Nước Úc đã có 21 tỉ phú. 200 người giàu nhất nước Úc. Bàn về văn hóa học, văn hóa làm giàu

12 Tháng Hai, 2008 | Giáo dục - Di trú

Có phải  cái quan niệm sĩ nông công thương  thời phong kiến vẫn còn thịnh hành? Ngày xưa ông cha mình quyết chí dùi mài kinh sử để trở thành ông nghè, ông cống, ông trạng thì ngày ngay con cháu vẫn làm sao đạt giấc mơ  vào trường nha, y, luật?  Cứ làm nghề gì có chữ    hoặc tệ lắm kèm chữ    thì mới có danh, gọi là thành công. Chứ làm anh nhà buôn,  lái buôn, trọc phú thì vẫn là  hạng bét như trong xã hội ngày xưa?

 

Lương thủ tướng thua ông tổng giám đốc ngân hàng

 

Gần đây, có những cuộc tranh luận trong vấn đề cấp phát hay đặt mức lương bổng trong các đại công ty. Có những người cho rằng trong khi lương của công nhân chỉ vài chục ngàn một năm mà lương các xếp lớn lên tới hàng triệu đô la một năm thì đấy là chuyện  phi đạo đức, trái với công bằng xã hội. Nhưng người khác lại nói tại sao phân bì so kè khi người giỏi, có tài và làm việc nhiều được trả lương hợp với khả năng và thời giờ họ bỏ ra.

 

Nói gì thì nói, mức lương bổng sẽ không bao giờ làm hài lòng mọi người. Đừng nói đâu  xa, vợ của ông Tổng trưởng Ngân khố Peter Costello cũng có lúc đặt vấn đề với chồng tại sao ông cứ làm chính trị trong khi nếu ra làm cho các công ty, ông sẽ kiếm số lương rất lớn với giờ làm việc ít  hơn. Trước khi vào chính trường ông Costello là một trạng sư (barrister) có lương cao nhưng nay với chức vụ quan trọng thứ nhì của cả nước, lương của ông cũng chỉ trong khoảng hai trăm ngàn. Nhưng ông Costello cho biết ông thích làm chính trị bởi đấy là cái thú.  Ai mà chẳng ham làm thủ tướng? Triệu phú, tỉ phú thì có nhiều, nhưng cả nước chỉ có một  thủ tướng mà thôi.

 

Bạn có biết lương căn bản của ông Thủ tướng John Howard hiện nay bao nhiêu không?  $289,000 một năm, đó là nhờ được tăng lương nhiều lần cho hợp với giá cả sinh hoạt. Lương của thủ tướng còn thấp hơn lương của ông Chánh án Tối cao Pháp viện Maurray Gleeson  $336,450 một năm và thua xa ông Thống đốc Ngân hàng Dự trữ  Úc Ian Macfarlane với $550,000.

 

Nhưng lương của ông xếp lớn ngân hàng trung ương vẫn còn thua xa lương của các ông xếp lớn  Macquarie Bank, ngân hàng chuyên về đầu tư, trong đó ông lãnh lương thấp nhất trên $11 triệu và ông có lương cao nhất trên $21 triệu. Vì vậy, ngân hàng Macquarie bị thiên hạ gọi là Millionaire Factory, hãng sản xuất các nhà triệu phú.

 

Các ông vừa được tăng lương thêm một đợt sau khi ngân hàng Macquarie công bố mức lời kỷ lục $916 triệu trong năm qua, tăng 15% so với năm trước. Các ông làm ăn giỏi được tăng lương đã đành, các cổ đông cũng được hưởng lợi bởi vì trong một năm qua, tính cả tiền chia cổ tức và cổ phần tăng giá, các cổ đông đã được hưởng lợi 51% trên số tiền cổ phần của họ. Giá cổ phần Macquarie tuần qua ở khoảng $64. Trong năm qua, cổ phần Macquarie khi thấp nhất khoảng $49 và lúc cao nhất là $78.23.

 

Sau đây là danh sách TOP 10 những người có lương cao nhất nước:

1- Rupert Murdoch, công ty News Corp: $23.6 triệu

2- Allan Moss, Maquarie Bank (MB) : $21.2 triệu

3- Nicholas Moore, MB: $20.6 triệu

4- Michael Carapiet, MB: $15.9 triệu

5- Bill Moss, MB, $15 triệu

6- Andrew Downe, MB: $14.3 triệu

7- Frank Lowy, siêu thị Westfield: $13.3 triệu

8- Wal King, công ty Leighton: $12.8 triệu

9- Phil Green, công ty Babcock & Brown: $12.2 triệu

10- David Clarke, MB: $11.4 triệu.

