Kể chuyện đường xa: Từ Hồn Việt đến Người Việt (6)

05 Tháng Một, 2015 | Mỹ châu

 

Nguyễn Hồng Anh

 

 

Tác giả trò chuyện với cô Mai Khanh (giữa) và phóng viên Ngọc Ân tại trụ sở Hồn Việt TV & Little Saigon Radio sau cuộc phỏng vấn ở Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster

   

Đài truyền hình cuối cùng mà tôi được phỏng vấn trước buổi trình diễn văn nghệ là  Hồn Việt TV ở vùng Westminster. Bích Hà em gái tôi liên lạc trực tiếp với cô Ngọc Ân,  một xướng ngôn viên nổi tiếng của đài phát thanh Little Saigon Radio. Không những em tôi là một thính giả quen thuộc của đài mà có những người ở tận nước Úc cũng biết Ngọc Ân nhờ nghe Little Saigon Radio qua mạng lưới toàn cầu.

 

 

Số có quý nhân phù trợ”

 

Như đã viết trước đây, tôi đã nghe bài Thiền Sư Xuống Núi được Ngọc Ân phát thanh trong chương trình  giới thiệu ca khúc mới  của cô trên đài Little Saigon Radio vào buổi sáng (giờ địa phương).  Thiền Sư Xuống Núi nằm trong cuốn CD-1 do Bích Hà em gái của tôi tặng Ngọc Ân. Một số bạn bè tôi cho biết họ đã nghe nhiều lần các ca khúc Thiền Sư Xuống Núi và Của Hồi Môn trên chương trình phát thanh của Ngọc Ân trước khi tôi qua Mỹ.

 

Tại phòng thu hình của Hồn Việt TV:  Nữ xướng ngôn ngồi giữa là người từ thành phố Melbourne sang làm việc

 

Nhưng đến Quận Cam, Ngọc Ân muốn làm cho tôi một chương trình trên đài truyền hình Hồn Việt TV. Sau này tôi mới biết cả hai cơ quan phát thanh và truyền hình này thuộc cùng một chủ, được thành lập bởi ông  Vũ Quang Ninh, nay đã qua đời. Hiện nay, ông Nguyễn Hữu Công  là tổng giám đốc của công ty này nhưng theo một người bạn của tôi ở Quận Cam, người chủ của công ty là cô Mai Khanh, con gái của nhà văn Nhật Tiến. Mai Khanh trước đây làm nghề địa ốc thành công và nay là người nắm nhiều cổ phần của công ty nên coi như là người chủ.

 

Em gái tôi cho biết Ngọc Ân có lối phỏng vấn riêng của cô. Thay vì chọn thu hình ở studio Ngọc Ân sẽ phỏng vấn tôi tại Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ. Nghe vậy tôi rất thích vì tôi sẽ luôn tiện viếng thăm một  đài kỷ niệm rất có ý nghĩa đã được nghe nói tói nhiều trên các phương tiện truyền thông.

 

Tôi đã nghe Ngọc Ân phỏng vấn nhiều buổi lễ của các hội cựu quân nhân và nay lại được cô mời ra trước tượng đài uy nghiêm như vậy thì tôi nghĩ cô sẽ hỏi tôi về những đề tài liên quan chính trị.

 

Tác giả trước tòa soạn nhật báo Việt Báo trong ngày trình diễn văn nghệ, cuối đường Moran Street là tòa soạn nhật báo Người Việt

 

Ngọc Ân đi với một chuyên viên thu hình, có mặt trước giờ hẹn. Tượng hai chiến sĩ Việt và Mỹ trên đài cao với hai lá cờ Mỹ tung bay làm cho tôi thấy lòng mình lâng lâng, chuẩn bị tinh thần để trả lời. Nhưng không, Ngọc Ân hoàn toàn hỏi tôi về cuộc sống của người Việt ở Úc, những ca khúc tôi sáng tác và dĩ nhiên là về ca khúc mà cô thích và giới thiệu lần đầu cho thính giả của Little Saigon Radio ở Quận Cam.

 

Rồi tôi hát tại chỗ một ca khúc trước khi sang thăm trụ sở của đài, không xa Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ bao nhiêu. Tại đây, tôi được Ngọc Ân giới thiệu với cô Mai Khanh. Chuyện trò với người chủ đài một lúc,  cô Ngọc Ân dẫn tôi đi xem các phòng thu thanh và thu hình  của Little Saigon Radio và Hồn Việt TV, cả hai đều nằm trong một binh đinh. Tại đây, tôi được giới thiệu có một thiếu nữ trẻ đẹp đang chuẩn bị đọc tin trong phòng thu hình, là người từ Melbourne sang làm việc cho Hồn Việt TV.

