Chứng hôi miệng

03 Tháng Bảy, 2008 | Y học - Khoa học

 

Ngôi sao điện ảnh CLark Gable, người đàn ông lý tưởng của 4 thế hệ phụ nữ liên tiếp, người được tôn sùng là thần tượng của màn bạc. Thế nhưng, nếu ông cận kề để tâm sự, hay hôn một thiếu nữ ắt hẳn cô gái phải vỡ mộng. Bởi hơi thở của ông rất hôi! Do đó cô đào nổi danh tài sắc vẹn toàn Vivien Leigh, trong phim “Cuốn theo chiều gió” đã khốn khổ khi phải đóng cảnh lâm ly, âu yếm với CLark Gable.

 

Theo những thống kê về răng miệng, 90% chứng hôi miệng phát xuất từ khoang miệng, 10% còn lại do những bệnh nội khoa gây nên.

 

Nhiều bệnh nội khoa làm thay đổi sự phân giải hóa học cơ bản bình thường của cơ thể, tạo thành những khí dễ bay hơi dẫn đến các hệ bài tiết qua phổi hay qua đường máu để rồi thoát ra ở mồ hôi, nước bọt và hơi thở gây ra mùi hôi.

 

Những triệu chứng hoặc những căn bệnh sau đây thường gây ra chứng hôi miệng:

 

   Nóng sốt và thiếu nước (Fever-Dehydration): Sốt cao và thiếu nước trong cơ thể làm giảm sự bài tiết nước bọt đưa đến chứng hôi miệng. Cơ thể thiếu các sinh tố A, B12, chất sắt (Fe), kẽm(Zn) sẽ làm miệng bị khô, lưỡi và môi nứt nẻ khiến cho bã thức ăn và vi trùng dễ bám vào.

 

   Những bệnh tiêu hóa: Những tình trạng nào dẫn tới sự suy yếu hoặc ngăn cản sự việc khép đậy van thực quản (như bệnh dội ngược thức ăn trong thực quản) do hẹp môn vị (pyloric stenosis) hoặc thoát vị lỗ khuyết (hiatal hernia) đều dẫn tới chứng hôi miệng. Trong trường hợp này, thức ăn trong dạ dày dội ngược lên thực quản, khiến mùi hôi của thức ăn đang bị phân hóa thoát ra.

Gần đây một giả thuyết khác được đưa ra: Vi trùng Helicobacter pylori thường hiện diện trong dạ dày, một tình trạng nhiễm trùng gây nên bệnh loét bao tử. Do đó khi dùng thuốc khác sinh metronida Zole chứng hôi miệng có thể tan biến.

 

  Bệnh tiểu đường: Sự liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh sưng nướu răng đã được nha khoa   xác nhận.

  

Thường thường trong bệnh tiểu đường, hệ thống tim mạch giúp sự vận chuyển các chất bổ dưỡng, dưỡng khí và huyết cầu dẫn đến những bộ quan trọng như tim, óc, mật và thận bị ảnh hưởng.

   

Cũng vì lưu lượng máu bị sút giảm nên máu nên máu đến các mô chung quanh chân răng cũng giảm, khiến nướu răng và xương hố răng bị hư hại nhanh hơn bình thường. Kinh nghiệm cho thấy người bị tiểu đường thường hay có nhiều bọc mủ hay nhọt nổi chung quanh nướu răng mà không có nguyên nhân chính đáng. Do đó các nha sĩ khi gặp những bọc mủ nơi nướu răng bệnh nhân thường nghĩ đến bệnh tiểu đường để gởi họ đi thử đường lượng trong máu.

 

  Nhiễm trùng hô hấp: Ung thư, lao, viêm phổi, hoặc viêm mủ  màng phổi (empyema) đều có chứng hôi miệng xảy ra.

 

  Bệnh liên quan đến tai-mũi-họng: Các bệnh viêm mũi, nhiễm trùng các xoang quanh mũi hoặc bướu mũi, ung thư cổ họng đều gây ra chứng hôi miệng vì người bệnh không thể thở được bằng mũi mà phải thở qua miệng.

 

   Những bệnh làm suy thận: Nếu thận bị suy yếu thì các chất cặn bã khó bài tiết ra ngoài, một yếu tố gây hôi miệng.

 

    Bệnh xơ gan (cirrhosis): Một bệnh hủy hoại gan mãn tính theo đó gan bị xâm nhập bởi những mô sợi (fibrous tissue) và tế bào gan bị mỡ đột nhập gây tổn hại cho các chức năng của gan như tạo ra và tồn trữ chất đường, chống lại sự hủy hoại các chất độc, ảnh hưởng đến sự biến dưỡng bilirubine, hấp thụ những sinh tố, biến dưỡng các kích thích tố.

