Nuôi cấy tế bào gốc của chính mìnhlà phát minh độc đáo của Đại Hàn

16 Tháng Tư, 2008 | Y học - Khoa học

Quốc hội Mỹ tỏ ra sáng suốt khi cho phép các khoa học gia nghiên cứu sâu rộng tế bào gốc, thì tổng thống Bush cho biết ông sẽ phủ quyết đạo luật này lấy lý do là vô đạo đức.

 

Thật khôi hài, giết người vô tội, tra tấn hành hạ tù nhân được miễn tố trước tòa án quốc tế, trong khi nghiên cứu trứng thụ tinh hay không thụ tinh lại bị ông Bush cho là vi phạm đạo đức.

 

Nghiên cứu tế bào gốc không phải để cướp quyền tạo hóa về sinh sản (như tạo sinh vô tính) nhưng để ứng dụng trị bệnh nan y. Những đột phá của y học còn quan trọng hơn sự phát hiện ra thời đại trụ sinh nữa.

***

 

Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “Chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành vẫn ra đi”. Như vậy có nghĩa không ít các nhà đạo đức được các chính trị gia “ăn có” a tòng, phản đối sự nghiên cứu ngành trị liệu độc đáo của y học ngày nay là dùng tế bào gốc, nhưng những nhà khoa học cấp tiến vẫn tiến tới không ngừng.

 

Những gì nước Mỹ mất đi thì Đại Hàn lại thu được và hưởng lợi.

 

Tại Mỹ, những cuộc nghiên cứu tế bào gốc đã bị chậm lại nếu không muốn nói là chận đứng. Thì tại Đại Hàn, 25 nhà khoa học của Viện Đại học Hán Thành (trong đó có hai khoa học gia xuất thân từ đại học Pittsburg, Mỹ) đã hãnh diện công bố thành quả thật vẻ vang.

 

Tuần báo khoa học Science đã phổ biến công trình nghiên cứu của Gs Woo Suk Hwang, một khoa học gia Đại Hàn lãnh đạo một tập thể chuyên gia, sử dụng kỹ thuật tạo sinh vô tính của con cừu Dolly và hình thành 11 dòng tế bào gốc của con người, đáp ứng với DNA của người bệnh (để không bị chối bỏ (reject) của cơ thể). Đây là một bước tiến vĩ đại y học đã thành tựu nhằm sử dụng trong sự trị bệnh.

 

Sau đây là quá trình diễn tiến công cuộc khảo cứu của Gs Hwang.

 

Nuôi cấy tế bào gốc của bản thân (người bệnh)

 

Khoa học gia Đại Hàn đã tạo sinh vô tính (cloning) tế bào da của người bệnh, từ đó họ chọn lựa tế bào gốc (stem cell) để nuôi cấy và cất giữ. Trong tương lai các tế bào gốc này sẽ được sử dụng nhằm sửa chữa hay bổ sung những mô bị hư hại, hoặc tạo ra một bộ phận mới.

 

1. Giai đoạn đầu tiên họ sử dụng trứng do một phụ nữ cung cấp (donor), dùng máy để hút nhân tế bào này qua khỏi màn tế bào.

 

2. Giai đoạn thứ hai là dùng một tế bào da (có nhân nguyên vẹn) từ cơ thể người bệnh để tiêm vào trong trứng trống rỗng không nhân kể trên.

 

3. Giai đoạn ba là dùng tác dụng điện năng để làm hòa đồng tế bào da (vẫn còn có nhân) trong trứng không nhân. Sau đó cho trứng vào một dung dịch hóa chất để giúp cho sự phân liệt sinh sản.

 

4. Giai đoạn bốn, lâu khoảng 5 ngày để những blastocyst (tế bào gốc trước khi biến hóa thành phôi bào) được hình thành. Những blastocyst này có chứa đựng một số tế bào gốc với đặc tính phân liệt sanh sản thành nhiều loại mô khác nhau.

 

Các khoa học gia tin rằng những tế bào gốc được nuôi cấy có thể sửa chữa được những bộ phận bị hư hại hoặc thay thế hoàn toàn bộ phận này.

 

5. Giai đoạn năm, những tế bào gốc như vậy có cùng đặc tính di truyền của bệnh nhân, được phân lập và tách rời ra để nuôi cấy như trong môi trường sinh hoạt của cơ thể.

Vấn đề ở đây không vi phạm quyền tạo sinh của Thượng Đế vì trứng của người cho không phối hợp với tinh trùng của một người khác. Trái lại trứng chỉ được lấy nhân đi, thay vào đó bằng một tế bào của bệnh nhân. Như vậy tránh được trường hợp “chối bỏ” (reject) thường gây thất bại cho công trình khảo cứu vì hệ thống miễn nhiễm.

 

Có điều khảo cứu của Gs Hwang công bố trong năm qua mô tả sự tạo sinh vô tính đầu tiên ở con người qua những Blastocyst đã gây tranh luận sôi nổi một thời. Nay sự công bố của Gs Hwang cũng còn gây sự nghi ngờ, phải chăng ông chỉ kích thích trứng không thụ tinh để gây ra sự phân liệt sanh sản vô tính (parthenogenesis) mà thôi?

