Barack Obama for President # McCain for President

 

Bầu Barack Obama làm Tổng Thống  #  Bầu McCain làm Tổng Thống

 

Nhà báo Nguyễn Tú hiện định cư ở Virginia, Hoa Kỳ

Hai lời kêu gọi… “thống thiết” của hai bên Dân Chủ và Cộng Hòa. Đồng thời đó cũng là lời tuyên bố lập trường và quan điểm của hai bên đối thủ chính trị trong những ngày cuối của cuộc chạy đua tới Dinh Bạch Ốc.

 

Bên Dân Chủ sự ủng hộ hết mình Barack Obama được công khai biểu lộ rõ rệt trong bài xã luận trong tờ The Washington Post chiếm trọn nửa trang báo và dài suốt hai cột, hôm thứ Sáu 17 tháng 10.

 

Đúng một tuần lễ sau, ngày thứ Sáu 24 tháng 10, bên Cộng Hòa cũng góp một bài do nhà bỉnh bút có tiếng Charles Krauthmmer viết, trên trang áp chót, đối diện với trang xã luận của Washington Post với tiêu đề “McCain for President”.

 

Bài báo đóng khung một cách rất trang trọng chiếm ba cột, giữa nửa trang báo.

Dĩ nhiên, hai bài báo, cách nhau một tuần lễ, cho người đọc thấy rõ hai quan điểm, hai lập trường hoàn toàn khác biệt và, đặc biệt hơn nữa, bài của Charles Krauthammer không có tính chất “bút chiến” đối với bài xã luận của tờ Washington Post.

 

Sau đây, trước hết, bài xã luận của tờ Washington Post nói rõ tại sao họ ủng hộ ông Barack Obama.

 

* * *

Năm nay, quá trình tuyển lựa đã đưa ra được hai ứng cử viên Tổng Thống của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Cả hai đều là người tài giỏi và đủ tư cách làm ứng cử viên tổng thống.

 

Trong số ít gương mặt được công chúng biết tới và được sự kính trọng của chúng tôi. Xét ra, từ nhiều năm nay, không ai bằng được Nghị sĩ John McCain. Tuy vậy, không ngại bị coi là có mâu thuẫn trong tư tưởng, chúng tôi đã ủng hộ nghị sĩ Obama làm tổng thống.

 

Sự lựa chọn của chúng tôi đã được dễ dàng một phần do phong cách tranh cử của ông McCain đã làm chúng tôi tuyệt vọng, nhất là ông đã tuyển chọn một người đứng chung liên danh với ông lại là người không đủ tư cách làm tổng thống. (chú thích: theo nguyên tắc, thông thường người đứng tên thụ uỷ liên danh bao giờ cũng phải chọn người phó tổng thống phải là người có khả năng làm tổng thống vào trường hợp Tổng Thống thực thụ có thể lâm bệnh nặng, hoặc chết, hoặc bị tai nạn trong nhiệm kỳ v.v…)

 

Sự lựa chọn của chúng tôi lại được dễ dàng phần lớn do sự ngưỡng mộ của chúng tôi đối với ông Obama và do những đức tính của ông ta đã gây ấn tượng sâu sắc trong suốt thời gian tranh cử lâu dài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có những dè dặt về quan điểm khó tránh, chẳng hạn như sự kinh nghiệm tương đối ít về những vấn đề chính trị quốc gia. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng có nhiều hy vọng lớn lao.”

 

Sau phần dẫn nhập khéo léo và lịch sự. Tờ Post nhận định thẳng vào nhân vật Obama. Theo tờ Post, trí thông minh của Obama mềm dẻo do vậy khéo nắm bắt được cái phức tạp của vấn đề, cũng khéo léo biết hóa giải và tạo được đồng thuận. Trong đối nội, tờ Post tin rằng trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, Obama sẽ giải quyết được trong khi bảo vệ được thị trường.

 

Về đối ngoại, sự chứng minh cụ thể tốt nhất về khả năng đối ngoại của mình là Obama sẽ phải cố gắng làm sao để duy trì được sự lãnh đạo thế giới về sự dấn thân của Hoa Kỳ; tiếp tục chiến đấu chống khủng bố và đưa ra được một chính sách đối ngoại mạnh mẽ nhân danh những giá trị tinh thần và những lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

 

Obama có sức tiềm tàng để trở nên một tổng thống vĩ đại. Do nhiều vấn đề to lớn mà Obama sẽ phải đối đầu ngay ngày đầu tiên nhận chức tổng thống, do những hậu quả tiêu cực của tám năm [dưới triều đại của George W.Bush]. Chúng ta phải thu xếp sao cho tốt đẹp.