 

Trong khi lương của các xếp lớn các đại công ty hàng triệu bạc  một năm, một người Úc trung bình lãnh  $56,087 một năm.  Lương 1 tuần của tổng giám đốc ngân hàng Allan Moss gấp đôi  lương của ông Tổng trưởng Ngân khố Costello trong một năm!

 

Làm kinh doanh lúc nào cũng có nhiều tiền hơn làm chính trị.

 

 

Rich 200

 

Mỗi năm, tuần san Business Review Weekly (BRW) cho xuất bản một số đặc biệt viết về 200 người giàu nhất nước Úc. Cách đây khoảng hai thập niên, một người có tài sản trị giá $10 triệu là đã lọt vào danh sách  200 người giàu nhất nước Úc trong số báo BRW đầu tiên vào năm 1983.

 

Năm nay 2006, các triệu phú muốn vào danh sách RICH 200 phải có tài sản  ít nhất là $130 triệu. Không phải vì đồng tiền Úc bị mất giá mà là vì càng ngày người ta càng làm ra của cải nhiều hơn.  Thật vậy, tài sản của 200 người Úc giàu nhất nước trong năm trước là $83.37 tỉ nay đã lên tới $101.5 tỉ.

 

Tên tuổi, sự nghiệp và một vài  chuyện bên lề cuộc sống và sự thành công của mỗi người sẽ được nhắc tới trong đó có nhiều người được đăng hình.  Vào được trong danh sách này quả là một hân hạnh, nhất là đối với những người hàng ngày  ít hay không bao giờ được báo chí nói tới.

 

Thời trước, nước Úc chỉ có một vài tỉ phú. Cách đây khoảng một thập niên, cả nước cũng có khoảng năm, sáu ông mà thôi; đôi khi lên xuống vì cổ phần mất giá/tăng giá hoặc làm ăn lời/lỗ.  Trong thập niên trước, ngoài những di dân từ Âu châu trở thành triệu phú hay tỉ phú, đã có vài di dân Trung Hoa là triệu phú được ghi tên trong danh sách của BRW và đa số có nguồn gốc từ  Hồng Kông, Singapore hay Mã Lai. Năm nay, lần đầu tiên có một người Hoa trở thành… tỉ phú, giàu đứng hàng thứ  tư của nước Úc.

 

Điều đáng nói là di dân gốc Hoa này đến từ Trung Cộng, qua Úc du học vào năm 1989 để lấy bằng tiến sĩ kỹ sư điện tại Đại học NSW.  Tân tỉ phú Shi Zhengrong sau khi nhập tịch Úc đã trở về lại Trung Cộng làm ăn vào năm 2001 và lập ra công ty cổ phần Suntech Power Holdings, lên danh sách ở thị trường chứng khoán Nữu Ước.  Từ ngành tia laser ông chuyển sang lãnh vực năng lượng mặt trời. Rất hợp thời. Chỉ trong một thời gian ngắn, cổ phần công ty đã từ $225 triệu mỹ kim lên tới $5.5 tỉ mỹ kim, khiến Shi là người giàu nhất Hoa lục. Tiến sĩ  Shi hiện có căn nhà ở vùng bắc Sydney và một xưởng chế tạo Suntech Australia hoạt động ở Geelong. Nhà tỉ phú Trung Hoa này mới ngoài 40 tuổi.

 

Sau đây là danh sách 21 tỉ phú và ngành nghề tài sản của họ:

