Nhất nha, nhì kỹ, ba y: Ngành học lãnh lương cao khi ra trường tại Úc

03 Tháng Mười, 2008 | Giáo dục - Di trú

Một buổi lễ tốt nghiệp và phát văn bằng tại Đại học Melbourne vào tháng 8 năm 2008 

10 ngành học lãnh lương cao nhất khi ra trường tại Úc

 

1. Nha khoa: $68,000

2. Kỹ sư hầm mỏ: $64,500

3. Kỹ sư hoá học: $49,900

4. Địa chất học: $49,000

5. Kỹ sư cơ khí: $48,000

6. Kỹ sư điện: $47,500

7. Kỹ sư hàng không: $47,000

8. Các ngành kỹ sư khác: $47,000

9. Y khoa: $47,000

10. Kỹ sư cầu đường: $45,400

 

 

Theo tường trình mới nhất của Hội đồng Hướng dẫn Nghề nghiệp cho Sinh viên Tốt nghiệp tại Úc (Graduate Careers Council of Australia), cứ năm cô cậu đội mũ mặc áo cử nhân năm 2006  thì bốn tháng sau đã có bốn an vị trong những chỗ làm toàn thời với mức lương khẩm. Số còn lại hoặc làm bán thời hoặc học lên cao học, tiến sỹ. Chỉ một dúm nhỏ (5.5%) mang tấm bằng đem lộng kiếng mà thôi.

 

Đây là điều rất mừng cho các bậc sinh thành dày công nuôi con ăn học thành tài. Thật vậy, nhiều cô cậu miệt mài đèn sách giật cho được văn bằng cử nhân vào những năm 2003 và 2004 mà cuối cùng phải xếp hạng ngữa tay xin tiền trợ cấp từ CentreLink.

 

Nhưng tình trạng thê thảm này đã giảm bớt từ năm 2005 và được coi là không đáng kể với cô cậu cử nhân năm ngoái. Nhờ kinh tế tiếp tục tăng trưởng, người ta dự đoán cô cậu tốt nghiệp đại học năm nay rất nhiều hy vọng được hãng xưởng mở rộng tay chào đón.

 

Đền đáp công ơn sinh thành

 

Khi cô cậu lận lưng mảnh bằng cử nhân bước vào sở làm thì không những lương khởi đầu rất khẩm mà mức lương mày còn nhảy vọt lên rất nhanh. Như mọi năm, lương khởi đầu cao nhất vẫn là ông bà nha sỹ vừa bóc tem: họ lãnh sơ sơ trung bình $68,000 một năm. Tức là mỗi tuần đút túi đem về cho cha mẹ trung bình  $1307 để đền đáp công ơn sinh thành(?).

 

Cùng một lúc, đền bù lại công khó đèn sách tất cả cử nhân năm 2006 đều đút túi trung bình $769 mỗi tuần.  Nếu ai đó nhọc công đèn sách tại đại học mà ra trường năm ngoái rồi lãnh lương $40,800 một năm thì có thể tự hài lòng mình đã thành một ông bà cử  ‘thường thường bậc trung’ tại Úc rồi đó.

 

Đây là mức lương trung bình của năm đầu tiên và đã tăng lên đều đặn từng năm 2000 cho tới nay. Thật vậy, vào năm 2000, lương của sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ ở mức $35,000 trong năm đầu tiên. Đến năm 2005, cử nhân mặt còn búng ra sữa được lãnh lương trung bình doọt lên $38,000. Năm sau, $40,000 và năm nay $40,800. Xin nhớ cho: Đó là lương trung bình trong năm đầu tiên. Mức lương này sẽ doọt lên nhanh như hoả tiễn nếu cô cậu học ba ngành nha, kỹ sư, y khoa và luật.

 

Nhất nha, nhì kỹ, ba y

 

Từ năm 1977 tới nay, đứng chót vót trên bảng lương luôn luôn là nha sỹ tân khoa. Lúc đó, ngay trong năm đầu tiên cầm ‘kềm cầm buá’ nhổ răng, nha sỹ đã lãnh $46,400. Đây là số lương chót vót, nhưng không dầy cộm so với lớp nha sỹ đàn anh đàn chị ra trường năm 2000. Năm 2000, nha sỹ ra trường khi bắt đầu đi làm đã đút túi liền tay $50,000. Nhưng số lương này thấm là bao so với nha sỹ bắt đầu nhỗ răng năm 2007 đã đút túi $68,000 một năm rồi đó.