 

Thực tế, câu hỏi thứ nhất được nêu lên là tại sao cả hai người [Obama và McCain] đều muốn làm tổng thống.

 

Trước hết, với hai cuộc chiến ở Iraq và A Phú Hãn, chiến thắng xét ra còn xa xôi; Pakistan có trong tay vũ khí hạt nhân lại không được ổn định; một Liên Bang Nga lại mới trỗi dậy, đang đe dọa các nước lân bang; một Iran luôn sẵn sàng ủng hộ phong trào khủng bố và đang chạy đua để trở thành một cường quốc hạt nhân; một Trung

Đông đang khuấy đục tình thế; một Trung Hoa đang lên muốn có một chỗ đứng trên hoàn cầu.

 

Thêm vào đó, có cả sự đe dọa của nạn khủng bố bằng vũ khí hạt nhân hay vũ khí vi trùng, nạn nghèo mang tính chất toàn cầu, các dịch tả và sự thay đổi của khí hậu trên trái đất.

 

Trong nước Hoa Kỳ lương hướng đang trong nạn trì trệ trong khi nền giáo dục công cộng không đáp ứng được sự đòi hỏi của một thể chế sống ở đô thị, chủ yếu là các trẻ em của các sắc dân thiểu số. Và bây giờ lại thêm nạn suy trầm nghiêm trọng của kinh tế đã nổi lên kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1929.

 

Theo tờ Washington Post nhận định: ngay đến cả những nhà phê bình khắc nghiệt nhất cũng không đổ hết tội cho ông Bush về những vấn đề vừa kể lại những điểm vừa kể trên và “chúng tôi” (tức ban xã luận của tờ Post) cũng không thuộc hạng phê bình khắc nghiệt.

 

Nhưng suốt tám năm qua, chính phủ của ông Bush, trong khi đưa ra được một số chính sách rất đáng kể như nêu vấn đề trách nhiệm trong giáo dục, trong chính sách an ninh quốc nội, cổ võ tự do cho nhiều nước ngoài, thì ông lại ương ngạnh bảo vệ một số chính sách khác làm “chúng tôi” (tờ Post) ngạc nhiên như chính sách thuế khóa thiếu thận trọng, tệ nạn tra tấn, không thèm để ý đến vấn đề môi sinh trên trái đất đã tỏ ra bất lực và kiêu căng, ngạo mạn trong hành động.

 

Một triều đại McCain cũng sẽ chẳng kéo dài (triều đại Bush) thêm bốn năm, nhưng bọn người thuộc nhóm thủ túc thân cận ông Bush bên trong Dinh Bạch Ốc, ông McCain sẽ lại kéo  lại bên ông vẫn những nhà làm chính sách trước kia của ông Bush, toàn những người đã lôi chúng ta vào tình trạng như hiện nay. “Chúng tôi” (tờ Post” tin rằng họ sẽ kiếm được nhiều tiền do vậy sẽ có thể sống phây phả trong vài năm trong cảnh hoang vu (wilderness, tức tình trạng.. thất nghiệp) “chính trị”)

 

* * *

Trở lên trên, tờ Washington Post (viết tắt: tờ Post) đã dành khá nhiều bút mực, giấy in và thời gian để viết về ông McCain.

 

Bây giờ đến lượt ông Obama. Trên đầu trang xã luận, tờ Post cho in rõ hàng chữ: An Independent news paper = (1 tờ báo độc lâp). Là “Độc lập” không có nghĩa là –“Mất quyền chọn lựa”. Tiêu đề của bài xã luận “Barack Obama for President” (=Bầu Barack Obama làm tổng thống –có thể chuyển ngữ là “chúng tôi chọn Barack Obama làm tổng thống” đã nói rõ quan điểm của tờ Post. Hãy xem tờ Post binh vực quan điểm của mình.