1- James Packer, truyền thông và đầu tư: $7.1 tỉ

2- Frank Lowy, địa ốc và đầu tư: $5.4 tỉ

3- Richard Pratt, chế tạo và đầu tư: $5.2 tỉ

4- Shi Zhengrong, kỹ thuật: $3 tỉ

5- Harry Triguboff, địa ốc: $2.5 tỉ

6- David Hains, đầu tư: $2.3 tỉ

7- Len Ainsworth & sons, chế tạo và đầu tư: $1.9 tỉ

8- Gina Rinehart, hầm mỏ: $1.8 tỉ

9- John Gandel, địa ốc và dịch vụ: $1.8 tỉ

10- Kerry Stokes, truyền thông, bán lẻ: $1.8 tỉ

11- Lang Walker, địa ốc: $1.7 tỉ

12- Gerry Harvey, bán lẻ và địa ốc: $1.5 tỉ

13- Bob Oatley, rượu, địa ốc: $1.27 tỉ

14- Bruce Gordon, truyền thông và đầu tư: $1.2 tỉ

15- Stan Perron, địa ốc và bán lẻ: $1.2 tỉ

16- Terrence Peabody, dịch vụ và đầu tư: $1.2 tỉ

17- Len Buckeridge, chết tạo và xây cất: $1.1 tỉ

18- John va Timothy Fairfax, truyền thông và đầu tư: $1.1 tỉ

19- John Van Lieshout, bán lẻ và địa ốc: $1.1 tỉ

20- Lindsay Fox, giao thông và địa ốc: $1.07 tỉ

21- Bob Ell, địa ốc: $1 tỉ.

 

Trong danh sách 21 tỉ phú kỳ này,  nếu không tính người Hoa bất thần trở thành  tỉ phú, có 5 tỉ phú đi từ phó tỉ phú lên, đó là bà Gina Rinehart, ông Lindsay Fox, ông Len Buckeridge, Bob Ell và Terrence Peabody.

 

Vua xe vận tải Lindsay Fox sống ở Toorak và có nhà nghỉ mát ở Portsea trước đây được Thụy Văn tôi gọi là phó tỉ phú bởi tài sản ông chỉ trên $500 triệu và năm ngoái lên tới $950 triệu.  Nhưng nhờ kiếm thêm $57 triệu trong năm qua mà nay đã được gọi là ông tỉ phú. Nhưng dù là tân tỉ phú,  doanh gia này đang đứng hàng thứ  18 người giàu nhất nước nay đã tụt xuống hàng 20, bởi vì có những người tài sản ít hơn ông rất nhiều, nhưng  do trong một năm tăng gấp đôi khiến họ trở nên giàu có hơn ông, như trường hợp nhà đầu tư (đầu tư ở đây có nghĩa là đầu tư chứng khoán đấy) và cung cấp dịch vụ Terrence Peabody. Năm ngoái tài sản ông chỉ là $520 triệu nhưng nay đã vụt lên $1.2 tỉ, khiến ông từ hàng người giàu thứ 40 trở thành người giàu hàng thứ 16.

 

Một trường hợp vụt bay như sao băng là bà Gina Rinehart. Chắc bạn đọc cũng chẳng xa lạ gì với tên tuổi người đàn bà này qua vụ kiện kéo dài nhiều năm trời với người kế mẫu xuất thân là người giúp việc cho ông bố của bà. Rinehart kiện để đòi lại tài sản khoảng $50 triệu (biệt thự Prix d’Amour, các xe hơi sang trọng và apartment) mà người cha là ông Lang Hancock cho bà Rose Porteous trước khi chết. Vụ kiện thất bại chẳng làm bà tốn bao nhiêu so với tiền chi phí luật pháp khoảng $15 triệu mà luật sư  của chính bà Rose Porteou đòi bà “công chúa lọ lem” sau khi vụ kiện chấm dứt (luật sư đòi thân chủ mình phải thanh toán trong một thời hạn nào đó, nếu không sẽ kiện thân chủ!).

 

Bà kế mẫu chỉ hưởng chút ít tài sản do làm vợ trong thời gian ngắn nhưng coi bộ rồi cũng sạch vì không có căn cơ. Trong khi đó, tài sản do làm chủ các hầm mỏ, bằng khoán và quyền khai thác do người cha để lại từ vài trăm triệu đã được người con gái làm tăng thêm hàng năm.

 

Năm ngoái, tài sản của vua khai thác tài nguyên Tây Úc Gina Rinehart  chỉ là $900 triệu. Nhưng trong một năm qua, do nhu cầu mua tài nguyên, nhất là quặng sắt của Trung Cộng khiến tài sản của bà tăng gấp đôi, lên $1.8 tỉ, làm cho  bà từ người giàu hàng thứ 20 lên hàng thứ 8.  Các chuyên gia kinh tế cho rằng với đà bùng nổ nhu cầu  năng lượng và quặng sắt hiện nay, rất có thể bà Gina Rinehart không những là người phụ nữ giàu nhất nước Úc mà sẽ trở thành người giàu nhất nước, qua mặt cả tỉ phú James Packer (tỉ phú con vừa hưởng gia tài người cha chết năm ngoái).

