Hướng trị liệu cách mạng một số bệnh nan y

26 Tháng Một, 2009 | Y học - Khoa học

 

Khi con người bước sang một thiên niên kỷ mới thì sự trị liệu bệnh tật cũng phải có một phương thức gì khác cho hợp “thời”. Nếu tình trạng sức khỏe con người ngày càng được cải thiện, thì tuổi thọ trên 80 chỉ là chuyện bình thường. Và khi số người cao niên ngày càng tăng, thì những bệnh mãn tính, bệnh già yếu hay lão suy càng phải được khoa y tế công cộng và xã hội chú ý đặc biệt hơn.

 

Trước đây, các vị cao niên khi đau yếu đến gặp các bác sĩ, thì thường nghe các vị phán “do tuổi già”, mà bệnh già thì suy thoái mọi cơ quan trong cơ thể. Giống như một chiếc xe hơi đã cũ, các bộ phận bị suy thoái và cần phải được thay thế các bộ phận mới. Thật dễ hiểu và đơn giản. Nhưng con người không dễ dàng gì thay thế bộ phận như một chiếc xe cũ.

 

Phương thức “cách mạng” mà y giới đang kỳ vọng là sử dụng những tế bào nguyên thủy (stem cells) của thai bào (embryo), nuôi chúng trong phòng thí nghiệm để sanh sản ra các tế bào cơ bắp, tế bào thần kinh, tế bào tim, tế bào gan v.v… Những tế bào này khi được bơm vào cơ thể hay những bộ phận suy thoái, sẽ có tác dụng làm tươi trẻ lại, hay cải thiện tốt hơn những hoạt động của các bộ phận ấy.

 

Vấn đề đang được bàn cãi sôi động hiện nay trên thế giới là liệu các khoa học gia có được phép sử dụng những tế bào nguyên thủy của thai bào, sau khi trứng thụ tinh phát triển hay không?

 

Những tế bào nguyên thủy có khả năng kỳ diệu là chữa trị được bệnh nan y, mãn tính như Parkinson, đa xơ thần kinh (multiple sclerosis), tiểu đường, bệnh tim, bệnh lú lẫn (Alzheimer), bệnh Lou Gehrig, những bệnh bại xuội do chấn thương tủy sống. Nói một cách bình dân là chúng ta có sẵn một “bộ đồ nghề để tự sửa chữa cơ thể” (body’s self – repair kit).

 

Thế nhưng tế bào nguyên thủy từ đâu mà có, chúng có nhiệm vụ gì và khả năng ra sao?

 

Chúng ta biết rằng sau khi trứng thụ tinh trong ống nghiệm, thì từ 1 đến 5 ngày sau “bào thai” (embrys) được phân kỳ (sanh sản) thành nhiều tế bào được gọi là blastocyst tạo thành một hình cầu. Từ 5 đến 7 ngày kế tiếp thì phần trong của hình cầu là những tế bào nguyên thủy (stem cells).

 

Nếu chúng ta trích những tế bào nguyên thủy ra khỏi hình cầu thì bào thai không thể tiếp tục sinh sống và phát triển. Nuôi những tế bào nguyên thủy trong ống nghiệm. Cái khó khăn hiện nay là người ta chưa hiểu rằng phương thức nào chúng đã phân liệt thành những tế bào thần kinh, tế bào cơ bắp, tế bào gan v.v… Nghĩa là những tế bào có chức năng hoàn toàn khác biệt nhau.

 

Khi đã nuôi cấy được những loại tế bào khác biệt này, các nhà khảo cứu mới nghĩ ra rằng có thể nào sử dụng chúng để tái tạo những bộ phận của cơ thể bị suy yếu chăng?

 

Đây là một hướng trị liệu mới lạ nếu không muốn nói là “cách mạng”. Hiện nay đang có một phong trào đạo đức chống đối việc sử dụng những tế bào nguyên thủy này trong công việc nghiên cứu. Theo họ, sử dụng những tế bào nguyên thủy của bào thai chẳng khác nào “phá thai” vì sau đó bào thai không thể sống được nữa.

 

Theo ý kiến của tài tử điện ảnh Christopher Reeve (bị bại xuội vì chấn thương tủy sống) thì chính phủ Mỹ qua cơ quan quốc gia nghiên cứu sức khỏe NIH (National Institutes of Health) sẽ kiểm soát và cấp phát ngân khoản cho sự nghiên cứu này. Nhờ vậy có thể ngăn chận được mọi sự lạm dụng của các công ty tư nhân, tránh tình trạng cạnh tranh và bí mật giữa những phòng thí nghiệm, nhờ đó có thể đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu và phổ biến tài liệu khoa học.

 

Lợi điểm là những tế bào nguyên thủy này rất dễ thu nhập được. Trong những dưỡng đường trị hiếm muộn, nhiều phụ nữ không biết dùng những trứng đã thụ tinh thừa thãi để làm gì, họ sẵn sàng hiến tặng và dưới sự kiểm soát của NIH thì các khoa học gia được phép lấy tế bào nguyên thủy này để làm nghiên cứu. Với phương sách kiểm soát và hạn chế này thì lệnh nghiêm cấm của Liên bang việc sử dụng để nghiên cứu những tế bào nguyên thủy mới được hủy bỏ. Vấn đề đạo đức và cương luân (code of ethics) nhờ vậy cũng được giải tỏa. Nếu những trứng thụ tinh không dùng đến mà bị vất bỏ thì tại sao không sử dụng chúng để cứu hàng ngàn sinh mạng khác?