 

Phương thức hành động của Gs Hwang là tạo một sự thụ thai đặc biệt không trải qua giai đoạn thụ tinh bình thường. Cái trứng ấy có tất cả những đặc tính di truyền của một người lớn, như vậy, chẳng phải là tạo sinh vô tính (cloning) là gì?

 

Gs Hwang đã tạo ra được 31 blastocyst và phân lập được 11 dòng tế bào (cell lines) từ các tế bào gốc (stem cells). Thế nhưng khi phối hợp nhân và trứng của những người khác nhau, thì ông Hwang không cho đó là parthenogenesis (trứng không thụ tinh bắt đầu tự phân liệt sanh sản). Các nhà khoa học Đại Hàn đã nuôi cấy những blastocyst và các dòng tế bào với những tế bào họ cho là tế bào nuôi dưỡng (feeder cells) từ con người mà ra, không phải từ giống chuột. Bởi vì tế bào nuôi dưỡng của chuột thường gây lây nhiễm siêu vi cho người bệnh.

 

Phương thức của Gs Hwang được gọi là Somatic cell nuclear transfer (SCNT) mà một số khoa học gia cho đấy chính là Cloning, đã gây chỉ trích và tranh luận hiện nay trên thế giới. Tổng thống Bush trong cuộc họp báo đã nói rằng, ông rất quan tâm đến sự tạo sinh vô tính. Ông lo âu một khi thế giới chấp nhận cloning. Hạ viện Mỹ đã cất bỏ lệnh cấm vận hạn chế việc nghiên cứu tế bào gốc tại Mỹ. Ông Bush cho biết ông sẽ phủ quyết đạo luật này. Trong khi các khoa học gia thì ca tụng thành quả trên.

 

Giải thưởng Nobel, Paul Berg của đại học Stanford là người luôn cổ vũ cho những hỗ trợ của tiểu bang California trong lãnh vực nghiên cứu tế bào gốc.

 

Stephen Minger, giám đốc phòng nghiên cứu sinh học tại Đại Học King’s College ở Luân Đôn phát biểu rằng: “Đây là sự đột phá kỳ diệu.” Kỳ diệu ở chỗ mỗi dòng tế bào gốc mới được phân lập đều có cùng đặc tính di truyền của bệnh nhân. Điều này có nghĩa những mô mới  tạo ra có thể tiêm vào cơ thể bệnh nhân mà không gây phản ứng miễn nhiễm để có sự chối bỏ.

 

Nếu các nhà nghiên cứu nghĩ rằng có thể sửa chữa một hư hại nào đó của một bộ phận, thì rồi ra họ sẽ có thể thay thế mô hư hỏng của bộ phận ấy.

 

Cho đến nay không ai tiên đoán được những tế bào gốc có thể dùng cho con người một cách an toàn.

 

Trước đây Hwang đã sử dụng 242 trứng mới có thể hình thành được một số tế bào gốc, từ những phụ nữ lành mạnh. Lần này Hwang có thể tạo ra 11 dòng tế bào gốc mà chỉ sử dụng 17 trứng cho mỗi dòng.

 

Doug Melton, nhà nghiên cứu thuộc đại học Harvard cho rằng: “Sự hữu hiệu thật quá tốt đẹp, tỉ lệ đạt được cao hơn tôi nghĩ. Điều tương tự này đã được thực hiện ở tế bào loài chuột sau một thập niên làm việc.”

 

Theo quan điểm của Berg, Melton cùng các đồng nghiệp Mỹ, thì họ ao ước có được điều kiện làm việc nghiên cứu tế bào gốc như ở Đại Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản và Tân Gia Ba.

 

Chính quyền Đại Hàn vừa ra lệnh ngăn cấm dùng kỹ thuật tạo sinh vô tính hình thành con người, nhưng lại yểm trợ nhiệt thành cho công tác của Gs Hwang với trợ cấp 2 triệu Mỹ kim mỗi năm.

 

Gs Hwang sinh ra sau chiến tranh Cao Ly ở một ngôi làng nghèo khổ thuộc tỉnh Chung Cheong, cách Hán Thành 3 giờ đi xe. Thân phụ chết năm Hwang 5 tuổi, thân mẫu ông phải nuôi dưỡng 6 người con bằng cách săn sóc đàn bò cho một phú hộ. Sau buổi học Hwang giúp mẹ chăm sóc đàn bò, vì vậy ông quyết định khi khôn lớn sẽ học thú y để tìm hiểu thêm về súc vật. Với căn bản thú y ông dấn thân nghiên cứu tế bào gốc, sự học hỏi này lại đặt căn bản trên các thử nghiệm với bò, heo và vịt.

 

Gs Hwang hiện nổi tiếng trên thế giới và được nhiều nơi mời hợp tác. Ông xứng đáng được thưởng giải Nobel (TVTS – 1002)