Sanh đẻ sau 35 tuổi: lợi hay hại?

26 Tháng Hai, 2009 | Y học - Khoa học

Những tin tức kỳ lạ của y khoa có thể làm cho lứa tuổi sanh đẻ của phụ nữ gia tăng.

 

Một vị cao niên 60 tuổi nhờ bác sĩ sản khoa chích kích thích tố sinh dục nữ để có thể thụ thai, sau khi tắt kinh từ 15 năm trước. Thai kỳ phát triển tốt và bà sinh hạ một thai nhi hoàn toàn bình thường.

 

Một phụ nữ ở vào tuổi sanh sản nhưng bị bệnh tim mạch, thai nghén sẽ làm cho sức khỏe của bà lâm vào tình trạng hiểm nghèo, do đó bà đã nhờ bác sĩ sản khoa thu nhặt trứng của mình, rồi lấy tinh trùng của chồng kết hợp thành trứng thụ thai, kế đến nhờ một phụ nữ khác “mang thai hộ” (như vậy có nghĩa rằng trứng thụ tinh được đặt vào nội mạc tử cung của một người khác để rồi phát triển như một bào thai).

 

Đấy là những trường hợp đặc biệt mà ngành sản khoa đã đạt được trong những thập niên vừa qua.

 

Phụ nữ ngày nay nói chung đã được hoàn toàn giải phóng, bình quyền với nam giới về nhân và dân quyền, ngoài ra họ còn làm chủ cuộc sống của họ mà không bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Do đó mà có phong trào tranh đấu cho nữ giới để được quyền phá thai, gây sôi nổi tại một số nước Tây phương hiện nay.

 

Phụ nữ đã đạt quyền được bầu cử và ứng cử hầu hết ở các nước trên thế giới. Vì vậy, nữ Tổng thống, nữ Thủ tướng, nữ Tướng lãnh, nữ Hạm trưởng, nữ Phi công oanh tạc cơ… không còn là những chuyện lạ hay hiếm có nữa.

 

Vì muốn làm chủ cuộc sống (hay nói khác đi đòi quyền sống) nên một số phụ nữ tân tiến ngày nay kết hôn rồi sanh đẻ ở lứa tuổi trên 35 ngày càng nhiều.

 

Lý do cũng dễ hiểu, những phụ nữ ấy có khả năng văn hóa cao (bận học thi để lấy bằng tốt nghiệp), bận ganh đua trên thương trường, trong công việc, để tạo một chỗ đứng vững vàng trong xã hội trước khi tính chuyện lập gia đình và sanh con.

 

Cũng có thể họ lập gia đình sớm, nhưng kế hoạch hóa để hoãn sự sanh đẻ vì lý do sự nghiệp, vui chơi, du lịch, tận hưởng tuổi trẻ, hoặc săn sóc hay bảo toàn sức khỏe.

 

Tuy vậy, sự sanh đẻ sau 35 tuổi còn những lý do khác, như các bà “mắn đẻ”, sau khi sanh đứa cuối cùng, nay đã được 15 tuổi, thì bỗng nhiên thấy mình có thai để sanh một đứa nữa vào tuổi 45 hay 47.

 

Đối với các bác sĩ sản khoa hay các nhà sưu tầm nghiên cứu, cố vấn thì những chuyện sanh đẻ như trên đã xảy ra thường nhật, chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

 

Riêng tại tiểu bang Victoria, tỷ lệ sanh đẻ của những người trọng tuổi (trên 35 ) ngày càng gia tăng. Theo tài liệu thống kê sanh sản (Birth in Victoria) trong năm 1996 có 15.7 % phụ nữ trọng tuổi bằng hoặc trên 35 sanh đẻ tại Victoria.

 

Nếu so sánh tỷ lệ này với tỷ lệ của năm 1984 là 7.7% năm 1988 là 9.8% và 12.3% của năm 1992, thì thấy tỷ lệ ấy càng ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong năm 1996 có 11 phụ nữ 46 tuổi, 5 phụ nữ 47 tuổi và cao hơn nữa đã sanh đẻ trong điều kiện khá khó khăn.

 

Theo bà Christine Kilmartin thuộc Tổ chức Nghiên cứu về gia đình Úc thì tỷ lệ phụ nữ sanh đẻ trên 35 tuổi đã gia tăng trong những năm qua, thế nhưng tỷ lệ ấy không cao bằng tỷ lệ trong thập niên 50 và 60 (những thập niên sau chiến tranh), mặc dầu vậy cũng không bù trừ cho sự giảm thiểu của tỷ lệ sanh sản (birth rate).

