Kể chuyện đường xa: Truyền thông Việt ngữ Quận Cam (5)

29 Tháng Mười Hai, 2014 | Mỹ châu

 

Nguyễn Hồng Anh

 

 

“Ở Mỹ cái gì cũng to”! Nguyễn Hồng Anh trả lời Trịnh Kim Dung tại phòng thu âm của Đài SBTN trong chương trình của Bích Châu

 

Tuần qua trong mục Cảm Tạ ở trang bìa sau của tờ TiVi Tuần-san, bạn đọc có thể đã thấy tên của những đài truyền hình, đài phát thanh và báo chí đang hoạt động ở Quận Cam (Orange County) trong đó có tên 6 đài truyền hình miễn phí và trả tiền.

 

Tôi đã có dịp  thăm một số trụ sở báo đài ở Quận Cam nơi mà ngành truyền thông trăm hoa đua nở, và không nơi nào của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại có thể sánh kịp. Đến Quận Cam mới thấy sức mạnh của cộng đồng Việt Nam.

 

 

Cái gì cũng to

 

Không như người Mỹ và Úc gọi CA    LA, người Việt ở đây gọi tắt California và Los Angeles là  Cali và Los, và nhập gia tùy tục, nên tôi cũng gọi như thế. Qua ngày thứ hai khi đến Nam Cali, tôi đã tham dự cả thảy 3 buổi talk show trên các đài truyền hình do những người trong ban tổ chức là Phiến Đan và Trịnh Kim Dung dàn xếp.

 

Buổi talk show thứ ba của tôi diễn ra tại phòng thu âm của đài SBTN nằm ở thành phố Garden Grove. Đây là một trụ sở rất lớn làm bản doanh cho đài truyền hình Pay TV  SBTN  lẫn trung tâm phát hành băng nhạc ASIA mà nhạc sĩ Trúc Hồ là một trong những người lãnh đạo.

 

Như quý vị có thể biết, đài SBTN phát hình cả ngày và xa tận Úc, muốn xem phải trả tiền. Có rất nhiều  người phụ trách các chương trình cho đài này. Hai người trong ban tổ chức chương trình Tình Ca Hát Cho Việt Nam nhắm đến SBTN,  vì khác với các đài Free On Air  TV chỉ phát sóng trong vùng, đài Pay TV đi xa đến nhiều tiểu bang ở nước Mỹ, Canada v.v… cho nên, nếu nói chuyện trên đài này, sẽ có thêm nhiều người ngoài Quận Cam biết đến.

 

Xuất hiện trên Little Saigon TV, chương trình Văn hóa và Con người  của Phiến Đan

 

Trưởng ban tổ chức  Phiến Đan hiện giữ mục Văn hóa và Con người trên đài Truyền hình Little Saigon TV phát hình mỗi tuần một lần vào tối Chủ Nhật sau đó phát lại vào ngày Thứ Hai,  nhờ vậy cô quen biết với nhiều người trong giới truyền thông Nam Cali. Cô đã nhờ nhà thơ Du Tử Lê làm một talk show với tôi trên chương trình Du Tử Lê và Thân Hữu của đài SBTN. Phần lớn các chương trình, nếu không phải là tin tức thời sự, đều phải được thu trước tại phòng thu âm. Nhưng do tôi không thể đến Mỹ sớm hơn nên chương trình giới thiệu nhạc của tôi đã không có sự hiện diện của tôi mà chỉ giữa người chủ xướng và khách mời Phiến  Đan.

 

Trong khi đó chị Trịnh Kim Dung nhờ sự quen biết với cô Bích Châu nên cũng đã vận động để tôi xuất hiện trên đài SBTN trong chương trình Chuyện Cộng Đồng do Bích Châu phụ trách.  Sau buổi trình diễn ở hội trường Việt Báo, tôi đến thăm một người thân ở thành phố San Bernadino cách Garden Grove chừng 100 cây số. Hai anh chị nhờ nghe đài SBTN mới biết các sinh hoạt văn nghệ của tôi ở Quận Cam. Khi nghe nói tôi đã không tốn tiền cho các lần xuất hiện trên các đài truyền hình của người Việt ở Quận Cam để giới thiệu nhạc và quảng cáo chương trình văn nghệ của tôi, anh chị nói tôi may mắn lắm mới được như vậy.

