Chuyện từ họng súng

Hôm 2.12.2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã thành lập thành phố hành chính cấp huyện có tên là Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa).

Trước đó, trong thời gian từ 16 đến 23.11.2007, Hải Quân Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và khuyến cáo tàu bè qua lại phải tránh xa khu vực này.

 

Thật ra, không phải chỉ Trung Quốc mà Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia cũng tranh chấp với Việt Nam về các quần đảo trên Biển Đông nữa. Sau Thế Chiến Thứ II, quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đảo Woody (Phú Lâm) trong quần đảo Hoàng Sa, Pháp có phản đối và định đưa tàu Tonkinois đến chiếm lại, nhưng lại thôi. Trong cuộc họp báo tại Manila ngày 17.5.1951, Tổng Thống Quirino của Philippines cho rằng quần đảo Trường Sa đứng về phương diện địa dư ở kế cận quần đảo Philippines nên nó phải thuộc về Philippines. Mới đây, hôm 12.9.2007, Đài Loan cho biết sẽ nối lại kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, v.v.

Đây là những dầu hiệu cho thấy sẽ còn nhiều tranh chấp trên các hòn đảo ở Biển Đông.

 

Chủ quyền từ đầu họng súng

 

Rất nhiều đọc giả đã yêu cầu chúng tôi viết một bài phân tích về vụ tranh chấp hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa để những người không nghiên cứu có thể có một cái nhìn tổng quát về chuyện gì đang xẩy ra, và thử tìm xem có giải pháp nào có thể giúp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam hay không.

 

Chúng tôi thấy rằng việc phân tích này không phải là chuyện khó, vì chúng ta đã có khá đầy đủ tài liệu của VNCH, của Hà Nội, của Bắc Kinh, và nhiều bài phân tích của các chuyên gia quốc tế. Các chuyên gia và học giả Việt Nam cũng có góp phần, nhưng môt số vẫn chưa bỏ được thói quen viết theo “cảm tính”, coi ước muốn là hiện thực, đem huyền thoại và những lời nguyền rủa vào khiến bài nghiên cứu bị giảm giá trị đi.

 

Nhưng vấn đề bây giờ không phải là tranh luận về lịch sử và pháp lý nữa. Vấn đề bây giờ là lý của kẻ mạnh. Mao Trạch Đông đã từng nói: “CHÍNH QUYỀN được đẻ từ họng súng.” Nay Hồ Cẩm Đào cũng đang thực hiện một chủ trương tương tự: “CHỦ QUYỀN được đẻ từ họng súng.”!

 

Trong câu chuyện ngụ ngôn “Chó Sói và Chiên Con” (Le Loup et l’Agneau), Jean de la Fontaine (1621 1695) đã nói: “Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng hơn” (La raison du plus fort est toujours la meilleure). Trong tác phẩm “Khế Ước Xã Hội” (Du Contrat Social) Jean Jacques Rousseau cũng đồng ý như vậy khi ông nói ràng “kẻ mạnh hơn luôn có lý” (le plus fort a toujours raison).

 

Trung Quốc đã từng chiếm Mông Cổ và Tây Tạng, có ai đem lịch sử và pháp lý ra đối đầu với họ được đâu? Cũng vậy, khi tự động đem quân đánh Iraq không cần có sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc, “Anh Hai Nhân Quyền” cũng chẳng coi “pháp lý” ra cái quái gì. Họ là kẻ mạnh.

 

Rất nhiều người Việt đòi kiện Trung Quốc ra trước Tòa Án Quốc Tế (International Court of Justice). Nếu chuyện này làm được, chính phủ lưu vong của Tây Tạng đã làm từ lâu rồi.

 

Muốn đưa một vụ tranh chấp ra trước Tòa Án Quốc Tế, phải hội đủ hai điều kiện sau đây:

(1) Chủ thể đứng đơn kiện phải là một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.

(2) Hai bên tranh tụng phải đồng ý sẽ thi hành phán quyết của tòa.