 

Nhưng hình ảnh đập vào mắt khách tới trụ sở đài là bức hình đóng khung của cố sáng lập viên Vũ Quang Ninh treo trên tường căn phòng đầu tiên của trụ sở đài với hương đèn, một hình thức tưởng nhớ rất trịnh trọng.

 

Cô Mai Khanh tới trụ sở trong y phục của người đi nghỉ mát mới về ghé tạt qua đài, nhưng cũng đã sẵn lòng để chúng tôi chụp hình cho bài bút ký này.

 

Chụp hình với Đinh Quang Anh Thái (thứ tư từ phải) một số nhân viên trong ban biên tập

 

Tôi đã viết khá nhiều về truyền thanh và truyền hình mà chưa nói tới báo chí, là lãnh vực truyền thông lâu đời nhất và có ảnh hưởng nhất đối với người Việt ở Quận Cam.  Và khi nói tới báo chí thì trước tiên phải nhắc tới tờ Người Việt và Moran Street, con đường của làng báo Việt ngữ ở Bolsa.

 

Trên đường này báo người Việt nằm ở cuối đường mà như ở giữa, sừng sững với ba cột cờ với ba lá cờ VNCH, Mỹ và có lẽ lá kia là cờ tiểu bang. Bên hữu là nhật báo Việt Báo, nhật báo Viễn Đông, đài phát thanh VNCR.

 

Cùng chung mặt tiền  và sát bên trái Người Việt là văn phòng Saigon TV mà tôi nghĩ thuê của Người Việt do có cùng một kiến trúc. Và phía tả của Người Việt và đối diện với Viễn Đông, VNCR Radio là Trung Tâm Thúy Nga và tuần báo Sài Gòn Nhỏ. Tuần báo Sài Gòn Nhỏ của bà chủ nhiệm Hoàng Dược Thảo đang bị ông chủ nhiệm Phan Huy Đạt và bà giám đốc tiếp thị Hoàng Vĩnh kiện về mạ lị (nghe nói vì đã chụp mũ hai người này là tay sai của Việt Cộng).

 

Chị Lê Minh Phú (góc trái), trưởng phòng kế toán và các nhân viên khi tác  giả đến thăm

 

Nhờ mướn hội trường của Việt Báo, nên tôi đã có dịp gặp nhà văn Nhã Ca, người đồng hương. Vợ chồng Nhã Ca và Trần Dạ Từ  là chủ tờ Việt Báo nhưng nay họ đã về hưu và giao lại cho con gái điều hành.  Cơ ngơi Việt báo không lớn bằng Người Việt. Trong hai ngày cuối tuần tới trang trí phòng ốc và trình diễn, thỉnh thoảng tôi thấy có người ra vào tòa soạn để đặt quảng cáo.  Việt Báo đóng cửa cũng khá trễ.

 

Nhà văn Nhã Ca & và thi sĩ Trần Dạ Từ  sang Mỹ định cư, làm cho Người Việt một thời gian nhưng sau đó họ thành lập một tờ nhật báo lấy tên Việt Báo.

 

Ngoài hai tờ báo vừa nói, tôi chưa có dịp vào thăm văn phòng các tờ báo khác. Nhưng tôi đã có dịp bắt tay chủ nhiệm hiện nay của nhật báo Viễn Đông là chị Như An trong đêm văn nghệ Bạn Mới Ca Khúc Mới tổ chức tại Viện Việt Học, diễn ra cùng ngày với chương trình  tôi.

 

Một người bạn giới thiệu tôi với chị Như An trong giờ giải lao. Chị có vẻ bận rộn vì vừa làm MC kiêm ca sĩ.  Nghe nói những người sáng lập nhật báo Viễn Đông trước kia cũng làm cho tờ Người Việt.

 

Nhân viên Người Việt đang nghe tác giả trình bày kinh nghiệm tiếp thị quảng cáo của TVTS

 

 

Tờ báo lớn nhất hải ngoại

 

Tờ Người Việt do ông Đỗ Ngọc Yến thành lập vào năm 1978, ban đầu là tuần báo và trở thành nhật báo từ năm 1985. Thích hay ghét tờ Người Việt vì bất cứ lý do gì, Người Việt vẫn là tờ báo Việt ngữ lâu đời nhất, lớn nhất, có ảnh hưởng nhất và đóng góp rất nhiều cho cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam nói chung và hải ngoại nói riêng.

