Quan niệm mới để phòng ngừa bệnh tim mạch

28 Tháng Mười, 2008 | Y học - Khoa học

Chúng ta chẳng nên trách những bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc những vị chuyên khoa dinh dưỡng, nếu những lời khuyên của họ trước đây và bây giờ có sự tương phản. Thật tội nghiệp cho họ, vì đã có kẻ phê phán nghiêm khắc: “Mấy ổng tha hồ nói xuôi, nói ngược, chỉ khổ cho bệnh nhân phải nghe theo hụt hơi”.

 

Nay ta thử xét lại lời khuyên trước đây của họ ra sao?

 

– Theo họ nguyên nhân chính làm tắt nghẽn tim mạch là do cholesterol và các chất béo nói chung. Do đó bệnh nhân phải kiêng cữ những thức ăn có nhiều cholesterol như thịt bít tết, trứng gà, vịt, những thức ăn có nhiều chất béo như kem, bơ, sữa, dầu, mỡ.  Muối, một “chất độc” làm tăng huyết áp, không cần ăn nhiều.

 

Nên ăn uống điều độ để không làm tăng quá mức thể trọng vì người mập dễ bị mắc bệnh tim mạch. Nên tập thể dục hoặc đi bộ để bắt quả tim làm việc nhanh hơn thường lệ, bơm máu nhiều hơn vào các mạch máu để làm giãn nở và tống xuất những chất cặn bã đọng lại trên thành mạch.

 

Không nên uống rượu và hút thuốc vì đấy là những yếu tố làm gia tăng các bệnh tim mạch.

 

 

Thế rồi các nhà khoa học lại đưa ra những lời khuyên mới với nhiều điều  tương phản với những lời khuyên trước đây.

 

– Chẳng hạn Trứng là món cấm kỵ đối với bệnh nhân tim mạch vì chứa nhiều cholesterol. Nhưng nay các vị ấy “nói lại” rằng: ăn nhiều trứng, không có nghĩa là nguyên nhân làm gia tăng lượng cholesterol trong máu.

 

Homocysteine. Một số chất có trong máu nhưng nay có thể trở thành thủ phạm của các bệnh tim mạch, giống như cholesteriol vậy.

 

Chất mỡ bảo hòa (saturated fat) tìm thấy trong các loại thịt đỏ (red meat: như thịt bò, thịt dê), bơ và những thực phẩm động vật khác, có thể là mối đe dọa đối với tim mạch còn hơn cholesterol nữa.

 

– Những loại chất béo khác như dầu ôliu, dầu thực vật, dầu cá salmon và tuna có thể làm giảm thiểu lượng cholesterol xấu (LDC) và làm cho lưu lượng của máu bình thường.

 

– Margarine. Bởi vì bơ là một chất béo bảo hòa gốc động vật nên trước đây được khuyên nên chuyển sang ăn Margarine một chất béo thực vật để thay thế.

 

Thế nhưng các nhà sản xuất Margarine muốn cho loại bơ này giống như bơ động vật nên đã trộn nhiều hóa chất khác làm cho Margarine trở nên cứng và đấy là nguyên nhân có thể gây tắt nghẽn tim mạch. Gần đây trên thị trường có những loại bơ mới chẳng hạn như Benecol, không độc hại và làm giảm thiểu cholesterol.

 

Muối. Một vấn đề gây tranh cãi. Lẽ tất nhiên đối với người cao huyết áp bác sĩ khuyên họ phải ăn lạt, nhưng đối với những người có  huyết áp bình thường thì muối có hại gì?

 

Đi bộ, tập thể dục. Không cần phải có những hoạt động cơ thể làm tăng mạch (pulse) như lời khuyên trước đây. Những việc nhẹ như làm vườn, hút bụi, rửa xe là những hoạt động cũng rất tốt cho tim mạch.

 

– Chất béo và cholesterol. Theo sự tiến hóa của con người, chúng ta ngày nay ăn thịt nhiều hơn tổ tiên sống cách nay 2 triệu năm. Vào thập niên 60, các khoa học gia nhận thấy những bệnh nhân tim mạch thường có lượng cholesterol trong máu cao hơn người bình thường.

 

Cholesterol, một chất béo được tìm thấy trong thịt động vật (trừ cá) trứng, sữa. Cholesterol thường bám từng mảng vào thành bên trong mạch máu làm hẹp tiết diện hoặc tắt nghẽn các động mạch gây ra những bệnh tim và đột quị.

 

Từ đó, mới có những lời khuyên chúng ta nên ăn những thực phẩm chứa ít cholesterol, thay vì ăn bơ nên chuyển sang margarine, giảm ăn trứng và thịt.