 

Do đó, khi chính phủ lưu vong Tây Tạng hay Việt Nam kiện chính phủ Trung Quốc trước Tòa Án Quốc Tế, nếu Trung Quốc không đồng ý tham gia tranh tụng và không cam kết thi hành phán quyết của Tòa thì Tòa cũng không xử được, và có xử cũng vô ích mà thôi. Thành ra chủ quyền vẫn được đẻ ra từ đầu họng súng!

 

Để giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát về những gì đang xẩy ra, chúng tôi xin trình bày một cách khái quát về Biển Đông, quan điểm của VNCH về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa, lời qua tiếng lại giữa Hà Nội và Bắc Kinh về chủ quyền của hai hòn đảo này, và giải pháp mà nhiều chuyên gia đã đề nghị.

 

Khái niệm về Biển Đông

 

Biển Đông là một “bán nội hải” (semi enclosed sea) nằm về phía Đông của Việt Nam, nên được người Việt gọi là Biển Đông hay Đông Hải. Philippines gọi là Biển Tây hay Tây Hải, vì nó nằm ở phía tây của nước này, còn người Tàu gọi là Nam Hải, vì biển này nằm ở phía Nam Trung Quốc. Nhưng trên bản đồ thế giới, vùng này thường được ghi là “South China Sea”, tức Biển Nam Trung Quốc.

 

Biển Đông rất rộng lớn, có tới 90% biển của các nước Việt Nam, Kampuchea, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Taiwan và Trung Quốc bao quanh. Diện tích Biển Đông được ước tính khoảng 1.091.642 hải lý vuông, bao gồm hai vịnh khá lớn là vịnh Bắc Việt (46.961 hải lý vuông) và vịnh Thái Lan (85.521 hải lý vuông).

 

Bờ biển của Việt Nam được coi là bờ biển dài nhất trong vùng, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang dài đến 2.828 hải lý (tức 3.260km).

Biển Việt Nam, nếu tính cả vùng nội hải, lảnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, có diện diện tích trên 1 triệu km2, tức rộng gấp 3 lần diện tích đất liền (330.000km2).  Đặc biệt, trên biển này có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và 2.577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, với vô số quyền lợi kinh tế về hải sản, dầu hỏa, khí đốt, khoáng sản, phân bón… Nếu bảo vệ được vùng biển này, đất nước có thể phát triển nhanh hơn và phong phú hơn.

 

Nhưng bảo vệ không phải là chuyện dễ vì vùng biển Việt Nam luôn bị Trung Quốc nhòm ngó. Đại khái, Trung Quốc đã có những hành động sau đây để xâm lấn chủ quyền của Việt Nam:

 

Ngày 19.1.1974, dùng hải quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa;

Ngày 14.3.1988, chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngày 14.4.1988, tuyên bố sát nhập 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam.

Ngày 2.12.2007, thành lập thành phố Tam Sa bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Như vậy, Hoàng Sa và Trường Sa đang ở trong tay Trung Cộng.

 

Quan điểm của VNCH

 

Tháng 1 năm 1974, sau khi Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, ngày 14.2.1974, chính phủ VNCH đã đưa ra một bản tuyên cáo xác định “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lảnh thổ Việt Nam. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.”

Đính theo bản tuyên cáo này là 3 bản giải thích vắn gọn về các vấn đề sau đây: (1) Hoàng Sa, một phần của lãnh thổ của VNCH, (2) Chủ quyền Hoàng Sa và các khía cạch lịch sử, pháp lý và thực tế, và (3) Hải Quân Việt Nam anh dũng chóng quân xâm lăng Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi xin trích đăng nhưng phần chính.

 

1.  Vài nét về Hoàng Sa: Tài liệu của Bộ Ngoại Giao cho biết: Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm những cù lao nhỏ ngoài khơi bờ biển Trung Phần, cách Đà Nẵng khoảng 300 cây số về hướng Đông, nằm giữa các kinh tuyến 111 độ – 113 độ Đông Greenwich và các vĩ tuyến 15 độ 15’ – 17 độ 5’ Bắc.

