Cần phá bỏ thành kiến. Thợ nề có giá hơn bác sĩ. Một hướng đi cho các học sinh không xuất sắc

12 Tháng Hai, 2008 | Giáo dục - Di trú

 Bác sĩ kỹ sư: thước đo ngày xưa

 

Có con học giỏi, có nghề được thiên hạ trọng vọng là điều may mắn, là một thứ phúc đức ông bà để lại theo quan niệm của một số người.  Nhưng có thể không phải vì người mình do trọng giáo dục hay vì có cuộc sống vất vả nên muốn con hơn mình (con hơn cha nhà có phúc) hoặc muốn nở mày nở mặt với bà con, xóm giềng mà cộng đồng người Việt ở Úc được tiếng là một cộng đồng có tỉ lệ sinh viên học đại học cao gấp đôi người bản xứ (và bị mang tiếng có tỉ lệ nhiều người ngồi tù nhất), người Úc cũng rất trọng khoa bảng.  Bằng chứng hiện nay, mỗi năm báo chí đều đăng tên các học sinh xuất sắc lên báo qua kỳ thi tú tài, dù có em chỉ được một môn trên 40 mà thôi như ở Victoria.

 

Thụy Văn tôi và báo Tivi Tuần San có thể nói là một trong những cây viết và tờ báo đầu tiên khuyến khích học sinh và phụ huynh trong việc giúp con em thành đạt trên đường học vấn. Hơn chục năm trước TVTS đã có những giải thưởng cho học sinh Việt đứng hàng đầu tiểu bang. Sở dĩ phải rào trước đón sau là tránh ngộ nhận tại sao bây giờ Thụy Văn tôi “chê” những thành tựu về học vấn. Học thật giỏi (dù mọt sách) là rất tốt. Có con học được bác sĩ, nha sĩ, luật sư là quá tốt, có khoe một chút thì  cũng được thôi, vì xứng đáng để hãnh diện. Nhưng nếu con không được 99.4 điểm trở lên để chọn các ngành nói trên, trời chưa sập, chưa phải là đường cùng!

 

Nước Úc là một trong những nước tây phương dân chủ, phát triển và giàu có mà một người có khả năng (bất cứ khả năng gì) và có ý chí đều có thể đạt được giấc mơ của mình, như người Mỹ thường nói về “American dream”.

 

Thước do ngày nay: tiền và quyền

 

Thụy Văn tôi có những lúc tự hỏi tại sao người Do Thái và người Hoa họ thành công và tạo được quyền lực ở những nơi họ đến lập nghiệp. Hai dân tộc này nổi tiếng cả mấy ngàn năm nay về đức tính làm giàu  và khả năng buôn bán của họ. Người Hoa chí thú với những chuyện kinh doanh nhỏ như làm chủ một tiệm chạp phô.  Chạp phô cha truyền nghề cho chạp phô con. Không sao, chẳng có gì xấu hổ.

 

Người Do Thái nổi tiếng với nghề cho vay, đến nỗi Kinh Thánh thường tỏ ra không thiện cảm khi nhắc đến những loại nghề cho vay, thu thuế, buôn bán trong thánh đường. Lưu lạc mấy ngàn năm khắp trái đất, người Do Thái nổi tiếng nắm các ngân hàng và tổ chức tài chánh nơi họ trú ngụ. Người Hoa cũng chẳng khác gì. Không biết họ có đặt cho con cháu họ mục tiêu học giỏi trên hết không?  Nhưng đừng nói chi đâu xa, tại Úc những bác sĩ chuyên khoa, các khoa học gia danh tiếng không thiếu trong cộng đồng Hoa và Do Thái.

 

Người Việt Nam ra vẻ trọng khoa bảng và học vị. Thụy Văn tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng các phụ huynh thường muốn cho con học những ngành nào có những chữ sĩ và sư đi kèm. Cách xưng hô với nhau đôi khi cũng quá đáng, không hợp cách hay không xứng đáng.  Chẳng hạn một người không có bằng cấp hay chỉ có bằng cử nhân mà nhờ có đi dạy học, gọi họ bằng giáo sư là một sự quá đáng (chế độ của Việt cộng cũng không gọi giáo sư một cách bừa bãi. Họ chỉ phong hàm giáo sư cho một số người có bằng tiến sĩ và có quá trình giảng dạy, nghiên cứu, ngoài ra mọi thầy cô đều là giáo viên tất). Qua Úc người ta không còn hành nghề dạy mà tiếp tục gọi bằng giáo sư một cách trịnh trọng trước công chúng, trên báo chí thì quả hết thuốc chữa. Không phải kính trọng mà trọng hư danh!

 

Ở Úc, giáo sư là một học hàm và địa vị không phải ai cũng có được. Người Úc thường gọi một người có bằng tiến sĩ (PhD thuộcmọi ngành) hay cử nhân y khoa bằng học vị hay nghề nghiệp của họ là doctor.  Nhưng Thụy Văn tôi thấy trên báo chí và bên ngoài cuộc sống ít khi người Úc gọi một ai đó bằng Luật sư A, Kiến trúc sư B, Dược sĩ C, Kỹ sư D trừ trong trường hợp nhắc về nghề nghiệp của người đó.