 

Từ trước đến giờ, tài sản của giòng họ Packer chủ yếu nhờ đài truyền hình số 9 và các tạp chí phụ nữ. Nhưng nay, theo tuần san BRW, tiền do Packer kiếm được trong năm ngoái (kiếm thêm $200 triệu) chủ yếu là nhờ các sòng bài. Vì thế trong tương lai ông tỉ phú trẻ tuổi này sẽ còn mở nhiều sòng casino khác. Dân mê cờ bạc càng đâm đầu vào casino thì  Packer càng giàu thêm.

 

Trong danh sách RICH 200 năm nay, người ta thấy có tên vài người Hoa như sau:

– Gordon Fu với $430 triệu, đứng hàng thứ 70

– Kar Wai Chan và Thomas Tiong với $368 triệu, đứng hàng 83

– Ken Lee với $203 triệu, đứng hạng 152

– Daniel Chen, $145 triệu, hạng 195.

 

Tân Thủ lãnh Đối lập của tiểu bang Victoria, Ted Baillieu,  được xem là chính trị gia giàu nhất tiểu bang. Người ta thật sự không biết  tài sản riêng của ông là bao nhiêu bởi vì chồng chất lên nhau qua các công ty, trust nhưng người ta đoán phải trên $100 triệu. Cũng vì thế mà Thủ lãnh Ted Baillieu không có tên trong danh sách RICH 200. Tuy nhiên, gia đình ông (Baillieu Family)  được liệt kê vào danh sách 50 gia đình giàu nhất nước đứng hàng thứ 26, với tài sản của gia đình là $317 triệu. Gia đình giàu nhất nước là Smorgon với tài sản  là $2.5 tỉ. Gia đình Myer đứng hàng thứ 6 với $1.15 tỉ.

 

 

Nhìn người lại nghĩ đến ta

 

Người Việt Nam có tiếng thông minh, hiếu học và học giỏi. Không những ở trong nước, mà cả ở ngoại quốc, khắp thế giới.  Những điển hình thành công trong học vấn đã được nói rất nhiều ở Hoa Kỳ, Úc, Gia Nã Đại, Pháp v.v… Như ở Úc, tỉ lệ học sinh Việt Nam học đại học cao gấp đôi học sinh người Úc. 

 

Học sinh Việt Nam học giỏi là niềm hãnh diện của cộng đồng. Nhưng có vẻ người Việt quá chú trọng về học hành nên trong lãnh vực kinh doanh đã chẳng có những tên tuổi làm vẻ vang dân tộc.  Một vài doanh gia được đưa vào các tập sách Vẻ Vang Dân Việt  có vẻ chỉ là doanh gia thành công theo nhận xét  dễ dãi của tác giả cuốn sách vì tác giả sách thiếu điều kiện biên soạn và điều tra. Nghe nói tiểu sử nhân vật (và đôi khi cả bài viết) có thể do bạn bè hay chính nhân vật đó cung cấp, nên có thể bốc thơm quá đáng hay nổ bừa?

 

Ngược lại, các doanh gia Úc và tây phương thành công dù họ có muốn giấu, không muốn khoe, cũng bị các ký giả điều tra tìm ra được–  qua sổ sách tài liệu  công ty, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, bằng khoán đăng bạ v.v…

 

Ở Mỹ,  có nghe tên một số người Việt trở thành triệu phú, đại triệu phú mà phần lớn là chủ các nhà hàng, khách sạn hay siêu thị. Tuy nhiên, họ vẫn là những người Việt gốc Hoa,  bởi vì người Hoa (cũng như người Do Thái), có truyền thống  chuộng làm ăn buôn bán từ  hàng ngàn năm. Trước năm 1975, người Hoa ở Chợ Lớn  nắm và thao túng nền kinh tế của Miền Nam Việt Nam.

 

Hai nhà kinh doanh được báo chí Việt ngữ ở hải ngoại gần đây coi là thành công và được báo chí trong nước thuật lại là các ông David Dương, vua nhặt  rác và hiện là chủ công ty California Waste Solution  xử lý phần lớn rác của các thành phố Oakland, San Jose và Sacramento. Nghe nói David Dương về đầu tư  tái chế biến rác thải ở Thành Hồ với sự cộng tác của người Mỹ với vốn lên hàng trăm triệu đô la.  Nhưng David Dương là người Việt gốc Hoa.

