Nghi án Thế Kỷ: “Hồ Chí Minh sanh bình khảo”


 

1. Xuất xứ của nghi án

 

Trong tuần qua, trên Internet xuất hiện một nguồn tin gây xôn xao dư luận Việt Nam. Ðó là quyển sách bằng chữ Hoa mới xuất hiện ở Ðài Loan về một nhân vật chính trị Việt Nam, nhan đề là Hồ Chí Minh sanh bình khảo (Khảo cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh). Sách do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hóa phát hành tại Ðài Loan ngày 01 Tháng Mười Một 2008 với mã số ISBN 9789866820779. (ISBN: International Standard Book Number).

 

Trên website http://www.haingoaiphiemdam.com/Tham-khao ngày 25 Tháng Mười Một 2008, xuất hiện bài báo của tác giả Chân Mây, nhan đề “Tài liệu mới: Hồ Chí Minh là người Khách Gia (Hakka)!” Sau đó, trên website http://blog.360.yahoo.com/blog-calB7c8leuiQNqd4fyQ2Ua1yzA-?cq=1, ngày 28 Tháng Mười Một 2008, xuất hiện bài “GS Hồ Tuấn Hùng: Hồ Chí Minh là người Khách Gia (Trung Quốc)” của tác giả Tạ Phong Tần.

 

Dựa theo lời giới thiệu của nhà sách Press Store (http://www.vital.com.tw/ps/book/book), cả hai bài báo nầy cho biết rằng tác giả sách Hồ Chí Minh sanh bình khảo là giáo sư Hồ Tuấn Hùng, sinh năm 1949, tốt nghiệp khoa Lịch sử của trường Ðại Học Quốc Lập Ðài Loan, hiện là một viên chức cao cấp Giáo Dục Hành Chính ở đảo quốc nầy.

 

Nội dung sách có một điểm đặc biệt là giáo sư Hồ Tuấn Hùng khẳng định rằng Nguyễn Ái Quốc đã từ trần vì bệnh lao năm 1932, có giấy chứng tử, và từ năm 1933 xuất hiện một Nguyễn Ái Quốc giả. Cũng theo giáo sư Hồ Tuấn Hùng, Nguyễn Ái Quốc giả nầy tên thật là Hồ Tập Chương, vốn là người thuộc sắc tộc Hakka tức Khách Gia, mà người Việt gọi là Hẹ, thuộc huyện Miên Lật, địa khu Ðồng La, Ðài Loan. Nguyễn Ái Quốc giả nầy về sau chính là Hồ Chí Minh, người đã sáng lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945.

 

Trong sách, ngoài chi tiết quan trọng trên đây, giáo sư Hồ Tuấn Hùng còn viết thêm về nhiều vấn đế chung quanh Nguyễn Ái Quốc (giả) như chuyện hôn nhân, văn phong trong tập thơ Ngục Trung Nhật Ký, di chúc Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là nguồn gốc của nhân vật mà giáo sư Hồ Tuấn Hùng cho là Nguyễn Ái Quốc (giả) từ năm 1933, tức Hồ Chí Minh.

 

2. Chung quanh tác giả

 

Cho đến nay, chưa có thể đánh giá tài liệu của giáo sư Hồ Tuấn Hùng vì chúng ta chưa được đọc và biết nội dung chi tiết trong sách của vị giáo sư nầy. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào một số yếu tố chung quanh tác giả Hồ Tuấn Hùng để có thể có một cái nhìn tổng quát về tác phẩm nầy.

 

Theo nhà sách Press Store, giáo sư Hồ Tuấn Hùng là người gốc sắc tộc Khách Gia ở Ðài Loan, sinh năm 1949, nghĩa là khi chiến tranh Việt Nam xảy ra, ông còn trẻ tuổi và đang đi học. Nếu học hành bình thường song suốt, theo đúng quy trình chung là đi học từ tiểu học, qua trung học, lên đại học, giáo sư Hùng tốt nghiệp đại học vào đầu thập niên 70 của thế kỷ qua.