 

Những cù lao của quần đảo chia làm hai nhóm: Nhóm Tuyên Đức gồm có 9 đảo chính và nhóm Nguyệt Thiềm gồm có 7 đảo chính. Nhóm Nguyệt Thiềm gồm những đảo Cam Tuyền, Hoàng Sa, Duy Mộng, Quang Hòa, Vĩnh Lạc, Bạch Quỷ, Tri Tôn và một số đảo nhỏ, hay đúng hơn, những ghềng san hô không bền.

 

Sau đây là vài nét về hai hòn đảo quan trọng trong nhóm Nguyệt Thiềm:

Đảo Hoàng Sa được coi như quan trọng nhất do san hô tạo nên, quanh đảo có rất nhiều san hô, đá ngầm gây trở ngại cho tàu bè muốn tới gần. Diện tích đảo chứng 3,5 cây số vuông, nhưng chỉ có 1,5 cây số vuông nhô lên khỏi mặt nước. Phần đảo này cao hơn mặt nước biển 6 thước, gồm những tầng đá nhỏ và những bụi rậm. Muốn cho ngươi lên đảo, tàu bay, thuyền lớn phải bỏ neo cách bờ khoảng 300 thước rồi dùng thuyền nhỏ đi vào. Số phosphate trên đảo có gần 1 triệu tấn.

 

Đảo Cam Tuyền ở cách đảo Hoàng Sa độ 4 cây số về phía Tây Nam. Diện tích 1,5 cây số vuông với nhiều bụi rậm nhỏ và đá tảng. Trên đảo có một cầu sắt và một con đường đất xe đi được. Giữa đảo có một vùng lầy, số phosphate có 567.000 tấn đến 1.300.000 tấn theo tài liệu của Tổng Nha Khoáng Chất và Công Kỹ Nghệ.

 

Tiếp theo, tài liệu nói đến các đảo Vĩnh Lạc, Quang Hòa, Duy Mộng, v.v. Chúng tôi chỉ ghi lại trường hợp của hai đảo quan trọng trên mà thôi.

 

2.  Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa: Tài liệu của Bộ Ngoại Giao VNCH cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên khám phá ra và đặt chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa:

 

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí ấn hành năm 1908, vua Gia Long đã thiết lập đội Hoàng Sa để kiểm soát và triển khai quần đảo này.

Năm 1834, dưới đời vua Minh Mạng, quần đảo này được ghi trên các bản đồ in trong cuốn Hoàng Việt Địa Dư do Triều Đình Huế xuất bản.

Năm 1836, vua Minh Mạng cho ông Phạm Hữu Nhật, lảnh chức Thủy Quản Xuất Đội, đến đảo Hoàng Sa đo đạc, xác định vị trí các đảo và họa đồ.

 

Dưới thời Pháp thuộc, Nghị Định số 156-SC ngày 15.6.1932 của Toàn Quyền Đông Dương đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc đơn vị hành chánh sát nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Điều này được xác nhận trong Dụ Số 10 ngày 3.3.1938 của Hoàng Đế Bảo Đại.

Sau đó, Nghị Định số 3282 ngày 5.5.1939 của Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương sửa đổi Nghị Định trên và chia địa hạt này thành ra hai nhóm: Nhóm Croissant (Nguyệt Thiềm) và nhóm Amphitrite (Tuyên Đức). Hai vị đại lý đóng tại các đảo Pastle (Hoàng Sa) và Boisé (Phú Lâm).

 

Ngày 13.7.1961, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống VNCH đã ban hành Sắc Lệnh số 174/NV, đặt quần đảo Hoàng Sa này thành xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

 

Về mặt pháp lý quốc tế: Trong số 51 quốc gia tham dự hội nghị Sanfrancisco năm 1951 tất cả đều công nhận chủ quyền của VNCH tại quần đảo Hoàng Sa nói trên. Cũng năm 1951, khi Việt Nam tham dự ký hòa ước với Nhật Bản, quần đảo Hoàng Sa do Nhật Bản dùng vũ lực chiếm đóng cũng đã được Nhật Bản trao trả cho VN.