 

Tôi cùng vợ, em gái Bích Hà và chị Kim Dung đến trụ sở đài SBTN vào xế chiều cho nên không gặp nhiều người ở đây, ngoài ông gác dan. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một bức tượng (tôi không  nhớ Chúa hay Đức Mẹ) nên tôi nói với nhà tôi điều này chứng tỏ cơ quan truyền thông này do những người Công giáo làm chủ (vì “méo mó nghề nghiệp”, tôi thích quan sát,   cũng như một ngày trước đó, khi đến thu hình với nhạc sĩ Cao Minh Hưng ở phòng thu đài truyền hình IBC, tôi nói với nhà tôi xem ra đây là cơ quan của Phật giáo).

 

Chúng tôi đợi Bích Châu và được cô mời vào một phòng thu âm đầu tiên gần cửa ra vào. Phòng thu âm nhỏ nhưng ấm cúng. Bích Châu không phỏng vấn tôi mà đề nghị chị Kim Dung nói chuyện với tôi.

 

Mở đầu câu chuyện Kim Dung hỏi tôi qua Mỹ, thấy đời sống ở Mỹ như thế nào, có khác Úc không. Tôi nói cộng đồng người Việt ở Mỹ thì cũng giống ở Úc thôi, nhưng ở Mỹ cái gì cũng to. Cô em gái tôi đang ngồi ở ghế khán giả đã phì cười và tôi thấy mình đã nói hớ hênh dễ gây hiểu lầm nên vội chữa ngay, đại khái “ở đây cái gì cũng to… vì cộng đồng Việt Nam rất đông, các cửa tiệm đồ sộ, khu người Việt sinh sống làm ăn rộng mênh mông, ngay cả trái cây cũng to, như mấy trái ổi ở nhà của Chị Kim Dung mà vợ chồng tôi vừa hái to quá sức tưởng tượng”.

 

Bolsa, thủ đô của người tị nạn: Đài Little Saigon TV nằm trên đường Bolsa Avenue, đối diện bên kia đường là Trung tâm Phúc Lộc Thọ

 

Sau khi kể sơ về hành trình sáng tác nhạc, tôi đã hát tại chỗ bài Thiền Sư Xuống Núi và xem ra phóng viên Bích Châu rất thích thú khi nghe chị Kim Dung giải thích việc tôi sáng tác bộ ba ca khúc mang chất thiền với bài Của Hồi Môn và sau cùng Thiền Sư Lên Núi, vì đã “giác ngộ” và “đắc đạo”.

 

Cuối chương trình, Bích Châu xin hỏi tôi một câu và nói tùy ý tôi muốn trả lời hay không. Cô nói là một nghệ sĩ như tôi, có phải tôi đã được các mạnh thường quân hỗ trợ hay đã phải dành dụm một thời gian để có tài chánh mà qua Mỹ giới thiệu dòng nhạc và các CD của mình không. Tôi thấy cô em gái của tôi cười khúc khích và dĩ nhiên tôi cũng cười vui mà trả lời rằng nghề nghiệp của tôi đã giúp tôi có khả năng để thực hiện những chuyến hát hò có tính cách văn nghệ như thế này.  Ra bên  ngoài, em gái tôi nói “các phóng viên thường hỏi những câu như vậy đối với các người từ xa đến Mỹ và vì Bích Châu không biết anh nên mới hỏi như thế”.

 

Little Saigon TV nằm cùng phía  với Á Đông Super Market

 

 

Chỉ có ở Mỹ

 

Ở Úc chúng ta có mấy đài truyền hình phát bằng tiếng Việt? Tôi không rõ ở các thành phố khác ra sao nhưng tại Melbourne có chương trình VNTV phát hình trên đài truyền hình cộng đồng C31.  Từ một buổi dài 30 phút lúc ban đầu, nay chương trình truyền hình Việt ngữ này đã phát thanh được hai buổi vào chiều Chủ Nhật và tối Thứ Hai và hình như chiếu lại vào sáng sớm Thứ Ba.

 

Nhưng tại Quận Cam thuộc miền Nam Cali, bạn biết có bao nhiêu đài truyền hình Việt ngữ không trả tiền không? 