 

Một gia đình khác thành công ở Mỹ là Lee’s  Sandwiches. Gia đình này là những người Việt họ Lê, đổi thành Lee cho dễ gọi. Lê Chiêu cùng bố và các anh em xây dựng sự nghiệp từ chiếc xe bán bánh mì di động  nhưng  nay họ đã làm chủ được một hệ thống  trên 20 tiệm bánh mì ở California và nghe đâu dự tính sẽ bán doanh hiệu (franchise) khắp thế giới.  Gần đây, báo chí Việt ngữ loan tin gia đình  Lee’s Sandwiches tặng mấy trăm ngàn Mỹ kim cho một đại học cộng đồng ở  Cali, chứng tỏ họ phải giàu, có cả chục triệu hay nhiều hơn mới dám tặng hàng trăm ngàn.

 

Tuần san Asia Week có đăng một bài về sự thành công của gia đình họ Lê này và coi đó là gương thành công của một di dân tay trắng làm nên.

 

Ở Úc thì sao? Chưa nghe có người Việt nào giàu mà báo chí Úc đề cập với số tiền mà họ có… trong ngân hàng hay trên cổ phiếu.  Cũng có  thể có những triệu phú  nhưng tài sản là tiền mặt hay nhờ người thân đứng tên? Cũng có thể do khiêm nhượng không muốn thiên hạ biết mình giàu thật sự?  Thụy Văn tôi còn nhớ cách đây khá lâu một đài truyền hình hay nhật báo gì đó của Úc có nhờ  báo TVTS giới thiệu một người Việt thành công trên thương trường để họ phỏng vấn, viết bài nhưng vài người mà TVTS nghĩ  là thành công và giàu thật sự (tức tài sản đã lên bạc triệu) khi được dạm hỏi, đã từ chối.

 

Mẫu người giàu, thương gia kiểu phú bịp không thiếu trong cộng đồng Mít tộc, nhưng giàu như  là một doanh gia thật sự, có cơ sở vững vàng, trường tồn, tạo phồn thịnh cho xã hội, mang lại công ăn việc làm cho nhiều người khác  thì chưa thấy được truyền thông Úc nói tới (hay có nói mà Thụy Văn tôi không biết?).  Chừng nào mới có được một Mít  vào danh sách RICH 200 như các người Hoa?

 

Người Việt tại Úc đã thành công về mặt học hành, bằng chứng có rất nhiều chuyên gia là dân tóc đen gốc Mít (cứ hỏi Hội Chuyên Gia thì rõ), nhưng chưa có người thành công đáng kể so với người bản xứ trong lãnh vực kinh doanh. Chưa có muti-millionaire entrepreneur để có thể tạo ảnh hưởng và sự kính trọng trong cộng đồng chính mạch.  Tại sao? Có phải vì văn hóa Mít  không chuộng người giỏi làm giàu?

 

Trong số 200 người giàu nhất nước Úc, đa số hưởng tài sản của cha mẹ để lại, nhờ quan hệ hôn nhân và rồi phát triển thêm. Nhưng cũng không thiếu những người tự xây dựng tài sản cho mình—tay trắng làm nên khi mới ngoài 40 tuổi.

 

Cũng trong danh sách RICH 200  có nhiều người là di dân gốc Đông Âu đạo Do Thái. Chính cái tinh thần Do Thái Giáo đã giúp họ trở thành những người nắm nền kinh tế của những nơi mà họ đến lập nghiệp như  tỉ phú Frank Lowy (gốc Tiệp Khắc), tỉ phú Richard Pratt (gốc Ba Lan).

 

Chủ bút của tuần san BRW trong bài mở đầu nói về những người mới giàu, đã lấy làm thú vị khi thấy trong danh sách này không có lắm người có bằng đại học hay bằng Cao học Quản trị Kinh doanh MBA. Không phải vì ông không tin vào việc học hành, bằng cấp xịn  như  bằng MBA mà vì ông thấy danh sách này chứng minh sự thành công trên thương trường không phải nhờ giai cấp hay bằng cấp, mà do bản năng, sự đam mê.  Thật đáng suy nghĩ! Nhưng Thụy Văn tôi muốn thêm: do văn hóa nữa.