 

Trên phương diện thực tế, VNCH vẫn thường xuyên đóng quân, cai trị Hoàng Sa theo các Nghị Định số 4762/CP ngày 21.2.1937 và Sắc Lệnh số 143/NV ngày 20.10.1957, và Hải Quân Việt Nam vẫn thường xuyên tuần tiểu bảo đảm an ninh lảnh hải.

 

Các chiến sĩ BĐQ có mặt thường trực để bảo vệ Hoàng Sa, cùng một đài khí tượng với các chuyên viên hiện diện từ năm 1939.

Tóm lại, trên khía cạnh pháp lý cũng như địa dư, không ai có thể chối cãi được quần đảo Hoàng Sa là một phần ruột thịt của VNCH.

 

Trận đánh Hoàng Sa

 

Một số người đã viết hay nói về trận đánh Hoàng Sa năm 1974, nhất là hai sĩ quan Hải Quân  Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm. Mỗi người có một cách nhìn khác nhau. Ở đây chúng tôi xin trình bày theo tài liệu chính thức của Bộ Ngoại Giao VNCH đính theo Tuyên Cáo ngày 14.2.1974. Tài liệu này cho biết như sau:

 

Chiều ngày 15.1.1974, một ghe đánh cá Trung Cộng chở người đến cắm cờ và dựng lều lên đảo Căm Tuyền (Robert) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tuần dương hạm VNCH dùng quang hiệu đuổi họ rời khỏi đảo nhưng vô hiệu.

 

Sáng ngày 16.1.1974 lực lượng HQ/VNCH hoạt động trong vùng quần đảo Hoàng Sa ghi nhận 2 chiến đỉnh Trung Cộng chạy chung quanh đảo Duy Mộng (Drummond).

 

Sáng 17.1.1974, chiến sĩ HQ/VNCH được lệnh đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc (Money) và tìm thấy trên đảo này 4 ngôi mộ Trung Hoa. Ngoài ra, HQ/VNCH cũng đã ghi nhận thêm một chiến hạn của Trung Cộng đi quanh đảo Cam Tuyền (Robert).

 

Chiều ngày 17.1.1974,  31 đoàn viên HQ/VNCH có võ trang được đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert) nhưng chỉ tìm thấy một lá cờ Trung Cộng và một bản đồ ghi bằng chữ Trung Hoa. Trong khi đó, HQ/VNCH ghi nhận có 2 chiến hạm của Trung Cộng neo ở phía Nam đảo Cam Tuyền và sau đó hai chiếc này đã nhổ neo di chuyển đi nơi khác.

 

Vào chiều tối cùng ngày, 2 chiến hạn Trung Cộng xuất hiện từ hướng đảo Quang Hòa (Duncan) di chuyển đến đảo Cam Tuyền và dùng quang hiệu yêu cầu các tàu của ta rời khỏi hải phận của họ. Các chiến hạm VNCH vẫn ở tại chỗ chờ lệnh và sau đó các tàu Trung Cộng bỏ đi.

 

Lúc 19 giờ 40 cùng ngày,  1 phi cơ lạ bay qua chiến hạm HQ.4  VNCH rồi bay về hướng Đông Nam mất dạng.

 

Qua hôm sau tình hình không có gì đột biến ngoài việc các chiến hạm Trung Cộng không ngừng khiêu khích.

 

Tính đến ngày 19.1.1974, Trung Cộng đã có 14 chiến hạm đủ loại trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, kể cả 4 phi tiển hạm loại Komar. Ngoài ra, phi cơ lạ cũng đã được ghi nhận xuất hiện trong vùng vào lúc hừng đông và bay mất dạng về hướng Bắc.

 

Kể từ ngày 18.1 đến 19.1, các chiến hạm Trung Cộng không ngừng khiêu khích lực lượng HQ/VNCH trong vùng Hoàng Sa bằng cách đâm thẳng vào các chiến hạm của HQ/VNCH, nhưng các tàu ta đã cố né tránh.