 

12 đài! Phát hình 24 giờ, coi mệt nghỉ.

 

Và vì phát thanh suốt ngày như vậy, nên ngoài phần tin tức thời sự, phỏng vấn phần lớn các đài chiếu phim, cải lương từ Việt Nam.  Nhà tôi lúc rảnh rỗi đã được coi những bộ phim tập trên các đài truyền hình Quận Cam.

 

Hệ thống hành chánh ở Mỹ, sau tiểu bang đơn vị kế tiếp là quận rồi mới thành phố. Dân số Quận Cam (Orange County) khoảng 3 triệu người trong đó có khoảng 150,000 người Việt (theo wikipedia, nhưng có người lại nói 350,000 có lẽ đó là cho cả Nam Cali?). Orange County –nơi ngày xưa chỉ là những vườn trồng cam– có trên một tá thành phố. Những thành phố lớn nhất là Anaheim (nơi có khu Disneyland) , Santa Ana, Irvine.

 

“Mang chuông đi đánh xứ người”: Nguyễn Hồng Anh trước rạp hát Saigon Performing Arts Center của TT Thúy Nga

 

Westminster là thành phố đầu tiên có nhiều người Việt đến định cư và ông Ngô Lâm trở thành người Việt đầu tiên trúng cử nghị viên của một thành phố ở Mỹ. Westminster là nơi đầu tiên ở hải ngoại được đặt cái tên là Little Saigon. Và cũng chính từ Westminster là nơi đầu tiên có một thị trưởng người Việt, đó là anh Tạ Trí, vừa trúng cử thị trưởng nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 11. Những cơ sở thương mại lớn của người Việt, các cơ sở truyền thông tập trung ở Westminster. Đại lộ chính của thành phố Westminster là Bolsa Ave rất dài, dọc hai bên dựng cờ Việt Nam Cộng Hòa nên đi ở đây người ta có cảm tưởng là một Sài Gòn trước năm 1975 nối dài. Con đường này cũng là nơi người Việt đi diễn hanh trong các dịp lễ.  Bởi vậy đi tới trung tâm của người Việt ở Nam Cali,  người ta nói đi  Bolsa là vậy.

 

Bolsa được coi là thủ đô của người tị nạn. Vì sống tập trung ở khu vực này, nên có tranh chấp, đấu đá, bôi nhọ nhau và đã phát sinh những cụm từ nghe quen tai như “chính phủ Bolsa”, “Bolsa gió tanh mưa máu”, “Bolsa kinh nước đen” v.v…  

 

Ngày nay, Westminster đã bị Garden Grove qua mặt vì thành phố này đông cư dân người Việt hơn. Hội hè tổ chức ở đây cũng trở nên nhiều hơn và một trong những cơ sở truyền thông lớn của người Việt như ASIA, SBTN cũng nằm ở đây. Và trong cuộc bầu cử đầu tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên một người Việt trúng cử chức thị trưởng của thành phố Garden Grove là  Bảo Nguyễn và nghe nói hơn một nửa nghị viên của thành phố này là người gốc Việt.

 

 

Bích Phượng (góc trái) phỏng vấn Nguyễn Hồng Anh tại phòng thu hình của VietFace và  sau đó (hình phải), tác giả trình bày một ca khúc

 

Một thành phố khác tuy không có nhiều người Việt như Westminster và Garden Grove nhưng đã có người Việt làm thị trưởng cách đây mấy năm, đó là Thị trưởng  Michael Võ của Founain Valley.

 

Quận Cam nói riêng, Nam Cali nói chung đã là nơi từng có dân biểu gốc Việt  đầu tiên là Luật sư Trần Thái Văn và thượng nghị sĩ đầu tiên mới đắc cử  là bà Janet Nguyễn.

 

Ở Quận Cam tuy chỉ có 3 tuần lễ nhưng nhờ đi trình diễn văn nghệ, được lên các talk show nên tôi đã có dịp tới studio hay văn phòng một số đài.

