới trong năm do tạp chí Forbes công bố là:

 

6. Anil Ambani, tài sản: 42 tỷ Mỹ kim.  Anil Ambani là người có tài sản tăng nhanh nhất kể từ năm ngoái (tăng 23,8 tỷ USD). Là một vận động viên marathon, tài sản lớn nhất của ông là 65% cổ phần trong tập đoàn truyền thông Reliance Communications.

 

7. Ingvar Kamprad, tài sản: 31 tỷ Mỹ kim. Bán dạo diêm, cá, bút bi, thiệp Giáng sinh từ khi còn là một cậu bé, người giàu thứ 7 thế giới Ingvar Kamprad là một trong những nhà bán lẻ được yêu mến nhất trên thế giới. Bắt đầu kinh doanh đồ nội thất từ năm 1947, giờ đây Công ty Ikea của ông có cửa hàng trong 40 nước trên thế giới từ Florida, Mỹ, tới Quảng Châu, Trung Quốc. Giản dị giống hệt thương hiệu Ikea, ông thường tránh mặc vest, đi máy bay hạng thường và tới các nhà hàng rẻ tiền.

 

8. KP Singh, tài sản: 30 tỷ Mỹ kim. Singh hiện là trùm bất động sản giàu nhất thế giới sau khi đưa Công ty DLF của ông lên sàn chứng khoán năm 2007. Tài sản của ông tăng lên gấp ba lần năm nay.

 

9. Oleg Deripaska, tài sản: 28 tỷ Mỹ kim. Oleg Deripaska vươn lên thành tỷ phú đứng thứ 9 thế giới nhờ giá kim loại tăng. Ông trùm tài phiệt này đã vượt qua tỷ phú, cộng sự cũ Roman Abramovich để trở thành tỷ phú giàu nhất Nga. Deripaska kết hôn với một người họ hàng của cố tổng thống Nga Boris Yeltsin.

 

10. Karl Albrecht, tài sản: 27 tỷ Mỹ kim   Sau Thế chiến II, tỷ phú giàu nhất Đức này cùng em trai – Theo – đã phát triển cửa hàng rau quả nhỏ của bà mẹ thành chuỗi siêu thị giá rẻ Aldi, hiện trị giá 67 tỷ USD. Sau cùng, họ đã chia quyền sở hữu và điều hành chuỗi siêu thị này ở hai khu vực miền bắc và miền nam. Karl giành quyền điều hành chuỗi cửa hàng hoạt động hiệu quả hơn ở miền nam Đức. Cuộc sống cá nhân của tỷ phú này ít người biết đến ngoại trừ việc ông trồng hoa lan và chơi golf.

 

Bảng xếp hạng năm nay không những tăng về số lượng các tỷ phú mà tổng tài sản cũng được nhân lên đáng kể. Các quốc gia có nhiều bước đột phá trong bảng thành tích là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Nhưng Mỹ vẫn là nước có số người giàu cao nhất thế giới với 469 tỷ phú. Nga giành lấy vị trí thứ hai. Quốc gia về thứ ba là Ấn Độ với 53 tỷ phú, trong số đó có 4 người lọt vào TOP 10.

 

Năm nay, Trung Quốc có  42 người được ghi tên vào danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới    Hồng Kông có 26 người.