 

Sự trị liệu bằng tế bào nguyên thủy đã bắt đầu khởi sự với một nhãn quan đầy hứa hẹn. Đã có sự trị liệu thành công khi dùng tế bào nguyên thủy để phân biệt thành tế bào máu (Hồng cầu) để trị những bệnh thiếu máu có hồng cầu hình liềm (sickle-cell anemia) và cũng khá hữu hiệu với một vài loại ung thư. Các khoa học gia đã tìm ra cách để hạn chế sự phân liệt đa năng đa thể của những tế bào nguyên thủy trở thành những tế bào khác biệt nhau. Vì vậy họ không còn kỳ vọng sẽ có nhiều phép lạ trong sự trị liệu bằng tế bào nguyên thủy. Họ chỉ hạn chế trong phạm vi khi chúng chưa hoàn toàn cải biến thành những tế bào khác biệt.

 

Việc bàn cãi sôi nổi về những phương thức trị liệu mới không phải mới lạ gì. Trước đây chúng ta chẳng thấy sự phản đối của chính phủ Mỹ cung cấp ngân khoản để nghiên cứu bệnh liệt kháng trong thập niên 80 là gì? Dần dần rồi quan điểm chính lưu cũng làm áp lực khiến những chính khách và dân biểu thay đổi ý kiến. Hiện nay thì NIH là cơ quan có quyền sử dụng ngân khoản 1.8 tỷ đôla hàng năm để yểm trợ những phương thức trị liệu mới, vì vậy khu vực nghiên cứu siêu vi được kiểm soát và phát triển mạnh mẽ ở Mỹ.

 

Trong khi dư luận Mỹ bàn cãi về việc nên hay không nên sử dụng tế bào nguyên thủy thì có hàng triệu bệnh nhân bị đau khổ vì bệnh tật. “Đây là lúc chúng ta nên đồng thanh tạo áp lực với chính phủ để đẩy mạnh việc nghiên cứu tiến lên”, lời của diễn viên điện ảnh Christopher Reeve. Nên biết năm 1996, Quốc hội Mỹ đã nghiêm cấm sử dụng vật liệu từ bào thai để nghiên cứu. Do đó mà chính phủ Mỹ (NIH) không cấp ngân khoản cho phạm vi nghiên cứu này khiến một số khoa học gia phải nhờ cậy đến các công ty tư nhân.

 

Trong khi ấy, các khoa học gia còn tìm ra trong cơ thể người trưởng thành như não bộ, tủy xương và các bộ phận khác cũng có sự hiện diện của tế bào nguyên thủy ở trạng thái sẵn sàng hành động. Thí dụ khi nội mạc của ruột non bị tổn thương thì những tế bào nguyên thủy nhận được lệnh để phân liệt và sẵn sàng thay thế những tế bào bị tổn hại. Thường tế bào nguyên thủy ở tủy xương sẽ phân liệt thành hồng cầu hay bạch cầu. Tế bào nguyên thủy ở cơ bắp thì cho những tế bào cơ v.v…

 

Thế nhưng tế bào nguyên thủy của bào thai lại có khả năng phân liệt thành nhiều loại tế bào khác nhau. Tiến sĩ James Thomson thuộc Đại học Wisconsin cho hay: ông có một ngân hàng tế bào nguyên thủy và có thể biến chúng thành một loại tế bào đặc biệt nào theo ý muốn mà không cần dùng đến thai bào. Nhà nghiên cứu thần kinh Evan Snyder thuộc Đại học Y khoa Harvard cho biết: tế bào nguyên thủy ở động vật trưởng thành như chuột, nếu bỏ chúng vào tủy xương sẽ thấy nó cũng phân liệt thành tế bào máu, thế nhưng không ai giải thích được tại sao những tế bào ấy lại hội nhập được với môi trường mới.

 

David Anderson thuộc viện Cal Tech phân tích được rằng tế bào nguyên thủy thần kinh có thể biến thành những tế bào thần kinh. Ông đã đi sâu vào chi tiết và phân lập được Gen chịu trách nhiệm về biến đổi gen.

 

Trường hợp hạn hữu của lực sĩ Mỹ bị bệnh Parkinson năm 1989 đã sang Trung Quốc xin cấy tế bào thai bào (lúc này khoa học chưa tìm ra tế bào nguyên thủy ở người). Mục đích là để thay thế những tế bào gây bệnh Parkinson bằng những tế bào nguyên thủy có khả năng thần kinh. Kết quả có phần khả quan nhưng sau đó bệnh nhân bị tử vong vì ngộp thở. Giải phẫu bệnh lý tìm thấy một khối ung bướu trong não bộ, chèn ép trung tâm hô hấp.

 

Mặc dầu quốc hội Mỹ ngăn cấm và không được cung cấp ngân khoản cũng như phương tiện, nhưng việc nghiên cứu những tế bào nguyên thủy không vì thế mà bị đình trệ, nó vẫn tiếp tục. Nhưng khu vực tư nhân nếu có nghiên cứu họ cũng phải dấu kín và không thể công bố kết quả đến mọi người.

 

(TVTS – 738)