 

Các ông Bob Hawke, John Howard, Peter Costello và rất nhiều người khác có làm nghề luật sư mà ít khi nghe người ta gọi Luật sư  Hawke, Luật sư Howard, Luật sư Costello, kể cả lúc họ chỉ là các dân biểu vô danh. Ngày nay, người ta thường gọi Bob Hawke là cựu Thủ tướng Hawke hay ông Hawke, chứ chẳng mấy ai gọi ông ta là Luật sư Hawke. Vậy mà trong cộng đồng VN, có những người chẳng còn hành cái nghề mà họ tốt nghiệp, nhưng vẫn gọi giáo sư, luật sư, kiến trúc sư làm như thiếu cái nghề (hay học hàm) đằng trước cái tên là thiếu sự kính trọng hay cư xử không phải phép.

 

Thụy Văn tôi nghe thiên hạ kể  chuyện có những người khi điện thoại đến văn phòng nào đó thì bên kia đường dây ngoài xưng tên, còn xưng thêm nghề nghiệp, học hàm như sợ người nói chuyện không biết họ đang nói với ai, chẳng hạn: A-lô, tôi là Tiến sĩ A đây! Tôi là Luật sư B đây! Tôi là Bác sĩ C đây!  Có người giải thích rằng công khó người ta ăn học thì để cho người ta xưng hô như vậy vì có làm hại ai đâu. Thật vậy, có sao đâu! Chẳng chết ông tây nào cả! 

 

 

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

 

Nói nhăng nói cuội ở phần trên chỉ là do Thụy Văn tôi đọc bài viết dài nửa trang trên tờ Sunday Age tuần rồi với hình ảnh của Bác sĩ Domenic Barbaro (y sĩ toàn khoa) và ông Rohan Strange với cái tít bự nghe khá kỳ cục nhưng hấp dẫn: Ông thợ nề có giá hơn ông bác sĩ.

 

Bài viết không ngoài mục đích nói đến sự khan hiếm thợ có tay nghề hiện nay tại Úc, cho độc giả thấy rằng những nghề mà thiên hạ thường có cái nhìn sai lạc hay đánh giá thấp là những nghề rất ngon, béo bở, rất dễ kiếm việc làm.

 

Cha mẹ Bác sĩ Barbaro di cư từ Ý, làm đầu tắt mặt tối trong hãng may không ngoài mục đích cho con có cuộc sống sướng hơn họ.  Với 58 tuổi đời, làm việc trong một trung tâm y tế đắt khách tại vùng Lalor với 5 đồng nghiệp với khoảng 20,000 khách hàng trên sổ sách, Bác sĩ Barbaro khi nghe nói một bác thợ nề có thể  kiếm tới $200,000 một năm đã cho rằng chẳng phải bác sĩ toàn khoa nào cũng kiếm được số tiền đó một năm nếu không phải làm việc cật lực, rất mệt, suốt 7 ngày.

 

Bác sĩ Barbaro nói ngay cả những bác sĩ mà ông tin kiếm từ 200,000 đến 300,000 cũng phải trả đủ thứ chi phí, và cuối cùng sau khi trả thuế còn không tới $100,000. Ông bác sĩ nói: “Nếu bạn làm kinh doanh buôn bán, bạn kiếm nhiều tiền hơn nhiều”.

 

Một bác sĩ phải học hành thật xuất sắc ở trung học, miệt mài nhiều năm ở đại học (6 năm), tốn kém khá nhiều (vẫn trả tiền nợ HECS, nếu đủ điểm), vất vả (2 năm thực tập tại bệnh viện với tiền lương rẻ mạt: tối đa $110 một tuần cho thời giờ làm tối đa) trong khi một bác thợ nề như Rohan Strange chẳng tốn kém gì khi học trường TAFE nếu đang học nghề.

 

Để có phương tiện hành nghề Rohan Strange mất chừng $30,000 kể cả xe ute. Chẳng đầu tư thời gian học nhiều, vốn hành nghề thấp, đi làm việc khi còn trẻ mà nay có lúc anh thợ nề phải từ chối vì có quá nhiều việc. Theo Hiệp hội Xây cất MBA, gặp ngày tốt trời, một anh thợ nề có thể lát từ 700 đến 800 viên gạch, với giá một viên trung bình $1.20. Với sự khan hiếm nhân công hiện nay, việc một thợ nề kiếm tới $200,000 là chuyện dễ dàng, kể cả nghỉ hodilay 4 tuần và các ngày lễ khác.