 

Ngay giòng đầu tiên, tờ Post đã rất văn hoa viết: “Dĩ nhiên, ông Obama cũng biết nhiều điều [cụ thể] là làm cho người thấy ông không phải là một đảng viên của đảng Cộng Hòa. Có hai loại vấn đề chiều hướng khác nhau đáng được quan tâm nhất trong việc phán xét hai  sự ứng cử.

 

Sự ứng cử thứ nhất mang tên Barack Obama nhằm mục đích phục hồi, xúc tiến sự thịnh vượng và chia đều thành quả hơn trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa, nó đã gia tăng sự chênh lệch.

 

Ông McCain thì không mấy lưu tâm đến những vấn đề kinh tế. Đề nghị chính của ông là sẽ tăng gấp đôi kế hoạch giảm thuế của T.T Bush và nếu vậy chỉ làm chính sách thuế khóa trầm trọng thêm. Sự bất quân bình do vậy lại càng gia tăng thêm.

 

Ông Obama cũng đưa ra một kế hoạch kinh tế nhưng kế hoạch đó có những lời hứa… khó giữ (=unaffordable promises) nhưng, theo tờ Post, dù sao kế hoạch này cũng “đẩy tới” được hưởng công bằng và sự lành mạnh của chính sách thuế khóa (=fiscal health). Cả hai ứng cử viên tổng thống đều cam kết tìm cách giải quyết vấn đề thay đổi của thời tiết.

 

Người viết đã có dịp trải qua, hay nói cho đúng hơn, được tham dự một buổi họp chính trị ở Hoa Thịnh Đốn, dĩ nhiên đây là một buổi họp của một số người Mỹ vừa trắng, vừa đen, vừa cà phê sữa tại Hạ Viện Hoa Kỳ.

 

Bàn dành riêng cho báo chí, ngoài số đồng nghiệp đa số không phải là Mỹ giấy, chỉ có một Mỹ  giấy  duy nhất: đó là kẻ hèn này.

 

Buổi họp đã kéo dài tới quá trưa. Lúc gần tới thời điểm giữa trưa và chiều, kẻ hèn này xếp giấy bút, lặng lẽ đánh bài tẩu mã, xuống cafeteria, ngồi uống một lon bia xả hơi. Mười lăm phút sau thấy cửa đông nghẹt cũng lục tục kéo nhau đến xả hơi. Người viết hỏi! “Xong rồi, à?” Một câu đáp ngắn, gọn tiếng như thở phào: “Chưa!”

 

Thế rồi khi nghe thấy các đồng nghiệp to tiếng phê bình buổi họp của Uỷ ban Kinh Tế – Tài Chánh của Hạ Viện, người viết học được ngay một bài: “Hễ động tới thuế khóa là… không còn gì để nói nữa.”

 

Thế nên khi thấy tờ Post đề cập đến… “Thuế khóa” giữa Obama và McCain người viết vượt qua tới đoạn khác của bài viết. Chẳng phải là vui hơn, nhưng vì tờ Post đã lên tiếng “khen”  ông McCain đã bất chấp bị chỉ trích, chê bai vì ông đã yêu cầu Quốc Hội chuẩn chi ngay 700 Mỹ kim để cứu giúp một số ngân hàng và định chế tài chánh bị phá sản, một hành động mà ông Obama không dám làm và chỉ biết chỉ trích ông Bush.

 

Tờ Post cũng không quên “nhắc nhở” cho ông Obama rằng thái độ của ông đối với việc T.T.Bush yêu cầu Quốc Hội chuẩn y cho tăng quân số lên 5 lữ đoàn ở Iraq, vì sau khi đã bàn thảo kỹ lưỡng với Đại Tướng Paetreus Tư Lệnh quân đội Mỹ và đồng minh ở Iraq, ông Bush với nhận định rằng Mỹ còn có thể thắng ở Iraq nếu được Quốc Hội chuẩn y tăng quân số.

 

Bây giờ sự thật đã rõ ràng. Sau 18 tháng phản công, quân đội Mỹ đã ngăn chặn được sự phá hoại và giết chóc do các phần tử phản loạn tiến hành.

 

Iraq đã có cơ man ổn định và tiến đến kết quả là có đủ sức để bảo vệ tổ quốc của họ.

Trước thực tế này ông Obama vẫn không chịu nhận đó là một thực tế. Tính ngoan cố này đã buộc bài xã luận của tờ Post hạ một câu xét ra độc đáo nhất, có thể coi là thẳng thừng, trái với văn phong lịch sự, đôi khi quá cân nhắc của tờ báo.