 

Tôi có sự quen biết với Người Việt qua Đinh Quang Anh Thái, người bạn tôi quen sau năm 1975 qua những nhóm bạn văn nghệ và tổ chức không chấp nhận chế độ cộng sản. Tôi không còn liên lạc với anh sau khi anh bị bắt đi tù. Tôi vượt biên vào năm 1980 và chỉ gặp lại anh vào năm 1994  khi anh sang Úc du lịch.  Lúc đó anh cho biết đã rời Hawaii vào đất liền và bắt đầu làm việc cho báo Người Việt. Với khả năng đa dạng trong ngành truyền thông, Đinh Quang Anh Thái  sau đó đã làm việc cho nhiều báo và đài (tư nhân hay của chính phủ Mỹ) rồi trở về làm cho Người Việt  và hiện nay anh làm phụ tá chủ nhiệm của nhật báo này.

 

Vì vậy, khi tôi đến thăm tờ Người Việt, tôi đã được tiếp đón một cách rất thân tình. Tôi được giới thiệu với hầu hết mọi người, từ nhân viên văn phòng, quảng cáo, kế toán, các phóng viên đến những người điều hành tờ báo như chị Hoàng Vĩnh, giám đốc tiếp thị và thương mại của tờ báo và ông chủ nhiệm Phan Huy Đạt.

 

Ông Phan Huy Đạt lại bà con với chị Lê Phan (con của cố Thủ tướng Phan Huy Quát) nên sự gặp gỡ trở nên thân mật hơn. Trụ sở Người Việt rất lớn, có cả hội trường để cho thuê hội họp hay tổ chức văn nghệ (như Việt Báo, VNCR Radio),  có nhiều phòng ốc rộng rãi khiến tôi phải ngưỡng mộ.

 

Chủ nhiệm Phan Huy Đạt (giữa) tiếp Nguyễn Hồng Anh (trái), bên phải ông là bà Vĩnh Hoàng, phụ tá tổng giám đốc

 

Tôi được Đinh Quang Anh Thái cho biết công ty Người Việt hiện có khoảng 60 nhân viên toàn thời và bán thời, nhưng tại lúc đi thăm một số phòng ốc, tôi thấy có khoảng vài chục người đang làm việc hôm đó.  Khác với nhiều nhật báo chỉ phát hành 5 hoặc 6 ngày, Người Việt phát hành 7 ngày và tòa soạn mở cửa làm việc 12 tiếng mỗi ngày.

 

Nhật báo Người Việt có khổ broadsheet  (ngày xưa mình gọi là nhật trình) của Mỹ, nhưng lớn chỉ khoảng 3/4 báo broadsheet của Úc (chiều cao bằng The Australian, chiều ngang bằng Herald Sun, là loại báo tabloid). Mỗi số báo phát hành gồm 3 phần A, B và C.  Phần A dành cho tin tức thời sự quảng cáo, B dành cho tin địa phương văn học nghệ thuật quảng cáo và C là hoàn toàn  rao vặt.

Một trang của Người Việt lớn gấp ba lần một trang báo TiVi Tuần-san và một ô rao vặt của Người Việt lớn ngang ngửa ô rao vặt của TVTS.

 

Tôi không biết số trang hàng ngày có lên xuống không, nhưng lấy thí dụ số báo ra ngày Thứ Năm 6.11.2014 là số báo có đăng hình ảnh và tin “Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh thăm nhật báo Người Việt” ở mục tin địa phương, tôi thấy có 9 trang rao vặt, như vậy số lượng rao vặt tương đương với 36 trang rao vặt của TVTS.

 

Mặc dầu báo Người Việt là một tờ báo nổi tiếng có nhiều quảng cáo và sống nhờ quảng cáo rao vặt, nhưng khi nghe tôi trình bày về giá cả của rao vặt, giá một trang quảng cáo và nhất là giá quảng cáo một trang màu của TVTS, cách thức lấy quảng cáo và thu lệ phí, chủ nhiệm lẫn phụ tá chủ nhiệm đều tỏ ngạc nhiên, nên đã mời tôi nói chuyện cho các nhân viên quảng cáo tiếp thị nghe về lối làm ăn của TVTS.

 

Tôi lấy làm thú vị khi trình bày kinh nghiệm về quảng cáo của báo TVTS cho các nhân viên một tờ báo lớn nhất và lâu đời nhất của người Việt ở hải ngoại nghe. Nhưng đồng thời, tôi cũng được ông chủ nhiệm và phụ tá chủ nhiệm nói cho tôi nghe một số kinh nghiệm làm báo của công ty Người Việt như việc đưa tờ báo lên trực tuyến, lấy quảng cáo online và nhất là xuất bản sách. Ông chủ nhiệm Pham Huy Đạt đã ký tặng cho tôi 2 đầu sách Bên Thắng cuộc của Huy Đức và  cuốn   Đèn Cù tập Một  của Trần Đĩnh (tập Hai lúc đó chưa phát hành)  là những đầu sách ông Đạt  nói bán chạy.