 

Giám đốc Hiệp hội Xây cất Brian Welch cho biết một thợ nề có thể kiếm tới $35 một giờ; thợ điện $60 và thợ ống cống có thể kiếm nhiều hơn nữa.  Vậy mà ngành nghề vẫn phải còn vất vả để thu hút người gia nhập. Theo ông, phải làm sao phá bỏ thành kiến hiện nay trong xã hội, mà quan trọng nhất là trong giới phụ huynh bởi vì họ thường không khuyến khích con cái làm  thợ chuyên môn. Theo ông, một cái bằng cử nhân đôi chưa chắc đã bảo đảm một sinh viên ra trường có nghề nghiệp vững chắc. Ông Welch nói: “Nghề chuyên môn rất cần, không những làm trong nước mà ra ngoại quốc cũng được chấp nhận, và còn trả rất cao”.

 

Anh Rohan Strange đã không hối hận khi chọn học ngành xây cất sau khi xong lớp 12. Bốn năm học nghề và 18 tháng làm thầu việc (sub-contractor) cho anh một tương lai trước mắt. Với dáng dấp khá bô trai, anh còn trở thành “người mẫu” của nghiệp đoàn trên các truyền đơn, quảng cáo.

 

Như Thụy Văn tôi đã kể, năm ngoái Hội đồng Thành phố Melbourne có tuyển thợ điện làm việc toàn thời với lương $100,000. Hỏi thử có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp, dù cử nhân đôi, có mức lương như thế?

 

Thụy Văn tôi có quen một ông thợ đào cống, bắc ống nước có căn nhà khá lớn ở vùng xịn hàng đầu ở miền đông Melbourne (trị giá từ $1.5 đến $2 triệu) . Ông ta có 3 con đều học trường tư loại xịn nhất, dĩ nhiên là phải đóng học phí toàn phần vì chắc chắn con ông khó có học bổng dành cho học sinh xuất sắc. Ông ta tự hào khi nói: “Tôi ăn mặc hơi bẩn khi đi làm việc đấy, nhưng nhiều luật sư không đủ sức như tôi để có tiền cho con học trường tư”.

 

Một bác thợ điện mà Thụy Văn tôi quen nói ông ta có cái nhà nghỉ mát ở ngay bờ biển miền tây, trị giá $1 triệu. Ông ta nói mỗi ngày, nếu không bị mưa, có thể dễ dàng gắn 2 cái máy lạnh (loại mới 2 mảnh bây giờ nhẹ nhàng khi khuân), mỗi cái tính tiền công gắn trung bình $700 (nếu gắn lầu cao, khó khăn, tính thêm). Tiền vật liệu không đáng kể. Với một thợ điện có thể kiếm từ $4,500 đến $7,500 (nếu gắn 2 cái máy lạnh) mỗi tuần thì một năm kiếm trên $300,000 (chưa trừ thuế và chi phí) cũng là chuyện không lạ. Bạn cũng nên biết, gọi thợ điện và ống nước không phải có ngay, vì họ rất bận.

 

Thống đốc Ngân hàng Ian Macfarlane khi tuyên bố sẽ tăng lãi suất đã đặt vấn đề nước Úc hiện thiếu thợ chuyên môn trầm trọng. Thiếu thợ, các kỹ nghệ phải trả giá cao để thu hút thợ, do đó góp phần tăng lạm phát. Mà muốn kềm lạm phát, có thể phải tăng lãi suất.

 

Nhiều vị lãnh đạo trong cộng đồng VN cho rằng có nhiều con em học hành giỏi, làm chuyên gia sẽ tạo bộ mặt tốt cho cộng đồng, được chính quyền nể, và sẽ có tiếng nói mạnh.  Đúng.

 

Nhưng chúng ta cũng nên biết nếu muốn có vai trò quan trọng trong xã hội này, cần có những doanh gia giàu có và chính trị gia giỏi, những ngành nghề không cần phải học giỏi hay được 99.4 điểm.

 

Thí dụ: Bill Gates bỏ học nửa chừng và Paul Keating mới học lớp 10. Vua xe tải Lindsay Fox nhìn nhận mình học dốt nhưng đã có những lời khuyên vàng ngọc cho học sinh nhân dịp trường Melbourne High School kỷ niệm 100 năm trong năm nay. Tiền và quyền quan trọng hơn danh, tước. Có tiền và có quyền sẽ có tiếng nói mạnh, là chuyện không thể chối cãi.

 

Xin đóng góp thêm ý kiếm: cộng đồng chúng ta cần có những người giàu và có chức vụ trên chính trường Úc.

 

Cho nên, ngoài việc khuyến khích con em kiếm cho được chữ… sĩ và… sư,  chúng ta cũng nên khuyến khích các em học kém đi học nghề. Ngày nay, có những nghề không bẩn tay chân nhờ kỹ thuật cao. Mà có dơ tay, bẩn áo quần thì tối về thay và rửa mấy hồi. Miễn là đừng sống bám kẻ khác, mọi nghề đều đáng trọng. Một học sinh có tay nghề giỏi (có bằng, có license) và nếu đẹp trai, đẹp gái, biết đâu có thể trở thành minh tinh? Biết đâu trong cộng đồng chúng ta sẽ có những người như Paul Keating, Bill Gates, Lindsay Fox…  những người thời trẻ học dốt?