 

Thứ đến là các thầy/ cô kỹ sư. Trong số này, lương cao nhất là…  kỹ sư đào mỏ, vì hai năm gần đây thế giới cần mua rất nhiều quặng mỏ mà Úc là quốc gia bỏ ngành nông nghiệp chuyển qua khai mỏ. Kinh tế tại hai tiểu bang Tây Úc và Queensland bùng nổ vì không kịp khai mỏ bán ra nước ngoài (trong đó Trung quốc và Nhật bản là hai khách hàng mua bao nhiêu quặng mỏ cũng không đủ dùng).

 

Thế là, ai lận lương mảnh bằng cử nhân khai mỏ năm 2006 thì năm nay lãnh lương sơ sơ cũng ở mức $64,500. Chỉ thua nha sỹ mới bóc tem mà thôi. Kế tiếp là các văn bằng cử nhân gì cũng được miễn là có chữ ‘kỹ sư’ in chữ nổi ở trên. Đó là kỹ sư hoá học, địa chất học, cơ khí, điện, hàng không và các ngành kỹ sư khác. Tất cả đều lãnh lương trung bình từ $47,000 cho tới $49,900 trong năm đầu tiên.

 

Sau tầng lớp kỹ sư rồi mới lương của tu bíp. Điều này cho thấy nấc thang xã hội tại Úc có phần thay đổi. Bác sỹ ngày nay không còn ‘có giá’ bằng kỹ sư nữa. Bác sỹ ‘mặt búng ra sữa’ năm nay chỉ lãnh trung bình $47,000. Không biết nha sỹ làm bao nhiêu giờ mỗi tuần, chứ người ta nói trong năm đầu tiên một bác sỹ đã phải làm việc ít nhất 52 giờ mỗi tuần rồi. Làm ngần ấy giờ, mà chỉ lãnh chưa tới 50k thì quả là không bõ(?).

 

Dược sỹ ở cuối bậc thang

 

Mười ngành học tiếp theo giúp cho cô cậu cử nhân lãnh lương cao là: kỹ sư cầu đường ($45,400); kỹ sư tin học ($45,000) ; giáo viên có bằng cao học/ tiến sỹ ($44,500); thiết kế đô thị ($44,000); giáo viên ($43,000); phục hồi chức năng (Rehabilitation, $42,600); toán ($42,500); nhân viên xã hội ($42,000); địa trắc (Surveying, $42,000).

 

Bạn đọc có thể thắc mắc: thế thì cô cậu luật sư trên thông thiên văn dưới rành địa lý, hay bác sỹ thú y hay dược sỹ và kiến trúc sư  đi đâu mất rồi. Xin thưa: luật sư còn thơm mùi bút mực năm ngoái và bắt đầu đi làm năm nay chỉ lãnh lương bằng nhân viên xã hội và người đo đạc ruộng đất: $42,000. 

 

Thú y là ngành học đòi điểm ENTER chót vót lại chỉ lãnh lương ở nấc thang gần cuối: $38,000. Nghĩa là hơn kiến trúc sư ba ngàn.  Ở cuối bậc thang lương trung bình năm nằm cũng là ông bà dược sỹ ăn mặc bảnh bao. Lương năm nay của dược sỹ vừa ra trường là $32,000.

 

Tuy nhiên, phụ huynh dừng vội can ngăn con mình ghi tên học kiến trúc hay dược khoa. Hai ngành này có mức lương thấp sau khi tốt nghiệp đại học vì cần thêm một thời gian thục tập trước chính thức hành nghề. Sau thời gian thực tập, ông bà kiến trúc sư và dược sỹ sẽ lãnh lương… không kịp đếm. 

 

Cũng như thế, bác sỹ mới ra trường có lương thấp vì thường phải nôi trú trong bệnh viện. Khi nào bác sỹ mở được phòng mạch thì rủng rỉnh ‘kéo cạc’  ăn tiền tới suốt đời cũng không hết.

 

(TVTS – 1114)