 

Như bạn đọc có thể đã biết, tôi đã thành lập nhà sách Hồng Anh Thư Xã (HATX) trên 25 năm và đã có thời kỳ chúng tôi quảng cáo HATX là nơi có nhiều đầu sách nhất Úc Châu. Dịch vụ bán sách phát đạt trong thời gian đầu, nhưng trong 15 năm qua, sau khi  internet thịnh hành và sách được bán online, chúng tôi hầu như không còn nhập cảng sách như trước. Người mua sách giảm dần, các nhà xuất bản lớn như Đại Nam, Văn Nghệ đóng cửa và tác giả thường bán sách trực tiếp cho độc giả qua bưu điện hay trong các buổi ra mắt sách.

 

Tờ Người Việt với 3 phần A, B và  phần C là chỉ dành đăng rao vặt

 

Chuyện trò về những “tai nạn” xảy ra trong nghề nghiệp, trao đổi kinh nghiệp làm báo xong anh Thái mời chúng tôi ăn cơm trưa với các nhân viên và ban điều hành trong đó tôi thấy một số khuôn mặt phóng viên quen thuộc trên báo online  hay truyền hình như  như Hà Giang và Ngọc Lan…

 

Mấy chục năm trước bổn báo bỉnh bút Thường Đức (bút hiệu trên TVTS của Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách) thường kể cho tôi nghe lối làm ăn của Người Việt do ông Đỗ Ngọc Yến đề ra như các nhân viên đều là những người có cổ phần, được chia tiền lời như lối tổ chức của tờ le Monde bên Pháp, để nhân viên hết lòng với tờ báo, hay tổ chức bữa cơm trưa tại tòa soạn cho nhân viên v.v… Nay vợ chồng chúng tôi đã được mời ăn cơm trưa chung với các nhân viên.

 

Còn chuyện ai là chủ của công ty Người Việt cũng là điều tôi muốn hỏi bởi có quá nhiều thông tin khác nhau và cả tin đồn nhảm nhí.

 

Tôi được nghe chính thức rằng ông Phan Huy Đạt là chủ nhiệm, nghĩa là ông chủ. Nhưng tôi cũng được nghe bạn bè nói chủ nhân thật sự là gia đình của bà quả phụ Đỗ Ngọc Yến và sau đó là gia đình của ông Lê Đình Điểu (đã qua đời), là những người thành lập tờ Người Việt.

 

Khi xảy ra một vài sự kiện dẫn đến việc Người Việt bị chụp nón cối, tôi cũng đã đọc những giải thích của Người Việt trên báo khi bị đặt vấn đề có phải có bàn tay bí mật nào đó đã mua tờ báo không, thì Người Việt trả lời cổ phần tờ báo nằm trong tay các nhân viên, đó là một hình thức sở hữu mà ông Đỗ Ngọc Yến đã tổ chức khi ông còn sống. Nay thấy anh bạn Đinh Quang Anh Thái là  phụ tá chủ nhiệm, tôi lại hỏi ai là chủ thật sự, thì Thái cũng nói như báo Người Việt đã nhiều lần xác nhận: các nhân viên làm chủ tờ báo, làm chủ công ty Người Việt.

 

Tác giả bắt tay Thượng nghị sĩ đắc cử Janet Nguyễn tại phòng ăn trưa của Người Việt khi bà đến thăm tờ báo một ngày sau khi trúng cử

 

Tôi nghĩ  cho dù tôi là một nhà báo và muốn “điều tra” ai là chủ, ai đứng sau lưng Người Việt như một số người cứ thắc mắc, thì cũng không thể tìm thêm được “bí mật” nào khác về sự sở hữu của công ty.

 

Tôi tin  Đinh Quang Anh Thái nói sự thật. Mọi người đều có cổ phần trong công ty, nhiều ít tùy người.  Nhìn lối làm việc và lối sống của họ trong hai lần tôi đến thăm Người Việt,  tôi nghĩ  chủ của tờ báo  là những người đang điều hành công ty, dù hôm đó có những người chủ không hiện diện tại trụ sở.

Nhưng nói cho cùng: Ai  là chủ của Người Việt thì có mắc mớ gì đến bạn và tôi nhỉ?  Not our business!

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 13.12.2014