Vẩy nến (Psoriasis): một chứng bệnh khó chịu

03 Tháng Mười Hai, 2008 | Y học - Khoa học

 

Trong khi y khoa, có những chứng bệnh tuy không có nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm bệnh nhân rất khó chịu vì khó chữa trị và do chúng hiện ra ngoài da dễ trông thấy làm mất thẩm mỹ.

 

Vẩy nến (Psoriasis) là chứng bệnh như nói ở trên, và da là cơ quan có chu vi lớn nhất trong cơ thể, mặc dầu đã có quần áo che được phần lớn nhưng khốn thay bệnh vẩy nến cũng thường xuất hiện ở mặt, cổ, tay chân khiến bệnh nhân không có cách để che dấu đưa đến mặc cảm và xấu hổ.

 

Vẩy nến xuất  hiện với tỷ lệ 2-4% dân số Úc, một chứng bệnh tự miễn (auto-immune), theo đó da ửng đỏ từng vùng có hình dạng khác nhau, có lúc da có vẩy bạc trắng, khô, ngứa, và có đường viền gồm những chấm đỏ. Những vẩy rơi rụng là do sự phát triển quá mức của những tế bào biểu bì.

 

Vẩy nến xuất hiện bất cứ nơi nào trên da của cơ thể, thế nhưng nhiều nhất ở những vùng co gập của các khớp, vùng xương không được bao phủ bởi bắp thịt như da đầu, lỗ tai, các khớp nhỏ, chung quanh cơ quan sinh dục và hậu môn. Thấp khớp (arthritis) có thể đi kèm theo chứng vẩy nến đối với các khớp nhỏ.

 

Vẩy nến có thể xuất hiện ở một vùng rất nhỏ nhưng cũng có khi lan rộng khắp cơ thể. Khi ấy mặt mũi bệnh nhân với những chấm đỏ, vẩy trắng, xen lẫn với những vùng da bình thường trông rất khó coi, mất thẩm mỹ làm người bệnh khổ sở, khó chịu.

 

Nguyên nhân gây ra vẩy nến như đã nói trên là một chứng bệnh tự miễn và yếu tố di truyền được đề cập tới. Thường thường bệnh nhân có cha mẹ hay ông bà nội, ngoại mắc bệnh này trước. Người ta cũng đề cập đến yếu tố stress (căng thẳng thần kinh) , mặc dầu không hẳn là nguyên nhân gây bệnh nhưng làm cho bệnh thêm trầm trọng. Sự lây nhiễm cũng đóng một vai trò quan trọng, trẻ con mắc bệnh tiếp theo sau một viêm họng.

 

Những kích thích tố cũng ảnh hưởng đến vẩy nến rất nhiều. Phái nam hay phái nữ thường có vẩy nến  khi đến tuổi dậy thì hay lúc tắt kinh, bởi trong giai đoạn này có sự sáo trộn các kích thích tố. Trái lại bệnh được cải thiện hay biến mất khi mang thai nhưng sẽ tái xuất hiện sau khi sanh đẻ.

 

Trị liệu, không có thuốc men nào trị liệu dứt hẳn căn bệnh vẩy nến, chỉ có một số thuốc nhằm cải thiện những triệu chứng mà thôi. Lại nữa những thuốc hữu hiệu cho người này có thể không hữu hiệu cho người khác. Sự trị liệu bằng thuốc đôi khi cần phải kèm theo sự thay đổi cách sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng. Những bác sĩ tư (GP) có thể đảm đương việc trị liệu hoặc khi chứng bệnh trầm trọng và lan rộng thì gởi đến vị chuyện khoa về da (dermatologist).

 

Sau khi khám nghiệm bệnh nhân, bác sĩ có thể kê toa những thuốc thoa trong đó có chất coaltar hay chất cortisone. Vùng da bị bệnh có thể được chích thêm thuốc để đẩy mạnh sự trị liệu. Tia cực tím (ultraviolet) có thể được dùng để chiếu vào chỗ đau đồng thời với thuốc thoa và thuốc uống.

 

Ánh sáng mặt trời cũng giúp ích cho sự trị liệu, thế nhưng phương cách này phải được các bác sĩ theo dõi rất sát vì sự tắm nắng cũng dễ làm cho vẩy nến lan rộng.