 

Vào lúc 8 giờ 30 ngày 19.1, hai toán Biệt Hải thuộc QLVNCH gồm 74 người, đổ bộ lên đảo Quang Hòa và bị một đại đội Trung Cộng võ trang đủ loại võ khí tấn công. Cuộc tấn công này đã gây cho 2 binh sĩ bị thiệt mạng, 2 người khác bị thương. Sau đó, các toán Biệt Hải được lệnh triệt thoái khỏi đảo.

 

Đến 10 giờ 22 cùng ngày, 1 hộ tống hạm Trung Cộng loại Kronatadt đã đâm ngang hông, đồng thời nổ súng vào khu trục hạm Trần Khánh Dư  của ta đang hoạt động ở ngoài đảo Quang Hòa. Khu trục hạm Trần Khánh Dư phản pháo tự vệ và bắn chìm hộ tống hạm Trung Cộng, khu trục hạm của ta bị hư hại nhẹ.

 

Vào xế trưa, lực lượng hai bên đoạn chiến. Các chiến hạm của ta tập trung về khu vực các hải đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa và 30 đoàn viên Hải Quân được đổ bộ lên 2 đảo Cam Tuyền và Vĩnh Lạc. Trong khi đó, tại hải đảo Hoàng Sa đã có 1 đại đội ĐPQ thuộc Tiểu Khu Quảng Nam và 4 nhân viên đài khí tượng trú đóng từ trước.

 

Trong đêm cùng ngày, 3 chiến hạm của ta bị hư hại, được lệnh trở lại căn cứ  Hải Quân Đà Nẵng.

 

Trong cuộc hải chiến, hộ tống hạm  HQ.10 của HQ/VNCH bị trúng hỏa tiển Styx của Trung Cộng và bị thiệt hại nặng trong ngày 19.1. Chiến hạm cùng thủy thủ 92 người đã bị mất liên lạc.

 

Lúc 10 giờ 20 ngày 20.1.1974,  4 phi cơ Mig.21 và Mig.23 của Trung Cộng đã oanh tạc các hải đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền và Vĩnh Lạc, đồng thời quân Trung Cộng cũng đổ bộ tấn công vào các đơn vị ta đồn trú trên các hải đảo này. Sau 20 phút giao tranh, vô tuyến bị hư, các toán quân tuần đảo đã mất liên lạc. Bốn chiến hạm của ta còn lại trong vùng biển, gồm 1 hộ tống hạm và 3 tuần đỉnh cũng bị trúng đạn và bị hư hại nhẹ.

 

Sau trận hải chiến oai hùng của HQ/VNCH với lực lượng Trung Cộng, tổn thất đôi bên được ghi nhận như sau:

 

VNCH: Về chiến hạm: 1 chiếc bị hư hại toàn diện, 1 chiếc bị hư hại nặng và 2 chiếc bị hư hại nhẹ. Về nhân mạng: 19 người tử thương, 43 người bị thương và 101 mất tích.

 

TRUNG CỘNG: Về chiến hạm: 1 chiến hạm loại Kronatadt bị cháy toàn diện và đắm chìm, 1 chiếc bị trúng đạn và hư hại nặng phải ủi vào bờ, sau đó nổ tung, và 2 chiến khác bị hư hại nặng. Về nhân mạng: không được ghi nhận.

 

Tàu chiến Trung Cộng tuần tiễu Hoàng Sa

Vào lúc 18 giờ 30 ngày 22.1.1974 thương thuyền Kopionella quốc tịch Hòa Lan đã vớt được 23 thủy thủ của hộ tống hạm HQ.10 bị Trung Cộng bắn chìm ngày 19.1.1974 tại vùng 287 cây số Đông Đà Nẵng.

 

Sáng hôm sau, chiến hạm HQ.6 của HQ/VNCH đã tiếp nhận số thủy thủ trên. Trong số này có 2 quân nhân bị tử thương (gồm một Đại Úy Hạm Phó) và hai người khác bị thương.