 

Lúc đó Hồ Chí Minh đã từ trần ở Hà Nội ngày 2 Tháng Chín 1969 mà chế độ Hà Nội đổi qua thành ngày 3 Tháng Chín 1969. Sau đó chiến tranh kết thúc năm 1975. Như thế, giáo sư Hồ Tuấn Hùng không vướng mắc vấn đề gì trong chiến tranh Việt Nam.

 

Một người viết sử, dầu cố gắng khách quan thế nào đi nữa, cũng không thể tách ra khỏi quá nghiệp (background) của mình. Ở đây, cái quá nghiệp của giáo sư Hùng không liên hệ gì đến chiến tranh hay chủ nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam, nên động cơ viết sách của ông không phải vì tranh chấp chính trị hiện vẫn còn tiếp diễn ở Việt Nam.

 

Ðộng cơ chính khiến giáo sư Hồ Tuấn Hùng viết sách Hồ Chí Minh sanh bình khảo có lẽ là vì giáo sư Hùng họ Hồ, thuộc sắc tộc Khách Gia, và theo ông, từ nhỏ đã nghe truyền khẩu rằng Hồ Chí Minh ở Việt Nam thuộc cùng một sắc tộc với ông.

 

Theo bài báo trên website http://www.haingoaiphiemdam.com/Tham-khao thì một website của người Khách Gia do giáo sư A Quý thành lập, www.sctlog.sctnet.edu.tw, đã đề cập đến một nhân vật Khách Gia nổi tiếng duy nhất ở Việt Nam là Hồ Chí Minh. Như vậy, dư luận về việc Hồ Chí Minh là người Khách Gia mà giáo sư Hùng nghe được từ sắc tộc của ông là chuyện có thật, đã được người Khách Gia đề cập đến.

 

Ðiểm thứ hai chúng ta cần chú ý đến tác giả sách Hồ Chí Minh sanh bình khảo, theo lời giới thiệu của Press Store, là giáo sư Hồ Tuấn Hùng tốt nghiệp chuyên môn về ngành sử học tại Ðại Học Quốc Lập Ðài Loan và ông đã là giáo chức trong 30 năm nay. Như vậy ông không phải là một nhà nghiên cứu sử tài tử, viết cho vui, mà là một người làm việc đúng với chuyên môn của mình.

 

Hơn nữa, ông đã viết nguyên một quyển sách khảo cứu, chứ không phải chỉ viết một bài báo theo ngẫu hứng, tức ông phải tốn công sức và thời gian tìm tòi tài liệu, cẩn án chuyên môn… rồi mới viết thành sách.

 

3. Tầm quan trọng của vấn đề

 

Tác phẩm nghiên cứu của giáo sư Hồ Tuấn Hùng đề cập đến một nhân vật lịch sử quan trọng của Việt Nam. Dầu bênh vực hay chống đối Hồ Chí Minh, mọi người Việt Nam đều không thể phủ nhận rằng Hồ Chí Minh là một nhân vật ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay. Hồ Chí Minh và cả đảng CSVN xây dựng nhiều huyền thoại bao quanh ông ta. Nay những phát hiện mới lạ của giáo sư Hồ Tuấn Hùng chắc chắn gây ngạc nhiên cho nhiều người Việt Nam.

 

Thứ hai, Hồ Chí Minh là người du nhập chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam, là người thành lập đảng Cộng Sản Ðông Dương năm 1930 ở Hồng Kông, và thành lập đảng Lao Ðộng Việt Nam năm 1951 tại Tuyên Quang. Hai đảng nầy là tiền thân liên tiếp của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) hiện nay ở trong nước. Những phát hiện của giáo sư Hồ Tuấn Hùng không khỏi làm cho các đảng viên CSVN, già hay trẻ, đều phải quan tâm, suy nghĩ đến vấn đề.