 

Nơi tôi đến để được phỏng vấn đầu tiên là chương trình Câu Lạc Bộ  Tình Nghệ Sĩ của nhạc sĩ Cao Minh Hưng trên đài IBC. Nghề chính của anh là nha sĩ nhưng Cao Minh Hưng nổi tiếng với hoạt động văn nghệ và truyền thông. IBC-TV được cho là một đài của Phật Giáo như thiên hạ thường nói. Cao Minh Hưng hẹn tôi tới phòng thu âm của IBC mà anh nói tạm thời đặt trong chùa Điều Ngự. 

 

Cao Minh Hưng (trái) và NHA bên ngoài studio sau buổi phỏng vấn

 

Em gái tôi đưa tôi đến phòng thu và đã thấy Phiến Đan và chồng là Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh chờ sẵn ở phòng khách của chùa. Tôi cũng được dịp gặp và chào hỏi thầy Thích Viên Lý trong khi chờ Cao Minh Hưng đang phỏng vấn nhà bình luận Lý Đại Nguyên trong phòng thu âm. Và chúng tôi cũng được một nữ thiện tín mời ăn đồ chay. Đó là một nét văn hóa nhà Phật dễ thương mà tôi rất thích từ thời còn thời trẻ.

 

Cao Minh Hưng nói studio là phòng thu tạm thì cũng đúng bởi đang sửa chữa. Tường phòng thu được che bằng tấm vải nhựa màu xanh lục làm tôi có vẻ ngỡ ngàng nhưng Cao Minh Hưng nói sẽ sử dụng kỹ thuật đigital để làm phông. Và quả thật cái phông này quá đẹp, giả mà hơn thật.  Lần đầu tiên tiếp xúc với Cao Minh Hưng, tôi thấy anh nhạc sĩ kiêm nha sĩ này dễ mến. “Ra quân” chỉ vài giờ sau khi đến Quận Cam đã hết sức trôi chảy, nhờ Phiến Đan tham gia để “đỡ lời” cho tôi.

 

Cũng tại Westminster, qua trưa hôm sau, tôi được đưa tới phòng thu âm của đài Little Saigon TV trong đó  Phiến Đan đặc trách chương trình Văn hóa và Con người, vì thế tôi được đối xử như “người nhà”.

 

Little Saigon TV –đài truyền hình đầu tiên của người Việt ở Quận Cam ra đời đã trên 20 năm– mới được dời về ở tầng hai của một building hai tầng nằm trên đường Bolsa Ave giữa hai trung tâm thương mại lớn và lâu đời của thành phố Westminster là Thương xá Phúc Lộc Thọ và Á Đông Super Market. Tôi nghĩ cơ sở của Little Saigon TV chiếm một phần sáu lầu trên của building này, có nghĩa là khá lớn. Có phòng tiếp khách, nhiều phòng thu hình và phòng ăn.

 

Thu hình trực tiếp trong chương trình thời sự Càfê Sáng tại Little Saigon TV: từ trái, Nguyễn Hồng Anh, Đoàn Trọng và Nguyễn Trường

 

Phiến Đan không những đã yêu cầu ông chủ đài Đinh Xuân Thái dành cho  chương trình văn nghệ của tôi được nhiều quảng cáo mà còn cho tôi hai cuộc phỏng vấn kéo dài hai tiếng trên chương trình của cô, phát hình làm hai kỳ. Vì chỉ có hai người nên cô dành nhiều thời gian cho tôi hát trực tiếp và cô  cũng hỏi tôi đủ thứ chuyện, từ chuyện làm ăn bây giờ đến những chuyện thời còn đi học. Xong, chúng tôi được mời ở lại ăn phở do cô Song Linh, người lo quảng cáo của đài,  làm món phở gà rất ngon, bởi Song Linh từng là chủ một quán phở.

 

Bữa ăn trưa có khoảng 10 người trong đó có Đoàn Trọng, một phóng viên nổi tiếng của truyền thông phố Bolsa mà tôi từng  xem trên YouTube. Tuần sau, qua sự giới thiệu của em gái tôi, Đoàn Trọng đã mời tôi tham gia một chương trình live trên đài Little Saigon TV trong chương trình buổi sáng sớm của ông với ký giả Nguyễn Trường có tên Càfê Sáng. Đây là chương trình thu và phát hình trực tiếp duy nhất tôi được tham dự ở Quận Cam. Đoàn Trọng nói với em tôi ông không cho biết sẽ hỏi gì, để tạo sự bất ngờ và tự nhiên  hơn là xếp đặt trước. Nhưng các talk show khác, tôi cũng không yêu cầu các người chủ xướng cho tôi biết trước sẽ hỏi gì.