 

Một dược phẩm mới được nhắc nhở đến, trong đó có chất Fumaric acid, một chất lấy ra từ quả táo rồi được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Theo Tiến sĩ dược khoa Misselhorn người Mỹ, nếu thoa thuốc này thì vẩy và ngứa của bệnh sẽ bớt hẳn.

 

Sau đây một trường hợp điển hình: bà kim 35 tuổi, y tá bệnh viện, mắc chứng vẩy nến năm 25 tuổi và bệnh xuất hiện ở cùi chỏ cùng da đầu. Bà đi gặp bác sĩ và được kê toa thuốc thoa coaltar. Thuốc tỏ ra hữu hiệu, những triệu chứng cải thiện rất nhiều. Năm năm sau bà trải qua một thời gian bị căng thẳng thần kinh nơi sở làm, do đó chứng bệnh vẩy nến trở nên trầm trọng, lan rộng khắp cơ thể.

 

Lần này, bác sĩ cho bà được tắm bằng bia cực tím, nhờ thế căn bệnh thuyên giảm hẳn. Vài tháng sau đó, vẩy nến lại tái xuất hiện, bác sĩ sử dụng thuốc Cortisone và kết quả khả quan. Cứ như vậy, bệnh thuyên giảm và tái xuất hiện nhiều lần khiến bà Kim vừa khó chịu vừa khổ sở vì bệnh gây trở ngại trong công việc làm.

 

Bà Kim sau đó quyết định đi gặp Y sĩ Đông y Trung Hoa. Bà được cho uống nhiều thang thuốc Bắc, đồng thời phải kiêng cữ trong cách dinh dưỡng. Đặc biệt không được uống cà phê, rượu, không ăn đường và nhất là những thức ăn có men (yeast). Ngược lại bà được khuyên nên ăn nhiều trái cây, rau đậu và uống nước cất.

 

Sự trị liệu này đòi hỏi một thời gian  dài 18 tháng mới có kết quả tốt. Bà Kim nhận thấy vẩy nến biến mất hẳn ở mặt và tay chân, mặc dầu vẫn còn vài vùng nhỏ tồn tại. Bà hiện vẫn còn giữ chế độ dinh dưỡng ấy và tin rằng không thể nào trị liệu dứt hẳn chứng bệnh.

 

Khi bệnh tái phát bà uống thuốc bắc, thoa thuốc và nhất là giải tỏa những lo âu, căng thẳng thần kinh. Bà được các bác sĩ chuẩn bị tinh thần để chấp nhận chứng bệnh và an phận sống với nó bằng cách nào tốt nhất cho mình.

 

Những vị bác sĩ chuyên khoa về da đã khuyên bệnh nhân vài điều như sau:

 

    Tránh sử dụng những mỹ phẩm cũng như nước hoa vào da hay tóc, chỗ đau.

 

    Tránh đi ngoài nắng, nếu bất đắc dĩ phải làm thì nên bảo vệ da (những vùng da bình thường) với thuốc thoa sunscreen.

 

    Nên ăn hoa quả, rau tươi, uống 2 lít nước mỗi ngày.

 

   Nên ăn cá biển, bởi vì cá biển có chứa nhiều dầu omega-3 rất bổ ích cho da và hệ thống miễn nhiễm.

 

   Tránh hoặc giải tỏa những giao động thần kinh. Thực tập Yoga và thiền để chống stress.

 

    Nên tập thể dục hàng ngày, đi bộ nơi công viên hoặc những vùng yên tịnh.

 

   Chất béo omega-3 cần thiết cho sự phát triển và bồi bổ da thường trong: cá biển, tôm, nghêu sò, dầu  canola, dầu lin-seed, hạt bí, đậu nành, rau xanh, hạt walnut. Do đó tránh ăn bơ (butter) thay thế bằng bơ canola (Gold’n Canola), dùng dầu canola để nấu ăn (chiên hay trộn xà lách).

 

Riêng kẻ viết bài này, với kinh nghiệm dân gian, đã thấy sự điều trị vẩy nến bằng lá muồn rất hữu hiệu.

 

Tại Sài Gòn trước đây, chỉ cần ra chợ mua 10 đồng lá muồn, giã nhỏ rồi thoa vào chỗ đau, độ 3 ngày là khỏi hẳn. Dược sĩ La Thành Nghệ (pharmacie La Thành đường Tự Do) căn cứ vào lá muồn để bào chế thành một thứ thuốc thoa rất tốt. Không rõ ông đã tìm ra chất thuốc gì trong lá muồn?

 

(TVTS  –  694)