 

Thứ ba, Hồ Chí Minh là người thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2 Tháng Chín 1945 tại Hà Nội. Chế độ nầy là tiền thân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Phát hiện của giáo sư Hồ Tuấn Hùng chẳng những ảnh hưởng đến công dân Việt Nam trong nước mà ảnh hưởng cả cộng đồng người Việt Hải ngoại, nay là công dân các nước trên thế giới gốc Việt Nam.

 

Thứ tư, Hồ Chí Minh là nhân vật lãnh đạo chủ chốt cuộc chiến tranh ba mươi năm (1946-1975) trên đất nước Việt Nam. Chiến tranh nầy từ năm 1950 là điểm nóng trong thế chiến tranh lạnh toàn cầu, với sự tham gia của quân đội nhiều nước như Pháp, Trung Hoa, Hoa Kỳ và các nước đồng minh… Vì vậy, vấn đề nguồn gốc Hồ Chí Minh do giáo sư Hồ Tuấn Hùng đặt ra cũng sẽ làm cho công dân các nước trên thế giới liên hệ và quan tâm đến chiến tranh Việt Nam chú ý theo dõi.

 

Thứ năm, dưới chế độ Cộng Sản, hiện tượng sùng bái cá nhân rất phổ quát. Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh được thần tượng hóa đến độ thần thánh hóa. Từ sau khi Hồ Chí Minh qua đời ngày 2 Tháng Chín 1969, đảng Lao Ðộng quyết định xây lăng cho Hồ Chí Minh ngay tại Hà Nội. Lăng được khánh thành ngày 29 Tháng Tám 1975, nằm ở trung tâm Hà Nội, đứng sừng sững phía trước phủ chủ tịch (tức dinh Toàn quyền cũ), bảo trì rất tốn kém. Xác của Hồ Chí Minh được đặt trong lăng cho mọi người chiêm bái. Gần đây tượng của Hồ Chí Minh còn được đặt trong chùa. Dầu đảng CSVN không chính thức đứng ra làm việc nầy, nhưng chắc chắn đảng CSVN đồng ý nên không ngăn cấm việc nầy.

 

Quan trọng hơn cả, vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ qua, chế độ Cộng Sản sụp đổ ở các nước Ðông Âu và ngay chính tại Liên Xô, chiếc nôi của chủ nghĩa Cộng Sản, nên để củng cố ý thức hệ và nhất là tăng cường lại niềm tin nơi đảng viên và quần chúng, đảng CSVN đã sáng tạo ra “tư tưởng Hồ Chí Minh” từ sau Ðại hội 7 đảng CSVN tại Hà Nội từ 24 đến 27 Tháng sáu 1991. Sau đó, tư tưởng Hồ Chí Minh được chính thức đưa vào điều 4 chương 1 hiến pháp năm 1992 của CHXHCNVN.

 

Công trình nghiên cứu của giáo sư Hồ Tuấn Hùng với sự khẳng định rằng Nguyễn Ái Quốc thật đã từ trần năm 1932 và từ năm 1933 xuất hiện một Nguyễn Ái Quốc giả, về sau là Hồ Chí Minh, có thể nói là đã động chạm mạnh đến niềm cấm kỵ (taboo) đối với những người lâu nay đặt niềm tin nơi Hồ Chí Minh, nghĩa là đối với đảng CSVN.

 

4. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc sau năm 1930

 

Bỏ qua một bên những phát hiện của giáo sư Hồ Tuấn Hùng, ở đây xin nhắc lại những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ sau năm 1930 theo các tài liệu trước đây, để nếu có cơ hội, độc giả có thể so sánh với những phát hiện của giáo sư Hồ Tuấn Hùng.

 

Sau khi thành lập đảng CSÐD ngày 6 Tháng Giêng 1930, Nguyễn Ái Quốc, lúc nầy có tên là Lý Thụy, tiếp tục làm nhiệm vụ của một nhân viên tình báo của Cộng Sản Quốc Tế (CSQT) tại Trung Hoa. Do phát hiện đường dây tổ chức Cộng Sản từ Singapore, người Anh bắt được Song Man Ch’o lúc 2 giờ sáng 6 Tháng Sáu 1931 tại thành phố Kowloon (Cửu Long), gần Hồng Kông. Song Man Ch’o hay Tống Văn Sơ, chính là Lý Thụy hay Nguyễn Ái Quốc.