 

Câu đó như sau: “Thái độ của ông Obama không chịu công nhận sự thắng lợi thật sự của việc tăng quân [của ông Bush] đó là “mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi (tức tờ Post)” với lý do chính yếu là ông Obama vẫn không thấy đòi rút quân ra khỏi Iraq theo một thời khóa biểu được định sẵn về thời gian.

 

Tới đây, người viết thiết tưởng chấm dứt tường thuật bài xã luận của tờ Post để chuyển sang ít hàng về bài viết của nhà bỉnh bút tiếng tăm Charles Krauthamer với tiêu đề “McCain For President” để đổi lại bài xã luận của tờ Post xét ra khá nhẹ nhàng đối với ông Obama.

 

***

Khởi sự vài chữ đầu tiên, ông Charles Krauthammer như thể… “đã cầm dao chém đá”. Ông viết:

 

Do tính khí trái thói, cứng đầu, bướng bỉnh, ngang ngược, tôi bỏ phiếu bầu John McCain làm Tổng thống” (nguyên văn: Contrastive that I am, I am voting for John McCain). Vừa đọc xong câu văn ngắn ngủi này, người viết bỗng nhớ lại câu thơ Phùng Quán viết trong bài “Lời mẹ dậy: Dùng dao viết trên đá”.

 

Người viết đã thay chữ “viết” thành chữ “chém”. Bởi lẽ suốt bài văn của ông Charles Krauthammer, mỗi câu ông viết kẻ hèn này thực tâm cảm nhận đây là một “nhát dao chém lên đá” do “hơi văn” rất mạnh, rất quyết liệt khi ông lên tiếng bênh vực, ủng hộ như dồn hết nhiệt tình và… “nổi giận” về thái độ và tư cách của ứng cử viên tổng thống Barack Obama.

 

Thiển nghĩ đề nghị đọc giả nếu có thời gian nên kiếm bài văn của Charles Krauthammer đăng trên tờ Washington Post, số đề ngày Thứ Sáu 24 tháng 10/08.

 

Bài văn của Charles Krauthammer là một bài văn “bút chiến”, mỗi chữ trong mỗi giòng đều rất dứt khoát trong khinh bỉ không khoan nhượng đối với những kẻ xu thời, xu nịnh, ba hoa, khoác lác rằng “xong rồi” trước khi chưa “xong cái gì” cả(it’s over before it’s over) với hàm ý giễu cợt bọn “ăn theo” cho rằng Obama “thắng rồi!”.

 

Rồi, giọng mỉa mai, cay độc, Charles Krauthammer hạ bút “bọn xu nịnh nhẩy đến ôm chân Obama “trước khi chúng bị bỏ rơi thảm hại, không thương tiếc và không được mời dự đại yến cho bốn năm sau” (nguyên văn: before they are left in the cold without a single state dinner for the next four years).

 

Là một nhà chính trị bảo thủ trung thành với đảng Cộng Hòa. Ông nêu đích danh những nhân vật đã từng là đảng viên Cộng Hòa thấy Obama có vẻ thắng thế đã trở cờ.

 

Ông viết: Tôi đứng ngang nhiên chống lại đám đông thuộc đảng bảo thủ Cộng Hòa đang ào ào tranh nhau nhẩy xuống biển bỏ con tàu Cộng Hòa; chúng là tên tân bảo thủ Ken Adelman, là Colin Powell, thuộc cánh ôn hòa, Christopher Buckley chuyên mỉa mai người khác, và Christophet Hichem theo chủ nghĩa xã hội và vô thần. Và tôi lên tiếng kêu ngăn: Hãy dừng lại!

 

Tôi không dính líu gì với bọn người pha tạp đó tôi thà thua trong cuộc bầu cử chứ không chọn lạc mất phương hướng không biết mình ở đâu?

 

Câu này có thể kết luận sớm bài văn hơi dài của Charles Krauthammer.

 

Trong chính trị ở bất cứ đâu, ngay cả ở Hoa Kỳ, chuyện đón gió, trở cờ không bao giờ là chuyện hiếm có.

 

Nguyễn Tú   24.10.08

 

(TVTS – 1179)