 

Bà nói rõ hơn là nếu ta so sánh tình trạng hiện nay với tình trạng trong thập niên 50 và 60 thì vào thời kỳ ấy có nhiều phụ nữ trọng tuổi đã sanh đẻ hơn hiện nay.

 

Tại sao các bác sĩ sản khoa thường khuyên phụ nữ không nên sanh đẻ khi tuổi đời khá cao (trên 35 tuổi)?

 

Lý do là các thai phụ trọng tuổi thường bị một số bệnh tật đe dọa, tỉ như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận mãn tính v.v…

 

Một số dị tật của thai nhi cũng có thể xảy ra khi tuổi đời của bố và mẹ khá cao. Riêng đối với thai kỳ thì các phụ nữ trọng tuổi dễ bị sẩy thai, sanh non, thiếu cân lượng, cùng những biến chứng của sự sanh đẻ dễ xảy ra như xuất huyết (tử cung co bóp kém hoặc không co bóp) có khi không cầm máu được phải làm phẫu thuật cấp cứu cắt bỏ tử cung.

 

Một thai nhi được xem là sanh non (premature) nếu sự sanh đẻ xảy ra trước 37 tuần của thai kỳ.

 

Tuy vậy vì sự xác định tuổi thai (gestational age) cũng không chính xác lắm, hoặc khó xác định, thì thể trọng thấp của thai nhi được xem là tiêu chuẩn để dự đoán sự kém phát triển của cơ thể thai nhi. Thể trọng của thai nhi bình thường là 2.500 gr, do đó nếu thai nhi ở dưới trọng lượng ấy thì được xem là có thể trọng thấp khi sanh.

 

Nguyên nhân của sự sanh non, hoặc thể trọng thấp khi sanh có thể do mẹ sanh quá nhiều làm thai độc (toxemia), những bệnh mãn tính, những bệnh cấp tính, máu của mẹ và con không phù hợp (incompratibility), chấn thương, mẹ trọng tuổi, hoặc do những nguyên nhân khác không biết được.

 

Theo bác sĩ Jane Halliday, Giám đốc Đơn vị Thu lượm Dữ kiện chu vi sanh sản (Perinatal Data Collection Unit) thì phụ nữ ngày nay quá chú trọng đến sự nghiệp riêng của mình, hơn nữa quá tin tưởng vào sự tiến bộ và phát triển của y khoa (sản phụ khoa) nên đã ỷ y mà không chịu có con sớm.

 

Theo vị Giám đốc cố vấn và giáo dục về mọi sự liên hệ ở Úc châu (Councelling and Education at Relationship Australia), cô Jill Parris, thì nhiều cặp nam nữ hoãn sự kết hôn hay lập gia đình nhưng chưa muốn có con vì tình trạng kinh tế eo hẹp. Lý do họ nêu ra rất thực tế, bởi vì phải lo trả tiền nhà, tiền xe, tiền mua sắm vật dụng… nói chung là tiền nợ, nếu phải sanh con thì lấy đâu ra tiền để nuôi và mua sắm cho con?

 

Lý lẽ thì nhiều và hợp lý thế nhưng nếu nghĩ đến sức khỏe và tương lai trí tuệ của con cái thì sanh con sớm vẫn hơn. Khi bố mẹ già mà con còn dại hoặc chưa lập thân được, cũng là mối lo nghĩ cho gia đình.

 

Người ta thường nói: “trời sinh voi sinh cỏ”, có con rồi thì “giật gấu vá vai” thế nào rồi cũng ổn định, vậy thì cũng đừng nên so đo, tính toán hơn thiệt thái quá để rồi sinh ra một đứa con tật nguyền (hội chứng Mông cổ Down chẳng hạn) thì lại là nỗi thống khổ cho gia đình.

 

Nếu đem ra thẩm định ưu điểm của việc sinh con muộn khi tuổi đời khá cao, thì không thể nào quan trọng bằng những tai biến của sự sinh sản trễ, có thể xảy ra cho thai nhi như tỷ lệ tật nguyền hoặc kém phát triển về thể chất cũng như tinh thần của đứa trẻ trong tương lai.

 

(TVTS – 643)