 

Ðược tin nầy, ÐTQTCS nhờ văn phòng luật sư Frank H. Loseby & N. Pritt tại London (thủ đô Anh Quốc), biện hộ cho Quốc. Văn phòng nầy ủy nhiệm cho luật sư F. C. Jenkin, có văn phòng ở Hồng Kông, phụ trách bào chữa. Tòa án Hồng Kông quyết định trục xuất Quốc về Hải Phòng (Việt Nam) ngày 12 Tháng Tám 1931. Jenkin chống án. Tòa phá án Hồng Kông vẫn giữ y án và buộc đương sự phải rời Hồng Kông về Việt Nam đầu Tháng Chín 1931.

 

Luật sư F. C. Jenkin kiện lên Hội đồng Cơ mật Vương quốc Anh. Hội đồng cho ngưng lệnh trục xuất. Nguyễn Ái Quốc tiếp tục bị giam ở Hồng Kông cho đến Tháng Giêng 1933, ông mới bị đuổi ra khỏi Hồng Kông và được tự ý chọn lựa điểm đến. Việc QTCS thuê luật sư để cứu Quốc ra khỏi tù, chứng tỏ có thể lúc đó ông ta giữ một vai trò khá quan trọng trong tổ chức QTCS ở Ðông Nam Á.

 

Nguyễn Ái Quốc qua Singapore đầu năm 1933, nhưng không được nhận. Ông trở về Hồng Kông và bị bắt trở lại ngày 19 Tháng Giêng 1933. Lúc đó có tin đồn ông bị chết trong nhà tù Hồng Kông.

 

Tin nầy do thống đốc Hồng Kông đưa ra ngày 20 Tháng Giêng 1933 nói rằng Nguyễn Ái Quốc chết vì ho lao. Trong khi đó, QTCS công bố Nguyễn Ái Quốc từ trần ngày 26 Tháng Chín 1932. Tuy nhiên, tình báo Pháp cho rằng khi bị người Anh cầm tù, Nguyễn Ái Quốc giả vờ nhận cộng tác với tình báo Anh để ra khỏi tù, nên người Anh đưa tin Nguyễn Ái Quốc chết vì bịnh lao. (1)

 

Trong khi đó, tin cho biết Nguyễn Ái Quốc bị người Anh trục xuất lần nữa, và đến tạm trú ở Sa Diện, khu tô giới ngoại quốc tại Quảng Châu. Mùa Hè năm 1933, lãnh tụ đảng CS Pháp là Paul Vaillant-Couturier ghé qua Trung Hoa, nhân đó giúp Nguyễn Ái Quốc trốn đi Thượng Hải. Từ Thượng Hải, ông đi tàu lên Vladivostok (Liên Xô), rồi qua Moscow.

 

Tại Moscow, Nguyễn Ái Quốc “bị khiển trách”. (2) Việc nầy có thể bắt nguồn từ những báo cáo của Hà Huy Tập (tên Nga là Siniskin) trong Ðại hội đảng CSÐD lần thứ nhất tại Ma Cao (Trung Hoa) từ 27 đến 31 Tháng Ba 1935. (3) Ðồng thời, cũng có thể vì QTCS nghi ngờ về lý do vì sao Nguyễn Ái Quốc được nhà cầm quyền Anh ở Hương Cảng thả ra. (4)

 

Vì vậy, dù đang sống tại Moscow, Nguyễn Ái Quốc chỉ được cử làm đại biểu dự khuyết trong phái đoàn đảng CSÐD tại Ðại hội QTCS kỳ 7 ở Liên Xô từ 25 Tháng Bảy đến 25 Tháng Tám 1935. Ba đại biểu chính thức là Lê Hồng Phong (tên Nga là Litvinov), Hoàng Văn Nọn, và Nguyễn Thị Minh Khai (tên Nga là Phan Lan). Sau Ðại hội, ba đại biểu chính thức (Phong, Nọn và Khai) trước sau lần lượt về nước, Nguyễn Ái Quốc bị giữ lại ở Liên Xô.