 

Lưu lượng của máu qua gan bị giảm thiểu gây nên ảnh hưởng phản hồi làm tăng áp lực của động mạch cửa và tạo thành chứng viêm các tĩnh mạch của thực quản. Do đó ảnh hưởng của chứng xơ gan rất phức tạp và thường gây ra chứng hôi miệng.

 

   Nhiễm trùng nấm: Nấm Candida, một loại nấm gây bệnh thường mọc chỗ ẩm ướt (như miệng) trong cơ thể. Trường hợp này thường có ở những người bệnh mà sức kháng cự của cơ thể bị giảm thiểu, như bệnh liệt kháng, bệnh ung thư, tiểu đường v.v…

Những người bị nhiễm trùng nấm Candida thường thở ra mùi ngọt của trái cây. Trong trường hợp này những thuốc kháng nấm như chlortrimazole hoặc nystatin có thể dùng để trị liệu và giảm chứng hôi miệng.

 

  Bệnh hôi miệng tưởng tượng (imaginary halitosis): Người bệnh có cảm tưởng hay bị ám ảnh bởi chứng hôi miệng đưa tới việc mọi người (nhất là người yếu) xa lánh mình.

Sau khi khám kỹ lưỡng mà không tìm ra nguyên nhân, bác sĩ nên gởi bệnh nhân đến bác sĩ tâm thần.

 

Sự chữa trị:

 

Việc chữa trị sẽ dễ dàng nếu tìm ra nguyên nhân. Như trên đã nói thì 90% chứng hôi miệng phát sinh từ khoang miệng, răng và lưỡi. Trong những trường hợp này vệ sinh răng miệng là cách chữa chính yếu: nên đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, đồng thời làm sạch sẽ răng bằng cách dùng chỉ răng (deltal floss), không nên dùng mãi tăm xỉa răng. Nên tập đánh hoặc nạo mặt trên của lưỡi, ngày 1 lần, vì đây là nơi thức ăn hay bám nhiều.

 

Chải răng lưỡi thật kỹ trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy cũng làm chứng hôi miệng giảm đi. Nên đi khám răng ít nhất mỗi năm 2 lần để chà rửa răng, đây cũng là cơ hội thuận tiện để phát hiện sâu răng hoặc bệnh nướu răng. Nếu toàn diện xương hố răng có độ sâu (6mm hay hơn) nha sĩ sẽ nạo chân răng hoặc gởi đến những nha sĩ chuyên khoa về nướu răng chữa trị.

 

Nếu đã rụng răng mà phải đeo bộ răng giả thì vệ sinh răng miệng cũng cần áp dụng mỗi ngày. Bộ răng giả làm bằng chất nhựa tạo cơ hội thuận tiện cho thức ăn và vi trùng bám vào gây mùi hôi. Vì vậy không nên đeo hàm răng giả khi đi ngủ, nên chải rửa sạch và ngâm nó trong nước xà phòng hoặc nước sát trùng mỗi đêm.

 

Trong miệng nên dùng bàn chải thật mềm hoặc khăn bông nhỏ để lau chà vòm nướu.

 

Về các loại nước súc miệng thật khó xác định loại nào tốt và hữu hiệu. Chúng chỉ che dấu tạm thời mùi hôi miệng từ 30 phút tới 3 tiếng. Do đó nên sử dụng ít nhất 2 hay 3 tuần trước khi thử loại khác, cho đến khi tìm được loại vừa ý có hiệu quả cao.

 

Phản ứng phụ của các loại thuốc nước là có chứa chất rượu (alcohol) có thể làm miệng bị khô hoặc lở loét và đưa tới tình trạng nặng hơn. Lại nữa thuốc nước súc miệng có thể thay đổi màu sắc của răng, lưỡi thành màu nâu, hoặc thay đổi vị giác.

 

Về chứng khô miệng hiện tại những dược phẩm có thể kích thích tuyến nước bọt, hoặc các chất thay thế giúp người bệnh thoải  mái (salivary substitutes). Nên uống nhiều nước và hạn chế những chất có caffeine như cà phê, coca cola v.v…

 

Nếu phải dùng thuốc lâu ngày để trị các bệnh nội khoa mãn tính thì ta có thể dùng nước bọt nhân tạo như (xero-lube, salivart) để tránh tình trạng khô miệng. Nhai kẹo cao su hoặc kẹo dẻo không đường có thể kích thích tuyến nước bọt, làm tăng cử động của lưỡi giúp loại bỏ những chất cặn bã thường bám vào lưỡi. (TVTS – 679)