 

 

Đinh Xuân Thái (góc phải), chủ nhân đài Littl e Saigon TV nói chuyện với anh em tác giả sau bữa ăn trưa với món phở do cô Song Linh nấu

 

Ngày thứ tư tại Mỹ, tôi được chị Kim Dung dẫn tới đài VietFace, được cho là của Trung Tâm Thúy Nga. Đài nằm ở thành phố Fountain Valley, cùng biên giới với Westminster và Santa Ana. Phòng thu âm của VietFace nằm trong building của Saigon Performing Arts Center, một hí viện khá lớn và đẹp nghe nói có sức chứa tới 1000 người. Phòng thu âm của VietFace khá lớn, trình bày đẹp, xem ra rất chuyên nghiệp. Kim Dung và tôi là khách trong khi cô Bích Phượng là chủ xướng chương trình. 

 

Trước đó những người trong ban tổ chức nói VietFace không mấy khi phỏng vấn quảng cáo mà không tính tiền và lấy giá rất cao. Tôi đã nói với ba cô trong ban tổ chức rằng tôi chơi với tính cách văn nghệ, giới thiệu một loại nhạc không phải thương mại và chúng tôi trình diễn không bán vé nên cơ quan truyền thông nào ủng hộ thì chúng tôi sẽ nhờ giới thiệu. Chị Kim Dung nói để chị nhờ vả vì chị có sự quen viết với Bích Phượng qua những chương trình giáo dục trên các đài. (Bấm>) Chương trình của Bích Phượng trên VietFace ngắn nhưng tôi cũng được mời ôm đàn hát trực tiếp một ca khúc.

 

Đến tối, chúng tôi tới nhà của Thúy Anh để tham dự chương trình Radio 1480AM  Nhạc Chiều Thứ Bảy do cô thực hiện.  Nhạc Chiều Thứ Bảy là một chương trình âm nhạc được nhiều người ở Quận Cạm yêu chuộng do giọng nói ngọt ngào và có duyên của Thúy Anh. 

 

Một anh bạn cùng lớp với tôi ngày xưa ở Đà Lạt đã theo dõi chương trình của Thúy Anh mà nghe được giọng nói và tiếng hát của tôi.  Tôi từng điều hành một chương trình phát thanh ở Melbourne  nên rất thích không khí phỏng vấn ở trên radio, như chương trình trực tiếp của Thúy Anh:   Nói chuyện thoải mái, giới thiệu, chơi nhạc trong CD của tôi và mời tôi hát trực tiếp. Sau buổi trò chuyện trên đài, Thúy Anh nói cô nói hy vọng ngày nào đó sẽ gặp lại tôi và “lúc đó sẽ hát cho anh nghe nhạc của anh”. Thì ra, Thúy Anh cũng là một ca sĩ từng hát trên một số sân khấu.

 

Trực tiếp truyền thanh: Thúy Anh (phải) đang trò chuyện với Nguyễn Hồng Anh và Kim Dung trong chương trình Nhạc Chiều Thứ Bảy

 

Ngày hôm đó, tôi phải “đi sô” hai lần và cũng là ngày đầu tiên tôi gặp các ca sĩ sẽ hát cho chương trình Tình Ca Hát Cho Việt Nam bởi Phiến  Đan hẹn tất cả các nghệ sĩ tới nhà cô để tổng dợt. Gọi là tổng dợt nhưng đây là lần đầu tiên các ca sĩ hát với sự đệm đàn của các nhạc công.

 

Chúng tôi gặp nhau lần đầu, nhưng tình thân đã nảy nở để rồi rất có thể sẽ có những buổi trình diễn với nhau  sau này trong tinh thần văn nghệ. Làm tôi lại nhớ thời còn trẻ. Nay đã vào tuổi sáu mươi (thập niên 2010) mà xem như còn tuổi ba mươi (thập niên 1980). Tình yêu âm nhạc đã trở lại. Dù muộn, nhưng  cuộc sống thêm ý nghĩa.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 6.12.2014

 

(TVTS số 1498  – phát hành Thứ Tư 10.12.2014)