 

Ngoài ra, hồi 12 giờ ngày 29.1.1974  ngư phủ ta đã vớt được 15 quân nhân Hải Quân gồm một Sĩ Quan, 2 Hạ Sĩ Quan, 12 đoàn viên tại 55 cây số phía Đông Mũi Yên (Quy Nhơn). Tất cả 15 chiến sĩ HQ này thuộc toán đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc.

 

Về số 48 chiến sĩ ta bị Trung Cộng bắt giữ,  5 người gồm 2 ĐPQ, 1 Công Binh, 1 Hải Quân và 1 nhân viên đài khí tượng đã được Trung Cộng trao trả tại Hương Cảng ngày 31.1.1974. Do một chuyến phi cơ đặc biết, họ đã được trở về tới Sài Gòn hồi 15 giờ 30 và được tiếp đón vô cùng nồng hậu.

 

43 người còn lại cũng đã trở về tới Sài Gòn chiều 17.2.1974 trong sự tiếp đón tưng bừng của các đoàn thể và nhân dân thủ đô.

 

Khái niệm về Trường Sa

 

Tài liệu của Bộ Ngoại Giao VNCH không nói đến trường hợp của Trường Sa vì lúc đó chưa có sự tranh chấp về quần đảo này, nên chúng tôi xin trình bày khái quát về Trường Sa như sau:

 

Trường Sa nằm ở toạ độ 8 độ 38 Bắc và 111 độ 55 Đông, tức gần Hoàng Sa. Đảo chính có diện tích nhỏ hơn 5 cây số vuông, đường bờ biển 926 cây số, với khoảng 100 đảo nhỏ nằm rải rác trên một diện tích gần 410.000 cây số vuông ở giữa Biển Đông, đa số là bãi san hô phủ cứt chim và đá (reefs), rất thấp, hầu hết ở mức 0 m hoặc thấp hơn mực nước biển, chỉ nổi lên khi biển rút. Nơi cao nhất là 4 m.

Tuy là một quần đảo không lớn, nhưng Trường Sa được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và giàu có về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, do đó đã xẩy ra những sự tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Mỗi nước tuyên bố chủ quyền nhiều phần.

 

Việt Nam đặt Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà, Philippines thuộc tỉnh Palawan, Trung Quốc thuộc tỉnh Hải Nam, còn Malaysia thuộc tỉnh Sabah. Tháng 2 năm 1995, Trung Quốc chiếm đảo đá ngầm Mischief (Mischief reef). Hiện nay Việt Nam chiếm đóng 7 đảo, 16 đá và 3 bãi; Phi chiếm 7 đảo, 2 đá hoặc bãi, và Malaysia chiếm 7 đá hoặc bãi.

 

Chuyện Hà Nội và Bắc Kinh

 

1. Bằng chứng lịch sử của Bắc Kinh: Chúng tôi xin ghi lại một số điểm chính về những tài liệu lịch sử mà Trung Quốc đã đưa ra để chứng minh chủ quyền của họ trên Hoàng Sa và Trường Sa: Theo Trung Quốc, tác giả Yang Fu nhà Tây Hán (23-220 AD) đã nhắc đến quần đảo Nansha (Nam Sa tức Trường Sa). Sách Tướng hàng hải Kang Tai thời Đông Ngô (220-280 AD) có nói đến hai đảo này. Nhiều sách thời Đường, Tống, Nguyên cũng nhắc đến. Người Trung Quốc đã tới đánh cá ở đó.

 

Thời Nhà Đường (785-805 AD), lúc đô hộ Việt Nam, đã ghi Nam Sa vào bản đồ Trung Quốc. Bản đồ xuất bản thời nhà Minh có vẽ với tên Shitang (Thạch Đường), Changsa (Trường Sa). Năm 1710, Nhà Thanh đã xác định chủ quyền ở hai hòn đảo tận phía bắc khu Trường Sa và cho dựng một cái miếu trên đảo Song Tử Đông (North East Clay, hiện Phi Chiếm). Năm 1909 Tổng Đốc Lưỡng Quảng ra lệnh thám thính đảo Hoàng Sa.