 

Thế nhưng, gần đây các nhà khoa học tìm hiểu sâu rộng vấn đề, họ nhận thấy những lời khuyên nêu trên thật quá đơn giản và không hợp lý. Bởi vì mặc dù người mắc bệnh đã ăn uống kiêng cữ rất khắt khe nhưng mức độ cholesterol huyết vẫn cứ cao. Do đó, họ cho rằng dù có ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol chăng nữa, chưa chắc đó là nguyên nhân đưa đến việc tăng cholesterol trong máu.

 

Cơ thể tự nó có thể sản xuất ra cholesterol và làm tăng cao lượng cholesterol dù có kiêng cữ đàng hoàng. Vấn đề là do gen di truyền của mỗi người gây nên, bởi có những người vẫn ăn nhiều thức ăn có lượng cholesterol cao nhưng máu họ vẫn bình thường.

 

Nay các nhà khoa học khuyên rằng có thể ăn thịt đỏ (red meat), kem,bơ, sữa (động vật) và kiêng cữ những chất béo bảo hòa (saturated fat) vì chúng làm tăng lượng cholesterol huyết. Chúng ta vẫn có thể ăn trứng bởi trứng tuy có nhiều cholesterol nhưng không chứa chất mỡ bảo hòa.

 

Cũng nên nhắc lại rằng cholesterol trong cơ thể có hai loại chính: Cholesterol có tỷ trọng thấp (LDL), thủ phạm gây ra những chứng bệnh tim mạch và Cholesterol có tỷ trọng cao (HDL), ân nhân của con người, vì chất này làm sạch các mạch máu.

 

Ngoài ra, còn có một loại những chất béo khác gọi là Triglycerides ở trong máu, cũng có thể gây nguy hại giống như LDL vậy.

 

Các bác sĩ mới  đây đã bắt đầu đưa ra những lời khuyên mới là nên dùng những thức ăn để hạ thấp lượng LDL và Triglyceri (ăn bớt thịt, kem, sữa và bơ), nên dùng dầu ôliu và cá để thay thế, vì chúng làm tăng lượng HDL, đi đôi với sinh hoạt thể dục, thể thao vừa phải cũng như làm giảm thể trọng nếu quá mập.

 

Để làm sáng tỏ vấn đề Margarine gây nguy hại, các nhà khoa học cho rằng phương pháp làm cho margarine cũng như bơ đậu phộng, hay shortening trở nên cứng đã biến những acid béo trở thành trans-fatty acid (hay acid béo biến đổi) do đó kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ LDL và Triglycerides trong máu. Tran-fatty acid không hẳn là chất béo vì thế các nhà sản xuất có thể ghi ngoài nhãn hiệu là “Fat Free” (không có chất béo) mà không sợ trật.

 

Vấn đề làm thắc mắc mọi người là có nên kiêng cữ hẳn chất béo? Câu trả lời là không nên. Cơ thể cần chất béo để tạo ra nhiệt lượng và cũng để hòa tan sinh tố A và D đưa vào cơ thể từ thực phẩm. Những cư dân quanh Địa Trung hải thường ăn mỡ để có hơn 30% nhiệt lượng cần thiết, nhưng họ lại ăn rất ít chất béo bảo hòa, do đó tỉ lệ bệnh tim của họ rất thấp.

 

– Tập thể dục, đi bộ, làm việc nhà? Những công trình nghiên cứu năm 1953 cho thấy, những người năng hoạt động thể lực nguy cơ bệnh tim mạch giảm 30%. Theo các nhà sinh lý học, tim là một bắp thịt nếu làm việc đều đặn sẽ trở nên mạnh khỏe.

 

Người năng hoạt động thể lực sẽ làm giảm huyết áp, khi tim bơm máu nhanh hơn, các mạch máu giãn nở để thích hợp với lưu lượng máu gia tăng. Yếu tố giãn nở mạch máu làm giảm huyết áp, gia tăng lượng HDL và lượng huyết thanh (plasma) nhờ đó làm máu loãng nên ít có những cục máu đông làm nghẽn mạch.

 

Ngoài ra còn làm tăng các phân hóa tố (enzyme) để tiêu hóa cholesterol và những acid béo trong máu. Vì vậy các bác sĩ thường xuyên khuyên những người lớn tuổi hoặc bệnh nhân tim mạch thay vì đi bộ hay tập thể dục có thể thay thế bằng việc lau, rửa xe trong một giờ, làm vườn 45 phút, quét lá vườn sau. Những công việc nhẹ, cũng như hữu ích để giải trí, đỡ tốn kém.

 

– Sinh tố E. Hiện hữu trong dầu thực vật và các loại hạt. Năm 1996, nhiều cuộc nghiên cứu ở phụ nữ đã tắt kinh cho thấy nếu họ ăn nhiều thực phẩm có sinh tố E, thì 62% không bị đe dọa tử vong bởi những bệnh tim mạch.

 

Nhưng không có nghĩa nếu uống nhiều viên sinh tố E sẽ không còn lo âu bệnh tim mạch. Trái lại việc ăn những thực phẩm có sinh tố E sẽ giúp ích nhiều hơn cũng như phòng ngừa bệnh tim mạch hơn là những viên thuốc chứa sinh tố E.