 

Học tập tiếp tại Moscow trong ba năm, Nguyễn Ái Quốc viết thư ngày 6 Tháng Sáu 1938, nhờ một “đồng chí ở Quốc tế Cộng Sản” can thiệp, giúp đỡ ông ta “thay đổi tình cảnh đau buồn nầy”. (5) Có thể nhờ sự can thiệp của người nầy, Nguyễn Ái Quốc được ÐTQTCS gởi qua Trung Hoa vào năm 1939 để thực hiện một nhiệm vụ mới.

 

Kết luận

 

Cho đến nay, chúng ta chưa được đọc nội dung chi tiết sách Hồ Chí Minh sanh bình khảo nên chưa thể đánh giá công trình nghiên cứu của giáo sư Hồ Tuấn Hùng. Do sự giới thiệu của Press Store, chúng ta chỉ biết tổng quát rằng vấn đề quan trọng nhất do sách nầy đặt ra là nhân vật Nguyễn Ái Quốc thật từ trần năm 1932 và từ năm 1933 trở đi là nhân vật Nguyễn Ái Quốc giả, về sau nầy chính là Hồ Chí Minh. Phát hiện nầy hoàn toàn đi ngược lại với những gì người ta viết về Hồ Chí Minh từ xưa đến nay, nhất là ngược lại với những huyền thoại mà đảng CSVN đã dày công xây dựng chung quanh ông ta.

 

Vấn đề Hồ Chí Minh vốn là một vấn đề nhạy cảm đối với người Việt Nam, đã tạo ra quá nhiều tranh luận, đến độ trở thành định kiến không thể nào thay đổi về cả hai phía bênh vực cũng như chống đối, nên dầu giáo sư Hồ Tuấn Hùng có viết như thế nào đi nữa, dầu đúng hay sai, chắc chắn cũng sẽ tạo thêm đề tài kéo dài cuộc tranh luận triền miên bất tận, không biết khi nào tìm ra sự thật. Trong khi đó, phía bênh vực vẫn sẽ cứ bênh vực, bên chống đối vẫn sẽ cứ chống đối. Như thế, vấn đề do tác phẩm Hồ Chí Minh sanh bình khảo đặt ra, đúng là một nghi án của thế kỷ.

 

Trần Gia Phụng

(Toronto, 30 Tháng Mười Một 2008)

 

Chú thích:

1. Chính Ðạo, Hồ Chí Minh: con người và huyền thoại, tập II 1925-1945, Houston, Nxb Văn Hóa, 1993, tt. 126-127.

2. <http://marxists.anu.edu.au/glossary/index.htm>, Encyclopedia of Marxismsm, chọn chữ H, tìm mục Hồ Chí Minh.

3. Lữ Phương, “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh (Sự hình thành một chọn lựa)” (tài liệu Internet). Tác giả Lữ Phương theo tài liệu của Cộng Sản và của Sophie Quin-Judge, Nguyen Ai Quoc, The Comintern and the Vietnamese Comunist Movement (1919-1941), (luận án tiến sĩ), tr. 204. Trong Ðại hội nầy, Lê Hồng Phong được bầu làm tổng bí thư, Nguyễn Ái Quốc được bầu làm đại biểu đảng bên cạnh QTCS. Sau Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập làm tổng bí thư từ Tháng Bảy 1936 đến Tháng Ba 1938.

4. William J. Duiker, Ho Chi Minh, New York:Hyperion, 2000, tr. 213.

5. Xin xem bản sao chụp lá thư nầy, trích từ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, tr. 90, phía dưới.

 

(Theo diễn đàn Dân Tộc Việt và Người Việt Online)