 

Năm 1912, ông Okura Unosuke, người Nhật, trong sách Stormy Islands (Đảo bão) viết “ông ta thấy ba người từ Haikou khi ông tới đảo Beizi (tên Mỹ là Northeast Cay và tên Việt, Đảo Song Tử), đảo lớn thứ năm trong nhóm Trường Sa.

 

Năm 1943, Trung Quốc, Mỹ và Anh trong Tuyên bố Cairo đồng ý cho Trung quốc thu hồi đất đai của Trung Quốc do Nhật chiếm. Như vậy là Trung Quốc có quyền thu Nansha (tức Trường Sa) và được thế giới ủng hộ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết như sau: “Thật vậy, Mỹ đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Nansha trong một lọat các hội nghị quốc tế và thực tiễn quốc tế…”

Chúng ta không nên mất thì giờ tranh luận với Trung Quốc về những tài liệu nhảm nhí đó.

 

2.- Bắc Kinh chứng minh Hà Nội đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc: Đài phát thanh Á Châu Tự Do, trong buổi phát thanh hôm 12.12.2007, Dân Lê, phóng viên đài này có cho biết như sau:

 

Phát ngôn viên Qin Gang, đại diện cho Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng không thể “nói mà không có sách, mách không có chứng”. Duy chỉ có điều là chưa muốn nói hết thôi.

 

Theo tư liệu của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, văn kiện mang tên “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa” được tạp chí Beijing Review in lại trong số ấn hành ngày 18.2.1980, Hà Nội đã thỏa hiệp được với Bắc Kinh trong quá khứ về việc này:

 

“Vào tháng 6 năm 1956, hai năm sau khi chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã thành lập tại Hà Nội, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Ung Văn Khiêm đã nói với ông Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, rằng theo dữ liệu của Việt Nam thì đảo Tây Sa (tức Paracels, Hoàng Sa) và đảo Nansha (tức Spratleys, Trường Sa) là một phần thuộc Trung Quốc theo lịch sử”.

 

Đến ngày 4.9.1959, Bắc Kinh chính thức tuyên bố hải phận của họ bao gồm 12 hải lý từ bất kỳ mốc lãnh thổ nào của Trung Quốc, “trong đó tính gồm cả các đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa…”

 

Mười ngày sau, ngày 14.9.1959, Thủ tướng Việt Nam Phạm văn Đồng đã gởi công hàm chính thức cho Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, nói rõ: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1959 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.”

 

Tuy nhiên, vào khoảng cuối năm 1975, Việt Nam đã chiếm quyền kiểm soát một phần quần đảo Trường Sa, còn Hoàng Sa hoàn toàn do Trung Quốc nắm giữ. Đến năm 1977, cựu Thủ tướng Phạm văn Đồng giải thích về quan điểm của ông hồi năm 1959 rằng “đó là thời chiến và ông phải nói như vậy thôi”.

 

Hôm 11.12.2007 phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc có nói: “Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử đã có những quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền này và Trung Quốc hiểu rõ chuyện đó.”

 

Qua câu chuyện nói trên, chúng ta thấy các nhà lãnh đạo Hà Nội đã đi theo đúng phương châm của Karl Marx là “Cứu cánh chứng minh phương tiện”, có nghĩa là có thể dùng bất cứ phương pháp nào, dù tốt hay xấu, miễn là đạt được mục tiêu thì thôi.

 

Năm 1959, Hà Nội bắt đầu mở chiến dịch xâm chiếm miền Nam và cần sự chi viện hùng hậu của Bắc Kinh cả về vũ khí, lương thực lẫn quân dụng, v.v…  nên đành nghe lời Trung Quốc đưa ra lời tuyên bố nói trên để có những thứ đó. Vã lại, lúc đó các nhà lãnh đạo Hà Nội chưa thấy được tầm quan trọng của Hoàng Sa và Trường Sa, nên nghĩ rằng có mất cũng chẳng sao, chỉ cần chiếm được miền Nam là có tất cả, nên đã hành động như vậy. Quả thật, bằng hành động trí trá như trên, Hà Nội đã đạt được mục tiêu. Bây giờ Hà Nội tìm cách gỡ gạc lại được chừng nào hay chừng đó!