 

Phytochemicals. Ăn nhiều trái cây, rau đậu không những tốt cho sức khỏe mà còn được bảo đảm không bị mắc những chứng tim mạch. Lý do đơn giản nếu ăn nhiều trái cây, việc tiêu thụ thịt, mỡ và sản phẩm từ sữa sẽ giảm, và chất mỡ bảo hòa sẽ ít đi. Ngoài ra thực vật còn mang lại cho cơ thể nhiều loại sinh tố khác ngoài E còn có C,B…

 

Gần đây, các nhà khoa học nghiên cứu thực phẩm gốc thực vật đã tìm thấy nhiều dược chất quan trọng hơn cả  sinh tố, được gọi là Phytochemicals (hóa chất thực vật).

 

Có hai loại hóa chất thực vật: Carotenoids chứa carotene có màu cam như cà rốt, cà chua và Flavonoids tìm thấy trong hành, broccoli, rượu chát đỏ, trà. Cả hai loại này là những “chất chống oxy hóa”, làm cho LDL và Tryglycerides không bị oxy hóa bởi những gốc tự do (free radicals).

 

Những gốc tự do này thường gây tổn thương cho cơ thể. Chẳng hạn sinh tố E là chất hòa tan trong mỡ, nếu đột nhập vào LDL hay Tryglycerides sẽ tránh được tai nạn gây ra bởi những gốc tự do.

 

Những chất Flavonoids hòa tan trong nước, được các tế bào hấp thụ sẽ làm cho gốc tự do bị loại khỏi hệ tuần hoàn. Đây chỉ là những giả thuyết chưa được chứng minh, nhưng trong thực tế người ta nhận thấy những ai ăn nhiều thực phẩm chứa hai loại ấy thì ít mắc bệnh tim mạch.

 

Homocysteine. Những bệnh nhân di truyền vì xáo trộn gen khiến họ bị bệnh Homocysteine-niệu (homocysteinuria) thường bị tử vong ở tuổi 20 vì đột quị hay bệnh tim mạch, trong máu chứa nhiều chất amino acid homocysteine, huyết áp cao. Do đó chất homocysteine được đặc biệt nghiên cứu để tìm ra sự liên hệ của nó với những bệnh tim mạch.

 

Lời giải thích hợp lý nhất là nếu lượng homocysteine trong máu tăng cao nó sẽ liên hợp với LDL để tạo ra một phân tử lớn thu hút những tế bào của hệ thống miễn nhiễm để hình thành các mảng đóng vào thành gây ra tắt mạch. Nếu giả thiết này đúng thì ta có thể kiểm soát homoceptein bằng sinh tố B và acid folic một cách dễ dàng.

 

– Lây nhiễm và tiêm. Những yếu tố như cao áp, hút thuốc lá, oxy hóa LDL và Tryglycerides làm tổn thương thành mạch. Hệ thống miễn nhiễm của cơ thể thay vì giải tỏa và loại trừ sự tổn thương lại làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

 

Những tiểu cầu (platelet) của máu di chuyển mạnh về chỗ tổn thương của thành mạch để tạo thành một mảng (plaque), băng bó vùng hư hại của thành mạch. Một cục máu đông được hình thành và có thể vít kín một mạch máu của não và tim.

 

Sự lây nhiễm bởi vi trùng cũng có thể làm viêm (sưng) thành mạch. Chẳng hạn vi trùng chlamydia (một loại gây bệnh phong tình) siêu vi, hay bất cứ vi trùng nào khác cũng có thể gây ra bệnh tắt nghẽn tim mạch. Gần đây những siêu vi herpes gây bệnh cảm cúm cũng có thể gây ra bệnh tim mạch.

 

Rượu. Người Pháp theo tập quán ăn nhiều chất béo bảo hòa (như bơ, phó mát, phó sản của sữa bò) nhưng họ lại là giống dân có tỉ lệ thấp nhất về bệnh tim mạch. Lý do có thể do họ uống rượu chát vừa phải và ít uống rượu mạnh khi ăn.

 

Để giải thích thì rượu có thể làm gia tăng HDL, rất cần thiết để làm sạch các mảng cholesterol đóng vào thành mạch. Một ly rượu cháQt nhỏ vào bữa cơm tối rất tốt cho việc tiêu hóa và làm cho thực khách ít mắc bệnh tim mạch.

 

Những kiến thức mới nêu trên không thay đổi gì mấy đối với bệnh tim mạch. Có chăng chỉ là các nhà khoa học gia càng ngày càng tìm hiểu rõ hơn các tác dụng của những yếu tố gây bệnh và sửa đổi đôi chút cách ăn uống cũng như sinh hoạt của bệnh nhân.

                       

(TVTS – 697)