 

Khác với Hà Nội, VNCH vẫn “trước sau như một”! Mặc dầu có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đã bỏ miền Nam, Tổng Thống Thiệu vẫn cứ ôm chặt “BỐN KHÔNG”, nhất định không thích ứng với tình thế để sống còn, nên miền Nam đã mất một cách nhanh chóng. Khi ra hải ngoại, mặc dầu “Anh Hai Chống Cộng” đã trở mặt, người Việt chống cộng cũng vẫn “trước sau như một”, dù bị bỏ lại đàng sau, nhất định không thay đổi. Thật đáng với danh hiệu “Tiết Hạnh Khả Phong”!

 

Một giải pháp cho vấn đề?

 

Ngày 10.5.1995, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Mỹ sẽ rất quan tâm đến bất cứ một đòi hỏi liên quan đến biển hay ngăn cản hoạt động hàng hải ở Nam Hải không phù hợp với Luật Biển.”

 

Sau đó, một tài liệu nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết:

 

“Mỹ không có quan điểm đúng sai pháp lý về các tuyên bố chủ quyền. Lợi  ích chiến lược của chúng ta trong việc duy trì đường thông thương nối liền Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Ấn Độ Dương, đòi hỏi chúng ta chống lại các xác lập chủ quyền vượt khỏi điều mà Công Ứớc Luật Biển cho phép.”

 

Hôm 16.6.1995, Joseph Nye, Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về An Ninh Quốc Tế đã nói trong một cuộc họp báo tại Tokyo: “Nếu hành động quân sự xảy ra ở quần đảo Trường Sa và ngăn cản tự do đi lại trên biển cả, chúng tôi sẵn sàng hộ tống và bảo đảm rằng thông thương tiếp tục.”

 

Với những lời tuyên bố nói trên, chúng ta thấy Hoa Kỳ xác định không can thiệp vào vấn đề xác nhân chủ quyền về các hải đảo trên Biễn Đông. Hoa Kỳ chỉ quan tâm và can thiệp khi việc thiết lập chủ quyền này “ngăn cản tự do đi lại trên biển cả” trái với Công Ước LHQ về Luật Biển 1982.

 

Vì có sự phản đối của các nước ASEAN, ngày 4.11.2002, Trung Quốc đã ký kết với khối ASEAN một bản tuyên bố về hành vi của các bên ở Biển Nam Trung Quốc, gồm những điểm chính sau đây:

 

(1) Tái cam kết tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hợp Quốc và Công Uớc LHQ về Luật Biển năm 1982”;

(2) Tránh những hành động cư trú ở những đảo, đá, bãi cát, đảo thấp;

(3) Cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hoà bình, và

(4) Tôn trọng quyền tự do giao thông và bay trên Biển Nam Trung Quốc.

 

Cam kết thì cam kết vậy, nhưng Trung Quốc vẫn dùng sức mạnh để chiếm đoạt.

Nhiều quốc gia đã đề nghị ngưng các cuộc tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông và các quốc gia liên hệ họp lại để phân chia các vùng có thể khai thác kinh tế cho mỗi quốc gia. Như vậy, mỗi quốc gia đều có thể phát triển trong hòa bình. Việc phân chia các vùng khai thác kinh tế không có nghĩa là xác định chủ quyền.

 

Nói thì nói vậy, nhưng phân chia các vùng khai thác kinh tề cho mỗi quốc gia không phải là chuyện dễ. Vã lại, Trung Quốc đang nắm ưu thế nên không muốn tham gia vào cuộc thảo luận như thế. Vậy cần phải đợi thời cơ mới tiến hành được.

 

Tú Gàn   21.12.07